Những bài ca cổ nặng tình quê hương của soạn giả Nguyễn Văn Bớt

458

Soạn giả Nguyễn Văn Bớt sinh năm 1969, quê gốc tại xã Bình Hòa Nam huyện Đức Huệ tỉnh Long An. Hiện sinh sống là làm việc tại TP. Cần Thơ, là Hội viên Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Hội viên Hội nghệ sĩ sân khấu TP. Cần Thơ, đã viết trên 100 bài ca cổ, đa số đã phát hình và phát thanh ở các Đài Trung ương và nhiều tỉnh thành trên cả nước, và hoàn thành 2 Kịch bản sân khấu cải lương.

Tuổi thơ gắn với miền đất bưng biền nằm ven bờ sông Vàm Cỏ Đông  tím sắc bông lục bình, quanh năm rì rào sóng vỗ. Hiện sinh sống là làm việc tại TP. Cần Thơ. Cử nhân Lịch Sử tại Đại học Cần Thơ (1989 – 1993), Cử nhân Báo chí tại Đại học KHXH-NV Thành Phố Hồ Chí Minh (2000- 2004). Soạn giả nổi tiếng Diệp Vàm Cỏ là người thầy có công lớn nhất giúp đỡ Tác giả Nguyễn Văn Bớt trong quá trình sáng tác. Năm 2021, tại Cuộc thi sáng tác do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức, đạt Giải B với bài ca cổ “Chung tay chống dịch” do Lư Quốc Vinh – Nhật Hoàng, là hai nghệ sĩ Đoàn Văn công Quân khu 7 song ca trên VTV1.

Soạn giả Nguyễn Văn Bớt

       Từ thuở thiếu thời đã mê ca cải lương và vọng cổ.

        Từ lúc còn học lớp 5 đã biết ca vọng cổ và vô cùng thần tượng giọng ca NSND Thanh Tuấn. Lúc học cấp 3 cho đến khi là sinh viên Đại học Cần Thơ luôn tích cực tham gia phong trào văn nghệ của nhà trường. Bắt đầu sáng tác ca vọng cổ và cải lương từ năm 1995. Đến nay, đã viết trên 100 bài ca cổ, đa số đã phát hình và phát thanh ở các Đài Trung ương và nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Đã hoàn thành 2 Kịch bản sân khấu cải lương: Kịch bản “Cùng xây quê mới” viết tại Trại sáng tác năm 2022 do Liên hiệp Các hội VHNT TP. Cần Thơ tổ chúc tại Nhà sáng tác Cần Thơ. Và Kịch bản “Tiếng gọi quê hương” đã viết xong vào tháng 5/2024 tại Nhà sáng tác Đà Nẵng do Bộ VHTT&DL tổ chúc, cả hai Kịch bản đã in chung thành sách với nhiều tác phẩm chọn lọc với các tác giả khác.

      Soạn giả – nhà báo Mai Văn Lạng hiện là Trưởng phòng dân ca của Đài Tiếng nói Việt Nam nhận xét: “.. Soạn giả Nguyễn Văn Bớt sáng tác những bài ca vọng cổ với ca từ rất mượt mà, ý tứ sâu lắng, nên người nghệ sĩ rất dễ thể hiện cái hồn của bài ca và rất dễ dàng học thuộc. Sáng tác mang đậm tình yêu quê hương đất nước, biển đảo, tình người Nam Bộ, giản dị, mộc mạc, ca ngợi Đảng – Bác Hồ, luôn lắng đọng trong lòng khán thính giả mộ điệu…”.

        Mỗi bài hát là đóa hoa thể chủ đề chiến tranh cách mạng và tình yêu quê hương đất nước:  bài Ca cổ “Đức Huệ chút tình quê” đã được nhiều nghệ sĩ thể hiện như NSND Thanh Tuấn, NSND Trọng Hữu, NSND Phượng Loan, NSND Hồ Ngọc Trinh và NSUT Kim Tiểu Long … đơn ca trên các Đài PT-TH Long An, HTV, VTV Cần Thơ, Đài Tiếng nói Việt Nam…“Vòng cung vùng đất anh hùng” do 2 NSND Tấn Giao – Quế Trân song ca trên Đài PT-TH TP. Cần Thơ. “Thương nhớ Tháp Mười” do NSUT Lam Tuyền ca trên Đài PT-TH Đồng Tháp. “Thương Chuyến phà xưa” do NSND Thanh Tuấn ca trên Đài PT-TH Long An, NSUT Lê Tứ ca trên Đài VTV Cần Thơ… Ca ngợi những thành tựu về xây dựng nông thôn mới: Tiêu biểu là các bài Ca cổ “Cờ Đỏ quê mới tôi yêu” do NSUT Thu Vân – CVVC (Chuông vàng vọng cổ) Bùi Trung Đẳng song ca Đài PT-TH TP Cần Thơ. “Sắc Xuân Mỹ Khánh” do NSND Hoa Phượng và NS Đức Tài ca. + “Quê mới Thới Lai” do NSND Tấn Giao – CVVC Lê Diệu Hiền song ca. + “Lộc Xuân dưa – bưởi hồ lô” do NS Thanh Nhường ca trên Đài PT-TH Hậu Giang…

Soạn giả Nguyễn Văn Bớt và NSNN Thanh Tuấn

Đến sáng tác ca cổ – cải lương ngày càng đa dạng đề tài.

      Sợi chỉ đỏ trong các tác phẩm của Tác giả Nguyễn Văn Bớt là luôn lấy tinh thần phục vụ nhân dân là trên hết, là trái tim hòa điệu từ nhiều phía nhất là bà con mộ điệu bộ môn nghệ thuật ca cổ – sân khấu cải lương. Biết học tập cái hay của các tác giả đi trước. Cố gắng viết bài ca có vần có diệu để người ca dễ thuộc, ca từ phải chọn lọc để dễ nhớ….

    Đề tài ngày càng đa dạng, năm 2021, góp phần tuyên truyền chống dịch bệnh, tác giả viết bài Ca cổ “Tình người trong mùa dịch” do NSND Thanh Tuấn ca trên Đài Tiếng nói Việt Nam. “Chung tay chống dịch” do NS Lưu Quốc Vinh – NS Nhật Hoàng (Đoàn Văn công QK7) song ca trên Đài VTV1. + “Quân – dân miền Đông đồng lòng chống dịch” do NS Đức Tài ca trên Đài PT-TH Long An…Gợi lại những kỉ niệm thân thương thời sinh viên ở trường Đại học Cần Thơ là bài “Nhớ về Đại học Cần Thơ” do NSND Trọng Phúc – NSUT Phượng Hằng song ca, phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam…Tình yêu với biển đảo quê hương với bài “Ngàn năm thương nhớ Trường Sa” do nhiều nghệ sĩ thể hiện như NSND Thanh Tuấn, NSND Trọng Hữu ca ở nhiều nơi như Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài PT-TH Long An, Đài PT-TH Quảng Ngãi, Đài PT-TH Thanh Hóa, Đài PT-TH Sóc Trăng; CVVC Nguyễn Thị Luận đơn ca trên Đài HTV9; NSUT Lê Hồng Thắm – CVVC Võ Thành Phê song ca trên Đài VTV Cần Thơ…

    NSND Thanh Tuấn cho biết : “… Đến nay, tôi đã từng thu thanh và quay hình trên 10 bài ca cổ của Tác giả Nguyễn Văn Bớt, anh viết đa dạng phong phú đề tài, hầu hết các bài ca đều đạt chuẩn về nội dung lẫn hình thức, câu chữ ngắn gọn nhưng đầy đủ ý tứ, ca từ bình dị nhưng cũng hết sức trang trọng, đủ sức lay động lòng người…”

    Một trong những mốc son đáng nhớ nhất trong sáng tác của Nguyễn Văn Bớt là sự kiện bài Ca cổ : “Ngàn năm thương nhớ Trường Sa” được Thí sinh Nguyễn Thị Luận (Kim Luận) hát đoạt giải Chuông vàng vọng cổ năm 2013 do Đài HTV tổ chức. Đặc biệt có 2 bài ca cổ đã và đang được đông đảo công chúng mộ điệu trên cả nước biết đến là “Ngàn năm thương nhớ Trường Sa” và “Đức Huệ chút tình quê ”.

      Lê Thanh Tùng