Sự cố nghề nghiệp – Truyện ngắn của Ngô Phú Thiện

1055

Ngô Phú Thiện

(Vanchuongphuongnam.vn) – Thời còn cắp sách đến trường phổ thông, tôi và Bích Hà thân nhau như hình với bóng. Bích Hà có tính cách mạnh mẽ như con trai, nhà giàu mà không chảnh. Ngược lại, tôi có phần nhút nhát quê mùa, nên Bích Hà gọi tôi là “Lài vườn dâu”. Tên ghép ấy có căn nguyên bởi thuở xưa vườn nhà tôi trồng nhiều dâu, nuôi tằm. Rồi cái thời hồn nhiên áo trắng đó qua đi, mỗi phận người rẽ sang một ngả đường cơm áo khác nhau. Gần mười năm cách trở, thi thoảng hai đứa chỉ gặp nhau vài phút, chủ yếu qua cái zalo. 

Nhưng tình đời cũng lắm oái ăm. Lúc xa mặt thì không cách lòng; đến khi bọn tôi gặp lại, chợt trở thành “đối thủ” của nhau. Chung qui cũng tại có người thứ ba xuất hiện giữa hai người đàn bà. Bao nhiêu mong đợi để lúc vừa nhìn rõ mặt tôi, Bích Hà run lên:

– À! Tưởng hạng chân dài số má… Hóa ra là Lài “vườn dâu” đây mà!

– Đúng rồi… vẫn là mình thuở trước. Xin Bích Hà đừng vội hiểu lầm! Anh ấy vừa cho mình biết…

Sự tình bất đắc dĩ đó, tôi phải đổi bằng rất nhiều nước mắt và nhẫn nhục. Và khi nhận ra cái nghề nghiệp kiếm sống của tôi, Bích Hà mới chịu… “thỏa hiệp”.

Còn nhớ, trước khi rời trường Trung học, hai chúng tôi thường ôm nhau ngồi cà kê, tâm sự. Nói đúng hơn, tôi cố chăm chú lắng nghe bạn “thuyết giảng” về chọn nghề, về khát vọng sống… Với “nghệ thuật giữ chồng” ở thì tương lai, nàng nói như triết gia: “Mẫu số chung của đàn ông thành đạt đều ưa của lạ. Nếu làm vợ mà không biết tự đổi mới mình thì cũng đồng nghĩa với việc xua lũ vịt trời bay đi”. Bích Hà rất tự tin để khẳng định mình là mẫu người thức thời, hiện đại.

Thời ấy, gia đình nàng đã là mơ ước của không ít người hiện nay. Ba của Bích Hà là một nhà Quản trị doanh nghiệp; còn mẹ là thủ trưởng ở ngân hàng Nhà nước. Tuy không thiếu bất cứ thứ gì, nhưng nàng chỉ muốn tìm sự khác biệt của riêng mình. Ba mẹ vốn thương con, sẵn lòng chiều theo ý thích của “con ngựa chứng” ấy.

Bích Hà quan niệm tình yêu cũng giống tiền bạc. Nó chỉ có ý nghĩa khi chính mình chủ động tạo ra được. Như chuyện con gái thời nay, tội vạ gì mà đóng khuôn với “công – dung – ngôn – hạnh”? Cũng là người chứ phải vật trang trí đâu. Khi mình đã kiếm được đồng tiền thì mọi thứ sẽ trở nên quá đơn giản, kể cả nhan sắc lẫn đức hạnh.

Ví như ở nhà, bà mẹ cứ phàn nàn về việc con gái không biết nấu ăn, giặt giũ… Liệu mai đây có chồng, có con rồi sống thế nào? Cái sự lo xa ấy đúng là mẫu bà mẹ của thời dằng dặc quá vãng. Cần thay đổi nếp nghĩ cho kịp thời thượng. Bây giờ, nếu muốn người ta có thể lên mặt trăng dễ hơn người xưa đi chợ, huống chi là việc vặt giặt giũ, nấu nướng – Bích Hà chắc mẫm như vậy.

Phải thú nhận rằng con người rụt rè, yếu thế như tôi chẳng dễ dàng vượt qua ổ gà, ổ trâu của đường đời. Người ta bảo “sông có khúc, người có lúc”, thế mà lội mãi khúc sông đời tôi vẫn còn thấy bì bõm. Khi tôi đang lận đận với việc học, việc làm thì bất ngờ, nhận được tin nhắn của Bích Hà: “Mình đã cưa đổ một chàng 8X, có sự nghiệp hẳn hoi. Lài chuẩn bị thời gian đi là vừa. Trong tháng tới bọn mình sẽ làm lễ cưới cho chắc chuyện”.

– Xin chúc mừng bạn trước! Nhưng ngày nào? Ở đâu? Sao nhanh như điện vậy? Tôi hồi đáp bằng cả sơ-ri câu hỏi như thế. Nhưng rồi đợi mãi, đến hết “tháng tới” vẫn không thấy thiệp hồng. Sốt ruột, tôi vào zalo lục vấn Bích Hà:

– Chứ thiệp cưới trốn đi đâu? Bà quên con này rồi ư? Hay là…

– Bà lo “sự cố” chứ gì? Đồng tiền gắn liền khúc ruột, chớ lo! Mình thấy chàng đã cắn câu thì nhanh tay “vợt” luôn. Bọn mình tổ chức cưới vội, vì chàng có kế hoạch đi công tác xa… Thôi, xin lỗi và… báo hỉ luôn nhá! Bích Hà phấn khích cười khanh khách và xả liên thanh như súng bị cướp cò!

Xong cuộc chuyện trò, tôi tắt điện thoại. Nhưng những lời lẽ có vẻ đắc chí của Bích Hà làm tôi chạnh lòng. Lẽ nào ngày trọng đại của bạn mà mình không dự? Hay Bích Hà sợ “quê cơ” với mọi người, khi phải gọi mình là bạn thiết? Chẳng hiểu sao, tôi ngửa miệng cười xòa cho cái tính đàn bà của mình. Nhằm lúc vô duyên ấy, trong tôi lại nghe tiếng tỉ tê của Bích Hà trước kia: “Người phụ nữ hiện đại phải biết quên những gì không đáng nhớ”… Khi mình đã kiếm được đồng tiền thì mọi thứ trở nên quá đơn giản…”. Chắc bây giờ cô nàng đang thực hành cái luận lý: “Có tiền mua tiên cũng được”.

Bởi lúc tôi đang chông chênh thất nghiệp, chỉ biết alo để tâm sự với Bích Hà. Nàng phán qua điện thoại: Chẳng dại gì mà tự bó gối than vãn, thua keo này thì cứ bày keo khác. Như mình đây, dù ba mẹ sắp đặt để về làm Ngân hàng, nhưng mình không thích. Để thỏa chí nguyện, mình theo học ngành Kiến trúc và bây giờ đang là Nhà Thiết kế trang trí nội ngoại thất. Dĩ nhiên, mức thu nhập ở đây thừa sức giúp mình hạ gục mấy chàng Giám đốc độc thân.

Cũng may là tạo hóa vẫn giữ cân bằng. Để giải tỏa sự kém tài của tôi, ông trời đền bù cho đức chịu khó, chăm chỉ kiếm sống. Học lấy bằng Sư phạm xong tôi trở thành người thất nghiệp, nên cố theo một khóa học trung cấp về nghề bếp núc. Rời trường tôi đánh liều đến xin việc ở một nhà hàng lớn, và lần đầu may mắn đã mỉm cười với tôi. Vị trí nhà hàng này nằm cạnh bãi biển đẹp của Nha Trang. Hằng ngày, nhiều vị thực khách sành điệu, sang trọng thường xuyên lui tới đây. Chịu khó cày như nông dân bần cố, tôi mới được làm bếp trưởng. Tuổi xuân đang chín và tí chút gia vị hoài bảo, tôi đành vùi trong gian phòng khói lửa. Nhưng chẳng rõ từ bao giờ, nữ bồi bếp như tôi lại lọt vào “gu” của vị thực khách, tên Hoàng.

Hôm ấy, tôi đang vội để vào chuẩn bị dạ tiệc cho đoàn khách mới đến. Bất ngờ có anh chàng chỉnh chu đứng trấn trước cửa nhà hàng. Khá lịch lãm, anh xin lỗi và tự giới thiệu mình làm quản trị một công ty ở phía Nam. Vì thấy tôi đang vội, anh nói ngay:

– Tôi tên là Hoàng, thường xuyên đến làm việc với đối tác ở thành phố này. Tôi muốn đặt suất ăn định kỳ ở đây, với điều kiện phải tự tay cô em nấu mấy món hợp khẩu vị…!

Một thoáng lúng túng, cảnh giác về cách thức “đặt hàng”. Nhưng thân phận nghề nghiệp như tôi, khó lòng để nói lời từ chối tay thực khách có máu mặt. Qua vài lần phục vụ “thượng đế”, tôi bắt đầu nhận ra giám đốc Hoàng không hẳn thuộc loại khó gần.

Nhiều buổi trưa, khi đã thỏa mãn cái dạ dày, anh Hoàng thường giữ tôi ngồi lại để trò chuyện cho có bạn. Dĩ nhiên, tôi luôn ý thức về “chỗ đứng” của mình để cố lắng nghe anh ấy bộc bạch. Anh lê la hết chuyện trên trời dưới đất, đến chuyện riêng tư:

– Anh đã lập gia đình và mới có thằng cu kháu khỉnh. Nhưng vợ anh khá đặc biệt, nàng thích làm đẹp cho chồng mà không thích nấu ăn. Dẫu đi công tác xa, hay lúc về nhà anh vẫn phải ăn cơm bụi… ngán ngẫm!

Thấy tôi im lặng, anh nói tiếp:

– Cô ấy rất thông minh, say mê với công việc nhưng chừng như bị “phơi nhiễm” cái nghề thiết kế trang trí… nàng mỗi ngày đổi một sắc diện như thay đổi mẫu thiết kế theo ý khách hàng.

Nghe đến đấy, tôi giật thốt mình, hỏi:

– Xin lỗi, cho em tò mò… có phải chị ấy tên là Bích Hà? Làm việc ở công ty Thiết kế – Mỹ thuật?

Đến lượt anh Hoàng tròn mắt. Anh hỏi lại: “Ủa, hai người có quen biết nhau à? Bích Hà chính là người vợ tôi vừa kể ấy…”

Hôm ấy là chiều thứ bảy. Trời vẫn trong và biển vẫn xanh. Anh Hoàng chợt hứng mời tôi cùng đi dạo bãi biển. Do nể tình tâm giao với Bích Hà, tôi hớn hở nhận lời.

Chúng tôi cùng sánh đôi bước ra khỏi cửa nhà hàng chừng 5 phút thì “tai họa” ào đến. Anh Hoàng nắm tay tôi để rẽ qua đường. Bất ngờ có một phụ nữ mang đôi kính “mật thám” bước xuống xe, chặn chúng tôi giữa đường! Hóa ra, đấy là Bích Hà bạn tôi và là người vợ “mắc hội chứng cầu kỳ” của anh Hoàng. Không cần giữ thể diện gì cả, nàng sấn sổ về phía chồng, hét toáng lên:

– Tui biết thói rởn mỡ của anh từ lâu rồi, nhưng không ngờ… lại là con bé khố rách này!

Quá đột ngột, anh Hoàng chỉ biết dựng tượng bên đường để chịu trận. Thế là nàng quay sang phía tôi, cười khẩy rồi buông lời xỉa xói:

– Bà hơn tôi ở điểm nào nhỉ? Tôi kính nể nhan sắc của bà cũng đủ mê hoặc được chồng tôi!…

Xem chừng Bích Hà muốn xẻ thịt phanh thây tôi. Anh Hoàng kịp trấn tỉnh lại, vội rút bài năn nỉ:

– Anh… xin lỗi em! Không phải chuyện vớ vẩn đâu… Lài vừa biết chuyện chúng mình đã cưới nhau…

– Đồ đĩ thõa! Biết mà còn thế này ư? Nàng hét vào mặt tôi.

– Cho anh giải thích đã nào – anh Hoàng tiếp tục bè trầm. Anh mới biết cô Lài là bạn thân của em, khi anh đến ăn cơm tháng ở nhà hàng cô ấy…

– Đẹp nhỉ! Cô ấy… cô ấy… Đây là “Lài cức trâu” mà anh cũng “ăn” được à?!

Anh Hoàng thở dài, phân trần: Em đừng nặng lời với người thân thiết của mình như thế. Anh hiểu… vợ anh là người thông minh, tế nhị, đừng để cái việc “giận mất khôn”…

– Còn anh, lén lút cặp bồ với bạn của vợ là “khôn ngoan” à?!

– Em bình tĩnh đã nào! Anh nắm tay vợ tỉ tê. Không có chuyện mèo mỡ gì ở đây… Thực ra, anh biết vì anh mà em luôn tự làm mới mình. Anh thấy bằng lòng về người vợ mình yêu, nhưng thật tình… cứ ăn cơm quán mãi, chán lắm!

Giá như em dành chút thời gian cho gia đình… Trong khi bạn em rất bình dị nhưng cô ấy biết nấu nướng, chăm sóc bữa ăn rất ngon. Anh không hề phản bội em, nhưng sao vẫn khao khát những bữa ăn gia đình ấm cúng?

N.P.T