Sông Côn trăn trở theo mùa

949

Nguyễn Thị Phụng

(Vanchuongphuongnam.vn) – Trả vay trên từng dòng sông Trăn trở tuổi mười tám*(1965) nhẹ nhàng kín đáo, Tiếng hát lên đường*(1967) từ lúc đôi mươi… Rồi mãn nguyện dự báo “Và cái bóng của tôi rồi cũng biến mất” (Tựa), nên khao khát sẻ chia: “Tôi không tìm thấy tôi” (NXB Hội Nhà văn- 2019) tập thơ đầu tay ở tuổi 72, vẹn nguyên sen hồ theo mùa xôn xao. Ẩn trong Hoa cho Tết và Em* (1980) lặp lại thường niên, tươm tất trang trọng, duy trì nét đẹp văn hóa không được lãng quên trong mỗi cá nhân, gia đình.

Tập thơ “Tôi không tìm thấy tôi” của nhà thơ Nam Thi

 

Mượn từ Sông Côn để nói đến thi nhân sinh ra ở làng Thuận Nghĩa, chắc hẳn người Tây Sơn, Bình Định đều trân quý anh. Nam Thi, bút danh từ khi “viết lách” (những năm 1965) và tòa soạn báo Thanh niên là ga cuối trước khi anh về hưu. Còn khoảng “bí mật”với chừng thời gian ấy anh đã làm những gì: Duyên nợ “chuyện đời” gởi vào trang văn với hai tập truyện ngắn Nụ hôn đầu của chim én, Nàng Eva góa bụa (NXB Văn hóa Văn nghệ, đầu năm 2019). Trả vay trên từng dòng sông Trăn trở tuổi mười tám*(1965) nhẹ nhàng kín đáo, Tiếng hát lên đường*(1967) từ lúc đôi mươi… Rồi mãn nguyện dự báo “Và cái bóng của tôi rồi cũng biến mất” (Tựa), nên khao khát sẻ chia: “Tôi không tìm thấy tôi” (NXB Hội Nhà văn- 2019) tập thơ đầu tay ở tuổi 72, vẹn nguyên sen hồ theo mùa xôn xao. Ẩn trong Hoa cho Tết và Em* (1980) lặp lại thường niên, tươm tất trang trọng, duy trì nét đẹp văn hóa không được lãng quên trong mỗi cá nhân, gia đình.

Tựa đề Tôi không tìm thấy tôi,Có thể tôi không có thật, tìm tôi uổng công”, nhưng tôi từng tồn tại thế gian này, được xác tín đúng thời điểm đỉnh cao công nghệ thông tin cập nhật ngõ ngách làng quê. Giữa cái thật chân chính lại có cái ảo mơ hồ rập rình liếm láp. Sự ngộ nhận “cái ảo” bị bác bỏ, bởi “cái thật” lịch sử thuộc về thế hệ trước xả thân cho hôm nay: “Con đường Nguyễn Du mát bóng me/ Ngày hai buổi anh đi về/ Biết mấy mùa Xuân đã qua trên con đường đó/ – Những mùa Xuân lửa đỏ/ Mười mấy năm đời anh gian khổ/ Để Xuân này anh chở em đến sở/ Đưa em vào ca đầu năm” (Hoa cho Tết và Em)* giao mùa khởi sắc. Ba trăm sáu mươi lăm ngày qua, hay quá khứ khép lại, chút mưa xuân rắc hạt quanh thềm, lung linh nắng mới, hoa giấu mình trong hương mà hương cứ tỏa, thẩm thấu thơ văn thời Lí Trần ngày ấy: “Hồn nhiên người với hoa vô biệt/ Một đóa hoa vàng chợt nở bung” gieo vào tâm thức thi nhân, giá trị bản chất cuộc sống thường ngày mỗi người gắn kết cộng đồng xã hội. Mùa xuân hương sắc ấm áp, lan tỏa từ trách nhiệm “Còn nửa giờ nữa anh vào họp/- Những ngày vui, Công an vẫn bận/ Tranh thủ ta đi mua hoa nghe cưng” điệu nói tâm tình lãng mạn, chừng mực mà sâu lắng nồng nàn tình yêu hạnh phúc gia đình kết nối:

Mình mua hoa cúc tím cho em
Em có thể nghĩ đến màu nhớ thương
Màu của không-bao-giờ-quên
Nửa cuộc đời qua của riêng em.

Mình mua hoa lai-ơn đỏ cho anh
Màu hoa như màu áo cưới của em,
Màu của cuộc sống và hy sinh
Cho nửa cuộc đời còn lại của chúng mình.

(Hoa cho Tết và Em)*

Phải chăng Màu của cuộc sống và hi sinh nhắc nhở nhau trên Những chặng đường đã qua*, theo năm tháng gánh vác, gian nguy mà kiêu hùng, vẹn nguyên: “Được tin hắn vừa chết hôm qua/ Mà tôi không về được Sài gòn để viếng/ Delete tên mà nhớ hắn vô cùng/…/ Nhưng làm sao tôi xóa hắn trong tim tôi/ Người bạn chí cốt một thời sống chết có nhau/ H. ơi.” (Delete tên bạn tôi, 2010)* Cuộc đối thoại tâm tưởng hay tự soi mình về một thời tuổi trẻ cống hiến, bởi không gian hiện hữu và quá khứ đan xen: “Có bao nhiêu trận mưa/ Trong suốt đời ta/ Làm sao ta nhớ hết?/ Mưa đầu mùa quê nhà/ Ruộng cày vỡ phơi suốt mùa hạ/ Đất hồi sinh sau những ngày khát nước…/… Mưa rừng Miền Đông xối xả/ Đọt mì non ngửa bàn tay lá/ Hứng trận mưa chiều/ Nhão nhẹt bùn đất đỏ/ Đường hành quân chân bước liêu xiêu./ Đồng Tháp Mười mùa nước nổi/ Mưa ướt áo…/Áo khô rồi lại ướt/ Đêm vượt biên giới cười Kinh Kha:/Ta đâu chỉ một lần qua sông Dịch…” ( Mưa Sài Gòn chợt nhớ)*. Và lúc này trái tim “siêu ngã” (Freud – nhà phê bình văn học trạng thái tâm lí) của thi nhân và người chiến sĩ quyện vào nhau, giữ vai trò chỉ đạo “tự ngã” trong cuộc đấu tranh với “bản ngã”, đồng thuận với hồn dân tộc đất nước…

Tôi không tìm thấy tôi luôn thường trực nỗi nhớ. Khơi gợi từ những Nhịp cầu* Nghe tin bạn về thăm Huế*, cứ cồn dâng: “Nỗi mình ai sẻ mà chia?/ Cõi người bến tỉnh, bến mê phương nào?” Đến khi lần về thăm Huế ơi*, Huế – Ngày về* sau năm mươi năm trở lại: “Nếu có thể vo tròn nỗi nhớ/ Thành hòn sỏi nhỏ/ Quẳng xuống dòng sông/ Triệu triệu năm/ Nước chảy không mòn” (Qua cầu Trường Tiền)*. Nước chảy, đá mòn nhưng dễ gì nỗi nhớ triệu triệu năm sao mòn được những dấu yêu một thời ở quê ngoại đến trường, cộng thêm tình mẹ thiết tha: “Mẹ tôi xa Huế/ Theo chồng về tận đất phương Nam/ Mang theo lời hát ru của Huế: “À ơi/ Gió đưa mười tám lá xoài/ Lấy chồng Bình Định cho dài đường đi/…/ Đường đi dài/ Mẹ tôi đi không trở lại…” (Mẹ ru)*. Trong Tấm ảnh cuối cùng của mẹ* thể lời di chúc khắc ghi Huế quê mẹ ruột rà có dòng Hương giang thơ mộng bấy lâu; Bình Định quê cha, máu mủ với mạch nước Sông Côn trăn trở theo mùa. Hòa quyện sóng đôi từ nguồn Trường Sơn làm nên cốt cách Nam Thi, ngọt ngào lời tự tình lục bát khi Về với dòng sông*:

Ta về ngồi với dòng sông
Chìm trong đáy nước mênh mông mây trời
Ta về trong dáng núi soi
Trông hoàng hôn xuống ửng trời Tây Sơn
Ta về cắn cọng rau non
Ăn con cá nhỏ, tắm con sông già

Về với dòng sông để được tắm con sông già đã là hạnh phúc. Từ vẻ đẹp nguồn cội Tình quê lúa lép, lúa lừng*, của tuổi thơ ngày ấy ăm ắp Buổi chiều nghe em hát* về Sông Côn đôi bờ*. Giờ Em là ngọn gió*, Anh như là ngọn gió* thong thả Rong chơi giữa đời*. Chút lãng đãng nên thơ, dù biết rằng lúc Tiễn bạn về Nha Trang*, hay trở lại Quy Nhơn*, Diêu Trì* đâu phải là Đường đi không tới*. Nhưng trên mỗi điểm dừng, Nam Thi đều lưu kỉ niệm (Thành Hoàng đế kí sự, An Khê kí ức hóa thạch, Hạt phù sa Champa tươi rói,…)*. Trong Kí ức của dòng sông*, thoáng Lao xao và tĩnh lặng*, ngẫm Xem tượng Quang Trung* mà băn khoăn: “Ta không quen thấy Người giáp trụ, long bào/ Như tượng đồng người ta mới dựng”. Bởi Người anh hùng áo vải, nghĩa khí hào hùng:

Suốt đời Người quen ngồi trên yên ngựa,
Vung ba thước gươm dọc ngang
Đánh Nam dẹp Bắc
Người chưa quen ngồi trên ngai vàng
màng che, trướng phủ.

Suốt đời Người quen ở giữa chốn ba quân,
Quen nghe tiếng ngựa hí voi gầm, quân reo dậy đất, trống trận bập bùng
”…

Tôi không tìm thấy tôi không là khoảnh khắc Mặc niệm*: “Lãng phí như trận mưa chiều cuối hạ”, chính chung quy Ngày của mẹ* cũng như Mẹ nhớ lời con dặn* tồn tại được mất là tất yếu: “Rồi con cũng sẽ già như mẹ/ Cũng mỏi mòn ngóng đợi con xa…”. Nên không quên: Chúc phúc con gái lấy chồng*. Riêng mình khi Chiều đã xanh rêu*, còn Vòng tay của đêm* ấp ủ sự tiếp nối sắp đặt tự nhiên, khoảnh khắc: “…Hoa ngẩng trông một trời mây trắng/ Nắng chiều nghiêng rưng rức tử kinh/…/ Cũng như mây đời ta trôi nổi/ Một chiều về soi bóng dòng sông”(Hạ vừa lỡ trượt sang thu)*, tìm thấy Những hòn cuội giữa dòng*: “Âm vang của thơ” quay quắt xót lòng: “Thương ngọn cỏ cháy vàng/ Thương dòng sông đang chết…” (Đất đợi)*giữa mùa khô hạn, giờ điệp khúc hân hoan:

Ruộng đồng không chỉ đợi nước trời
Nước dự trữ trên nguồn sẽ chảy về cho mùa gieo hạt
Rồi trời sẽ mưa cho mát lòng người, vui lòng đất
Những cánh đồng rồi sẽ xanh mát mắt em ơi

(Về quê mùa nắng lửa)

Cảm ơn nước dự trữ trên nguồn, cảm ơn những cánh đồng xanh mát, hay chính là lời cảm ơn những đôi tay cần mẫn làm nên mùa vàng. Nhà thơ còn… lần theo cảm xúc xao động trào dâng ở những chùm Thơ bốn câu*: “Anh về dưới giã tìm chút gió/ Mà gió trùng khơi chửa kịp về/ Chợt nhớ Tây Sơn chiều ráng đỏ/ Mưa nguồn gió lộng nẻo sơn khê”, tạo vật theo vòng luân lưu: “Những chiếc lá khẽ chạm vào nhau/ Cùng sẻ chia nắng sớm mưa chiều/ Cùng khô vàng để gió cuốn theo” (Chùm thơ Haiku)*. Đơn giản đóa vô thường đằm thắm sắc thiền đã ướm, giữa người và thiên nhiên hợp thành cảm thức thẩm mĩ cô đúc làm nên thi hứng sáng tác.

Nếu như “Biên niên sử trên cánh đồng hoa bất tận”* chắt lọc từ tâm hồn “Thi dĩ căn tình, tại tâm vi chí, phát ngôn vi thơ” của người xưa, tác giả gởi vào Lời kết: “Giờ thứ 25 dành cho thơ và em”* ung dung trọn vẹn: “Anh dìu em qua đường như chàng trai ngày đó/ Và trái tim vẫn lặng lẽ/ gõ nhịp bài hát tình yêu” (Mỉm cười với nắng vô ưu*).

Nên chăng sự phủ định thách thức “Tôi không tìm thấy tôi” tất yếu. Nhưng bạn đọc tâm đắc khẳng định Nam Thi hóa thân vào cả tập thơ: Lúc mộc mạc thân tình, lúc day dứt suy tư, lúc bày tỏ chính kiến về những chặng đường (dấu mốc thời gian từ 1965 thế kỉ XX đến giờ), những dòng sông vượt ghềnh thác đổ về xuôi mà tự hào, dẫu biết: “Lịch sử im như đất/ Không biết khóc biết cười/ Tình im như hạt thóc/ Gieo vào đất nẩy chồi” (Thơ bốn câu)* đâu chỉ chiêm nghiệm tình đời mà thăng hoa cách sống trọn vẹn đẹp tựa sắc hương theo mùa bung nở.

                                                                                       09.12.2019

N.T.P

*Tên các bài thơ trong tập.