Nguyễn Thanh Mừng
Từ những năm bản lề thế kỷ XX vắt qua XXI đến nay, Xuân Trường chứng tỏ bằng sự nhiệt thành và sung sức của một cây bút với bản lĩnh nói theo ngôn ngữ dân gian là “gừng càng già càng cay”. Từ Chùm thương nhớ (1999), Tìm xưa (2000), Không gian em (2005), Nắng trầm tư (2008), Chiếc cằm nũng đôi (3013), Hai vệt nắng chiều (2018), Trường ca Đếm lại bước chân mình (2020), đến Trường ca Corona (2002), Xuân Trường có một hành trình thơ mà sự nồng đượm với tình yêu thơ ca, tình yêu con người và cuộc sống tỉ lệ thuận với bước chân tăng tốc.
Nhà thơ Xuân Trường
Bây giờ, nhìn lại các thời điểm từ đại dịch Covid 19 khởi phát qua các thời đoạn tập trung chống dịch, nới lỏng giãn cách xã hội, bùng phát trở lại, những tháng ngày đỉnh điểm trước khi trở lại trạng thái bình thường mới, nhiều người không khỏi rùng mình. Đại dịch Covid- 19 là đại dịch toàn cầu, đã đưa Việt Nam và cả thế giới vào những thay đổi ứng biến từ ý thức đến hành động, từ cách thức tổ chức đến lối sống tương thích, đầy gian nan thương khó để đương đầu và vượt qua. Trên các phương tiện truyền thông đại chúng, hằng ngày, hằng giờ cập nhật các tin tức về đại dịch từ thôn bản đến xã phường, từ quận huyện đến tỉnh thành, trong nước và quốc tế. Đối với TP. Hồ Chí Minh- xứ sở đặc thù của sự hội tụ cư dân tứ chiếng học tập, làm ăn, giao hảo, lại thường là nơi đi đầu trong công việc thiện nguyện với các vùng khó khăn của cả nước- trong hoàn cảnh này, cả nước cũng đồng lòng thể hiện sự quan tâm đặc biệt. Quãng thời gian đó của của những người đồng hành với cuộc chiến chống dịch trên nhiều vai trò khác nhau từ khu vực hành chính công đến các doanh nghiệp, từ y bác sĩ đến tình nguyện viên, từ lực lượng vũ trang đến dân sự, từ cán bộ đến nhân dân qua các làn sóng đương đầu đại dịch, đến lần thứ 4, biến chủng Delta với tốc độ lây lan nhanh khiến thành phố phải liên tục thay đổi chiến lược phòng chống dịch, hẳn chưa phai trong ký ức. Hình ảnh, bóng dáng của các đợt cách ly, giăng dây, tem phiếu, đi chợ hộ, hành trình chở F0 đi điều trị ; tang lễ lặng lẽ diễn ra trong đại dịch; cuộc tầm soát Covid-19 quy mô lớn nhất; đêm trực căng thẳng tại bệnh viện dã chiến; những lương tâm đặt cao cùng trách nhiệm, những cưu mang của tình người…vẫn còn in đậm trong những con chữ, những khuôn hình, những thước phim, những bức tranh, nét nhạc…
Nhà thơ Xuân Trường đã trải qua những tháng ngày dữ dội ấy ở trung tâm thành phố Hồ Chí Minh, và điều đáng trân trọng ở ngòi bút này là trên cương vị tuổi lão thành mà vẫn luôn nhiệt tâm và năng động hết mình, như tính cách của thành phố ông cư ngụ. Ông ý thức một cách sâu sắc trách nhiệm của người cầm bút và thực hiện như một sứ mệnh tiên phong: “Ẩn số không lời giải/ Không viết gì cho hôm nay/ Là thiếu sót cho mai sau, vì thơ văn có tính thời sự riêng của nó/ Những ý này xuất hiện trên tờ Think China. Và lan tỏa sang Hồng Kông, văn chương đã vào cuộc, mạnh miệng nhanh tay…bao lần”. Trong cảnh huống điểm mặt gốc gác của con virus gây ra “Những cái chết nhanh gây nhiều hoang mang ở Vũ Hán/ Thế giới báo hiệu- bắt đầu thêm một cuộc lầm than”, ông không thể không thốt lời kêu gọi những đồng nghiệp: “Những ngòi bút thế giới các bạn đang ở đâu/ Hãy vẽ bức tranh đau thương trên mặt địa cầu/ Từ lúc bắt đầu đến khi kết thúc trên quê hương các bạn/ Bởi vì đại dịch rồi đây còn biết bao điều phải nói cho mai sau/ Và nhân loại sẽ còn vượt qua bao nhiêu nỗi đau”. Ý thức nhập cuộc luôn thường trực trong tư duy Xuân Trường với những câu hỏi mang tầm khái quát: “Thế giới mỗi ngày, mỗi ngày/ Thêm bao hiểm họa/ Trái đất nóng lên môi trường nghiệt ngã/ Sự tồn tại của loài người tính đến mong manh/ Bao giờ trời lại xanh”. Nhiều hình ảnh vì cộng đồng rất đẹp qua Trường ca Corona của Xuân Trường là hình ảnh những từ “thiên thần áo trắng”: ” Thương những bác sĩ thần tốc ba lô lên đường từ Hải Phòng- Hà Nội- Sài Gòn/ Sẽ cứu nguy cho Đà Nẵng thân yêu/ Cho Bắc Giang cho Hải Dương những nơi dịch bùng phát/ Ơi ngành Y Việt Nam hôm nay những đôi vai nặng trĩu” đến những anh bộ đội: “Bộ đội lăn xả giúp dân tiếp tế thực phẩm vào các khu phong tỏa/ Ôi tình thương diệu kỳ/ Những gian truân thử thách/ Cũng vô cùng thập tử nhất sinh”. Nhà thơ Xuân Trường đặc biệt ý thức và dành tình cảm cho người lính, qua tình cảm với người lính ngày đêm canh giữ biển trời, ông cảnh báo những hiểm họa cố hữu và tàn khốc hơn cả đại dịch: ” Thương những chiến sĩ ở đảo xa mắt chong chừng/ Virus xâm lấn chủ quyền còn nguy hiểm hơn Corona/ Với đôi tay dài từng ngày vươn tới mộng xa/ Giấc mộng hoang đường lưỡi bò chín đoạn”. Giữa cuộc quyết liệt chống dịch, ông lắng lòng tìm thấy những chi tiết cảm động lung linh của đời sống thường nhật: “ Thương nhân dân tôi không còn những tháng ngày yên ả/ Cũng có tiền tuyến, hậu phương thâm tình đến lạ/ Có một anh xe thồ từ chối không nhận tiền công/ Khi biết người mình chở đi là một bác sĩ”.
Trường ca Corona có tầm vóc phản ánh trên diện rộng, nhưng hình ảnh thành phố nơi cư ngụ hiện thời của tác giả, ông đã gửi lại những tâm tình thống thiết của một thi sĩ lão thành: ” Ôi Sài Gòn thành phố Hồ Chí Minh đã gồng mình lên trong những ngày chống dịch/ Lịch sử ba trăm năm có lẽ đây là đỉnh điểm những thăng trầm/ …Tôi sẽ không bỏ Sài Gòn mà đi, bởi Sài Gòn đã nuôi tôi từ những ngày tay trắng/ Dẫu có chết ở nơi đây vì dịch, tôi cũng chẳng trách móc gì”. Với tư cách một công dân thường trú, hơn nữa, một trái tim thi sĩ giàu nghĩa tình và dạt dào cảm xúc, ông nói lời “tri ân của trái tim Sài Gòn”: ” Sài Gòn xin cúi đầu tri ân những dũng sĩ những thiên thần/ Xin thắt lòng trước phút giây tưởng niệm/ Những trái tim đã hy sinh trọn vẹn cho Sài Gòn… Có giấy bút nào viết cho hết công lao/ Mỗi phút lại đầy thêm tấm lòng bác ái”. Trong một trường ca 9 chương với trăm trang, mục đích phản ánh những khốc liệt và thăng trầm của đại dịch “Viết lên trời xuống đất những thét gào của nhân gian” để tìm tới không khí thanh thản của đời sông bình thường, Xuân Trường không ngại lặn lội giữa một rừng tin tức, bình luận thông tấn hằng ngày và chắt lọc từ đó những “hồng cầu thời sự” để tăng mạch đập cho ngôn ngữ thơ dồn dập khẩn trương băng qua một hiện thực nước sôi lửa bỏng, những câu hỏi dường như ẩn chứa trong đó câu trả lời. Tinh thần nhập cuộc và dấn thân là tinh thần xã hội đặt ra và đòi hỏi giới văn học nghệ thuật, trên những vấn đề trọng đại và nóng bỏng của đời sống dân tộc, đất nước. Nhà thơ Xuân Trường đã tự nguyện hướng thế giới quan của mình vào đề tài Corona với chủ điểm cảnh báo những mưu toan quốc tế, những bành trướng, tham vọng bá chủ, tàn sát môi sinh, gieo rắc những tai ương cho nhân loại. Với quyết tâm ấy, nhà thơ tỏ rõ thái độ, từ việc chỉ tên xuất xứ virus đến những nhân danh khác trên chính trường các cường quốc trong các cuộc giành giật lợi ích bè phái cục bộ, hoặc cuộc lợi dụng xương máu của nhân dân và sản nghiệp của quốc gia để trục lợi, nấp sau những lời lẽ mị dân hào nhoáng nhằm đi ngược giá trị chân thiện mỹ của loài người… Với tâm thế đó, ông được sự đồng cảm và khích lệ của nhiều đồng nghiệp, đầu tiên là những nhà thơ đang đảm đương những trọng trách ở tổ chức Hội Nhà văn, từ lúc Trường ca Corona còn ở dạng bản thảo: “Nhà thơ Xuân Trường dựng lên cuộc truy tìm nguồn gốc Covid-19 nhưng là để truy tìm nguồn gốc của sự phát sinh ra cái Ác của con người” (Vaccine của lòng nhân ái– Nguyễn Quang Thiều); “Nhà thơ Xuân Trường biết cách gieo cấy suy tư nóng bỏng vào dặm dài hoang mang dịch bệnh” (Viết lên trời lời nguyện cầu thế kỷ– Lê Thiếu Nhơn).
Từ những năm bản lề thế kỷ XX vắt qua XXI đến nay, Xuân Trường chứng tỏ bằng sự nhiệt thành và sung sức của một cây bút với bản lĩnh nói theo ngôn ngữ dân gian là “gừng càng già càng cay”. Từ Chùm thương nhớ (1999), Tìm xưa (2000), Không gian em (2005), Nắng trầm tư (2008), Chiếc cằm nũng đôi (3013), Hai vệt nắng chiều (2018), Trường ca Đếm lại bước chân mình (2020), đến Trường ca Corona (2002), Xuân Trường có một hành trình thơ mà sự nồng đượm với tình yêu thơ ca, tình yêu con người và cuộc sống tỉ lệ thuận với bước chân tăng tốc. Ông giao thiệp với các thế hệ, các khu vực sinh hoạt thơ ca như một người không có tuổi. Có lẽ điều đó sẽ góp chút hưng phấn, tương thích với khí chất của một nhà thơ không ngừng lặn lội vạn nẻo muôn màu của cõi trần ai, với tâm thế nhập cuộc.
N.T.M