(Vanchuongphuongnam.vn) – Tôi phá lên cười rồi sà xuống ghế xa lông quan sát, còn chị Hà thì chưa bao giờ để mình rảnh cả. Chị lia mắt qua giá sách thoáng kiểu gô tích của nhà văn và cả những cuốn sách vẫn còn nằm lăn lóc trên sàn nhà. Chị Hà bước đến xem qua vài tựa sách, rồi ngó lên tường, nơi bộ sưu tập tranh Bốn Mùa ngự trị một góc sảnh lớn.
Nhà văn trẻ Võ Chí Nhất
Khi tôi vừa buông cuốn “Khát khao được viết và nỗi cô đơn” xuống thì nhận được điện thoại của chị Hà. Chị Tâm – người giúp việc cần mẫn của nhà văn Lan Chi lại gọi đến. Cuộc gọi thứ năm. Nếu tôi đếm không lầm. Tình trạng này đã xảy ra bốn lần trong bốn ngày liên tiếp cốt chỉ để mời chị Hà đến nhà. Nhiều lần chúng tôi tìm hiểu nguyên nhân nhưng chị ta chớ có mở lời. Theo chị Hà phá nhiều vụ rồi nhưng đây có lẽ là vụ rắc rối kỳ lạ nhất.
Chị Tâm ở Vườn Trầu thì ai còn lạ gì. Một trong những loa phát thanh di động có tiếng trong xóm, với những phương châm sống của họ nhà chồn, ra ngoài và tìm tòi nên tin tức lúc nào cũng nhanh nhạy. Ngay cả khi chị ta cắm mũi nơi xó bếp thì những vụ việc xảy ra đâu đó chung quanh nhà mình hoặc trong phạm vi bán kính 3 km cũng tường tận như lòng bàn tay. Những người giúp việc nhà luôn có mạng lưới “tình báo” của riêng mình theo những phương pháp cổ xưa mà hiệu quả như là một cuộc gặp gỡ ở chợ, những bưu tá giao hàng là những con bồ câu đưa tin hữu hiệu nhất… hoặc bằng một phương thức nào khác mà chúng ta chưa khám phá ra được. Có thể nhờ điều này mà cuộc sống của họ bớt nhàm chán. Ai đó hãy nói cho chị ta biết rằng mình có bí mật gì đi và chị ta sẽ theo bạn cho đến khi bạn chịu hé môi. Chị ta không muốn bất kỳ ai hoặc là gia chủ giấu mình điều gì. Điều đó làm người giúp việc như chị không an tâm.
Đó cũng là nguyên do để giờ này chúng tôi có mặt ở đây.
Chị giúp việc cần mẫn thấy chúng tôi đứng ngoài cổng liền buông mấy cuốn sách đang sắp dở trên giá, chạy ra mở cửa:
– Ôi… Hà đến thật rồi… phiền Hà quá, nhưng tôi không biết phải làm sao để khuyên được bà chủ nên đành mạo muội…
– Chào chị… – Chị Hà cất tiếng. Thấy chị ta khựng lại, ngó tôi chằm chằm, chị Hà giới thiệu – Đây là Thiên Minh, cộng sự của tôi.
– Chào cậu.
– Chào. Bọn em có chút quà.
Tôi trao giỏ trái cây cho chị ta một cách niềm nở theo lối của cho không bằng cách cho. Tôi nom thấy một gã râu ria xồm xoàm, ăn mặc quái gở núp ló ở con hẻm nhỏ đối diện, cạnh trụ điện tua tủa dây đen dây trắng như một con bạch tuộc nhưng không biết chị Hà có trông thấy không. Nhìn gã vô hại gớm. Gã dám “ra tay” trên địa bàn Hà “ớt” quản lý thì có mà được Năm Ca độ cho rồi. Thế nên tôi nghĩ khi hắn mon men đến cũng đã tìm hiểu kỹ. Vì vậy chị Hà chỉ quan tâm đến câu chuyện với chị giúp việc cần mẫn này. Tính của chị Hà tôi không lạ gì. Chị ta chỉ muốn câu chuyện được tóm gọn một cách dễ hiểu và thành thật nhất. Rồi chị chen ngang bằng một câu dứt khoát. Nếu không mạnh tay thế thì cái màn dạo đầu còn lâu mới xong.
– Sao? Có chuyện gì thì chị nói đi chứ?
Có vẻ mất hứng nhưng điều đó cũng chưa thể ngăn cản đi một phần mười cái ý định mời Hà đến nhà nghe tường trình lại hoạt động trong ngày của chủ tớ chị, cho nên chị ta phấn khởi hẳn:
– Không biết hà cớ gì mà mỗi ngày bà chủ càng ít nói. Tháng trước, khi tôi nhắn Hà lần đầu tiên thì bà còn mắng tôi là “con bò cái vụng về” khi tôi đánh rơi một cái đĩa hay một cái ly mà bà dùng cà phê mỗi sáng, cho đến hai tuần sau đó bà không thèm trách tôi nữa. Nhưng chuyện lạ đâu có thế. – Chị ta thấy chúng tôi chăm chú nên tiếp – chắc chị cũng biết bà chủ nghiện sách lắm. Ôi con mọt chính hiệu. Tôi đã chứng kiến việc bà gom sách trên tiki, cả những trang bán sách cũ nữa, số tiền chi cho việc mua sách còn nhiều hơn lương tháng của tôi nhưng nay thì không còn nữa. Hoàn toàn không.
Tôi thấy chị Hà cắn môi, gật gù như đã nghiệm ra điều gì về điều mà chị Tâm nói hoàn toàn có thể lý giải được nên đốp lại ngay:
– Thế này, khó khăn về tài chính thì không có khả năng, tôi nghĩ là bà đã tìm đủ số sách mình cần. Bà đã ngoài 70, sách vở cũng đọc không phải là ít. Có lẽ bà nghỉ ngơi chút thôi. Chị chớ lo.
Tôi vừa nặn cằm vừa tiếp lời:
– Oạch một cái bà lại xuất bản sách nữa cho mà xem. Tôi nghĩ, thay vì bà không mua sách nữa thì số tiền dành đi chợ sẽ nhiều hơn, chị vui lên mới phải chứ?
Chị giúp việc cần mẫn giật nảy người, dường như muốn phủ nhận những nhận định chúng tôi vừa trình bày.
– Tự dưng cô cậu nói đến việc xuất bản sách là thế nào?
Nhưng câu nói của chị ta mới thực sự làm chúng tôi giật mình:
– Nhà văn Lan Chi, chị không biết sao? Một nhà văn viết truyện trinh thám rất nổi tiếng? – Chúng tôi đồng thanh.
Chị ta lắc đầu nguầy nguậy.
– Không hề. Bà chủ của tôi là nhà văn sao?
– Đúng là như thế. Không tin chị tìm trên trang Google xem.
Tôi tra ngay google trong ba giây. Xem xong, người giúp việc cần mẫn đập tay vào trán cái bốp như đang cố giết một con muỗi:
– Bà chủ không đồng ý việc gắn internet. Bà không muốn tôi cắm đầu vào games thay vì quần quật với việc nhà hay giúp bà sắp xếp lại giá sách những khi rảnh rỗi đâu. Cô cậu nhìn kìa…
– Không internet thế mà thông tin nhanh nhạy gớm.
Tôi phá lên cười rồi sà xuống ghế xa lông quan sát, còn chị Hà thì chưa bao giờ để mình rảnh cả. Chị lia mắt qua giá sách thoáng kiểu gô tích của nhà văn và cả những cuốn sách vẫn còn nằm lăn lóc trên sàn nhà. Chị Hà bước đến xem qua vài tựa sách, rồi ngó lên tường, nơi bộ sưu tập tranh Bốn Mùa ngự trị một góc sảnh lớn.
Chị Hà quay sang tôi hỏi:
– Sao chỉ còn ba mùa nhỉ? Mùa còn lại đâu? Bị trộm mất rồi à?
– Chị Hà mà không nói, tôi cũng không để ý. Lẽ ra phải có bốn bức Xuân – Hạ – Thu – Đông. Chị giúp việc ơi, chị có lời giải thích nào chăng?
– Tôi không biết nữa – chị Tâm ngơ ngác. Những tia sáng mỏng chiếu vào gương mặt nhăn nhó của chị Tâm biến nó thành một cái mặt nạ mà ta không thể nào nhìn rõ biểu cảm – Đúng là như vậy. Chắc là lẫn đâu trong đống sách cũ kia rồi. Tôi sẽ tìm ngay.
Chị Hà lại hỏi:
– Có lẽ chị là người rành lịch sinh hoạt của bà nhất? Thế chị thấy còn có điều gì khác thường nữa không?
– Ô, có chứ. – Chị Tâm cuống lên, cứ như là đang sắp xếp các tình tiết xem nên nói cái gì trước tiên – Tôi đã giúp việc cho bà chủ hơn một năm rồi còn gì. Hoạt động trong ngày của bà chủ tôi rõ như lòng bàn tay. Điều mà tôi muốn nói là bà luôn tự nhốt mình trong phòng và bây giờ là trong cabin rừng. Nhiều lúc tôi cũng không hiểu nổi nữa. Nếu trong nhà bà cảm thấy quá ngột ngạt và chật chội thì đi vào rừng thư giãn tôi cũng đành. Trong rừng thì yên tĩnh hơn, mát mẻ, dễ chịu hơn nhưng lý nào cánh cửa sổ trong cabin chưa lần nào được mở ra kể từ khi ông nhà mất? – Chị nhấp một ngụm trà thật nhanh rồi tiếp – Việc làm tôi lo lắng là bà đi vào rừng mỗi ngày, từ lúc sáng sớm cho đến chiều tối, có hôm còn ngủ lại căn nhà gỗ trong rừng nữa. Tôi còn tưởng là bà có hẹn với ai ở đó nên cố dõi theo. Nhưng không, bà ấy chỉ đi vào một căn nhà bé tin hin mà bà gọi là cabin rừng, ngồi trên chõng tre lắc lư cho đến sáng, không hề chợp mắt.
– Phụ nữ viết văn cần có một căn phòng riêng hoặc sử dụng một bút danh là nam thì cũng không có gì là lạ. Có lẽ bà đã gặp chứng trầm cảm nặng sau khi ông nhà qua đời, sau đó tiếp tục phải đối diện với thực tế người thân duy nhất là đứa con gái cũng rời bỏ bà lên thành phố làm ăn nên ít nhiều đã ảnh hưởng đến tâm lý. Chứng trầm cảm lâu ngày đã làm cho tính tình của bà có phần thay đổi là chuyện dễ hiểu. – Tôi nói ra những suy nghĩ của mình, còn chị Hà thì im lặng, có lẽ cũng đồng tình với ý kiến của tôi. Cứ cho là vậy.
Câu chuyện mà người giúp việc kể làm tôi nhớ đến Marie Antoinette. Marie yêu cầu xây dựng một ngôi làng nhỏ gần Petit Trianon với một trang trại, một nhà máy, một cái ao và một ngôi nhà nhỏ ấm cúng hơn lâu đài của mình. Chính bầu không khí đó khiến Marie nhớ đến thời thơ ấu nơi cô dành thời gian chơi với gia đình và thú nuôi trong vườn. Chị Tâm nói bà chủ có nuôi một con sóc, lúc nào cũng để nó trước mặt. Căn phòng thì quá kín, bà không ngạt thì con sóc cũng chết vì nóng.
Cabin rừng. Nghe rất thú vị. Chị Hà mở cửa sổ rồi ngó ra vạt rừng phía sau. Nơi hoang dã tốt nhất thế giới chắc chắn là ở đây rồi. Ánh sáng hắt thân hình chị ấy lên tường trông như một gã đàn ông thứ thiệt. Mà tôi thì chưa bao giờ dám đưa ra lời nhận xét đó.
– Hình như tôi đã trông thấy ai đó…
– Chắc là bà chủ. – Chị Tâm đáp nhanh.
– Không. Một người đàn ông.
Tôi cũng bước nhanh đến xem nhưng chả thấy ai. Rồi chị Hà liếc tôi. Cộng tác với nhau khá lâu nên tôi biết cái nhìn đó có ý nghĩa gì. Thiết nghĩ cũng có khi đó là đòn gió của chị ấy nên tôi cũng im lặng cho qua dù biết là mình đã lọt hố.
– Nhà tôi làm gì có đàn ông? Hà đừng hù tôi chứ?
– Tôi không hù ai cả. Một bóng đen lướt nhanh qua bụi nhựa ruồi, nhánh cây còn rung lên dù không có cơn gió nào lướt qua nó cả.
Tôi góp lời:
– Chị Hà nói đúng. Hình như có ai mới lướt nhanh qua đó…
– Ôi… thật sao?
Chừng năm phút sau, Hà hỏi tiếp:
– Còn cabin rừng? Chỗ đó ở đâu thế? Tôi chưa đến bao giờ.
– Thế à. Có chuyện Hà vẫn không biết đó thôi. Cái cabin đó là do người chồng quá cố của bà dựng nên lúc còn sống. Nó ở giữa rừng, rất yên tĩnh. Nơi đây do chính tay bà dọn dẹp mỗi ngày bằng tất cả sự trân trọng của mình vì sợ “con bò cái vụng về” như tôi mó tới những di vật trong căn phòng ấy, đến hôm nay thì bà dọn vào ở hẳn.
Chị ta nói đến đây thì tôi thấy mọi việc đã không còn đơn giản nữa rồi. Tôi chưa thể lý giải được một phần nhỏ của điều lạ lùng này nhưng tôi mong là chị Hà sẽ sáng suốt hơn.
– Ô. Tôi bắt đầu rối lên rồi đây. Có thể bà luôn hoài niệm những gì đã qua, người già ai cũng thế, huống hồ bà là nhà văn, đa sầu đa cảm là số một. Họ luôn nhớ đến những người đi qua đời mình, cả những di vật còn lại nữa. – Tôi thấy chị Hà nghiêng mình sang một bên tìm nhà văn. Đúng là không thấy bà ở đâu cả – nếu cả nhân loại ai cũng như bà thì các thành phố lớn như New York, Amsterdam, Sydney… sẽ chẳng còn ai sống nữa. Rồi các khu rừng sâu thì đông nghẹt như New York là điều có thể báo trước.
Chị ấy thấy chúng tôi rối lên thì cười mỉm. Rồi chị ta sửa miệng, tiếp tục bài ca đương dở dang:
– Đấy. Cô em bắt đầu thấy câu chuyện phức tạp hơn chưa? Nếu tôi giải quyết được thì tôi gọi Hà đến đây làm gì. Bà hay gối đầu cuốn sách của nhà văn nào ấy nhỉ? Aha. Tôi nhớ rồi. Maupassant. Hai tuần trước, bà đọc đến trang 93 gấp lại chỗ đó rồi đi nghỉ nhưng tôi thề là tôi chưa hề chạm vào nó, đến khi bà ngồi vào bàn đọc tiếp thì quỷ tha ma bắt thế nào mà cuốn sách nhảy đến trang 100. 7 trang đó tôi phải lý giải thế nào? Và khi đọc lại 7 trang đó bà đã nhớ như in những tình tiết xảy ra như đã đọc 7 lần rồi vậy. Bà còn gọi đó là Horla. Đúng rồi, một mối hiểm họa gì đấy. Nhưng tôi thì có thấy hiểm họa gì đâu nào? Thế giới vẫn bình yên đấy thôi. Chị chưa biết hết đâu. Nhiều ngày sau đó, bà đi dọc suối một mình, lâu lâu lại ngồi xuống uống một ngụm nước suối rồi ngủ quên trên đống sậy khô như một cô công chúa nhỏ. Tôi không biết chuyện gì đang xảy ra với mình nữa. Rồi còn có chuyện kinh hãi hơn. – Thấy chúng tôi chưa bình luận gì, chị ta tiếp, mà chị ta nói tốc độ như thế chúng tôi vẫn chưa có cơ hội để xen vào, dù là một ý nhỏ – Hà biết không, bà tự đốn củi và nấu ăn ở cabin. Bà không cần đến tôi hay bất cứ vật dụng gì trong nhà nữa… – Nói đến đây thì chị ta muốn khóc ré lên nhưng dằn được. Một bàn tay ấn trên ngực, đến khi kiềm chế được xúc cảm mới hạ xuống.
– Cậu có ý kiến gì không Thiên Minh?
Việc này như một tảng băng trôi, phần chìm của nó thì không tài nào đoán được. Từ những thông tin này thì chỉ có duy nhất một khả năng và tôi nói nhanh khả năng đó:
– Bà Lan Chi mắc chứng bệnh tưởng chăng? Còn ma quỷ thì đường nào mà xác minh?
Chị Hà đáp:
– Cậu nói đúng. Mà cũng có thể là do nhà văn đã xem đến trang 100 nhưng bà quên bẵng đi và tôi nghĩ là bà cũng đã đọc truyện đấy rất nhiều lần nên nhớ những tình tiết trong tác phẩm cũng bình thường thôi mà.
– Chưa hết đâu. Tệ hại hơn là lúc nào bà cũng nghĩ có ai đó đang theo dõi mình, cứ đi vài bước thì quay mặt ra sau tìm kiếm một kẻ vô hình nào đó. Mà bà luôn gọi là “Horla… mi là Horla…”, có vẻ hắn không có ý đồ xấu nhưng cứ đi theo sau bà dù bà đã bỏ lại bóp tiền cho hắn, dưới gốc cây thông giữa rừng. Đúng. Tôi có thể dẫn chị đi xem cái bóp vẫn nằm yên đó mà chưa ai mó tới. Còn nữa nhé. Rất hiếm khi bà chợp mắt, đêm hôm qua vừa chợp mắt một lúc thì giật mình tỉnh giấc ngay. Bà cho rằng có ai đó đã tốc chăn, có ai đó đã lay nhẹ ngón chân mình nhưng mở mắt ra thì chẳng thấy ma nào. Hồi hộp lắm. Tối hôm sau lại xảy ra y hệt hôm trước, bà lại giấu cây chổi lông khuất dưới gối nằm, khi ai đó lay ngón chân, bà ngồi bật dậy, mở đèn, rút cái chổi quất tới tấp vào không khí rồi lỡ tay đánh bụp vào cái bình hoa tôi vừa cắm lúc sáng. Tôi nghe tiếng động chạy đến thì chuyện đã rồi. Lúc đó tôi nhận ra bà mặc một bộ đồ rất đẹp, nước hoa thì nồng nặc. Nhưng tôi được biết bà bị viêm xoang mãn tính, rất ít khi dùng nước hoa, chứ đừng nói đến việc xịt nồng nặc như thế.
Tôi đoán là các nơ ron thần kinh của chị Hà đang căng hết mức để nghĩ cho ra cái đề tài hóc búa này. Chị phát biểu nhưng dúm môi lại, vẻ thiếu kiên nhẫn, muốn làm cho ra sự thật nhưng chả biết lần từ hướng nào.
– Thôi nào, dừng… dừng ngay… để tôi suy nghĩ đã. Sao lại có chuyện như thế nhỉ? Phải chăng đó là cách mà nhà văn thử nghiệm cho cuốn sách mới của mình? Quả là một câu đố khó nhằn! – Chị Hà đưa tay ngăn lại dòng thác “thông tin” đang cuộn chảy trước mặt mình để chen vào một ý kiến mà chị cho là một khả năng có thể xảy ra.
Tôi cầm cuốn sách của bà lật đi lật lại một lúc rồi ý kiến:
– Phải có bà ở đây thì hay quá!
Tôi chợt nghĩ đến cuốn “Khát khao được viết và nỗi cô đơn” mà chị Hà tặng tôi hồi tuần trước. May mắn là có thể áp dụng những kiến thức trong sách vào thực tiễn. Nhưng vấn đề trước mắt là chính bản thân tôi vẫn chưa thể dứt ra khỏi câu chuyện mà người giúp việc kể. Nó hấp dẫn. Nó làm người ta tò mò.
Cách đây không lâu nhà văn Lan Chi còn khoe với chúng tôi là bà đang viết tập truyện trinh thám mới, lấy nhân vật chính là Hà “ớt” nhưng đã vài tháng trôi qua, chúng tôi vẫn chưa thấy tăm hơi bản thảo đâu. Như mọi khi, chị Hà là nhân vật trung tâm trong truyện ngắn của nhà văn vì những vụ án đó đều do chị và tôi triệt phá. Nếu những gì chị giúp việc nói đúng thì có lẽ chúng tôi phải làm một việc gì đó. Vì không thể để Nhà xuất bản Công an nhân dân mất đi một “kiện tướng” trong mảng đề tài trinh thám được. Chúng tôi muốn thu xếp ngủ lại cabin rừng một đêm để có thể thu thập thêm một số thông tin nữa nhưng e là điều đó phải diễn ra trong bí mật, kẻo mạng lưới “tình báo” của chị Tâm phát hiện thì hỏng mất. Con ma Horla đánh hơi được thì đại sự chấm dứt.
Vấn đề của nhà văn phải được giải quyết dứt điểm. Tôi nghĩ chị Hà đã có cách. Rồi chúng tôi ra về.
Đi được một đoạn, chị Hà rỉ vào tai tôi:
– Minh có ngửi thấy mùi gì không?
Tôi dừng lại, khịt mũi về phía hướng có gió rồi trả lời nhanh.
– Có mùi gà rán thoảng trong gió…
– Khứu giác tốt đấy! Theo tôi, có việc này dành cho cậu.
– Gì vậy chị?
– Đi bắt ma Horla!
Ra là cái gã đàn ông có râu xồm xoàm lén lút ở con hẻm hôm trước. Đúng là chị Hà đã biết tỏng hắn nhưng cố tình để hắn đua theo chúng tôi và giờ đây chúng tôi buộc phải dồn gã vào con hẻm cụt. Tôi phải mất gần một giờ để lấy lời khai của gã, thêm 30 phút nữa để mang món há cảo về cho gã lấp đầy bao tử mình.
Trong cuốn “Khát khao được viết và nỗi cô đơn” tác giả cho rằng, có nhiều lý do thôi thúc ông viết, nhưng lý do sâu xa nhất là: không ai chịu lắng nghe mình. Đó là khi chúng ta đã tuyệt vọng tìm kiếm sự giúp đỡ trong một thời gian dài mà không ai xuất hiện. Thế nên thay vào đó, ta bắt đầu viết. Viết lách có thể là một giải pháp hiện hữu cho những khát khao tiềm ẩn. Nếu bạn thực sự hạnh phúc trong tình yêu ở tuổi mười tám, bạn sẽ không bao giờ muốn viết.
Tôi cho rằng những gì thực sự quan trọng với nhà văn lúc này là sự quan tâm của những người thân cùng với một ly kem ngọt hay một trái lê trong khi rảo bước ngoài vườn vui cùng cơn gió nhỏ, chứ không phải những người giúp việc luôn mang đến cho gia chủ những câu hỏi ngớ ngẩn hoặc điều phiền toái hay mải vùi đầu xem các nhà hiền triết ẩn trong những trang sách cũ mèm nói gì đâu.
– Sao chị không báo tình trạng này cho con gái của bà chủ? – Hà hỏi một câu không ăn nhập gì với dòng chảy “thông tin” bằng thái độ của người bị làm phiền.
Chị giúp việc cần mẫn “Ớ” lên một tiếng, có vẻ cụt hứng. Còn chị Hà thì chán chường vì nhận ra sự quan tâm đến bà chủ của chị ta chỉ dừng ở mức thích trở thành “ma xó”.
– Đã bao lâu rồi chị chưa về nhà?
– Chừng ba tháng hơn chứ mấy.
– Còn ông nhà đã mất ba năm hơn rồi. Thời gian và tuổi tác, sự nhớ nhung đã làm nên nhà văn Lan Chi của hôm nay. Hà “ớt” này làm được gì đây? Có lẽ tôi đã nghĩ ra được điều gì đó. Cảm ơn chị! – Chị Hà nói thế rồi rời đi ngay. “Có lẽ không cần phải đưa bà ấy đến bác sĩ làm gì. Có lẽ bà đã quá chán “con bò cái vụng về” và cần một điều gì đó mới mẻ hơn trong cuộc sống. Một sự quan tâm chẳng hạn”. Tôi đọc được điều đó.
Khi chúng tôi trở lại tìm chị Tâm thì nhà văn đã ngồi ở bàn làm việc từ lúc nào. Bà không đọc sách, chỉ cúi nhìn xuống như bà cụ trong bức “Vợ tôi hay mẹ vợ tôi?”. Tôi chả nhận ra cái đĩa trái cây mà tôi mang đến có gì đặc biệt. Bà trầm mặc. Bà điềm nhiên như đã biết hết tất thảy mọi chuyện. Tôi ngồi xuống ghế dành cho khách và nhận ra nó vẫn còn cuốn hơi của một người nào đó. Có lẽ ai đó vừa mới ở đây thôi.
Tôi ngó đồng hồ thấy gần mười phút sau chị Tâm mới lật đật mang cặp mắt đỏ hoe đến. Nhưng có vẻ 10 phút đó không làm chị Hà quan tâm, mà điều chị để ý là kệ sách, rồi bộ sưu tập Bốn Mùa của nhà văn. Còn bà thì ngồi im như tượng. Tôi đoán là chị Hà sẽ bắt đầu với người giúp việc có mạng lưới tình báo nhạy bén kia trước. Tôi bước đến cửa sổ xem có ai đang nghe lén không nhưng chả phát hiện ra thêm nhân vật nào nữa.
– Chị sao thế? Có chuyện không hay à?
– Không, không… tôi tôi…
– Có phải chị đang áy náy không? – Chị Hà hỏi gấp làm chị ta ấp úng.
– Áy náy về chuyện gì chứ?
– Thì áy náy vì bà chủ đối xử tốt với mình như vậy mà chị đã ngó lơ cho ai đó chôm mất hai bức tranh trong bộ sưu tập của bà sao?
Chị Tâm và tôi đều giật nảy người. Hà “ớt” lúc nào cũng thế, đều đem đến cho tôi những bất ngờ. Tôi ngó kỹ thì đúng là chỉ còn hai bức Thu Đông.
– Ngó lơ là sao? Hà nói gì vậy? Ai trộm chớ?
Rồi Hà “ớt” xuống giọng, mềm mỏng nhưng đủ sắc bén để cắt đứt một thứ gì đó.
– Tôi rất hiểu hoàn cảnh của chị nhưng chị đang không thể khống chế được suy nghĩ và tình cảm của mình. Người chồng khốn nạn của chị đã tìm đến nơi này ngửa tay vòi vĩnh và trong một phút yếu lòng chị ngó lơ cho hắn trộm những bức tranh trong bộ sưu tập Bốn Mùa kiếm ăn trong khi tìm một công việc tử tế có phải không? Và thật không may cho hắn, những thứ hắn lấy cắp mang đi bán đều được Hà “ớt” này chuộc lại.
Chị Tâm chưa kịp phản ứng gì thì Hà “ớt” đánh tới.
– Chị không cần giải thích gì thêm đâu. Để tôi cho chị xem bằng chứng nhé – Hà mở chiếc túi – đây, hai bức Xuân, Hạ đây. Chị nhìn thấy quen chứ? Mà chị Tâm này, tôi phải nói cho chị rõ là cái đuôi mà chị cắm vào tôi đã bị vô hiệu quá từ lâu. Gã ăn xin râu ria xồm xoàm nấp sau bụi nhựa ruồi xanh chỉ nhận mấy cái đùi gà rán từ chị thì có thể làm tốt công việc của một nhà tình báo thứ thiệt sao?
– Tôi phục Hà lắm đó… Tôi tưởng cho gã theo dõi Hà thì tôi có thể chủ động trong mọi chuyện, nào ngờ… chỉ hại gã bị bụi cây đó cứa cho toạc da…
– Người chị nên phục không phải là tôi, mà là cô Chi kìa. Cô thấu hiểu tình cảnh của chị nên đã ngó lơ cho chị và người kia làm càn. Sở dĩ bà dọn vào cabin rừng sống bởi do sợ hắn lấy cắp di vật trong phòng ông nhà mang đi bán đấy. Và bà còn bịa ra Horla để dọa hai người. Chính khi chị nói bà đã bỏ lại ví ngoài gốc thông thì tôi đã biết bà muốn tặng nó cho ai đó cần tiền gấp…
– Vậy Hà còn chờ gì mà không bắt tôi đi.
Thay vì rút còng ra thì chị Hà bước tới nắm chặt tay chị giúp việc, thì thầm:
– Tôi thấu hiểu nỗi khổ của chị và tôi cũng bất ngờ khi phát hiện ra điều đó lắm. Nhìn thấu một con người không khó. Chấp nhận cái mà ta nhìn thấy được ở con người đó mới khó. Tôi đang suy nghĩ là ai sẽ chăm sóc cô Chi khi chị vắng mặt nên mới bỏ tiền ra chuộc lại hai bức tranh đó. Nếu không thì người buồn sẽ không chỉ có tôi đâu nhỉ?
Chị Tâm ôm mặt chạy đến gục xuống vai bà chủ, nức nở.
___
Tác giả gửi bài: Võ Chí Nhất