Văn học đương đại Việt Nam hơn ba chục năm qua, không thể không nhắc tới nhà văn Nguyễn Huy Thiệp với hàng loạt truyện ngắn độc đáo. Điều đáng nói thêm, hầu hết những truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp đều chứa đựng một hoặc vài lời triết lý của ông về văn chương. Chứng tỏ, Nguyễn Huy Thiệp là người có nhiều trăn trở về văn chương và ý nghĩa của nó. Điều này cũng là trăn trở của nhiều nhà văn thế hệ trước, trong đó gần kề ông nhất có thể kể đến Nam Cao và Nguyễn Minh Châu. Nhưng đến Nguyễn Huy Thiệp, quan niệm về văn chương và sứ mệnh của nhà văn trong các sáng tác của ông có nhiều đổi mới theo hướng phản tỉnh, thực sự rất đáng bàn.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.
Trong quan niệm truyền thống, chức năng nhận thức và phản ánh hiện thực mặc nhiên được xem là một trong những chức năng quan trọng nhất của văn học. Nhà văn gánh vác sứ mệnh thư ký trung thành của thời đại như một sự tự nguyện, và với không ít người, đấy là băn khoăn duy nhất hoặc quan trọng nhất khi cầm bút. Quan niệm này đã được Nguyễn Huy Thiệp phản biện trong các sáng tác của mình. Theo Nguyễn Huy Thiệp, kỳ vọng vào khả năng nhận thức của văn học là một nhầm lẫn to lớn, bởi văn học cũng như mọi loại hình nghệ thuật khác, đều mang trong mình những giới hạn của nó. Huống hồ, nó cũng chỉ là sản phẩm của những cá nhân, thể hiện nhận thức của cá nhân giữa mênh mang hiện thực rộng lớn. Nguyễn Huy Thiệp có một đặc điểm là hay đẩy nhận định, những phát biểu của mình đến chỗ cực đoan. Đó có thể là một cách nói để nhấn mạnh ý của mình, làm độc đáo ý của mình. Chẳng hạn khi ông để nhà văn họ Vũ trong truyện ngắn Bài học Tiếng Việt cay đắng nhận ra “vũ trụ là hỗn độn vô minh… Văn học không phải là tất cả. Không nên quá coi trọng văn học. Văn học chỉ là từ ngữ. Như những ngọn gió”…, hay khi ông công khai bày tỏ sự nghi ngờ năng lực nhận thức hiện thực của văn học trong tiểu luận Thời của tiểu thuyết (báo Ngày nay, số 21, 2003): “Tiểu thuyết không chỉ là tấm gương soi của thời đại gì hết, nó kể chuyện và nhầm lẫn lung tung” thì ta phải thấy được rằng, trong quan niệm của Nguyễn Huy Thiệp văn chương hiện đại có những giới hạn trong sứ mệnh của nó, không nên ảo tưởng rằng văn học có thể làm được tất cả trong sự giáo dục nhận thức, đạo đức, tư tưởng, tình cảm cho con người, không phải mọi phát biểu của nhà văn trong văn học đều đạt đến sự trọn vẹn trong nhận thức.
Nguyễn Huy Thiệp thấy được chỗ mạnh và chỗ yếu của văn học cũng như những giới hạn của nhà văn trong tác phẩm. Nhà văn không phải là người phán truyền những chân lý. Nguyễn Huy Thiệp thức tỉnh chúng ta một điều rằng, người nghệ sĩ trong hành trình nhận thức về mình phải thoát khỏi những nhầm lẫn vương giả – rằng họ là những người thư kí trung thành của thời đại, là nhà cách mạng, là người dự báo hiện thực,… Các nhà văn trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp là những con người có thể rất tinh tế, mẫn cảm đấy nhưng cũng bất lực trước hiện thực. Họ bị lún sâu trong đám bùng nhùng của hiện thực đời sống, không có khả năng tác động đến hiện thực. Họ rơi vào cái cô đơn của một con người hiểu đời, biết mình biết ta nhưng không thể đem cái sự hiểu đó ra đối chất với hiện thực cuộc đời. Anh ta nhận thức được về năng lực, giới hạn của mình và chấp nhận nó như một lời “thú tội”. Đó là nhân vật thi sĩ trong Sang sông. Sức mạnh hành động của anh ta té ra thua một tên cướp. Hay Nguyễn Du, nhân vật trong Vàng lửa khi đặt bên cạnh chân dung của vua Gia Long cũng thật mờ nhạt, bởi vua Gia Long bằng tất cả sự tàn nhẫn của mình vẫn có năng lực làm cho lịch sử sinh động hẳn lên, đem tới sức đẩy lớn với khối cộng đồng – điều mà Nguyễn Du không bao giờ có được. Thoát khỏi những ngộ nhận về vai trò của nhà văn, của văn học nghệ thuật là một việc không dễ dàng bởi nó khiến nhà văn phải đối lập mình với những kì vọng, những hình ảnh đẹp đẽ của họ trong nhận thức truyền thống của cộng đồng. Nếu như ở đây cần một sự so sánh thì có lẽ là trong quá khứ, Nam Cao, Nguyễn Minh Châu tự đấu tranh và mổ xẻ chính mình để vươn tới những thiên chức mà cộng đồng đã kì vọng về họ, thì trong hiện tại, Nguyễn Huy Thiệp hiệu đính lại để chỉ ra những bất khả, những giới hạn mà nhà văn và những tác phẩm của mình chẳng thể vượt qua. “Nhà văn và tác phẩm của họ không có nhiều sức mạnh như đã từng bị ngộ nhận”- Nguyễn Huy Thiệp đã thẳng thắn nhìn vào sự thật này và dũng cảm chấp nhận chúng, chấp nhận những giới hạn trong sứ mệnh của người nghệ sĩ để từ đó đảm nhận những sứ mệnh mới của mình. Chúng ta hi vọng và tin tưởng là như vậy.
Có lẽ bắt nguồn từ quan niệm về văn chương và người nghệ sĩ như vậy nên có thể thấy một điều rằng trong phần lớn các sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp, ông gạt bỏ vai trò độc quyền của người kể chuyện trong việc đưa ra những nhận định, đánh giá, thậm chí cả trong tái hiện hiện thực. Yếu tố miêu tả trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp hầu như vắng bóng, thay vào đó là lối kể theo kiểu liệt kê các sự kiện, các cảm giác (thuần tuý chỉ là những cảm giác) được nhà văn đặc biệt hay sử dụng. Bởi trong miêu tả bao giờ cũng hàm trong nó một sự lí giải và cắt nghĩa nào đó về đời sống. Kể cho phép nhà văn có thể giấu đi mọi sự cắt nghĩa – đặc trưng của kể là chủ quan, phiến diện. Trên văn bản những sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp, hầu như người ta chỉ thấy những chuỗi sự kiện trần trụi với giọng văn lạnh. Bởi Nguyễn Huy Thiệp nhận ra được rằng không phải nhà văn có thể lí giải, cắt nghĩa hết về hiện thực, nhất là một nhà văn hiện đại trong cuộc sống phức tạp ngày hôm nay.
Cần phải nói thêm một điều nữa rằng, Nguyễn Huy Thiệp đặc biệt yêu cầu nhà văn, văn học là phải hướng đến những giá trị nhân văn. Đó là một hằng số tồn tại vĩnh viễn: “Điều khốn nạn, trớ trêu và cũng là điểm yếu của một nhà văn là dù hiểu đời, lịch lãm đến đâu cuối cùng anh ta vẫn phải hành xử và biết trình bày tư tưởng nhân đạo một cách nghệ thuật. Giá trị nhân đạo là lí do duy nhất để văn học tồn tại”. Con người nghệ sĩ trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp là con người không ngừng hướng về cái đẹp, khát khao tìm kiếm những điều tốt đẹp trong cuộc sống, như tiếng hát của chàng Trương Chi:
Những khát khao của ta
Hướng về tuyệt đối
Ta là Trương Chi
Ta ca ngợi tình yêu
(Trương Chi)
Tha thiết và không ngừng tạo lập trong tác phẩm của mình những giá trị nhân đạo – những giá trị dưới con mắt của Nguyễn Huy Thiệp đang dần bị mai một, bị đánh rơi trong đời sống thực tại – đã đưa lại cho ông một quan niệm mới về sứ mệnh của văn chương. Đó là không phải ngợi ca cuộc sống, ngợi ca hiện thực mà là “phản biện” toàn bộ trật tự của đời sống hiện tồn, thức tỉnh mọi người ý thức về sự thật để từ đó độc giả tự tìm ra cách ứng xử trước cuộc đời.
Nhà phê bình trẻ Trịnh Thị Nga
Nếu như trước đây, văn học thường là và cần là tiếng nói chung của dân tộc, thời đại, cộng đồng, phát biểu những vấn đề, những tư tưởng được cộng đồng thừa nhận, ủng hộ và có lợi cho cộng đồng thì văn học thời kỳ Đổi mới không chỉ như vậy, nó có thể và cần phải là phát ngôn của mỗi cá nhân. Trong một nền văn học hướng đến tinh thần dân chủ, đó là điều cần được coi trọng. Văn học trở thành phương tiện cần thiết để tự biểu hiện, ở đó người nghệ sĩ thể hiện cái nhìn riêng của mình về con người, về cuộc sống, nơi ý thức và cả vô thức trong tâm trạng của người viết có thể xen cài, hoà lẫn. Nhà văn không còn là người độc quyền ban bố, phán truyền các chân lí không thể bàn cãi (không thể bàn cãi bởi nó là tư tưởng chung, là mục tiêu cao cả của cộng đồng). Nhà văn nói lên những suy nghĩ của riêng mình, do mình cảm nhận được và dù có rất muốn bênh vực cho những tín niệm của mình thì họ cũng không thể biết đến những tư tưởng và quan niệm khác đang song song tồn tại. Chính vì vậy mà mối quan hệ giữa nhà văn và bạn đọc trong các sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp cũng thay đổi theo hướng dân chủ hoá, bình đẳng hơn. Độc giả được tôn trọng, được tự rút ra kết luận cho riêng mình đằng sau những con chữ khách quan, lạnh lùng chỉ rặt sự kiện của nhà văn. Văn chương thành ra còn là nơi độc giả và tác giả cùng đi tìm những chân giá trị, sau những lần ngộ nhận và lầm lẫn, bởi cả hai không ai có quyền năng tuyệt đối trong thẩm định, đánh giá mọi vấn đề.
Như đã nói ở trên, cái tạng của Huy Thiệp là hay sử dụng cách nói cực đoan, nhưng những suy nghĩ của ông về vai trò, sứ mệnh của nhà văn, của văn học nghệ thuật là điều đáng để cho chúng ta trăn trở, day đi dứt lại, dù tác giả tự nhận văn chương của mình chỉ như những ngọn gió. Sự thay đổi quan niệm về nhà văn, về vai trò văn học nghệ thuật của Nguyễn Huy Thiệp đã có tác dụng tích cực trong phát huy cá tính sáng tạo của nhà văn, trả văn học về lại với quy luật phát triển và những đặc trưng đích thực của nó.
Theo Trịnh Thị Nga/VHSG