Sông Trầu quê tôi… – Tản văn của Võ Văn Thọ

1097

(Vanchuongphuongnam.vn) – Quê tôi vùng Trung du, núi đồi, ruộng bậc thang, sông, hồ… là đặt trưng có lẽ ở đâu trên quê hương Việt Nam đều na ná giống nhau. Điểm khác, con sông Trầu gắn bó với tuổi thơ tôi có điểm khác biệt là nước sông chảy ngược lên hòa vào với dòng sông Tranh rồi chảy vào dòng Thu Bồn để chảy cửa Đại Hội An và ra biển…

Tác giả Võ Văn Thọ 

Sông Trầu tuy không gọi là suối, nhưng thực chất giống dòng suối đá hơn sông. Vì dòng hẹp, lượng nước không lớn. Chỉ mùa mưa thì đúng nghĩa là dòng sông, vì lúc đó lượng nước lớn, chảy siết. Con sông quê đã gắn bó với tuổi thơ tôi những năm tháng khó khăn một thời bao cấp, đã để lại trong tôi những kỷ niệm không thể nào quên.

Nhớ những trưa hè trời nắng gắt, lũ nhỏ chúng tôi tìm bắt chuồn chuồn, để chuồn chuồn cắn vào rốn, hoặc vò chuồn chuồn với lá mơ nát ra để đắp vào bụng. Nghe nói muốn nhanh biết bơi phải làm vậy! Nhớ nhất là những buổi trưa hè tôi theo mẹ, chị và những người lớn trong xóm xuống sông mò bắt óc đá, ốc bươu, ốc gai, ốc háp, để cải thiện bữa ăn. Thời điểm trưa trời nắng gắt, nước sông ấm hơn lúc bình thường, nên ốc bò ra những cục đá, sỏi trong lòng sông kiếm ăn, ta chỉ cần bắt những con ốc đá to như ngón tay, bắt ốc gai hay ốc bưu đen (lúc đó chưa có ốc bươu lai ốc bươu vàng) nên rất ngon hoặc bắt ốc háp là loại ốc tròn, có vỏ mỏng. Cứ lật những cục đá, sỏi dưới sông lên, để nước trong là hốt cả bụm ốc đá thích ơi là thích. Chỉ khoảng 1-2 tiếng đồng hồ là mỗi người có thể bắt được từ 1- 2 kg ốc đá, ốc gai, ốc bươu. Chiều về phân loại riêng ra, chỉ cần ngâm ốc với nước vo gạo pha loãng khoảng 3 tiếng đồng hồ, cho ốc nhả hết những chất cặn bã là có thể dùng sống dao chặt đít, hoặc dùng kìm bấm đít ốc để rửa sạch um ốc đá với dầu phụng phi nén vàng ươm, rồi cho nồi (xoong) ốc um vào nồi cháo, thành nồi cháo ốc thật hấp dẫn hoặc ốc um nấu canh mít, đu đủ… rất ngon, bổ dưỡng. Cái cảm giác húp cháo ngọt lịm và hút con ốc vào miệng cái sột, vị thơm gòn và béo đặt trưng riêng của ốc quyện vào lưỡi, cứ muốn hút mãi không biết chán là gì!

Còn việc thả đìa ở lòng sông để tát cá cũng rất lý thú. Thời còn học sinh cấp 2, cứ đến dịp nghỉ hè 3 tháng là anh em tôi rủ nhau đắp đìa cho cá ở. Cách thức đắp đìa chọn đoạn, khúc sông nào có vùng trũng cá, tôm hay tập trung và có lợi thế có dòng nước chảy vào chổ trũng đó, nhặt sỏi đá đắp xung quanh tạo ra cái hồ nhỏ, và trong hồ lấy những viên đá to hơn chất lại thành những cái hang nhỏ. Sau đó chỉ cần chặt tàu dừa, những nhành cây có lá thả xuống đìa, lấy đá đè lên tàu dừa, nhành cây cho khỏi bị nước trôi. Như vậy nước trong đìa mát, cá tôm tập trung vào đó sinh sống. Cứ 1 tuần đến 10 ngày là tát đìa. Khi tát đìa ta chỉ cần lấy 1 miếng ván ngăn dòng nước chảy vào đìa và lấy thêm những bệ đất đắp cho kín không để nước chảy vào đìa, rồi dùng thau, gàu tát hết nước trong đìa, lấy tàu dừa, nhành cây ra và bắt đầu bắt cá tôm, lúc đó cá thường vào đìa là cá tràu (cá quả), cá trê và đặc biệt là cá thát lát, tôm… rất hấp dẫn. Bắt xong, ta lại chất hang trở lại, bỏ tàu dừa, nhành cây vào đìa, và rút ván, cho nước vào đìa như cũ, để lần sau bắt tiếp. Thời điểm đó, mỗi lần tát đìa được 2-3 kg cá tôm các loại. Cá, tôm sông rất ngon, dai, béo, ngọt thơm vì là cá tự nhiên nên rất dễ chế biến nướng dầm nước nắm hay kho với lá nghệ, gừng rất thơm ngon và ăn với cơm thì khỏi phải nói. Còn tôm sông nấu cháo cho thêm gia vị muối, hành, ngò, nước mắm, tiêu bột rất ngon vì tôm rất ngọt, thơm. Hai bên bờ sông cũng là nơi rau dớn mọc tự nhiên, ta chỉ cần hái những ngọn non về rửa sạch luột lên chấm mắm cái, mắm nêm hay xào với dầu phụng, phi tỏi rất thơm ngon. Hiện nay rau dớn đã trở thành món ăn đặc sản trong các nhà hàng sang trọng ở phố thị. Vì là rau mọc tự nhiên không có thuốc, hóa chất độc hại.

Sông quê còn tạo cho bức tranh quê hương thêm tươi đẹp, xanh tươi, hiền hòa, dung dị, tạo cho cảnh quan làng quê thêm sắc màu lung linh gợi cảm. Con sông chảy rì rào suốt tháng năm còn đem một lượng phù sa bồi đắp cho bãi bờ, cánh đồng quê hương thêm trù phú. Về mùa đông sông còn là nơi rút nước, cắt lũ cho những cánh đồng khỏi bị ngập… Sông Trầu đã cho tôi cảm xúc để viết lên những câu thơ mộc mạc, chân thành:

Tôi yêu đất tổ quê tôi

Có con sông nhỏ dòng trôi lững lờ

Tuổi thơ với những dại khờ

Trưa hè bắt ốc, lơ ngơ tát đìa

Tôi yêu tôi quý ngôi nhà

Tranh tre, vách nứa bao la nghĩa tình

Đêm về trăng in bóng hình

Dòng sông lấp lánh cho mình đắm say…

Sông Trầu đã gắn bó với tuổi thơ tôi, nên khi xa quê hương tôi luôn nhớ nhung, thao thiết. Còn về nước sông chảy ngược có lẽ do địa hình, dòng chảy đây là yếu tố do thiên nhiên đem lại, quy luật của tự nhiên, nhưng nó cũng là dấu ấn để tôi nhớ hơn, in sâu trong tiềm thức. Tôi yêu con sông như yêu lũy tre, giếng nước, hàng dừa. Yêu cánh diều no gió trên cánh đồng vừa gặt xong, yêu tuổi thơ nhiều gian khó, một thời tôi đã sống.

Giờ muốn tìm lại cảm giác tuổi ấu thơ cũng đâu quay ngược được thời gian, nên xin gửi vào dòng tâm sự, vào áng văn chương, để luôn nhắc nhở bản thân mình hãy yêu và hãy sống đúng với tình quê hương đã cho tôi những tháng năm đáng nhớ!…

Ngày 10.12.2020                                                                                         V.V.T