Sự hy sinh vô hạn cho tình yêu

724

(Vanchuongphuongnam.vn) – Yêu nhau cởi áo cho nhau/ Về nhà dối mẹ qua cầu gió bay…

          Từ “nhau” trong tiếng Việt, ngoài nghĩa chỉ một bộ phận ở dạ con, có chức năng trao đổi chất dinh dưỡng giữa cơ thể mẹ và thai nhi, còn có hai nghĩa:

          Nghĩa 1:  “Biểu thị quan hệ tác động qua lại giữa các bên”, như trai gái nhìn nhau đắm đuối; yêu nhau say đắm; giúp nhau làm giàu,…

          Nghĩa 2: “Biểu thị quan hệ tác động một phía”, như hại nhau, phụ nhau: “Yêu nhau thì lại bằng mười phụ nhau” (Truyện Kiều – Nguyễn Du); giết nhau (làm thế khác gì giết nhau), phụ nhau,… “Nhau” ở đây không còn là sự tương tác hai chiều mà chỉ là hành vi đơn phương một phía.

          Theo PGS.TS Phạm Văn Tình, “Cởi áo cho nhau”: “Cởi tặng” hay “cởi hộ”? (https//laodong.vn, Thứ sáu, 03/07/2015):

          Một số người cho rằng: Tổ hợp “cởi áo cho nhau” trong câu ca dao trên là hành vi hỗ trợ chứ không phải hành vi nhường nhịn… Đôi lứa yêu nhau, thì chuyện giúp nhau “cởi áo” là một cử chỉ âu yếm lứa đôi thường tình. Nhiều khi vì tế nhị, vì cô gái e thẹn mà chàng trai nọ phải chủ động làm cái việc mà lẽ ra “nàng” nên tự làm.

          Nhưng phần lớn đều khẳng định từ “nhau” trong câu ca dao “là hành vi đơn phương một phía”, là chàng trai đã “cởi áo” của mình để nhường cho người mình thương.

Theo chúng tôi, muốn hiểu đúng nghĩa từ “nhau”, chúng ta phải xét từ này trong ngữ cảnh hai câu ca dao:

“Yêu nhau cởi áo cho nhau,

Về nhà dối mẹ qua cầu gió bay”

          Nếu chỉ “cởi áo giúp nhau” (hỗ trợ), sau đó mặc lại, việc gì phải “về nhà dối mẹ qua cầu gió bay”? Chính câu thứ hai đã “tường minh hoá” hành động cao cả của chàng trai khi tặng áo cho người yêu. Có thể chàng trai khi về nhà bị mẹ chất vấn vì chuyện áo trên người không còn nữa. Chàng không muốn nói ra sự thật đành tìm cách nói dối (khi đi qua cầu gió bay mất rồi). Do đó, hành động “cởi áo cho nhau” chỉ được hiểu là cởi áo tặng nhau chứ không thể là giúp nhau cởi áo.

          Chúng tôi không những hiểu theo cách thứ hai là chàng trai “cởi áo” tặng cho người yêu, sau đó về nhà nói dối cha mẹ mà còn thấu hiểu sự hy sinh vô điều kiện vì tình yêu của người con trai. Chàng vì tình mà hy sinh cả vật chất và tinh thần.

Về tinh thần, chàng phải làm một việc bất kính với mẹ. Người con ngoan, lần đầu tiên nói dối mẹ nên ngập ngừng mãi mới ấp úng: “qua cầu…gió…bay”. Chúng ta đọc phần lời bài dân ca, không thấy được sự ngại ngùng, ấp úng, lúng túng, xấu hổ của chàng. Phải qua bài hát, những tiếng láy “dối rằng, dối rằng…”, tiếng đưa hơi “i ôi a, i ôi a…” mới thấy hết tâm trạng ấy.

          Về vật chất, chàng không ngần ngại tặng cho người yêu chiếc áo mà mẹ mới may cho. Chiếc áo ấy là niềm mơ ước bấy lâu nay của chàng. Chiếc áo ấy cũng là tài sản quý giá nhất, giá trị nhất của chàng. Đó không còn là áo nữa mà trong đó chứa chan tình cảm yêu thương của người mẹ tần tảo, một nắng hai sương, dành dụm từng mớ rau, quả trứng để mua cho đứa con trai yêu dấu chiếc áo đẹp khi bước vào tuổi mười tám đôi mươi. Chiếc áo vừa mang giá trị vật chất lớn lao, giá trị tinh thần vô giá nhưng chàng đã cởi ra tặng nàng, còn bản thân manh áo cộc hoặc mình trần về nhà trong sự ngỡ ngàng của mẹ cha.

          Xưa nay, người con trai khi yêu, họ sống chết vì tình; sẵn sàng hiến dâng tất cả cho tình yêu. Anh nông dân chăm bẵm “con cò” từ trứng nước nhưng khi “cò ăn, cò béo, cò dò lên cây” vẫn không một lời trách móc. Chàng Kim Trọng sẵn sàng treo ấn từ quan “mấy sông cũng lội, mấy ngàn cũng pha” đi tìm nàng Kiều trong vô vọng.

          Ngược lại, phụ nữ “sâu sắc như cợi đựng trầu”. Không ít người bị mê hoặc bởi lời nói có cánh hoặc ánh hào quang bên ngoài của đàn ông. Vừa nghe lời nói “ngọt ngào” của chàng trai, cô gái kia đã mê mệt:

“Anh đà có vợ hay chưa

Mà anh an nói gió đưa ngọt ngào”

          Chưa biết anh có vợ hay chưa (chưa hiểu gì về gia cảnh nhà anh), thế mà nàng đã tình nguyện làm vợ:

“Mẹ anh giờ ở nơi nao

Để em tìm vào hầu hạ thay anh”

          Nói như trên, không có nghĩa mọi người đàn ông đều sâu sắc, bao dung, hào hiệp, hy sinh vô hạn cho tình yêu. Cũng phải mọi người con gái đều nhẹ dạ, nông cạn, thay lòng đổi dạ, phản bội tình yêu.

Nguyễn Công Thanh