Sống thẳng ngay

1029

Bích Ngân

(Vanchuongphuongnam.vn) – Hôm nay đúng 5 năm ngày chị Võ Thị Thắng từ giã cõi tạm này. Trước đó, cánh nhà văn nữ chúng tôi có đến viếng mộ chị và có buổi hàn huyên với Luật sư Trần Quốc Thuận, chồng người đàn bà để lại nụ cười cho đời. Và, tôi có ghi chép ngắn này.

Các nhà văn, nhà thơ cùng luật sư Trần Quốc Thuận bên ngôi mộ chị Võ Thị Thắng

Trên ngôi mộ bằng đá đen của nữ anh hùng Võ Thị Thắng mà bằng hữu đã xây tặng chị Thắng – anh Thuận, có ghi dòng chữ “Tại vườn nhà này, ba má đã sinh ra 9 anh chị, Võ Thị Thắng (Út Thẳng) ra đời mùa thu năm Ất Dậu – 1945. “Dáng đứng, nụ cười và câu nói” trước tòa án quân sự của kẻ thù, lúc 23 tuổi, được đặt tên: “Nụ cười chiến thắng”, “Nụ cười Võ Thị Thắng”, qua đời ngày 22 tháng 8 năm 2014 (Ngày 27 tháng 07 năm Giáp Ngọ).

Bên mộ vợ, luật sư Trần Quốc Thuận cho chúng tôi biết thêm: Cha mẹ đặt tên cho những người anh chị của Võ Thị Thắng, lần lượt là: Tám Thật, Chín Thà, Mười Ngay rồi đến người con gái út là Út Thẳng.

Thật Thà Ngay Thẳng không chỉ là những cái tên mà cha mẹ chị Võ Thị Thắng đặt cho những người con của mình, mà còn là lời nhắn nhủ, là mong muốn, là niềm tin của đấng sinh thành. Ông bà muốn các con sống thẳng ngay, sống trọn nghĩa vẹn tình, sống không hổ thẹn với cha mẹ, với dòng tộc, với làng xóm và với non sông.

Chúng tôi quây quần bên mộ chị Võ Thị Thắng và trò chuyện cùng anh Trần Quốc Thuận. Là những nhà văn nhà thơ, chị em chúng tôi có những lúc lặng đi vì ngưỡng mộ, vì trân quý và có cả thứ cảm xúc ngổn ngang khó tách bạch khi biết người đàn bà gắn liền với nụ cười đã tạc vào thời đại của mình, đã lưu vào ký ức biết bao nhiêu người, đã từng khiến giặc thù phải khiếp sợ trước sức mạnh của lòng yêu nước; lại là người từng phải khóc nghẹn, khóc thầm trước nhân tình thế thái và phải cắn răng câm lặng trước thủ đoạn bất nhân của kẻ thù đội lốt đồng chí và mạo danh tổ chức Đảng. Kể cả khi đang là Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam và là Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, chị Võ Thị Thắng đã có lúc gần như không còn chịu nổi sự dồn đuổi và những đòn vu cáo tàn khốc, đã nghĩ tới cách tìm đến cái chết để chứng minh sự trong sạch của mình. Chị cũng đã chuẩn bị cho mình một sợi dây thòng lọng…

Nghe thôi, đã thấy xót xa. Tôi hỏi anh Thuận: “Lúc chị Thắng rơi vào trạng thái tuyệt vọng cùng cực đó, anh có bên cạnh vợ không?”. Anh Thuận cười buồn: “Thời gian đó tôi được tổ chức cử đi học ở nước ngoài mấy tháng. Khi trở về mới nghe nàng thỏ thẻ… Ngay sau đó, vợ chồng chúng tôi xông vào cuộc với quyết tâm cao nhất để góp phần làm sáng tỏ mọi việc về mình và góp phần vạch mặt bọn gian trá…”.

Luật sư Trần Quốc Thuận trở nên tư lự. Anh không kể, cũng không nói tiếp về “biến cố đầy tính kịch” mà vợ anh gặp phải. Tuy nhiên, tôi cũng như chị em đang có mặt bên ngôi mộ chị Võ Thị Thắng, ai cũng sở hữu tính tò mò của người viết, nên đã tìm hiểu và biết được phần nào sự thật. Trong suốt thời gian chị làm Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, những vu cáo chính trị có lúc chẳng khác sợi dây thòng lọng treo lơ lửng trên đầu người nữ anh hùng và cả những người thân yêu của chị.

Luật sư Trần Quốc Thuận, người bạn đời và là người tri kỷ của vợ, khi ấy đang Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, đã sát cánh bên vợ, tiếp sức cho chị và cùng chị trực tiếp gõ nhiều cánh cửa, gặp nhiều người. Rồi những người bạn, những người hiểu rõ về Võ Thị Thắng, một con người thẳng ngay, đã tìm cách lên tiếng bảo vệ chị. Và, nhất là đôi mắt tinh tường và trái tim thấu hiểu của những người đang giữ vị trí cấp cao trong đội ngũ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đã tạo điều kiện để chị Võ Thị Thắng chứng minh sự trong sạch của mình.

Phải mất gần bảy năm sau, chị Võ Thị Thắng mới được minh oan.

Một năm sau ngày Võ Thị Thắng ra đi vào cõi vĩnh hằng, chị được Đảng, Nhà nước truy phong: Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.

Sống thẳng ngay, cũng còn là sự lựa chọn sinh tử của luật sư Trần Quốc Thuận. Anh đã luôn sống, ứng xử với sự lựa chọn vừa tự nhiên vừa quyết liệt này.

Anh Thuận đã từng biết chị Thắng từ trong nhà tù Côn Đảo, Chí Hòa, sau hòa bình rồi làm bạn, rồi yêu nhau, cưới nhau, sinh con, làm việc, cùng góp phần trí tuệ và công sức của mình cho công cuộc đổi mới đầy thử thách và cam go của dân tộc.

Nhìn luật sư Trần Quốc Thuận nâng niu từng kỷ vật của vợ để lại trong ngôi nhà được đặt tên là “Võ Gia Trang”, cơ ngơi mà anh chị chắt chiu gầy dựng, tôi chợt nhận ra, dường như anh chị lúc nào cũng ở bên nhau và vẫn luôn có nhau, dù âm dương có cách ngăn.

BN