Sự điển hình về sống và chết

182

Phó Cục trưởng Phong bị tai nạn xe hơi khi đang đi công tác ở một huyện miền núi. Hôm đó trời mưa nhỏ, khi vào khúc cua thì chiếc xe chở Phó Cục trưởng bị rơi xuống vực, chiếc xe đập vào vách đá phát nổ và bị thiêu rụi. 

Phó Cục trưởng Phong cứ thế ra đi không một tiếng động, không một lời trăng trối. Lãnh đạo Cục vội đến nhà ông Phó Cục trưởng rất đau thương nói với gia đình ông rằng gia đình có yêu cầu gì thì cứ nói, tổ chức sẽ cố gắng đáp ứng.

Sau một hồi thảo luận, gia đình ông Phó Cục trưởng đưa ra một yêu cầu nhỏ: “Tục ngữ có câu “Nhạn đi qua để lại tiếng, người đi qua để lại danh”. Lão Phong cả đời làm việc chăm chỉ không để lại điều gì tai tiếng, tốt nhất là nên cho ông một chút vinh dự để an ủi linh hồn ông ở trên Thiên đường.

Yêu cầu này không hề quá lớn và ông Cục trưởng đã đưa ra quyết định ngay tại chỗ: “Đó là một vấn đề nhỏ Cục sẽ giải quyết ngay lập tức”. Lãnh đạo Cục luôn quyết đoán trong giải quyết công việc, theo đúng thủ tục, Phó Cục trưởng Phong đã sớm được công nhận là liệt sĩ và công chức ưu tú. Trong một thời gian, hầu như tất cả các danh hiệu danh dự, tiên tiến và xuất sắc đều được đặt lên đầu ông Phong.

Có vẻ như một cái gì đó vẫn còn thiếu. Cục trưởng vỗ đầu, đúng vậy, để cho Phó Cục trưởng Phong có tin trên báo, có tiếng nói trên tivi. Lãnh đạo Cục gọi ngay cho Chủ nhiệm văn phòng lệnh cho ông ta tiến hành điều tra nghiêm túc, thăm dò chuyên sâu, khai thác toàn diện, để viết một tài liệu có kết cấu chặt chẽ, nội dung chi tiết và những ví dụ sinh động, đồng thời báo cáo với lãnh đạo thành phố xây dựng Phó Cục trưởng Phong thành một hình mẫu điển hình của toàn thành phố.

Ngay sau đó, các tờ báo đã đăng một bản tin dài về sự trung thực vì dân vì nước của ông Phó Cục trưởng. Những sự tích về sự hy sinh quên mình của ông Phó Cục trưởng đã được phát sóng trên tivi. Các nhà lãnh đạo của thành phố kêu gọi người dân thành phố, đặc biệt là công chức các cấp học hỏi tác phong của ông phó Cục trưởng.

Phó Cục trưởng Phong nhanh chóng trở thành nhân vật của công chúng được tất cả phụ nữ và trẻ em trong thành phố biết đến và linh hồn của ông Phó Cục trưởng trên Thiên đường đã có thể tìm thấy niềm an ủi.

Khi toàn thành phố đang bận rộn tìm hiểu tinh thần của ông Phó Cục trưởng thì ông ta đã “sống lại” một cách thần kỳ. Ngày mà ông Phó Cục trưởng đột ngột xuất hiện ở đơn vị  mọi người đều hoảng hốt lo sợ nghĩ rằng họ đã gặp phải một hồn ma.

Hóa ra khi chiếc xe lăn nhiều vòng trên sườn dốc đã ném ông Phó Cục trưởng ra khỏi xe vào một bụi cây rậm rạp. Ngày hôm sau, một ông lão lên núi hái thuốc phát hiện ông Phó Cục trưởng nằm bất tỉnh nên bế ông về nhà. Sau hơn 20 ngày được chăm sóc chu đáo, ông lão đã kéo ông Phó Cục trưởng từ cánh cổng địa ngục trở về.

Đối mặt với sự thay đổi đột ngột này, ông Cục trưởng có vẻ lúng túng và rất khó xử. Lãnh đạo thành phố cũng vô cùng lúng túng. Sao lại như thế này? Cái chết lại có thể được sử dụng một cách tùy tiện như một trò đùa? Nhưng điều đáng xấu hổ hơn vẫn chưa đến! Các phương tiện truyền thông và công chúng không muốn chấp nhận sự thật rằng ông Phó Cục trưởng đã “sống lại”, họ vô cùng phẫn nộ vì đã bị ông ta lừa gạt.

Ông Phó Cục trưởng đã trở thành mục tiêu chỉ trích của công chúng. Có người viết đơn kiện, có người gọi điện thoại báo rằng Phó Cục trưởng Phong tham ô, nhận hối lộ, đời sống sa đọa.

Bộ phận thanh tra kỷ luật vào cuộc, sau khi xác minh, tình tiết phạm tội của Phó Cục trưởng Phong là không thể phủ nhận, ông ta đã bị khai trừ đảng và mọi chức vụ giao cho cơ quan tư pháp xử lý.

Ông Phó Cục trưởng nhanh chóng trở lại làm nhân vật điển hình, nhưng lần này là nhân vật điển hình về tiêu cực.

Thiêm Nguyễn (dịch)

Truyện vui của Tào Thanh Văn (Trung Quốc)/ Theo VNCA