Sống – Truyện ngắn Phạm Văn Hoanh

894

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nghĩ đến Ngọc Lan, lòng tôi ngậm ngùi thương tiếc một người  con gái nết na dịu hiền.

Nhà văn Phạm Văn Hoanh 

Tôi và em cùng học một trường đại học sư phạm tuy khác khoa nhưng hai đứa rất tâm đầu ý hợp. Tôi viết tiểu thuyết, còn em là người mê tiểu thuyết. Em hay nhận xét phê bình tiểu thuyết của tôi. Em thường nói:

– Quảng Ngãi, quê anh đẹp lắm! Ngày xưa lúc làm quan tuần phủ ở Quảng Ngãi, cụ Nguyễn Cư Trinh đã từng ca ngợi:

Phong cảnh ta đây thật rất xinh

Niêm Hà có ấn của trời sinh

Xem kia dấu tích còn vuông vức

Nhin lại non sông rõ dáng hình

Cách thức còn in đồ cổ tự

Cỏ cây nào phụ tiếng chung linh

Châu Sa để dưới chân chờ mãi

Trấn chỉ sau lưng phía Cẩm Thành.

Ngừng một lát, em nói tiếp:

– Quảng Ngãi có mười hai cảnh đẹp: Thiên Ấn Niêm Hà, Long Đầu Hí Thủy, Thiên Bút Phê Vân, La Hà Thạch Trận, Thạch Bích Tà Dương, Hà Nhai Vãn Độ, An Hải Sa Bàn, Cổ Lũy Cô Thôn, Liên Trì Dục Nguyệt, Vu Sơn Lộc Trường, Vân Phong Túc Vũ, Thạch Cơ Điếu Tẩu, sao anh không viết về những danh lam thắng cảnh này, để người đọc có ý thức bảo tồn những di sản văn hóa của quê hương mình.

Tôi cười và nói:

– Anh sẽ viết về những danh lam thắng cảnh này sau khi tốt nghiệp đại học.

Em mỉm cười. Chiếc răng khểnh lộ ra trên khuôn mặt trái xoan hồng hào càng tô thêm vẻ kiều diễm của người thiếu nữ.  Em  đặt cho tôi cái tên mới là Pa-ven.

Tôi hỏi:

– Tại sao em lại lấy tên Pa-ven đặt cho anh?

Em nói:

– Em rất yêu nhân vật Pa-ven trong tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn Ni-cô-lai Ôxtơ-rốp-xki. Vì Pa-ven đã vượt qua mọi khó khăn trong cuộc đời để chiến thắng số phận. Đó là mẫu người lí tưởng mà mỗi thanh niên phải học tập.

Em tặng tôi quyển sách ấy và nói:

– Anh hãy sống và học tập như Pa-ven nhé!

Tôi gật đầu cảm ơn em.

*

Thời gian thấm thoát thoi đưa. Bốn năm đại học trôi qua. Chúng tôi tốt nghiệp đại học. Ra trường, mỗi đứa mỗi nơi. Em xin được việc làm còn tôi chưa có việc làm. Em gởi thư động viên tôi: Anh Pa-ven của em đừng nản chí! Hãy sống như Pa-ven! Phải sống sao “cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, để khi nhắm mắt xuôi tay ta có thể nói rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời …”. Anh học giỏi, có tài viết văn. Anh hãy cộng tác với báo và tìm cho mình một công việc thích hợp. Nhớ nghe anh!

Từ đó tôi bắt đầu viết báo, nhưng vẫn không đủ sống. Cuộc sống của tôi lúc này thật khó khăn. Tôi viết nhiều, nhưng những quyển tiểu thuyết của tôi cứ nằm ỳ trong tủ, tôi không có tiền để gởi nhà xuất bản.

Ba năm sau em xin được việc cho tôi. Cầm quyết định trên tay, nước mắt tôi cứ rưng rưng. Tôi tạm biệt gia đình vào quê em nhận nhiệm vụ mới. Tôi mang vào tặng em bản thảo tiểu thuyết: “Bên dòng sông Trà” mà bấy lâu nay em mong ước.

Chiều hôm ấy tôi và em cùng dạo bước trên dốc Mộng Cầm, thăm mộ Hàn Mặc Tử. Phong cảnh ở đây thật đẹp. Gió thu khẽ lay động cành dương xào xạc để lộ ra những âm thanh như một điệu đàn bất tận. Đằng tây mặt trời tròn xoe ửng hồng còn nuối tiếc với thời gian chưa chịu đi ngủ, trải xuống thành phố những ánh hồng trông thật dễ thương. Đằng đông khói bếp từ những nhà cao tầng bay lên quyện vào sương chiều tạo nên một dải lụa mềm mại uốn lượn quanh bầu trời cao rộng, rồi lan tỏa xuống thành phố làm cho thành phố như đang bồng bềnh trong biển mây chiều. Tôi say sưa hít thở bầu không khí trong lành mà bấy lâu nay tôi xa cách. Bỗng em vỗ vai tôi, hỏi:

– Anh đang nghĩ gì vậy?

– À! Anh đang nghĩ về tương lai của hai chúng mình.

– Tương lai của hai chúng mình cũng đẹp như cảnh thiên nhiên chiều nay phải không anh?

– À! Đẹp lắm!

Tôi có ngờ đâu cái ngày ấy là ngày họp mặt cuối cùng của hai chúng tôi để rồi phải xa nhau mãi mãi.

Ngày hôm sau, vừa dạy xong buổi đầu tiên, tôi nhận được tin sét đánh: Em đã hi sinh trong lúc tham gia cùng lực lượng công an xã bắt bọn tội phạm ma túy lẻn vào trường học. Tôi như chết nửa thân người. Tôi đón xe về Tuy Phước để tiễn em. Trong buổi tiễn đưa linh cữu em về nơi an nghỉ cuối cùng, tôi gặp Bích, người bạn thân của em. Bích nói với tôi:

– Trước lúc ra đi, Ngọc Lan có nhờ Bích nói với anh rằng: Anh hãy tìm một người tâm đầu ý hợp để xây dựng gia đình và nhờ Bích chăm sóc anh. Còn quyển tiểu thuyết: “Bên dòng sông Trà” Lan trao lại cho Bích và nhờ Bích vận động bạn bè góp tiền gởi nhà xuất bản.

– Xuất bản à? – Tôi hơi bất ngờ.

Bích động viên tôi:

– Chúng mình là bạn bè với nhau phải giúp đỡ nhau chứ!

Tôi nghĩ vợ chồng Bích cũng giáo viên như tôi nhưng từ chối thì… Tôi đồng ý.

*

Năm 1995, vợ chồng Bích chuyển công tác vào Thành phố Hồ Chí Minh, còn tôi chuyển lên Gia Lai. Mặc dù xa cách nhưng chúng tôi vẫn liên lạc với nhau. Vợ chồng Bích vẫn thường xuyên giúp đỡ tôi.

Năm 1998, tôi lập gia đình và chuyển về Quảng Ngãi. Cuộc sống tuy gặp nhiều khó khăn nhưng tôi vẫn đem hết tâm huyết của mình để dạy dỗ các em.

Một sáng mùa hè năm 2003, vợ chồng Bích về Quảng Ngãi tìm tôi. Bích nói:

– Em đã nhờ bạn bè góp tiền để xuất bản toàn bộ tác phẩm của anh.

Tôi  vừa mừng vừa tủi, nói:

– Thôi, cứ để chúng nằm yên trong tủ cũng được.

– Đây là nguyện vọng của Ngọc Lan trước lúc ra đi. Anh không nên… – Bích khuyên tôi.

Nghĩ đến Ngọc Lan, lòng tôi ngậm ngùi thương tiếc một người  con gái nết na dịu hiền.

Chiều hôm đó, tôi tiễn vợ chồng Bích lên xe. Xe rồ máy chuyển động về phương Nam. Tôi đăm đăm nhìn theo chiếc xe. Nó cứ xa dần, xa dần rồi mất hút trong tầm mắt. Tôi quay gót rảo bước dọc đê bao sông Trà. Nắng chiều tỏa xuống dòng sông lấp lánh ánh bạc. Thỉnh thoảng một vài con cá bống, cá thài bai  nhảy lên khỏi mặt nước đớp mồi rồi lặn xuống mất tăm để lại những vòng tròn lan xa. Trong không khí yên ắng ấy tôi nghe văng vẳng tiếng Ngọc Lan nhắc lại câu nói của nhà văn Ni-cô-lai Ô-xtơ-rốp-xki: “Đời người chỉ sống một lần…”.

P.V.H