Sự hài hước không ‘Sống Được’ trong tâm hồn nhỏ nhen

502

Bích Ngân

(Vanchuongphuongnam.vn) – Với cố nhà văn Trần Kim Trắc, tôi có những ấn tượng khó quên khi gặp và làm việc để được ông cho phép NXB Văn nghệ TP.HCM in hai quyển sách, lúc ông đã gần 80 tuổi, tức khoảng 10 năm trước. Đó là tập “Nụ cười 307” và tập truyện ngắn “Tự cười” do ông tự chọn những truyện mà mình ưng ý.


Nhà văn Trần Kim Trắc ký hợp đồng sử dụng tác phẩm trọn đời với NXB Trẻ vào tháng 11/2015.

“Nụ cười 307” là tập hợp những câu chuyện vui của chính ông và đồng đội- những người lính của Tiểu đoàn 307, tiểu đoàn chủ lực cơ động đầu tiên tại Nam bộ của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp, tiểu đoàn mà “Buổi xuất quân tiểu đoàn năm ấy, cả tiểu đoàn thề dưới sao vàng, người chiến sĩ tiếc gì máu rơi. Buổi xuất quân tiểu đoàn năm ấy, nguyện một lòng gìn giữ non sông…” (Tiểu đoàn 307– bài hát lừng danh mà nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí phổ thơ Nguyễn Bính).

Đằng sau mấy chục câu chuyện nho nhỏ không chỉ là những trò lí lắc, tếu táo mà còn là sự trong trẻo, lòng quả cảm và sự hào sảng của người lính Tiểu đoàn 307 – phẩm chất mà trong nhiều truyện ngắn ở nhiều tập khác, nhân vật vốn là người lính đều mặc nhiên giữ được “cái lễ của quân nhân là đứng thẳng ngay cả lúc lâm nguy”.

Tự cười là tập hợp những truyện mà mỗi truyện ít nhiều đều có yếu tố tự truyện. Và truyện nào cũng có thể nhận ra, tính cách, thân phận của nhân vật cũng là tính cách, thân phận tác giả, một người có bề dày từng trải, nhiều gian truân, không ít niềm vui và lắm nỗi đau. Rõ nhất là ở lối kể và lời thoại.


Nhà văn Trần Kim Trắc và ông Nguyễn Minh Nhựt – giám đốc NXB Trẻ

Nhiều lời thoại, nhất là tự thoại, sáng rõ thông điệp, điển hình như truyện Chuyện nàng Mimo. Tôi nhớ từng hỏi ông về cái kết của truyện ngắn này, có phải ông đã bịa ra cái kết có hậu cho cô gái đẹp (cô gặp một người đàn ông tử tế yêu, lấy làm vợ. Rồi anh chồng còn bỏ cơ ngơi ở thành phố để lên rừng cất nhà làm rẫy gần trại, chờ vợ mãn hạn cải tạo) mà ông nhà văn trong câu chuyện gặp trong trại cải tạo phục hồi nhân phẩm? Ông trả lời ngay, câu trả lời cũng trùng khớp với câu thoại trong truyện là: “Trở lại kiếp người đâu có dễ. Với những người còn một chút nhân phẩm như cô ấy, cần có đất mới để gieo trồng”.

Ấn tượng ngoài đời về cố nhà văn Trần Kim Trắc vẫn còn lại trong tôi cũng gần với ấn tượng về văn chương của ông. Thâm trầm mà tự trào. Trĩu nặng nợ đời mà thư thái. Hài hước bằng thần thái. Hài hước bằng ánh mắt, bằng điệu bộ, bằng lời nói và dĩ nhiên, hài hước thường trực ở từng con chữ.

Tôi nhớ một lần, sau khi trao đổi về bản thảo xong, ông ra chỗ chỗ để xe. Tôi lẹ chân đến chỗ chiếc xe ông đậu trong dãy xe của cơ quan, định dắt ra thì ông ngăn: “Cô đừng coi thường thằng già này. Trai tráng chắc gì đã bằng tui!”.

Ấn tượng thứ hai là ở tuổi gần 80, ông viết ít, viết chậm, viết khó khăn. Tôi nhớ đã nhiều lần giục ông. Ông hứa. Ông khất nhiều lần. Rồi có lần ông mang cho tôi đọc một bản thảo đề là truyện dài, nhưng chỉ khoảng 40 trang. Ông viết về chuyện tình, dí dỏm, hỏm hỉnh nhưng xem ra khá nhẹ nhàng, đơn giản và thiếu sức thuyết phục so với những truyện ngắn, thể loại sở trường của ông.

Có lần tôi hỏi thẳng: “Sao bác không viết một quyển tiểu thuyết về số phận con người trong cái vòng xoáy chiến tranh và vòng xoáy thời cuộc mà chính bác từng lặn ngụp, thậm chí có lúc tưởng đắm chìm?”. Ông trầm ngâm, uống liền hai tách trà, rồi nói: “Tui sợ va chạm. Tui muốn được yên”.

May mắn thay, điều nhà văn Trần Kim Trắc muốn, ông lại có được. Ông được yên, và cũng được vui bên người bạn đời mà ông không giấu diếm: “Không nhờ bà xã, tui không nên người chớ nói chi trở thành một nhà văn”. Ông nói trước mặt vợ, trước mặt khách ở căn nhà nhỏ trên con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Thị Minh Khai.

Lúc nghe ông nói và nhìn bà Hoàng Minh Nguyệt, vợ ông, người đàn bà trên 70 vẫn giữ được nét đẹp nền nã sang trọng (bà rời bỏ gia đình danh giá để theo… tiếng gọi con tim) dù đã cùng ông trải qua biết bao gian nan, lên rừng núi, xuống đồng bằng, lang bạt từ Bắc vô Nam; tôi chợt nhớ tới hai người đàn bà khác, cũng sống chết vì chồng con và luôn hãnh diện là mình được làm vợ nhà văn.

Đó là bà Hạc Đính, vợ nhà thơ Trần Huyền Trân và bà Bội Trâm, vợ nhà văn Phùng Quán. Bà Hạc Đính, lúc tuổi 81 vẫn lọ mọ lên tàu vào Nam tìm thăm những người thân còn lại của những người từng tri kỷ với chồng, là nhà thơ Thâm Tâm, nhà thơ Nguyễn Bính. Còn bà Bội Trâm, lúc dự ra mắt ba quyển sách của chồng (NXB Văn Nghệ TP.HCM tổ chức tại Hà Nội) bà nói trong xúc động: “Nếu được sống thêm một cuộc đời, tôi vẫn muốn được làm vợ anh Phùng Quán. Tôi vẫn sẽ sống như chúng tôi từng sống”.

Ba người vợ của ba nhà thơ, nhà văn quá cố, có lẽ cùng gặp nhau ở phẩm chất sẵn sàng chịu mọi thiệt thòi, sẵn sàng làm tất cả những gì có thể miễn chồng sống thẳng thớm, sống tử tế mà sáng tác, mà làm nên những tác phẩm từ sự thăng hoa của niềm vui và nỗi đau.

Hạnh phúc gia đình, có lẽ còn là sức mạnh giúp nhà văn Trần Kim Trắc nuôi dưỡng được sự hài hước – phẩm chất không thể  “sống được” trong một tâm hồn yếu ớt, nhỏ nhen.

Cây đa văn chương Trần Kim Trắc còn là tiếng cười. Dấu ấn văn chương của ông cũng là tiếng cười. Tiếng cười lí lắc. Tiếng cười hân hoan. Tiếng cười éo le. Cười trước cái tức cười. Cười cái sự “cá lóc ăn nổi, cá trê ăn chìm”. Cười cái sự đời. Tiếng cười có mặt cả trong những tình huống bi thương.

Và để có tiếng cười trên trang viết, ông đã phải nén nỗi đau, nén tiếng thở dài, cất giấu nỗi niềm, để cho người đọc được cười, được vui. Nói như văn hào Mark Twain, nhà văn Trần Kim Trắc chúc phúc mọi người bằng sự hài hước của mình.

Nhà văn Trần Kim Trắc lặng lẽ ra đi nhưng tiếng cười trong văn chương của ông, cũng như khí chất của một nhà văn luôn biết tự trào, mãi còn.

Chiều 06/01/2019
B.N

* Đôi nét về nhà văn Trần Kim Trắc:

Nhà văn Trần Kim Trắc sinh năm 1929, tại xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Năm 17 tuổi, ông tham gia cách mạng trong đội trừ gian. Bị giặc bắt, ra tù, ông vào bộ đội làm lính tiểu đoàn 307 nổi tiếng. Khởi đầu con đường văn nghiệp với truyện ngắn Cái lu được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1954.

Tập kết ra Bắc, ông về công tác tại phòng Văn nghệ quân đội. Rồi một cú sốc bất ngờ, buộc ông trở lại đời thường dân. Ông vui vẻ chấp nhận bằng một câu rất hóm hỉnh: “Vậy là cái lu, tuy không bị vỡ, nhưng cũng bị sứt mẻ”.

Ông phiêu bạt giang hồ, làm đủ nghề để kiếm sống như: thợ sơn tràng (khai thác gỗ), phu bốc vác, làm ruộng, chế biến thực phẩm và cuối cùng là nuôi ong lấy mật.

Nhà văn Trần Kim Trắc mất lúc 16 giờ 30 ngày 17 tháng 11 năm 2018 do suy hô hấp nặng.

Tác phẩm:

– Cái lu (truyện ngắn,1954);

– Cái bót (truyện ngắn in chung,1989);

– Con cá bặt tăm (truyện ngắn, in chung,1990);

– Ông Thiềm Thừ (truyện ngắn,1994);

– Hoàng đế ướt long bào (tiểu thuyết,1996);

– Học trò già (truyện ngắn,1997);

Trăng đẹp mình trăng (truyện ngắn, 1997);

– Con trai ông tướng (truyện ngắn,1998);

– Chuyện nàng Mimô (truyện ngắn,1999);

Giải thưởng:

– Giải nhì Cuộc thi viết truyện ngắn chủ đề, Giải thưởng Hội Nhà văn 1945 – 1954 với truyện ngắn Cáilu;

– Tặng thưởng của Hội đồng văn xuôi Hội Nhà văn 1995 với tập Ông Thiềm Thừ (Giải thưởng Hội Nhà văn1995).