(Vanchuongphuongnam.vn) – Hóa ra, phía sau cuộc chiến, không chỉ có những người lính trận như anh chịu đựng áp lực, thách thức và cả hy sinh, thiệt thòi mà những người con gái bình dị như Thảo – sơn nữ dưới chân núi Trường Sơn này cũng có sự hy sinh lớn lao, thầm lặng!
Nhà văn Trần Thế Tuyển
Không phải ai ra đi cũng có may mắn trở về. Cuộc chiến khốc liệt mấy mươi năm đã có biết bao chàng trai ra đi từ ngôi làng này mãi mãi không trở về. Tuổi Xuân của họ đã găm vào đá núi. Thân thể họ biến thành đất đai tổ quốc và hồn bay lên hóa linh khí quốc gia. Thả bộ bên bờ hồ Yên Vinh, Thái nghĩ thế.
Lúc ấy hoàng hôn đã tắt. Những tia nắng vàng vọt, yếu ớt còn sót lại mơn man mặt hồ. Có phải sinh ra vào giờ Thìn, tháng Thìn, năm Thìn – cầm tinh con Rồng nên Thái thật gần gụi với nước. Thái cảm nhận được điều đó. Cứ mỗi lần đứng trước biển hay sông hồ là Thái thấy mình khác lạ. Đặc biệt mỗi lần trời đổ mưa, Thái như con rồng bay lượn, vùng vẫy trong mưa gió.
Lần này cũng vậy. Trở về nơi đóng quân cách đây tròn nửa thế kỷ, Thái thấy mình lạ lắm. Thái chọn thời khắc huyền ảo nhất, khi ngày và đêm như đang tan biến vào nhau để ra thăm hồ Yên Vinh – nơi lưu dấu kỷ niệm mơ màng đầu đời của anh. Thực sự đây chưa phải tình yêu lứa đôi, chỉ là nét chấm phá của một bức tranh sơn thủy kỳ vĩ. Nhưng đã làm trái tim 18 tuổi của anh rung lên nhịp lạ.
Chiều nay, đáp máy bay, đoàn công tác của anh đã “hành quân“ về xóm núi nằm dưới chân dãy Trường Sơn kỳ vĩ này. Kỷ niệm 50 năm mở đường Trường Sơn, tờ báo của anh phát động cuộc vận động hướng về Trường Sơn để tri ân những người đã hy sinh cho con đường mang tên vị anh hùng dân tộc huyền thoại. Thái nhớ đến làng Đâu – ngôi làng đã cưu mang, che chở anh và đồng đội mấy tháng trời trước khi hành quân vào chiến trường. Trao đổi với lãnh đạo xã qua điện thoại, vị chủ tịch có giọng lơ lớ, đề xuất:
– Bà con nơi đây còn thiếu thốn nhiều lắm. Nhưng theo tôi, các anh nên xây dựng cho bà con một khu khám và chữa bệnh. Nơi hẻo lánh này, mỗi lần mắc bệnh, bà con phải lên huyện, lên tỉnh, có khi phải ra tận Hà Nội, gian nan lắm.
Và, với trách nhiệm người đứng đầu, Thái đã cử tổ công tác về đây phối hợp cùng bộ đội biên phòng và chính quyền địa phương khảo sát, thiết kế một bệnh xá với số tiền đầu tư ban đầu lên tới hàng tỷ đồng. Thái chọn đúng dịp kỷ niệm ngày rời làng Đâu vào chiến trường để khởi công xây dựng công trình. Ngày mai sẽ là một ngày đáng nhớ. Thái sẽ cùng lãnh đạo địa phương và chỉ huy bộ đội biên phòng bổ nhát cuốc đầu tiên động thổ công trình này. Biết Tổng Biên tập từ Miền Nam ra, Thượng tướng Phó Tổng Tham mưu trưởng và Trung tướng Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cũng sắp xếp thời gian về dự. Cơm nước với khách xong, Thái “trốn“ ra đây. Anh muốn có phút giây yên tĩnh để cảm nhận, hồi ức về “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy“.
Ngày ấy, Thái chưa đầy mười tám tuổi. Chỉ còn hơn tháng nữa thì khóa học của anh thi tốt nghiệp cấp 3. Ấy là lúc chiến trường miền Nam diễn ra quyết liệt. Sau đợt tổng công kích Mậu Thân, địch mở nhiều cuộc hành quân hòng quét sạch lực lượng của ta. Có lệnh động viên cục bộ, Thái và một số bạn trong lớp 10A tình nguyện nhập ngũ. Trước khi hành quân vượt Trường Sơn vào Nam Bộ, đơn vị anh đóng quân quanh bờ hồ Yên Vinh thơ mộng này. Là cán bộ Đoàn học sinh cấp 3 nhập ngũ, vào đơn vị ít ngày Thái được giao làm tiểu đội phó rồi được giao làm đội trưởng đội văn nghệ tiểu đoàn. Thái hăng hái với công việc được giao. Có năng khiếu văn nghệ, Thái sáng tác vở kịch nội dung về tình quân dân cho đội văn nghệ tập, tham gia hội diễn sư đoàn. Trong vở kịch ấy, có vai cô sơn nữ yêu chàng tân binh. Tình yêu đến với họ như “sét đánh” qua một lần giao lưu văn nghệ giữa chi đoàn bộ đội và chi đoàn thanh niên địa phương. Là tác giả kịch bản kiêm đạo diễn, Thái tự đảm đương vai người lính trẻ. Chi đoàn địa phương giới thiệu cho anh một cô gái có nét mặt thanh tú, tóc đen dày, da trắng và đặc biệt khuôn ngực đầy sức sống đảm nhận vai sơn nữ. Gặp lần đầu, cô gái ấy đã lọt vào mắt xanh của vị “đạo diễn“ bất đắc dĩ. Thái ít khi gọi cô gái nào cùng trang lứa với mình là em. Nhưng gặp Thảo (tên cô gái), Thái tự tin lắm:
– Em đóng vai người yêu của anh nhé?
Và, chưa biết yêu, chưa yêu lần nào, với vai trò “đạo diễn”, Thái chỉ đạo từng động tác cho cô gái khi “phải lòng“ người con trai, khi lần đầu trái tim rung lên nhịp lạ. Đến bây giờ, Thái cũng không lý giải được sao mình lại có “năng lực trời cho“ đó. Trong vở kịch có đoạn Thái ôm người yêu, trao tặng cô nụ hôn đầu đời. Thái đã tự tin diễn. Hay đến nỗi cả hội trường hò reo tán thưởng và kết cục, tiết mục của anh được trao giải xuất sắc. Sau đợt hội diễn, không biết Thảo nghĩ thế nào, nhưng cứ mỗi lần nhắm mắt là Thái thấy ánh mắt da diết của Thảo. Cả hương tóc với mùi bồ kết nữa. Thái không dám thổ lộ điều sâu kín ấy. Cho đến khi đơn vị kết thúc huấn luyện hành quân vào chiến trường thì Thái mới thật ngỡ ngàng trước tình cảm của Thảo – cô “sơn nữ“ dưới chân núi mở đầu con đường Trường Sơn huyền thoại. Ấy là khi kết thúc đêm văn nghệ tiễn đưa các chiến sĩ ra mặt trận, Thảo ghé sát tai Thái thì thầm:
– Anh Thái, tý nữa em gặp riêng anh chút nhé?
Thái không tin vào tai mình, hỏi lại. Thảo nhí nhảnh ghé sát vào người Thái, sát đến nỗi Thái có cảm giác vồng ngực căng tràn của Thảo đang đè lên người anh: – Tý nữa gặp nhé!
Khi mọi người về hết, Thái đợi Thảo dưới gốc cây mà đã có một lần họ hẹn nhau để “trao đổi công việc“. Thảo đến. Cô “sơn nữ“ không ngần ngại ôm chặt Thái, khiến anh bối rối. Giọng Thảo lạc đi trong tiếng gió thổi từ hồ Yên Vinh:
– Anh Thái đi có nhớ làng Đâu không? Có bao giờ về đây nữa không?
Dẫu ngỡ ngàng, nhưng với bản năng của chàng trai mới lớn, Thái ôm ghì Thảo:
– Nhớ chứ. Trở về, nhất định anh sẽ trở về!
Và, Thảo không chỉ diễn như khi lên sân khấu, cô đã chủ động trao cho Thái nụ hôn. Đối với Thái đó là nụ hôn đầu đời. Sau cái hôn bỏng cháy, chưa kịp nói thêm điều gì, Thảo đã ấn vào tay Thái gói nhỏ:
– Anh đi giữ gìn sức khỏe. Hòa bình về tìm em…
Chưa dứt câu, Thảo đã buông Thái biến vào màn đêm. Thái như người mộng du, anh lang thang dọc con đường mà hằng ngày vẫn ra thao trường. Không biết hương tóc của Thảo hay hương rừng Trường Sơn làm anh mê man. Thái tự trách mình chưa nói điều gì với Thảo. Anh tự vấn: có phải mình cũng đã yêu Thảo không?
Thái cùng đồng đội hành quân vào chiến trường. Hơn ba tháng trên đỉnh Trường Sơn mây mù bao phủ cứ mỗi khi rảnh, anh lại giở gói quà của Thảo ra xem. Đó là chiếc khăn tay có thêu đôi chim bồ câu và dòng chữ: Em đợi anh!
Chiếc khăn như có phép nhiệm màu, tiếp sức cho Thái, nhất là khi những trận sốt rét rừng ập tới. Đến miền Đông Nam Bộ, Thái được bổ sung vào trung đoàn 174 đánh địch ở vùng biên giới Việt Nam – Campuchia rồi hành quân thọc sâu xuống đồng bằng sông Cửu Long. Chiến tranh liên miên, hành quân không ngừng nghỉ, Thái không có dịp viết thư cho Thảo. Kết thúc chiến tranh, Thái cứ nghĩ chừng đó năm mất liên lạc, Thảo đã quên anh và chắc đã đi lấy chồng. Đó chỉ là “tiếng sét“ đầu đời, đã thề thốt, hò hẹn gì đâu mà bắt Thảo phải chờ đợi. Thái nghĩ thế.
Thấm thoát đã gần 40 năm, Thái được điều về làm Tổng Biên tập một trong những tờ báo lớn nhất của thành phố. Như đã nói ở trên, khi tờ báo mở cuộc vận động hướng về Trường Sơn, một trong những việc đầu tiên Thái nghĩ đến là trở lại làng Đâu, tri ân vùng đất đã che chở mình một thời. Và, tất nhiên, Thái le lói hy vọng sẽ gặp lại cô “sơn nữ” – người diễn viên thủ vai người yêu của anh và cũng là người con gái đã trao cho anh nụ hôn đầu đời…
Thái đã toại nguyện khi trao tặng cho làng Đâu công trình mang tên Bệnh xá Quân Dân y kết hợp. Và, Thái cũng đã toại nguyện gặp lại cố nhân. Nhưng chỉ có điều cuộc gặp gỡ ấy ngoài sức tưởng tượng làm trái tim anh đau nhói.
Chiều nay, kiểm tra công việc cho lễ khởi công xong, Thái nhờ một cán bộ địa phương tìm nhà cô sơn nữ có tên Thảo ấy. Anh công an viên trẻ của xã ngớ người hồi lâu rồi nói:
– Có phải bà Thảo nhà dưới chân núi Cối gần hồ Yên Vinh không? Rồi anh ta nói tiếp: – Cháu biết. Cháu biết bà ấy. Bà ấy tội lắm. Đẹp người, đẹp nết mà hơn 50 tuổi bà không lập gia đình. Người ta bảo bà ấy chờ đợi ai đó. Hình như một chú bộ đội đã từng đóng quân ở đây trước chiến tranh mà mãi chưa trở về…
Nghe nói thế, Thái như muốn rụng rời chân tay. Cái cảm giác mộng du như lần gặp Thảo cách nay hơn 40 năm khiến anh chung chiêng. Thái cố giữ bình tĩnh. Anh hỏi thêm vài điều về người đàn bà mà anh sắp gặp. Xác định đúng là cô “sơn nữ” – diễn viên thuở ấy, Thái rảo bước theo anh công an viên vào nhà. Đó là một căn nhà hai gian, vách nứa, tuềng toàng. Có tiếng chó sủa, giọng một phụ nữ trong nhà vọng ra:
– Ai đấy?
– Bà Thảo có khách quý từ xa đến này.
Chủ nhà là một người đàn bà luống tuổi, tóc hoa râm, thân hình tiều tụy héo hắt như tàu lá khô.
– Dạ, khí không phải. Bác là ai, từ đâu đến ạ? Người đàn bà chủ nhà niềm nở.
Thái không giấu được bình tĩnh, giọng anh lạc đi:
– Thảo. Thảo không nhận ra tôi sao. Tôi là Thái. Thái 582 đóng quân ở đây năm 1970.
Đến lượt người chủ nhà sửng sốt:
– Ôi, anh Thái, anh Thái. Chiến tranh đã kết thúc mấy chục năm nay sao bây giờ anh mới trở về.
Thái thấy ngèn ngẹn ở cổ. Anh nói không ra tiếng:
– Tôi, tôi cứ nghĩ là…
Như hiểu ra vấn đề, người đàn bà chủ nhà chuyển giọng:
– Thôi chuyện đâu còn đó, kể sau. Mời anh Thái vào nhà…
Như nhận ra mối quan hệ giữa hai người, anh công an viên nói:
– Cháu xin phép cô chú. Cháu về xã chuẩn bị tiếp công việc ngày mai. Cháu chào cô chú ạ
Chưa kịp để hai người trả lời, anh công an viên đã mất hút sau lùm cây trước ngõ.
Thảo đặt ly nước lọc trước mặt Thái. Bây giờ Thái mới có dịp nhìn kỹ Thảo. Trời ơi, thời gian đúng là cái cưa. Cái cưa ấy đã biến cô “sơn nữ“ xinh đẹp, đầy sức sống ngày nào thành một bà già. Chỉ có ánh mắt của Thảo, ánh mắt đã trao cho anh cái nhìn da diết đầu tiên thì vẫn thế.
Thảo kể vắn tắt cho Thái chặng đường mấy mươi năm. Bao nỗi thăng trầm. Thảo chờ đợi Thái mấy chục năm. Nhưng đều vô vọng…
– Bây giờ cuộc sống của Thảo sao? Thái hỏi
– Em ở một mình. Rồi Thảo nói giọng rụt rè. Anh còn sống sau chiến tranh là mừng rồi. Chúc mừng anh. Còn em. Nếu anh có quen cán bộ địa phương nói giúp công nhận em là người cô đơn..
Thái nghĩ Thảo nói đùa. Nhưng khi chia tay, Thái gọi cho chủ tịch xã mới biết đó là danh xưng chỉ một đối tượng được hưởng chính sách xã hội…
Tim Thái đau nhói. Anh lang thang bên bờ hồ Yên Vinh. Mặt trời
chim xuống đáy hồ như cục máu. Phía xa dãy Trường Sơn xanh đậm như có ai phết sơn. Trong hương rừng ngào ngạt và tiếng gió lao xao từ mặt hồ, Thái sững sờ. Hóa ra, phía sau cuộc chiến, không chỉ có những người lính trận như anh chịu đựng áp lực, thách thức và cả hy sinh, thiệt thòi mà những người con gái bình dị như Thảo – sơn nữ dưới chân núi Trường Sơn này cũng có sự hy sinh lớn lao, thầm lặng!
T.T.T
Nam Định, tháng 12-2019
Post Views: 267