Sóng thơ từ cửa Hàn

770

(Vanchuongphuongnam.vn) – Là một độc giả yêu thơ, tôi luôn mong đợi có nhiều thơ hay để thưởng ngoạn. Niềm mong đợi của tôi phần nào được đền đáp khi tôi cầm trên tay Tuyển thơ Biển bắt đầu từ sóng (Nxb Đà Nẵng, 2020).

Trên 500 trang in, trình bày trang nhã, bìa sách đẹp, hội tụ nhiều gương mặt nhà thơ đương đại trong nước về với những con sóng thi ca bên sông Hàn, một thành phố biển thơ mộng. Lớn hay nhỏ, dữ dội hay dịu êm, các con sóng không giống nhau nhưng chính sự khác biệt đã tạo cho tập sách này sự đa thanh, đa giọng và đa phong cách. Mỗi nhà thơ là một thế giới nghệ thuật riêng biệt nhưng tất cả có cùng mục đích khám phá và tôn vinh cái Đẹp. Tôi mở cửa bước vào ngôi nhà thi ca ấy theo cách riêng của mình và đã nhìn thấy ánh sáng lấp lánh trong từng thi phẩm. Và tôi, một độc giả yêu thơ đã bắt gặp một thứ ánh sáng từ nguồn mạch chảy suốt cõi thơ về tình yêu, về cái đẹp mà tôi hằng mong ước.

Đây rồi, những dòng thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành như từng giọt lệ của con rơi ngày mẹ về với đất: “Khăn chiều liệm phủ Lạng thương/ Lúa ngô quỳ lạy/ trăm đường mẹ qua” (Giấc mơ sông Thương). Mẹ không còn, con chỉ biết tìm về ký ức ngày xưa có mẹ. Nguyễn Hữu Quý đã tìm mẹ qua “Cái đồng xu nhỏ bé bị đất vùi/ bao thập kỷ vẫn còn nằm đâu đó/ để cho con dẫu không còn bé nhỏ/ cứ lẩn thẩn đi tìm nhỏ bé một đồng xu” (Đi tìm đồng xu nhỏ bé). Thậm chí khi đã là ông ngoại, Văn Công Hùng cũng không thôi đi tìm mẹ “bước chân lại tìm về nơi cũ/ cát giăng hàng chiều trở lạ/ mẹ vẫn luôn tươi cười trong khung ảnh/ tôi vụng về hoa lửa liêu xiêu” (Cánh đồng mẹ). Bởi một lẽ “Mẹ dệt con/ từ tình yêu mỏi mòn ngóng đợi/ giọt nước mắt kết tinh từ máu/ nẩy nụ mầm biếc xanh” trong bài thơ Dệt của Nguyễn Thị Anh Đào. Có câu thơ nào về mẹ không làm ta rưng rưng? Nhưng ta cũng thấy phấn chấn vô cùng khi nghe tiếng hát phồn sinh cất lên từ Những chiếc lá ngô trên bãi Sông Hồng của Mai Thìn “hát mãi bài ca sinh nở/ đất đai rùng mình đón nhận phù sinh”. Nguyễn Ngọc Hưng cũng không khỏi chếnh choáng men say/ nắng và rượu rót vào nhau ngây ngất/ ngọt và thơm/ vi vu lời ong bầu ong mật/ ô kìa cây cột điện… nở hoa. (Mùa sinh sôi).

Thiên nhiên cũng trở nên phì nhiêu lộng lẫy trong thơ của Trần Quang Quý. Một ngày đến với cỏ là một ngày thật lạ đối với anh. Bởi “Cỏ nhìn ta dịu dàng hoan lạc lá/ vuốt lên ta tấm nhung mềm của miền xanh cỏ/ ta cong đêm ta xoắn vào xuân/ ta phì nhiêu/ ta mây phiêu bồng” (Ru cỏ). Cuộc sống thậm phồn đã ngấm vào đường gân sợi máu thi sĩ khiến họ tim “hát”, lòng “say”, hồn lại “phiêu bồng”. Với tâm hồn nhạy cảm trước cuộc sống như vậy, thi nhân không khỏi ngậm ngùi trước phận người hẩm hiu. Những dòng thơ của Nguyễn Ngọc Phú như những lời sẻ chia nỗi buồn đau của “Những thiếu phụ neo con thuyền của chồng mình vào bốn góc nhà bồng bềnh nhịp võng/ Ngày lấp đầy sóng/ Chiều lấp đầy mây/ Mây vụn thành tro bếp/ Sóng vỡ dưới rãnh cày” (Thiếu phụ). Buồn đau cũng không tha cho những người không có bờ vai người đàn ông nào để tựa. Đó là Ba người đàn bà thuộc ba thế hệ cùng chung một mái nhà lại có cùng một nỗi buồn tủi, cô đơn: “ngoại tôi bảo: đời là những dòng sông/ trôi về phía cô đơn trôi về miền xa vắng/ mẹ tôi bảo: đời là con đò nhỏ/ người về rồi lại đi/ chị tôi khóc hoài vì đã bấy mùa thi/ người ấy vẫn cứ xa biền biệt” (Trương Công Tưởng).

Nỗi cô đơn ấy mới chạm vào đã thấy lạnh lắm rồi, vậy mà Hoàn Nguyễn lại phủ lên đó màu trắng toát của bức tường vôi giữa đêm trường, nên càng tái tê hơn “đời chị nghèo không một mống đàn ông/ cả cái bóng người tình trên vách” (Hai cái bóng trên tường vôi trắng). Người phụ nữ bước vào trần gian không phải để gieo thương cảm cho thi nhân mà cái chính là họ đã “đậu” lại nơi rất cao trong lòng người thơ sự trân quý, ngưỡng mộ về một thứ nhan sắc do chính họ làm nên: “Nhan sắc em là giấc ngủ nồng của con/ Là sự tảo tần đêm mưa chờ chồng/ Là sớm khuya thân cò lặn lội/ Một đời dầm dãi gió sương (Nhan sắc – Nguyễn Ngọc Hạnh).

Càng yêu con người, yêu cuộc sống, các nhà thơ càng lo sợ cuộc sống bị hủy hoại. “Luồng tử khí cao chừng một mét sáu dựng đứng trước mặt/ chốc chốc cúi gập” (Vẫn trấn tĩnh tiễn khách ra ngõ) chẳng phải là cái bóng ma hiểm họa mà Mai Văn Phấn đề cập đến. Hiểm họa đó sinh ra từ loài sâu dân mọt nước,“sâu xuống đất/ đo từng hạt đất/ sâu trên cây có đo đồng loại mình đục khoét trên cây” (Sâu đo xanh – Nguyễn Thánh Ngã) và những kẻ tha hóa ấy dù “quét cả đời nhưng rác mãi phát sinh” (Quét rác – Phùng Hiệu). Một khi lòng tham của con người lên ngôi thì hiểm họa càng dày. Đinh Thị Như Thúy lo sợ đi “tìm khắp trời không ra lý do để sống/ Lý do để thở/ Lý do để yêu/ Lý do để tồn tại”. Lý do để sống chưa có lời đáp nhưng lý do hủy diệt sự sống thì rõ rành “Đã chết rồi những mặt trời quá lâu không mọc/ những rừng sâu của tiếng chiêng thâm u/ những vòm xanh thân mật rủ xỏa” (Hoa mồ côi trong núi).

Thơ thế sự luôn thô ráp, trần trụi nhưng lại có sức ám ảnh và làm nhức nhối lòng người trước thực trạng đau lòng của cuộc hiện sinh. Sống trong xô bồ, bon chen, nhiều người rất khát khao thanh tẩy tâm hồn, khát khao được soi mình trong ánh sáng thiên lương “thanh tẩy mãi vẫn không sạch/ quay về tắm bằng ngọn đèn/ xối ánh sáng vào từng góc khuất” (Tắm đầu năm – Mai Văn Phấn). Đó là lúc con người biết dừng lại, ngẫm suy để nhìn lại mình, tự  nhận ra con người thật của mình. Nguyễn Quang Thiều đã tự mở Ổ khóa đời mình “để phát hiện một sự thật của mọi sự thật” bằng một thứ chìa khóa đặc biệt: “Tôi đứng ngoài tôi suốt đêm”. Còn có chìa khóa nào để mở Đêm huyền vi của Hoàng Vũ Thuật? Có, là Chìa khóa môi em, loại chìa khóa kỳ diệu này đã mở ra một cõi mà “Chúa đã tạo ra chúng ta…./ hạt giống chúa gieo bầu sao lóng lánh để em là đảo hoa e ấp/ cơn triều cuồng anh mùa mùa rạo rực”. Cõi nào mà thánh thiện, huyền vi đến thế nếu không phải là cõi tình yêu. Tình yêu có khuôn mặt như thế nào, Đoàn Văn Mật đã “vẽ” ra đây “anh ngồi vẽ khuôn mặt em…/em là ánh sáng duy nhất mà tôi nhìn thấy/ tình yêu bất chợt thở dài”. Với anh, em là ánh sáng, em mang ánh sáng đến đời anh còn với em, “Anh mang mùa đàn ông ru em…/ Mùa tràn anh những mật nhụy hé chồi” (Mùa đàn ông – Trần Mai Hường). Bởi vậy, trên mọi nẻo về, em chỉ có một Đường về nhà, nhà của em thôi. “Đó là nơi bàn tay anh mở từng nút áo/ cho bóng hoàng hôn vỡ òa ngực đêm/ là nơi núm vú em/ xoay chiếc chìa khóa không cùng của tuổi” (Phan Huyền Thư). Dù nói về khổ đau hay hạnh phúc, thơ tình luôn làm đắm say mê hoặc lòng người… Còn, còn nhiều bài thơ hay, câu thơ đẹp chạm đến nhiều vỉa tầng của cuộc sống nhưng, rất tiếc, giới hạn khuôn khổ bài viết không cho phép tôi trích dẫn hết ra đây.

Thơ hiện diện trong Biển bắt đầu từ sóng, theo tôi, dù được sáng tác theo hệ hình thi pháp nào, truyền thống hay cách tân; theo khuynh hướng sáng tác nào, hiện thực, lãng mạn hay tượng trưng, siêu thực cũng đều là thơ hay. Thơ hay sẽ có sức lan tỏa, chiếm lĩnh trái tim và tâm thức người đọc, đánh thức lương tri, lương tâm con người. Thơ hay sẽ soi sáng, ám ảnh người đọc để họ suy nghĩ và hành động vì những điều cao cả, tốt đẹp. Trong bối cảnh hiện nay, thơ có phần lạm phát, thơ tưởng chừng như đuối sức thì sự ra đời của Biển bắt đầu từ sóng là một dấu hiệu đáng mừng, đã thắp lên niềm tin cho người làm thơ và người yêu thơ về sức sống bền bỉ và sứ mệnh cao đẹp của thơ. Tin rằng những con sóng thi ca vẫn dào dạt vỗ, biển thi ca vẫn mãi mãi xanh. Dòng chảy thi ca sẽ chảy mãi về nơi bất tận. Và công lao của người chủ biên tập sách này, nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh chính là con sóng nhỏ đã mang đến cho biển thi ca những vẻ đẹp muôn trùng…

Bình Định, tháng 5,2020

Tuệ Mỹ