Sông cười – Truyện ngắn của Kỳ Nam

840

(Vanchuongphuongnam.vn) – Hắn giũ tay lưới mới tinh phơi trên mái xuồng và đưa xô cá cho Lụa, ánh mắt nồng nàn của hắn dành cho cô vạn ngàn lời vì không nói được thành lời. Sự im lặng của đất, của đá, của dòng sông, của bầu trời và của người đàn ông lẻ loi trên chiếc xuồng bềnh bồng đổ dài một hình bóng… đã chạm tới trái tim đầy trắc ẩn của Lụa, mang đến cho cô một niềm xuyến xao rung động khác thường. 

Ảnh minh họa – Nguồn internet

Hắn đã từng thở dài, rên siết, thậm chí đã gào thét như một con thú lạc loài trên bến sông vắng lặng để giải tỏa nỗi cô đơn hoang dại của mình. Hắn là một người khuyết tật ngôn ngữ, một người câm điếc không bẩm sinh. Ngôn từ của hắn là những âm thanh vô nghĩa đối với con người, những tiếng hú, tiếng hét, tiếng rống… thoát ra từ cổ họng của một người đàn ông ba mươi tuổi làm rách vỡ cả không gian, tím bầm cả dòng sông và khoảng trời nơi hắn ngụ cư. Những ký ức về âm thanh và sự kiềm hãm nhu cầu giao tiếp bằng ngôn ngữ (từ sau vụ chấn thương kinh hoàng lúc hắn chỉ mới vài tuổi) đã nhiều lần làm hắn phát điên. Hắn tình cờ thấy bóng mình dưới mặt sông lúc đó, một hình thù cổ quái trong chập chờn sóng nước, một khẩu hình thụ phạt đớn đau của thân phận. Không biết đã bao nhiêu lần hắn phóng xuống nước và lặn sâu, thật sâu cho tới khi ngạt thở, bản năng sinh tồn đã đẩy hắn trồi lên, ho sặc sụa, nôn mửa và khóc ràn rụa với những dòng lệ của sông.

Đối với hắn, sông là miên trường những con sóng vô thanh, một sự chuyển dịch bất tận mà hắn chỉ có thể cảm nhận bằng mắt và da thịt thô ráp của kẻ quanh năm trần trụi trong nắng gió. Diện mạo và mùi vị của tất cả các dòng chảy trên con đường du cư của hắn trôi vào hố thẳm thời gian, cô đọng thành ý thức và cảnh giới của một khối đá ngầm trong hắn. Hắn và sông song hành trong thinh lặng bát ngát, không có gì sâu thẳm đến vô cùng và tồn tại miên viễn như sự yên lặng, tuyệt đối yên lặng, khi hắn không thể nghe sông và sông cũng không thể nghe hắn hoặc chỉ nghe bằng chính sự yên lặng lan tỏa vô biên.

Chiếc xuồng ba lá cũ nát và cây dầm bám đầy rong rêu đã cùng hắn lênh đênh khắp con sông rộng và len lỏi trong mê trận kênh rạch của miền sông nước. Một tấm lưới rách bị cột chùm nhiều chỗ, dưới cái vung tay của hắn thành những vòng tròn méo mó chụp xuống mặt nước, lặng lờ chìm đắm rồi sau đó đem về cho hắn một ít cá tôm hoặc có khi không có gì cả. Cuộc mưu sinh âm thầm đơn độc diễn ra như thế và lặp đi lặp lại mỗi ngày, tiếng mái chèo khua nước, tiếng lách tách cá tôm, tiếng gió, tiếng sóng vỗ, tiếng lá cây xào xạc ven bờ… hắn nghe bằng mắt và cảm thụ tất cả bằng các giác quan còn lại.

Mặt sông là nơi hắn neo đậu bốn mùa ở bất kỳ bến bãi nào hắn muốn, một cõi miền mênh mông bát ngát bao bọc lấy hắn, nuôi dưỡng, chở che hắn suốt bao mùa từ triều dâng ngất đỉnh cho đến khi lũ tàn sông cạn. Ngoài nơi chốn an nhiên tự tại đó, chợ Tấm Mẳn là nơi duy nhất hắn lui tới để bán mớ cá tôm ít ỏi đổi lấy miếng ăn hàng ngày. Cái chợ nhỏ xíu như hạt tấm hay hơn một chút là bằng hạt gạo gãy hoặc cùng lắm là đầu cái móng tay út, người trong chợ quen mặt hắn lâu nay đã sẵn lòng bán chịu cho hắn vài ba ký gạo, mấy cái trứng vịt hay chai nước mắm… cả khi hắn không có đồng nào vì không có cá tôm để bán. Nhiều người thấy hắn khoẻ mạnh, vai u thịt bắp đã nhờ hắn khuân vác hàng họ hay chuyển đồ chuyển đạc gì đó… nhưng khi trả tiền công thì hắn xua tay, lắc đầu nguầy nguậy rồi chỉ về phía chiếc xuồng đang bập bềnh ngoài bến, họ tạm hiểu ý hắn là chỉ nhận tiền khi bán cá tôm đánh bắt được thôi! Thi thoảng người ta vẫn thấy hắn xách đỡ vật nặng cho người già yếu, lặn hụp trục vớt xe máy và cả gã đàn ông say rượu đang chạy ngoằn ngoèo trên cầu ván bỗng phóng vèo xuống sông bữa trước… với vẻ mặt chẳng có biểu cảm gì ngoài cái bóng của nụ cười khi được cảm ơn bằng mấy cái vỗ vai hay đôi ba câu độc thoại.

Người ta gọi hắn là thằng Quơ, anh Quơ, chú Quơ… vì không muốn gọi hắn là thằng câm. Họ tự đặt tên cho hắn để dễ dàng hơn khi nói về hắn, cái tên xuất phát từ cử chỉ quen thuộc của hai tay hắn khi giao tiếp với vài ba tiếng ư e vô nghĩa. Không biết tự bao giờ hắn đã trở thành một thành phần không thể thiếu của cái chợ nhỏ hắt hiu, người ta thấy chợ như vắng hơn khi không có hắn xuất hiện với mớ cá tôm chỉ lưng cái rổ nhỏ, mặc dù hắn chỉ lặng lẽ với bước chân không, tạt qua như cơn gió trong những cuộc mua bán chớp nhoáng.

Bởi vậy một ngày kia, khi hắn ôm khư khư trước ngực một cái gì đó ngọ nguậy trong chiếc khăn lông cũ bước vào tiệm hàng xén chỉ tay lên mấy bịch sữa tươi, tiếp theo là ra dấu hỏi mua một bình đựng sữa cho em bé thì già nửa cái chợ đã bu đen chung quanh hắn! Đó là một bé trai sơ sinh chừng mấy ngày tuổi với cái miệng nhỏ xíu khô ran nhưng lâu lâu lại oằn mình khóc thét lên từng cơn vì đói. Hắn lúng túng ôm chặt đứa bé chỉ sợ nó rơi xuống đất nhưng càng ôm nó càng thét tợn. Nếu như hắn nghe được tiếng khóc của đứa bé chắc hẳn hắn sẽ càng quýnh quáng hơn. Đứa bé dường như khóc đã lâu lắm rồi, tiếng khóc rang rảng, khan khao rồi hụt hơi tắt lịm, rồi lại re ré cất lên càng lúc càng đuối làm thắt ruột người nghe. Cũng may trong chợ có một người đàn bà trẻ đang nuôi con mọn nhưng phải chạy chợ hàng ngày với hai bầu sữa tức căng phải vắt bỏ. Đó là vợ anh Ngọt, người leo dừa bận rộn suốt năm vì dừa là loại quả mùa nào cũng có. Chị ra dấu cho hắn và nhẹ nhàng bế lấy đứa bé, quay đi chỗ khác áp cái miệng nhỏ xíu của nó vào bầu ngực mình, tiếng khóc im bặt. Mọi người thở phào, dãn ra nhưng vẫn tìm đủ cách để moi chuyện từ hắn dù chỉ bằng ngôn ngữ hình thể. Từ vẻ mặt, hai cánh tay, bàn tay… không, từ cả con người hắn, mọi người vừa chăm chú “lắng nghe” hắn vừa hình dung tưởng tượng rồi bàn tán rôm rả, cuối cùng tạm chấp nhận một câu chuyện cũng khá gần với sự thật. Khi đang bơi xuồng quăng lưới vào sáng sớm, hắn bỗng nhìn thấy một vật gì đó trôi dập dềnh xa xa trước mũi xuồng của hắn, sau đó tấp vào một đám điên điển đơm hoa vàng rực rồi vướng ở đó như chờ hắn đến. Hắn bơi nhanh tới gần cái can nhựa cắt dọc và thảng thốt khi thấy trong đó một đứa bé sơ sinh chơi vơi giữa mênh mông trời nước. Sau giây lát ngần ngại, hắn cặp xuồng đưa cả mớ lùng nhùng đó sang mấy tấm ván xuồng mòn vẹt của hắn rồi dong về phía chợ…

Từ đó cho tới hàng mấy tháng sau, ngày nào hắn cũng đến chợ xin sữa cho đứa bé. Cùng với bầu sữa của vợ anh leo dừa, hắn cho thằng bé uống thêm sữa ông thọ, có khi là sữa bịch thậm chí nước cơm hay nước cháo loãng. Biết thân biết phận, thằng bé cũng dễ nuôi, ít quấy khóc ốm đau, càng ngày càng chứng tỏ là kho báu vô giá của người đàn ông nghèo khổ cô đơn trên sông vắng. Hắn không còn buồn bã, giận dữ như trước đây mà luôn mỉm cười một mình, một nụ cười hiền hậu, chất phác với ánh mắt trìu mến dành cho đứa trẻ bị bỏ rơi mà hắn đã cưu mang và xem như đứa con ruột thịt. Cũng có mấy người ra dấu nhận nuôi đứa bé nhưng hắn dứt khoát không chịu, đôi khi hắn thầm nghĩ đó là món quà mà ông trời đã bù đắp cho hắn sau khi đã bắt hắn phải chịu quá nhiều thua thiệt trên cõi đời này.

Những người tốt bụng trong chợ đã giúp hắn rất nhiều, từ áo quần tã lót cũ cho đến tấm bạt phủ thêm trên lớp cà rèm để chiếc xuồng đỡ phải mưa tạt gió lùa… Hắn thường choàng cái khăn rằn lớn qua vai, cột lại phía sau lưng rồi mang đứa bé trước ngực mỗi lần lên chợ, còn lúc hắn quăng lưới thì thằng bé chơi trên sạp xuồng cũng đã được lót ny-lông sạch sẽ với một bên chân cột vào be xuồng bởi sợi dây vải nhiều màu mà vợ Ngọt đã bện cho (chắc chắn hắn sẽ tập bơi cho bé sau ít lâu nữa). Giờ thì ngoài việc đánh bắt trên sông, hắn bắt đầu làm thuê bất kể việc gì để có tiền mua sữa và nhiều thứ khác, những lúc đó mấy bà, mấy chị bạn hàng trong chợ thay nhau trông con giúp hắn. Hắn trả ơn họ bằng nụ cười tươi rói, bằng rổ bông điên điển mới hái hay mấy khoanh bông súng tròn căng. Mùa nước nổi mênh mang sông rạch, hoa điên điển nở vàng cả một vùng trời, hắn thả xuồng lờ lững giữa màu hoa bát ngát, hái cho đứa bé một chùm hoa, ôm chặt nó vào lòng, nhìn vào đôi mắt trong veo và thấy cả một trời hạnh phúc diệu kỳ.

*

Kế hoạch gả con gái riêng của chồng cho người Đài Loan đã được bà Tao tính toán cùng với em gái vốn là bà mối từ hồi Lụa chỉ mới mười sáu tuổi. Trong cái làng Phèn vẫn có tiếng hiền hòa, an phận này bỗng nhiên có sự thay đổi từng ngày, những ngôi nhà tầng, biệt thự lần lượt mọc lên, những chiếc xe phân khối lớn nẹt pô đánh võng khắp đường làng, tiếng karaoke ầm ĩ vang từ đầu trên xóm dưới… tất cả những cái đó làm bà Tao ăn ngủ không yên. Bà phải có cho bằng được những gì người ta có và hơn thế nữa bởi con Lụa của bà sắc nước hương trời, ăn đứt đám con gái của mấy nhà kia. Chỉ chờ cho nó đủ 18 tuổi để chứng tỏ tinh thần thượng tôn pháp luật rồi giao cho dì nó là tiền sẽ đầy túi bà, lúc đó tha hồ hưởng thụ, tất nhiên cũng phải dành ra một khoản để sửa sang phần mộ của cha con Lụa cho phải đạo.

Thắm thoát đã hai năm trôi qua, Lụa bây giờ đã như một bông hoa hàm tiếu, e ấp rung rinh trong nắng mai và ngây thơ đón nhận tình yêu đầu đời từ một gã trẻ trai trong bầy ong bướm lượn lờ quanh cô như một lũ thiêu thân. Mối tình đó bị cấm đoán nghiêm ngặt bởi người mẹ kế luôn kỳ vọng vào một cuộc hôn nhân đem lại cho bà một khoản tiền lớn, hơn là một tình yêu lãng mạn ngốc nghếch nào đó. Trong những lời ngon ngọt kể cả đe nẹt, mắng chửi thường xuyên để giữ gìn, ngăn cấm Lụa, bà Tao đã vô tình để lộ điều mong muốn quyết liệt của mình là con gái Lụa của bà phải được gả chồng nước ngoài, như hàng chục đứa con gái nhà khác trong thôn ấp. Điều đó càng làm cho mối tình non dại kia mau chín, hối hả chín, những mong đặt người lớn trước một chuyện đã rồi. Cho đến một hôm, khi bà nhìn thấy Lụa nôn khan ngoài bờ ruộng, cùng lúc nhận ra nhiều cái khác lạ trên cơ thể cô và chết đứng khi cô khép nép đến bên người mẹ kế ghê gớm của mình, run run thú nhận đã mang trong người giọt máu của người yêu. Không còn lời nào để diễn tả sự tức giận điên cuồng của bà Tao lúc đó, bà đã tát dã man vào gương mặt xinh đẹp u sầu của Lụa, xô cô bé ngã sấp xuống ruộng, mắng chửi xối xả rồi lôi cô về nhà giam giữ trong căn buồng khóa chặt cửa, âm thầm toan tính một phương án khác để thực hiện bằng được kế hoạch đổi đời của mình.

Lụa lang thang đã hơn tháng nay, cô đánh một vòng lớn né xa làng cũ, men theo bờ sông mà đi không biết đi đâu. Những nơi cô dừng lại có khi là một quán nước, một tiệm cơm, thậm chí chỉ là một bãi cỏ bên khúc sông hiu quạnh nào đó. Những nơi cô đã qua đêm có lẽ chỉ dành cho người cùng khổ, cho con cún con miu ngoài liếp cửa hay loài ếch nhái ngoài bờ mương thửa ruộng…

Lúc này cô mệt mỏi ngả người trên một đụn rơm thấp cạnh bờ sông và gần như thiếp đi. Chiếc nón lá úp lên mặt như tách cô ra khỏi cuộc đời trong thoáng chốc, cô ẩn sâu vào đó để quên hết mọi chuyện, trốn lánh hết mọi đắng cay, sợ hãi mà cô đã phải trải qua. Lụa đã liều lĩnh nhắm mắt nghe theo lời, “Cho anh đi, nếu chúng mình có con mẹ em sẽ nghĩ lại”. Nhưng rồi mẹ cô vẫn cấm cửa người con trai đó khi anh ta đến xin cưới cô. Rồi đứa con tội nghiệp của cô đã bị đánh cắp sau khi họ không thể bắt cô bỏ đi cái thai, cố tình trì hoãn để sinh nó ra, đứa con mà cô chưa một lần thấy mặt vì đã ngất đi khi nó vừa mới lọt lòng. Khi ra khỏi phòng sanh, vừa lơ mơ một chút tri giác, cô cảm nhận được hơi ấm và nghe tiếng con khóc lúc người y tá đặt nó lên ngực cô và nói “con trai của chị đây”, bàn tay trắng xanh của cô giơ lên chạm vào lớp khăn quấn trên người nó rồi lịm đi lần nữa. Có quá nhiều những mưu mô, thủ đoạn mà một thôn nữ hiền lành như cô không thể ngờ. Rồi bà Tao cũng thực hiện được những gì bà muốn, một cuộc hôn nhân hợp pháp giữa Lụa với người đàn ông Đài Loan trên 60 tuổi có tên tiếng Việt là Hùng chảy, người chăm sóc ngựa trong một nông trại ở Đài Trung. Một bên chân của ông ta bị tháo khớp mắt cá nên phải sử dụng bàn chân giả (theo lời người dì mối lái là do cứu người bị tai nạn leo núi). Mặc dù đi khập khiểng, ông ta cũng có những cú đá chết người không thua những kẻ lành lặn, những cái tát nẩy lửa, những cái đạp trời giáng vào đầu vào ngực cô khi biết cô không còn trong trắng vào một đêm trong nhà nghỉ ở thị trấn trước khi lên thành phố để bay về Đài Loan. Cô đã may mắn thoát thân giữa đường khi ông ta “áp giải” cô trở về làng hòng đòi lại món tiền đã tiêu tốn để cưới cô. Trong cuộc trốn chạy đó Lụa giống như một con hươu non cứ cắm đầu lao đi bất kể, cũng may có một ít tiền trong túi và sau đó là sức lực của một nữ nông dân có thể làm thuê làm mướn dọc đường để tồn tại.

Vẫn chưa hết cảm giác mỏi mòn kiệt quệ đã bám theo mình suốt con đường, Lụa ngồi dậy xách cái túi vải và cắp nón lá đi dần ra mé sông rửa mặt. Cô nhẹ nhàng khoát nước lên mặt với cả hai bàn tay, làn nước trong mát gần như xua tan cảm giác rệu rã, vật vờ, phả vào cô cái mùi quen thuộc của phù sa sông nước, của bùn đất cỏ cây…  Cô nhắm mắt hít một hơi đầy căng, chải lại tóc bằng những ngón tay, đưa mắt nhìn theo những gợn sóng triền miên không biết sẽ trôi về phương trời nào. Thấp thoáng bờ bên kia sông trải dài một vạt điên điển đang mùa nở hoa, màu hoa vàng rất gần với vàng mai vàng cúc… Niềm vui nhẹ trở về với Lụa trong khoảnh khắc, đâu đó thoáng hiện mái nhà xưa với chái bếp quen thuộc thời con gái, tô canh chua bông súng, dĩa tép xào bông điên điển, cá linh bột kho hành ớt… bữa cơm thanh bần bên gia đình giữa nắng chiều êm ả nhẹ phai… Lụa đưa tay dụi mắt, ngực cô lại đau thắt khi nhớ đến đứa con, nhớ đến những trận đòn bầm dập tả tơi thân xác. Cơn uất nghẹn lại dâng lên làm Lụa khó thở, trong nỗi đau vẫn còn trĩu nặng cô bước đi những bước liêu xiêu về phía trước.

*

Vì là chợ nên lao xao một chút hay vì hơi lao xao nên thành ra cái chợ?! Câu hỏi vui cũng hơi khó trả lời về một cái chợ như chợ Tấm Mẳn mà Lụa vừa đặt chân tới. Cô nhìn tới nhìn lui, đi qua đi lại một chút thì đã giáp cái chợ. Lụa dừng lại trước một sạp bán đồ ăn điểm tâm dân dã, nhìn những món xôi, bắp hầm, bắp đùm, rồi cả xôi vò cơm rượu… cô càng thấy đói cồn cào. Trong khi chờ người bán làm xôi cho mình, Lụa ngây người nhìn đứa bé độ vài tháng tuổi trong cái sàng thưa đặt dưới đất ngay bên cạnh người bán xôi. Đứa bé đang cho tay vào miệng, vụng về nghiêng mình cất đầu lên mấy lần vẫn không thể lật qua, mỗi lần bật lại phía sau là mếu khóc rồi lại tiếp tục như thế. Một cảm giác lạ lẫm nhưng vô cùng ấm áp dâng lên ngập lòng, Lụa như quên hết mọi thứ chung quanh, cô ngồi xuống bên đứa bé đưa tay chạm nhẹ lên mớ tóc loăn xoăn của nó, chỉ muốn bế nó lên và ôm vào lòng.

– Xôi của chị nè.

Lụa giật mình đứng dậy cầm lấy gói xôi và trả tiền cho cô bé, chắc là con của người bán xôi. Lụa đến ngồi ở băng ghế phía trước hàng xôi vừa ăn vừa ngại ngần bắt chuyện:

– Để bé nằm dưới đất sợ kiến cắn đó dì!

Vừa gói xôi bắp cho khách, người đàn bà vừa trả lời:

– Cũng đành thôi, bán buôn vầy làm sao mà bồng ẵm nó.

– Con hay cháu của dì?

– Tui trông chừng dùm người ta, cha nó đi vác mướn ở cuối chợ kia kìa. Con Dừa Nạo, mày bế em lên đi, giờ cho uống sữa được rồi.

Dừa Nạo là tên cô bé hồi nãy đưa xôi cho Lụa, cỡ chừng mười ba, mười bốn tuổi, là con gái của dì Nếp bán xôi. Nó ẵm thằng bé lên rồi đến ngồi kế bên Lụa, loáng một cái bình sữa đầy đã hết veo. Lụa mê mẩn nhìn thằng bé ngủ mà miệng vẫn mút chùn chụt, thỉnh thoảng lại nhoẻn cười, nó không được bụ bẫm lắm nhưng chắc lụi, tay chân mình mẩy rám nâu như một chú cua đồng.

Tiếng dì Nếp vang lên:

– Đặt em xuống cho nó ngủ, nạo thêm dừa cho má lẹ lên.

Lụa rụt rè:

– Để cháu bế một lát cho.

Dừa Nạo nhìn mẹ, thấy dì Nếp không nói gì nó trao đứa bé cho Lụa rồi phóng ra phía sau sạp hàng lấy nửa trái dừa để sẵn, bắt đầu những nhát nạo đâu ra đấy với cái bàn nạo có hai chân và lưỡi sắt răng cưa vươn cao giống hệt con bọ ngựa.

Dì Nếp có vẻ cảnh giác:

– Cô không phải người ở đây phải không?

– Dạ, cháu ở làng Phèn.

Hai người trao đổi thêm vài ba câu thì hắn xong việc quay trở lại, vừa phủi vỏ trấu bám đầy vai áo vừa cười cười nhìn đứa bé trên tay Lụa vì đã quen việc đứa nhỏ làm con khắp chợ. Hắn ra dấu gì đó với dì Nếp rồi bước tới bên Lụa đưa tay chờ đón lấy đứa bé, nhìn cô với ánh mắt hoang trống đến nao núng tâm can.

Dì Nếp nói với Lụa:

– Cha nó đó, có công việc là giao con cho bá tánh.

Hắn đem con đi rồi, thấy Lụa ngó theo có vẻ thắc mắc, dì Nếp bảo:

– Nó câm điếc, một mình nuôi con, tội nghiệp!

Lụa thẫn thờ như vừa đánh rơi chén cơm khi đang đói, cô lần lữa không muốn rời khỏi cái chợ nhỏ càng về trưa càng thưa thớt người, cũng không hẳn là vì cô không biết sẽ lại đi đâu, đi qua cái chợ này là đến chỗ nào… mà còn có một cái gì đó từ đứa trẻ, từ người đàn ông và buổi chợ tan đầy nắng. Một điều gì đó rất giống nhau giữa người đàn ông lặng lẽ và cái chợ trống vắng lúc này.

Vừa từ từ dọn hàng dì Nếp vừa quan tâm hỏi han cô gái có vẻ lạ lùng này:

– Trưa rồi sao cô chưa đi, cô về nhà bằng gi?

– Cháu… không có chỗ nào để về.

Dì Nếp nhìn Lụa hồi lâu không hỏi gì thêm, một người yêu mến và quyến luyến trẻ con như vậy chắc cũng không có gì đáng ngại. Con Dừa Nạo đã nhảy chân sáo về nhà trước để lo bắc nồi cơm với cái rổ đựng rau đội trên đầu. Cho đến lúc dọn hàng xong, thấy Lụa vẫn còn đứng đó nhìn ra sông, dì nói:

– Nếu vậy thì về nhà tui, nhà chỉ có hai má con, ba nó đi chăn vịt thả đồng cả mấy tháng mới về…

Lụa mừng ứa nước mắt, lẽo đẽo đi theo dì Nếp về nhà, từ đó trở thành người phụ việc chăm chỉ cho gánh xôi bắp hàng ngày trong chợ Tấm Mẳn. Dần dà câu chuyện của Lụa cũng được thủ thỉ trong chiều vắng hay đêm khuya với má con dì Nếp, đổi lại là sự cảm thông, đùm bọc và yêu mến chân thành mộc mạc của họ, nhất là con bé Dừa Nạo, vì giờ đây nó được rảnh rang hơn để chạy nhảy khắp nơi như con chim nhỏ chuyền cành.

Nhiều bà hán hàng trong chợ cũng thôi không làm vú em bất đắc dĩ nữa vì hàng ngày, ngoài việc phụ giúp dì Nếp, Lụa dành luôn việc trông con giúp hắn. Nhìn Lụa vừa ngồi ôm thằng bé vừa bán dùm mớ cá tôm hoặc mấy lọn bông súng lúc hắn bận đi làm thuê việc gì đó… mọi người không khỏi mừng thầm cho hắn và tích cực vun phân tưới nước mong cho cây tình trổ hoa.

Không biết từ lúc nào Lụa đã không còn nghĩ nhiều về quá khứ, chút tình đầu khờ dại vĩnh viễn tan chìm trong bao đau đớn mà Lụa đã phải trải qua, nó mất hút như bóng dáng người con trai đi qua cổng rào nhà Lụa bỏ lại hàng cây xương rồng vây kín Lụa bên trong. Khi người ta còn trẻ, quá trẻ, chỉ vừa bước qua tuổi mười tám như Lụa, có lẽ những dở dang gãy đổ, những niềm đau, những vết thương… sẽ dễ dàng lành lại, lên da non rồi xóa mờ trong quên lãng. Bây giờ tất cả mọi quan tâm của cô là dành cho đứa bé, giống như một sự tìm thấy sau mất mát, một sự bù đắp hết sức tình cờ nhưng hầu như đã vá lành vết thương sâu nơi Lụa dù cô chỉ ở bên nó một vài giờ trong những buổi chợ. Nhưng khối đá ngầm tích tụ thâm niên trong lòng người đàn ông cô độc kia một sớm đã vỡ tan. Hắn rã mềm, ngả nghiêng và tan chảy khi đứng trước Lụa. Hắn thức trắng nhiều đêm chỉ mong trời mau sáng để nhìn thấy Lụa và trao đứa trẻ cho cô như trao đi gia tài quý giá nhất của hắn, lúc đó là lúc hắn gần bên Lụa nhất, nhiều lần được chạm vào tay cô, nghe hơi thở cô, cả mùi mồ hôi của cô nữa.

Lâu ngày, cái điệp khúc thường nhật giữa hai người với dấu gạch nối là đứa bé đã rớt lại phía sau những quan tâm khác của chợ Tấm Mẳn. Nào là ông bảy Sầu bán chổi tàu cau trúng số mấy chục tỷ hứa sẽ xây dựng lại một cái chợ khang trang làm từ thiện. Nào là gánh cải lương Mây Xanh trên tỉnh về đang dựng rạp hát phục vụ miễn phí cho bà con mấy đêm liền, cả cái chuyện thằng con út của thím Tư bán mắm mới tám tuổi đã tuyên bố sẽ ăn chay trường vì quá ngán những món ăn làm từ mắm của má nó! Mặc dù vậy họ vẫn tin rằng đôi lứa lặng lẽ kia sẽ có một kết thúc tốt đẹp, chậm lắm là đến thu hoạch vụ lúa thu đông khi cha con Dừa Nạo lùa bầy vịt trở về ăn lúa đồng nhà.

Cho đến một ngày lúc tan buổi chợ, sau nhiều lần thúc giục, mổ xẻ thiệt hơn của dì Nếp và các ông tơ bà nguyệt trong chợ, Lụa không trao đứa bé lại cho hắn nữa khi hắn đưa tay để đón nó như thường lệ, cô cũng không nhìn hắn lấy một lần, cắm cúi dấu mặt sau vành nón bước nhanh xuống bến sông, nơi có chiếc xuồng ba lá của hắn đang đong đưa theo sóng nước.

Con Dừa Nạo nhìn theo Lụa bế đứa nhỏ và đưa tay cho hắn để bước xuống xuồng, nó hỏi:

– Có khi nào đứa nhỏ là con của chị Lụa không má?!

Dì Nếp ngó theo chiếc xuồng vừa nhẹ nhàng tách bến:

– Ai biết! Mà cũng dám lắm à nghe. Làng Phèn cách chợ mình chưa tới ba cây số, băng qua cây cầu nữa là tới. Có khi mụ dì ghẻ kia đem con người ta thả trôi sông không chừng.

Im một hồi, con Dừa Nạo nói như bà cụ non:

– Mà không phải cũng không sao, bây giờ họ đã là một gia đình rồi, nó đương nhiên là con của chỉ với ông Quơ.

*

Hắn quăng lưới từ rạng sáng đến giờ chắc cũng được vài ký cá linh, từ hồi có Lụa hình như mọi thứ đối với hắn có vẻ dễ dàng thuận lợi hơn. Đã có lúc hắn mơ màng ấp ủ hình ảnh một mái nhà bên sông với hàng dừa xanh rợp bóng, chiếc xuồng cắm sào ngoài bến, đôi chân lon ton của thằng bé chạy quanh nhà và mùi tóc Lụa thơm nồng khói bếp… Giấc mơ càng lúc càng tròn đầy, chật kín trong hắn vì không biết phải thổ lộ với ai và như thế nào.

Hắn giũ tay lưới mới tinh phơi trên mái xuồng và đưa xô cá cho Lụa, ánh mắt nồng nàn của hắn dành cho cô vạn ngàn lời vì không nói được thành lời. Sự im lặng của đất, của đá, của dòng sông, của bầu trời và của người đàn ông lẻ loi trên chiếc xuồng bềnh bồng đổ dài một hình bóng… đã chạm tới trái tim đầy trắc ẩn của Lụa, mang đến cho cô một niềm xuyến xao rung động khác thường.

Hắn bế thằng bé đến ngồi trên sạp lái chuẩn bị ra chợ, sự tương phản giữa đứa trẻ bé bỏng trên tay một người đàn ông to lớn vạm vỡ làm Lụa có cảm giác an yên vô cùng. Nụ cười rạng rỡ của cô làm sáng rực cả bến sông, niềm vui trong Lụa giờ đây đầy vun như thúng bông điên điển vừa mới hái mà cô đang bưng tựa bên hông. Lụa nắm đầy một nắm bông vàng ngát tung về phía cha con hắn, đứa bé đưa hai bàn tay nhỏ xíu bắt lấy những bông hoa, cuối cùng cũng được một cái và nó nắm thật chặt trong lòng bàn tay, hai chân đạp thùm thụp vào ngực hắn, từ đâu đó trong tim óc, trong gan ruột hắn bỗng bật ra tiếng cười. Lần đầu tiên Lụa nghe tiếng cười của người đàn ông mà cô đã quyết định gắn bó đời mình. Tiếng cười lạ lùng kỳ dị, thoạt đầu khàn đục như tiếng khóc nghẹn rồi sau đó vang lên khành khạch, rồi rướn cao, vỡ tung, vang vọng trên mặt sông bát ngát tràn trề. Tuy nhiên, khi nhìn gương mặt hiền lành, sạm nắng đang ngập tràn hạnh phúc kia, Lụa nghe tiếng cười đó không còn dị kỳ lạc lõng mà đã tan hòa vào niềm vui yên ả thanh bình trong lòng cô. Không biết người đàn ông có nghe thấy tiếng cười của chính mình không, nhưng những gợn sóng nhấp nhô sáng lóng lánh dưới ánh mặt trời như đang phập phồng thở và cũng cười theo, âm vang tiếng cười lồng lộng tỏa khắp dòng sông trong buổi sáng tinh khôi.

Hắn trao thằng bé lại cho Lụa và nhẹ khua mái chèo, chiếc xuồng chở hoa vàng và những ước mơ bình dị của đời người êm đềm xuôi về phía chợ. Lụa vui sướng nhìn ngắm những mái nhà đơn sơ, hiền hòa giữa cỏ cây, hoa trái dọc hai bên bờ sông, sực nhớ đến việc đặt một cái tên cho đứa trẻ mà cô đang ôm trong lòng bởi một duyên phận lạ kỳ.

K.N