Sự đa dạng về nội dung và nghệ thuật thể hiện trong ’10 truyện ngắn hay năm 2015′ của tuần báo Văn nghệ

499

Nguyễn Thụy Thái Hiền

(Vanchuongphuongnam.vn) – Truyện ngắn là một thể loại văn học rất phát triển và được ưa chuộng ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Với dung lượng ngắn gọn, cô đúc, giàu kịch tính, truyện ngắn rất phù hợp với độc giả thời hiện đại – độc giả luôn bận rộn với công việc và luôn được “chào mời” bởi các phương tiện nghe nhìn hấp dẫn như ca nhạc, thời trang, phim truyện, truyền hình trực tiếp các môn thể thao…

Khác với tiểu thuyết chủ yếu được in thành sách, truyện ngắn thường xuyên được cập nhật trên các trang báo. Đặc biệt, báo Văn nghệ – Tuần báo sáng tác, lý luận, phê bình, thông tin văn học nghệ thuật của Hội Nhà văn Việt Nam – truyện ngắn không những được chọn lọc kỹ lưỡng, đăng đều đặn mỗi số ba truyện mà còn thường xuyên tổ chức các cuộc thi truyện ngắn nhằm nâng cao chất lượng truyện và phát hiện những gương mặt tài năng văn học cho nền văn học nước nhà.

Theo thông lệ, cứ mỗi độ xuân về, Ban Biên tập tuần báo Văn nghệ lại “trang trọng hái từ vườn nhà một chùm hoa nghệ thuật truyện ngắn để dâng tặng bạn đọc yêu quý của mình” [4]. Xuân 2016 vừa gõ cửa, báo Văn nghệ đã trân trọng tặng quý độc giả Phụ bản số Tết Bính Thân 2016 bằng chùm “10 truyện ngắn hay năm 2015”. Đây là 10 truyện ngắn đặc sắc nhất trong số 156 truyện ngắn đã in trong 52 số báo của năm 2015.

Trong bài viết nhỏ này, chúng tôi nêu lên những cảm nhận bước đầu về nội dung và nghệ thuật của chùm truyện ngắn này.

I/ Sự đa dạng về nội dung

  1. Ca ngợi những giá trị nhân văn truyền thống

1.1. Tình cảm mẹ con, bà cháu sâu nặng

Truyện Đèn không tắt sáng của Ma Văn Kháng ca ngợi người mẹ, người bà dành trọn cuộc đời cho con, cho cháu. Bà phải chịu khổ nhục mọi bề để nuôi năm đứa con thơ và bố mẹ chồng già yếu khi chồng không may mất sớm.

Bà nuốt nước mắt vào lòng, dành tất cả tình yêu cho ba người con còn lại. Hết lo cho con, bà lại lo cho cháu. Những đứa cháu nội cũng lớn dần lên trong vòng tay thương yêu chăm sóc của bà. Hạnh phúc nhất của bà là được trông thấy con cháu trưởng thành.

Tình cảm của mẹ trong ngần, thanh khiết như nước đầu nguồn. Tình cảm của các con đối với mẹ cũng vô cùng cảm động. Có đau đớn nào hơn khi biết sự sống của mẹ đang bị tử thần đe dọa vì căn bệnh nan y mà mình bất lực? Và cái chết của mẹ cũng đã được y học dự báo nhưng sao trong lòng người con vẫn cảm thấy đau đớn xót xa khi chuẩn bị chứng kiến cảnh mẹ mình ra đi mãi mãi.

Tình mẹ con thật đẹp đẽ và cao quý. Không có một thứ tình cảm nào thiêng liêng, sâu nặng bằng tình mẹ con. Đó cũng là thứ tình cảm không thể mua bán, vay mượn, trao đổi bằng vật chất, tiền bạc.

1.2. Tình cảm anh chị em, họ hàng bền chặt

Đọc Giọt máu đào của Vũ Thiên Kiều, ta thấy tình cảm của những người thân trong dòng họ thật cao quý. Truyện mang tính luận đề. Tên truyện khái quát từ một câu tục ngữ: “Một giọt máu đào, hơn ao nước lã”. Dẫu cho cuộc sống có cơ cực thế nào, dẫu người thân có làm tổn thương một người con trong dòng tộc phải bỏ họ hàng, làng xóm thân yêu ra đi biệt xứ nhưng cuối cùng “tiếng gọi” nghĩa tình của “giọt máu đào” đã đưa anh quay về quây quần bên họ.

Truyện Cổng làng của Tống Ngọc Hân nói về tình chị em ruột thịt ở làng quê Bắc Bộ. Câu chuyện xoay quanh chuyện làng, chuyện xóm, chuyện chị em trong một gia đình.

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, bố mất sớm nên từ năm bảy tuổi, Liên đã phải làm công việc đồng áng. Sau đó không lâu, cả bà và mẹ cùng ra đi một lúc, bỏ chị em Liên bơ vơ, cô độc giữa cuộc đời.

Dù trong người mang trọng bệnh (HIV) nhưng Liên không nghĩ đến tính mạng của mình mà luôn lo cho tương lai của đứa em út. Cô đã dành dụm tiền bạc cho nó đi học nghề để sau này nuôi thân. Cô khuyên em học hành tử tế, không nên mơ mộng viển vông đi nước ngoài như bọn thanh niên trong làng. Số tiền còn lại, Liên đưa cho Bách-người em kế-nuôi cá, làm giàu trên mảnh đất quê hương mình.

1.3. Tình cảm vợ chồng son sắt, tình yêu thủy chung

Truyện ngắn Cuộc chiến cuối cùng của Vivian Nguyễn cho người đọc thấy được tình cảm thủy chung của đôi vợ chồng già. Tuy cuộc sống khó khăn nhưng họ vẫn khăng khít bên nhau.

Đọc truyện ta vô cùng thương xót cho bà Thạc. Người phụ nữ đã từng phải chịu cảnh biền biệt xa chồng vì chiến tranh. Sau ngày đất nước thống nhất, bà lại phải chịu hậu quả chiến tranh ngay trên chính người chồng thân yêu của mình. Ông Thạc luôn bị vết thương hành hạ và bị ám ảnh về tiếng súng, tiếng bom. Khi có sấm chớp, mưa dông trên bầu trời là ông chạy trốn vào hầm hố, dù nơi đó là sình lầy, bùn đất. Bà Thạc phải khổ sở để đi tìm ông.

Tình cảm của đôi vợ chồng già đã tiếp thêm sức mạnh cho nhau. Lúc bà Thạc ngã xuống, bà vẫn luôn nghĩ đến ông. Tình cảm của ông đối với bà cũng sâu đậm không kém. Thấy bà ngã, ông bỗng chốc hết sợ sệt, cố lết đôi chân cà thọt khập khiễng của mình đến bế bà lên, lao thẳng vào cơn mưa đi gọi người cứu bà.

Truyện ngắn Mưa rào của Đặng Nguyên Sơn lại đề cập đến tình cảm thủy chung của đôi vợ chồng trẻ. Câu chuyện mở đầu bằng việc ba người bạn học Ly, Duy và Xoan cùng trượt đại học. Không vào được đại học, nhưng cả ba đều mang trong mình khát vọng đổi đời. Để thực hiện ước mơ ấy, Ly và Duy mỗi người đã tự tìm đường đi cho riêng mình. Ly quyết định rời quê lên thành phố với hy vọng đổi đời. Nhưng chính Ly cũng không biết mình sẽ làm gì trên phố? Còn Duy tìm “miền đất hứa” Đài Loan để mong ước kiếm được thật nhiều tiền về làng mở cho người yêu một cửa tiệm tạp hóa. Riêng Xoan vì đã có “mầm móng” của Duy nên đành ở lại làng.

Ước mơ là thế. Nhưng cuối cùng tất cả đều vỡ mộng. Những thứ mà họ tưởng chừng có được, nhanh chóng vuột khỏi tay. Bằng tình yêu, tình thủy chung keo sơn, Xoan sẵn sàng mở rộng vòng tay, làm chỗ dựa vững chắc cho người yêu khi Duy thất bại. Cô thắp lên ngọn lửa hy vọng bằng chính trái tim yêu thương của mình: “Hãy về bên em, chúng ta sẽ xây dựng hạnh phúc chính trên quê hương của mình”.

1.4. Tình cảm quê hương gắn kết

Đặng La Ma trong truyện Mộng Thám hoa mặc dù bị chức dịch làng Bùi khinh khi, nhục mạ khi “vinh qui bái tổ” và đặt điều xuyên tạc nhằm hạ bệ quan tân khoa nhưng Thám hoa luôn nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn, nơi nuôi mình lớn lên, nơi giúp mình học hành đỗ đạt. Quê hương luôn in đậm trong tâm trí Ngài. Nó là máu, là thịt, là những kỷ niệm vui buồn của tuổi ấu thơ. Không ai có thể vứt bỏ quê hương ra khỏi hành trang cuộc đời Ngài. Dù làm quan ở kinh đô phồn hoa nhưng Thám hoa vẫn quan niệm: “Chẳng nơi đâu bằng quê hương mình”.

  1. Phê phán sự xuống cấp của xã hội, sự băng hoại về đạo đức của con người

2.1. Thói đố kỵ của con người

Truyện Mộng Thám hoa không chỉ nêu lên tình cảm gắn kết với quê hương mà còn phê phán thói đố kỵ, độc ác của con người. Những kẻ có chức luôn cậy quyền, cậy thế. Họ không thể chấp nhận con cái của những chức sắc quyền quý trong làng, trong xã thì hỏng thi còn một đứa con rơi nghèo khổ lại đậu đại khoa! Do đó mọi sự cố gắng, nỗ lực vươn lên của cậu bé Đặng Ma La đều bị chối bỏ.

2.2. Tệ nạn tham nhũng, chạy chức chạy quyền

Truyện ngắn Giấc mộng trắng của Đinh Ngọc Lâm đã phản ánh tệ nạn “chạy chức chạy quyền” trong xã hội ta hiện nay bằng hình tượng nghệ thuật. Trong truyện, mẹ Công chỉ là ả đàn bà ít học, có tí nhan sắc nhưng giỏi kiếm tiền, giỏi cầm quyền.

Để thỏa mãn mọi thứ, ả kiếm thật nhiều tiền bằng đủ mọi cách. Ả buôn đất, buôn nhà nhưng phát đạt nhất là buôn ghế ngồi: “Ả trở thành đầu mối xin việc vào cơ quan, đường dây cho những người muốn leo trèo thang bậc danh vọng quyền lực”.

Thời buổi thị trường, cái gì chả phải tốn tiền. Bố thằng Công ở cơ quan ngồi trên ghế cao nhất, có quyền sắp xếp chức vụ, đứa nào được sắp vào ghế trí thức còn phải coi phúc phận, tài lực của nhà chúng nó nữa. Và dĩ nhiên mẹ thằng Công đứng sau lưng bố nó điều khiển tất cả.

2.3. Những tệ nạn xã hội xâm nhập ngày càng sâu vào xã hội Việt Nam

Trong Giấc mộng trắng, khi làng quê vừa hội nhập vào đô thị, người dân ở đây phải chạy theo những “cơn sốt”: sốt nhà, sốt đất, sốt nhà hàng, sốt cave và nặng nề hơn là sốt ma túy. Xóm làng chìm ngập trong ma túy và căn bệnh thế kỷ HIV-AIDS.

Đọc truyện, ta có cảm giác ghê rợn, xã hội Việt Nam thời hội nhập, mở cửa như vậy sao! Tiền bạc không đem lại hạnh phúc mà khiến bao gia đình rơi vào cảnh tan cửa nát nhà, tang thương chết chóc.

Cái kết cho một gia đình quan chức, làm giàu bằng nghề “chạy” thật là thê thảm, chua xót. Đây chính là hồi chuông cảnh tỉnh mà tác giả Giấc mộng trắng gửi đến cho những ai đang ấp ủ giấc mơ giàu sang bằng những mánh khóe bất lương!

Truyện ngắn Cổng làng của Tống Ngọc Hân đã phản ánh hiện tượng đua nhau xây cổng làng thật to nhằm khuếch trương thành tích. Đây là cái mốt của chức sắc thời hiện đại. Họ nào có biết, cổng càng to thì dân lo càng nhiều. Truyện không nói nhiều về cổng làng mà tập trung mô tả tâm trạng lo lắng kiếm tiền để nộp cho làng của người dân.

Truyện Mưa rào của Đặng Nguyên Sơn phản ánh khát vọng làm giàu của lớp trẻ đến cháy bỏng. Khát vọng làm giàu là chính đáng nhưng cách làm giàu thật đáng trách. Vì thế,  bị rơi vào cạm bẫy của những kẻ lừa đảo nên nhanh chóng tan thành mây khói.

Truyện Nghén mặt trời của Vũ Thị Huyền Trang viết về hiện tượng khai thác than lậu ở vùng mỏ. Nhìn đâu người ta cũng thấy bụi than, ngay cả nụ cười họ trao nhau cũng nhuốm màu đen đúa.

Trong lớp bụi than ấy, những người đàn ông sau một ngày lao động cực nhọc dưới hầm than thổ phỉ nếu còn chút sức lực nào lại quấn lấy những ả cave hoặc lao vào những cuộc sát phạt cờ bạc thâu đêm.

Sau cái chết của bố, Dương đã hoàn toàn thay đổi. Từ một cô bé ngây thơ, hiền lành, trong trắng, cô trở thành trùm thổ phỉ đầy mưu mô thủ đoạn, khét tiếng tàn bạo.

2.4. Những hủ tục hôn nhân xưa

Truyện ngắn Trăng mờ trên đỉnh núi của Dương Giao Linh đã phần nào nói lên hủ tục hôn nhân lạc hậu còn rơi rớt lại trong xã hội. Người ta mua Sồng về làm dâu khi mới 17 tuổi. Đêm tân hôn, nằm cạnh chồng mà Sồng có cảm giác ở bên người xa lạ.

Chồng Sồng cũng vậy. Anh lấy vợ để làm vui bố mẹ chứ có yêu Sồng đâu. Do đó, anh chẳng những không âu yếm, ân ái vợ mà còn có tình nhân cùng học với nhau ở trên tỉnh.

Liệu khi học xong, chồng Sồng có trở về quê chung sống cùng nàng hay mãi chạy theo những cô gái trẻ đẹp nơi thành phố? Rồi Sồng sẽ phải chờ đợi đến bao giờ mới được chồng yêu thương? Hủ tục hôn nhân đã bóp chết cuộc đời một cô gái trẻ và tước đi hạnh phúc lứa đôi của những nam thanh nữ tú miền núi nước ta thời hiện đại.

Mười truyện ngắn hay trên Báo Văn nghệ Xuân 2016 đã giúp độc giả có cái nhìn đa chiều về xã hội Việt Nam những năm đầu thế kỷ XXI. Các tác giả không chỉ ca ngợi những giá trị truyền thống mà còn phản ánh những cái xấu, cái xù xì gai góc đang tồn tại và phát triển trong xã hội nước ta thời hiện đại. Mười truyện ngắn chỉ là những lát cắt nhỏ, thể hiện một phần thực trạng của xã hội, giúp người đọc suy ngẫm, chiêm nghiệm về cuộc sống. Nhưng cho dù viết về chuyện xưa hay chuyện nay, ca ngợi hay phê phán, các tác giả truyện ngắn luôn gửi gắm niềm tin vào con người và khát khao xây dựng một xã hội văn minh, nhân ái, bình đẳng, công bằng kết hợp giữa truyền thống với hiện đại; tiếp thu văn hóa nhân loại nhưng không làm mất bản sắc của dân tộc Việt Nam.

II/ Sự đặc sắc về nghệ thuật thể hiện

1. Gia tăng tính triết lý, triết luận

Tính chất triết lý đã xuất hiện trong văn học dân gian và văn học viết Việt Nam trước cách mạng tháng Tám 1945. Nhưng trong văn học cách mạng Việt Nam giai đoạn 1945 – 1975, do nhu cầu phục công – nông – binh, phục vụ kịp thời sự nghiệp giải phóng dân tộc, thiên về ghi chép, phản ánh hiện thực nên tính triết luận có phần giảm.

Sau 1975, đặc biệt là sau 1986, đất nước ta có nhiều đổi thay. Những cách viết đơn giản, công thức, sơ lược theo lối mòn như trước đây không còn được độc giả chấp nhận. Sứ mệnh nhà văn lúc này là phải tự đổi mới mình để làm mới văn học. Vì thế, trong sự nghiệp đổi mới văn học nói chung, đổi mới tiểu thuyết, truyện ngắn nói riêng, cảm hứng khám phá, suy ngẫm, tìm kiếm những vấn đề có ý nghĩa triết lý nhân sinh trở thành dòng mạch chính của văn xuôi Việt Nam đương đại. Như vậy, gia tăng tính triết luận là một khuynh hướng nổi bật trong văn xuôi Việt Nam sau Đổi mới.

Nhiều tác giả trong “10 truyện ngắn hay năm 2015” của Báo Văn nghệ không giấu giếm tính luận đề của tác phẩm. Nhà văn công khai thể hiện vấn đề tư tưởng mà mình gửi gắm trong tác phẩm ở cách đặt tên truyện, cách tạo tuyến xung đột, cách tước bỏ một số mối quan hệ cho tiện theo đuổi vấn đề trung tâm.

Tính triết luận trong truyện Đèn không tắt sáng của tác giả Ma Văn Kháng thể hiện ngay ở tiêu đề: tình mẹ là bao la và bất tận như cây đèn tỏa sáng cho mỗi bước con đi không bao giờ tàn lụi.

Tên truyện Giọt máu đào lấy ý từ câu tục ngữ: “Một giọt máu đào hơn ao nước lã” và nội dung truyện đã triển khai luận đề đó.

Đặng Nguyên Sơn đã dựa vào hiện tượng tan nhanh như bong bóng mưa rào để đặt tiêu đề Mưa rào cho tác phẩm của mình.

Truyện ngắn Cuộc chiến cuối cùng giúp người đọc hiểu thêm sức mạnh của tình yêu. Những đau đớn, những khó khăn trong cuộc sống hiện tại không làm cả hai chùn bước. Họ bám riết vào nhau để sống, để chiến đấu cho dù đó là cuộc chiến cuối cùng để giành lấy sự sống.

Các tác giả của truyện ngắn Nghén mặt trờiGiấc mộng trắng đã gửi gắm vào trang viết của mình về luật nhân quả. Trên đời có vay, ắt có trả. Người ta gieo nhân nào thì sẽ gặt được quả ấy.

Ngôn ngữ đối thoại trong truyện Mộng Thám hoa mang tính tranh luận, tranh biện. Vị Thám hoa luôn “đọc” được suy nghĩa của Thuân và bác bỏ những ý nghĩ đó. Nhờ các cuộc tranh biện mà những nghi ngờ, thắc mắc, cùng những lời đồn thổi ác ý về vị Thám hoa năm nào đã được giải đáp một cách rõ ràng, rành mạch, logic.

Nếu như truyện Mộng thám hoa là một cuộc tranh biện bằng ngôn ngữ đối thoại thì ở truyện Hình như có tiếng người lại thể hiện tranh biện bằng ngôn ngữ độc thoại. Nhân vật “hắn” ngồi nhớ lại quãng thời gian đã qua của cuộc đời. Nghĩ về mình, nghĩ về gia đình, nghĩ về cuộc sống hiện tại, cuộc sống tương lai, nhân vật “hắn” không tìm ra lối thoát. Bằng lối miêu tả nội tâm nhân vật, tác giả cho người đọc thấy được sự bế tắc từ trong suy nghĩ của nhân vật “hắn”.

2. Sử dụng yếu tố tâm linh, ảo giác trong xây dựng cốt truyện

Truyện Mộng Thám hoa là câu chuyện trong giấc mơ của Thuân. Mới vào truyện tác giả dẫn người đọc vào một thế giới mờ ảo, ma quái đầy huyền bí.

Mặc dù câu chuyện có sử dụng yếu tố tâm linh và xây dựng cốt truyện dựa vào nhân vật lịch sử, thông qua giấc mơ nhưng đã giải quyết một cách thấu đáo và đưa ra một triết lí sâu sắc: không đâu bằng quê hương mình, quê hương luôn ở trong tim của mỗi người.

Ấn tượng đậm đà và in mãi trong lòng độc giả về truyện Nghén mặt trời là cảm giác ma mị. Từ hiện tượng lòng đỏ trứng gà có quầng đỏ hay tia máu hình con nhện, Vũ Thị Huyền Trang đã tạo ra một hình dung cho con trẻ rằng: Mẹ Dương đã nuốt mặt trời để sinh ra bé Dương. Và từ cơn nghén mặt trời kì lạ ấy, mẹ sinh ra Dương để sau này cô bé có sở thích kì lạ là “nuốt mặt trời”. Tuy chỉ là ảo giác nhưng đó là chi tiết hay, lạ, độc nhất vô nhị. Thao tác tư duy nghệ thuật độc đáo này tạo cho hình tượng nhân vật một sự khỏe khoắn và đa nghĩa, căng tràn sức gợi.

3. Tìm tòi những kiểu kết thúc gây tác động về nhận thức

3.1. Kết thúc có hậu với những biến tấu hiện đại

Các tác phẩm Đèn không tắt sáng, Giọt máu đào, Hình như có tiếng người, Mưa rào, Cuộc chiến cuối cùng trong Phụ bản số tết Bính Thân 2016 có thể xem thuộc loại kết thúc có hậu với những biến tấu hiện đại.

Truyện Đèn không tắt sáng mặc dù kết thúc bằng cái chết của bà cụ Vi nhưng tấm lòng độ lượng, vị tha, hết lòng vì người thân của bà sẽ sống mãi trong lòng con cháu. Hơn thế, cuộc đời của bà sẽ là tấm gương cho những đứa con của bà cũng sẽ hết lòng vì con, vì cháu của chúng. Cứ thế, các thế hệ sau sẽ nối tiếp truyền thống tốt đẹp đó.

Truyện Giọt máu đào kết thúc bằng lời trăn trối của thím Sáu với Thia và cảnh xum vầy, gắn kết của con cháu bên thi thể thím cùng hình ảnh sắc cầu vồng sau cơn mưa.

Nhân vật “Hắn” trong truyện Hình như có tiếng người bỏ bê mọi thứ và chìm đắm trong men rượu nhưng cuối truyện “Hắn” đã nhận ra giá trị của cuộc sống. Hắn phải phấn đấu vì mục đích, lí tưởng của mình để khỏi sống hoài sống phí tuổi trẻ. Đây cũng là thông điệp của tác giả muốn gửi đến bạn đọc, nhất là những người trẻ tuổi.

Truyện Mưa rào kết thúc bằng viễn cảnh: “Chúng ta sẽ làm lại từ đầu trên chính trên mảnh đất quê hương mình. Em sẽ đi buôn chuối nối nghề của mẹ. Anh sẽ cùng cha khai hoang đất để trồng rừng, trồng cao su, hồ tiêu. Chúng ta sẽ mua trâu, bò, dê… làm trang trại như cha em. Sẽ dựng một ngôi nhà trên núi để đêm đêm nằm nghe gió hát…” mặc dù người yêu đang bị giam cầm nơi đất khách quê người.

3.2. Kết thúc theo lôgíc hiện thực

Kết thúc theo lôgíc hiện thực là lối kết thúc “tuy đánh dấu sự xóa bỏ tính cách và số phận của nhân vật nhưng mâu thuẫn vẫn có thể tiếp tục căng thẳng hoặc chưa bị xoá bỏ” [1].

Trong chùm “10 truyện ngắn hay 2015” (Phụ bản số tết Bính Thân 2016) của Báo Văn nghệ, các truyện Giấc mộng trắng (Đinh Ngọc Lâm), Nghén mặt trời (Vũ Thị Huyền Trang) kết thúc theo lôgíc hiện thực. Số phận nhân vật đặt trong mối quan hệ nhân quả, họ phải trả giá cho những hành động sai trái, xấu xa, đê tiện của mình.

Số phận của gia đình thằng Công (Giấc mộng trắng) thật bi đát. Mẹ bỏ đi, cha suốt ngày say xỉn, anh trai chết vì AIDS còn bản thân hắn đang mang trong mình căn bệnh thế kỷ HIV. Truyện kết thúc bằng giấc mơ hãi hùng của thằng Công. Câu chuyện Giấc mộng trắng chính là hồi chuông cảnh báo cho những kẻ chạy theo cám dỗ vật chất, chạy theo những dục vọng thấp hèn, ra sức làm giàu bằng mọi giá mà đánh mất đạo lý truyền thống của dân tộc.

Trong Nghén mặt trời, Dương dùng tiền tài, sắc đẹp chiêu nạp lũ đầu gấu làm đàn em, gây nên bao thảm họa tàn khốc. Từ đó, không đêm nào Dương được ngủ ngon. Những cơn ác mộng hãi hùng luôn xuất hiện trong mơ. Cuối cùng sau một cơn ác mộng, cô bật dậy giữa đêm khuya và đi ra khỏi nhà như một kẻ kẻ mộng du cho đến khi rơi xuống một hố sâu than thổ phỉ thăm thẳm. Cô bé Dương trong sáng như mặt trời ngày nào đã phải trả giá cho những tội lỗi của mình.

3.3. Kết thúc buông lửng

Cách kết thúc buông lửng là biểu hiện của một cách tạo phẩm chất “ý tại ngôn ngoại”, để lại nhiều dư âm trong lòng độc giả khi đọc xong tác phẩm. Truyện Trăng mờ trên đỉnh núi của Dương Giao Linh có thể coi là cách kết thúc này. Những hủ tục hôn nhân lạc hậu đã giết dần giết mòn tuổi xuân của Sồng và bao nhiêu cô gái trẻ cùng trang lứa. Liệu Sồng sẽ phải chờ đợi đến bao giờ? Chồng Sồng học xong có trở về làng hay ở luôn trên thành phố? Và khi trở về, liệu chàng có yêu thương và coi Sồng là vợ hay chỉ coi Sồng như người giúp việc trong gia đình? Ai sẽ giải thoát cho nàng khỏi cuộc sống đày ải, cô đơn, không tình yêu này? Đó là điều mà tác giả bỏ ngỏ, người đọc tự suy nghĩ để tìm ra cách kết thúc theo ý riêng của mình.

Hầu hết các truyện ngắn hay năm 2015 được chọn đăng trên Phụ bản số tết Bính Thân 2016 giúp người đọc có cái nhìn mới mẻ về nghệ thuật xây dựng cốt truyện, nghệ thuật miêu tả nội tâm, cách tạo tuyến xung đột, cách kết thúc truyện… Các tác giả đều có cách viết, cách nhìn nhận đánh giá rất hiện đại phù hợp với xu thế hội nhập giao lưu của nền văn học nước ta hiện nay. Những thông điệp gửi gắm trong các truyện ngắn là những lời nhắc nhở, những hồi chuông cảnh tỉnh cho độc giả và cho xã hội thời mở cửa.

KẾT LUẬN

Trong sự phát triển mạnh mẽ và toàn diện của nền văn học nước ta sau 1975, truyện ngắn là một trong những thể loại có những bước phát triển vượt bậc và đạt được những thành tựu rực rỡ. Chùm “10 truyện ngắn hay 2015” (Phụ bản số tết Bính Thân 2016) của Báo Văn nghệ là 10 truyện ngắn đặc sắc nhất trong số 156 truyện ngắn đã in trong 52 số báo của năm 2015. Có thể xem đây là mười “tinh tuyển” của tòa soạn Báo Văn nghệ gửi tặng bạn đọc. Mỗi truyện ngắn là một nỗi niềm, hoài bão, khát vọng và mang đậm phong cách riêng của người viết.

Tác phẩm văn học luôn có nhiều “chỗ trống”, luôn “vẫy gọi” độc giả khám phá những tầng nghĩa tiềm ẩn, cho nên không thể nào diễn tả hết sự đặc sắc của mười truyện ngắn được đăng trên Phụ bản số tết Bính Thân 2016. Sau gần một năm miệt mài nghiên cứu, chúng tôi thấy rằng: “10 truyện ngắn hay năm 2015” rất đa dạng về đề tài, phong phú về nội dung và đặc sắc về nghệ thuật thể hiện. Các tác phẩm đã phản ánh kịp thời những vấn đề nóng bỏng, cấp thiết của xã hội. Nó để lại nhiều dư vị, suy ngẫm trong tâm hồn người đọc. Không chỉ giúp chúng ta trở về cội nguồn, tự hào về truyền thống đạo lý của dân tộc, mà còn là những bài học cảnh tỉnh cho những kẻ có lối sống ích kỷ, chỉ biết chạy theo dục vọng cá nhân, chạy theo đồng tiền, thoát ly truyền thống, phá vỡ mọi chuẩn mực đạo đức xã hội, coi trọng vật chất hơn tình cảm con người. Đó chính là thông điệp chung mà các tác giả muốn gửi tới người đọc.

N.T.T.H

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Nhiều tác giả (2004), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

[2] Nhiều tác giả (2006), Văn học Việt Nam sau 1975 những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

 [3] Lê Ngọc Trà (2002), Thách thức của sáng tạo, thách thức của văn hoá,  Nxb Thanh niên, TP. Hồ Chí Minh.

 [4] Văn nghệ, Phụ bản số tết Bính Thân 2016.