Sự tinh giản – con đường mới của thơ Việt

181

Hình thức luôn là yếu tố đầu tiên trong bất kỳ sự giao tiếp nào. Hình thức cũng là yếu tố đầu tiên phản ánh sự thay đổi của một đối tượng nhất định. Chính vì thế, xem xét thơ ca nghệ thuật, hình thức trực quan chi phối trước tiên cách chúng ta nhìn nhận từ đó đi đến mô tả, lý giải hay đánh giá về những vận động trong tư tưởng, tư duy và mĩ cảm của chủ thể sáng tạo. Đọc thơ Trần Lê Khánh, có thể thấy tác giả sử dụng hình thức thơ ngắn khá phổ biến. Trong thao tác khoa học, cấp độ mô tả là khá đơn giản, tuy nhiên, để lý giải và đánh giá được hiện tượng này, sau hình thức, chúng ta cần đi sâu vào những tầng vỉa của mĩ học, nhằm hướng đến một minh định thuyết phục về hiệu quả của hình thức thơ ngắn ấy. Ngắn, ít, mà tinh, có lẽ là mẫu hình lý tưởng cho việc tạo dựng một diễn ngôn thơ ca trong bối cảnh cuộc sống và nghệ thuật đương đại đang khá bề bộn như hiện nay.

Tinh giản – một lựa chọn sáng tạo

Thơ Việt Nam hiện đại, về mặt hình thức, đang vận động theo hai hướng khá nổi bật: kéo dài câu thơ, bài thơ hoặc rút ngắn – thu gọn hình thức thơ. Nhưng hình thức thơ rút gọn, tinh giản đang có xu hướng gây nên được những tình cảm và sự rung động lớn hơn, mặc dù ở Việt Nam, chưa nhiều người tạo được dấu ấn với cách này. Đây là hệ quả của đời sống tinh thần con người nói chung và thi sĩ nói riêng trong bối cảnh có quá nhiều thứ cần biểu đạt (hiện thực thậm phồn, hiện thực phì đại) đồng thời lại cũng rất cần những khoảnh khắc chiêm nghiệm riêng tư, lặng lẽ, chú tâm vào những gì quan trọng, tinh túy nhất, hướng đến phong cách tối giản.

Tinh giản là một sự lựa chọn, đồng thời là một loại trừ. Nhưng, trước hết, đó là quan niệm về giá trị, một phong cách sống, sau đó mới thẩm thấu và hiện hình vào thơ ca nghệ thuật. Ở hướng tối giản, các nhà thơ chủ động loại bỏ đi những yếu tố bộn bề, phức tạp, gây cồng kềnh, cản trở cho việc tiến đến biểu đạt trạng thái tĩnh lặng, ngưng đọng của tâm ý, mĩ cảm. Chỉ chọn cái gì tinh túy nhất, cốt lõi nhất, quan trọng nhất, chứa đựng được nhiều nhất năng lượng thi tính, tư tưởng nghệ thuật là thao tác căn bản của chủ thể sáng tạo. Bài thơ sau của nhà thơ Trần Lê Khánh đã cùng lúc nói lên được rất nhiều điều như thế:

nội tâm

con đường thi ca

không có lấy một cái cây

nhưng đầy bóng râm của chúng

Trần Lê Khánh luôn có những lựa chọn tiêu biểu nhất và cũng hàm súc nhất (hình tượng nhất nhưng cũng chân thực nhất) để biểu dạt một vấn đề nào đó. Với bài thơ trên, anh vừa cho thấy được sự tinh giản trong hình thức của thơ vừa thể hiện được nội hàm sâu sắc của thơ. Tuy nhiên, sự lớn hơn còn ở tiêu đề bài thơ. Như vậy, những ý nghĩa trùng điệp được nở ra, từ một bài thơ ngắn.

Hướng tối giản trong thơ Trần Lê Khánh có thể xuất phát từ một tâm hồn ưa tĩnh lặng, thích những điều giản lược mà tinh túy. Cũng có thể, sau những chặng kiếm tìm mỏi mệt, sau những bộn bề biểu tả, thi sĩ trở về để quan sát chính những diễn biến nội tâm mình với tâm thế an nhiên, tự tại nơi những gì sâu kín nhất, tinh tế nhất. Rũ bỏ trên vai những đeo mang lỉnh kỉnh, nhưng sứ mệnh hô hào lớn lao kỳ vĩ, ở khuynh hướng tinh giản, thơ thu mình nhỏ lại trong hình hài đôi ba dòng mà có sức gợi sâu xa.

tử tế

người trong đôi mắt

dựa lưng vào bầu trời

cho em cười xa xôi

Thực ra, thơ ngắn hay thơ dài, nếu là thơ hay đều cần sự tinh lọc và hàm súc trong nhịp điệu của ngôn từ và hình tượng. Tuy nhiên, thơ tối giản do kiệm lời mà có xu hướng lặn sâu vào bên trong, nơi im lặng lên tiếng (khác với thơ dài có ưu thế biểu đạt ở hệ thống ngôn ngữ, hình ảnh), nơi hạt nhân là tứ thơ sáng lên bằng chính sự tinh túy đã được gạn lọc, chiêm nghiệm và đúc kết. Cũng có khi, một khoảnh khắc trong thơ tinh giản lại mang chứa năng lượng hơn cả một bài trường thiên với ngồn ngộn câu từ, hình ảnh. Bài thơ trên là một ví dụ cho điều ấy.

Lựa chọn ít mà tinh, Trần Lê Khánh theo khuynh hướng này xác lập một hệ mĩ học của sự tối giản. Tựa như cái đập cánh của con bướm trong hiệu ứng cánh bướm, thơ tối giản có thể gây nên cơn bão cảm xúc trong lòng người không thua kém bất kỳ một hình thức diễn ngôn nghệ thuật nào. Cái khó nằm ở khả năng lựa chọn, loại bỏ của thi sĩ cùng với tầm vóc tư tưởng và sự kỹ lưỡng, sâu sắc trong tư duy và mĩ cảm.

Tinh giản – một chiến lược trong tư duy thơ Trần Lê Khánh

Như đã nói, Trần Lê Khánh nằm trong số những thi sĩ hướng mình theo ngả tối giản, tinh giản. Những tập thơ của anh như Lục bát múa (2016), Dòng sông không vội (2017), Ngày như chiếc lá (2018), Lục bát Múa trọn bộ (2018), Giọt nắng tràn ly (2019), Xứ – rung một ngọn mây (2020), Sự bắt đầu của nước (song ngữ, 2021)… cho thấy chặng đường thơ của anh đã đạt đến ngưỡng của sự tối giản. Điều đó xác quyết một chiến lược trong tư duy thơ Trần Lê Khánh.

Những bài thơ ngắn, tinh giản là nơi bộc lộ toàn bộ thi tính, thi cách của Trần Lê Khánh. Thế giới nghệ thuật của một thi sĩ được tạo dựng từ hạt nhân là tư duy thơ. Tư duy thơ là toàn bộ hoạt động tinh thần, trí tưởng, mĩ cảm của chủ thể sáng tạo nhằm chuyển đạt và mã hóa cảm xúc, nhịp điệu của tâm hồn, suy tư thành văn bản thơ. Chính vì thế, khi lựa chọn hướng tinh giản, Trần Lê Khánh phải đối diện với các khả năng cùng sự cân nhắc về tính hiệu quả của nó trong việc biểu đạt thẩm mĩ. Phải chọn hình tượng – biểu tượng, thay vì chỉ đơn giản là mô tả hình ảnh. Phải chọn tiết chế cảm xúc và giấu mình (thậm chí không hiện ra dưới các đại từ xưng hô), để hình tượng thơ trong vỏ kén ngôn từ đã được lựa chọn và gắn kết kỹ càng tự nó lên tiếng:

mùa đông trắng xóa

nụ hoa nảy mầm

như giọt máu

thấm vào xuân

(Vệ thần)

Có thể thấy, tư duy tinh giản của Trần Lê Khánh đã loại bỏ đi khá nhiều yếu tố không thiết yếu rất dễ ùa về trong cảm xúc và tư duy (liên quan đến trường từ vựng, trường ngữ nghĩa, trường văn hóa và mĩ cảm của chủ thể), để chỉ giữ lại một mùa đông trắng như là phối cảnh, một nụ hoa nảy mầm như là hình tượng trung tâm và sắc xuân ửng lên trong màu hoa như giọt máu hồi sinh. Chỉ vậy thôi mà bài thơ có sức lay động bởi dư ba về nhịp chuyển biến tinh vi, kỳ diệu của sự sống.

Tâm hồn và tư duy thơ Trần Lê Khánh tỏ ra nhạy cảm với những vận động tinh vi, huyền nhiệm, diễn ra trong thinh lặng. Đó có thể xem là thế mạnh, điểm ưu trội của thi sĩ. Bởi lẽ, trong dòng chảy ồn ào, bề bộn, lắm khi vội vã thờ ơ của đời sống, con người ít có thời gian lắng đọng để cảm nhận những bí mật, sâu xa trong khoảnh khắc. Một chiếc bóng tha hương lúc chiều tà gợi lên niềm cô độc (Về nhà); một mảnh gương vỡ trên tay người đàn bà đầy tiếc nuối, xót xa và thận trọng (Đừng tự làm đau mình); hơi thở nhẹ của mây trong giọt sương bé bỏng (Mãi mãi); nỗi đợi chờ bình minh của đóa tường vi (Bồi hồi),… là những lựa chọn xác đáng cho việc biểu đạt năng lượng thi tính đang dâng lên trong tâm hồn thi sĩ.  Không có nhiều đối tượng trong những bài thơ tối giản của Trần Lê Khánh. Chẳng rườm rà câu chữ, không sa đà vào kể tả, không phô bày cảm xúc dạt dào, tư duy thơ Trần Lê Khánh rất mau lẹ chớp lấy khoảnh khắc đồng điệu của ngoại cảnh và tâm hồn, nhằm ký thác ý tình một cách cô đọng:

em đi

dải cát mịn

lên da non

nơi trái đất tròn

(Mình có ngày gặp lại)

Một cảm giác mơn man thức dậy như là cát mịn, như là da non khi em đi qua. Trái đất đang hồi sinh dịu dàng trong ngày gặp lại. Tình yêu với những rung động thầm kín đã lựa chọn hình tượng thật đắc địa, mịn màng và non tơ hứa hẹn đầy dịu ngọt.

Khi nói tinh giản – tối giản như một chiến lược trong tư duy thơ của Trần Lê Khánh nghĩa là phong cách ấy, hệ giá trị ấy, mĩ học ấy trở thành hoạt lực chủ đạo, bền bỉ trong hành trình sáng tạo của thi sĩ. Xem xét các tập thơ đã xuất bản của anh, chỉ bằng thao tác thống kê, xếp chồng và xâu chuỗi văn bản, chúng ta sẽ nhận ra sự lặp đi lặp lại của thao tác lựa chọn những điều tinh túy nhất trong cảm quan giá trị của Trần Lê Khánh. Ngay cả việc trình bày, bố trí văn bản thơ trên một trang giấy với nhiều phần trắng lặng im cũng đủ nói lên cách thức mà sự tối giản hiện ra. Khoảng trắng ấy là nơi những gì không được lựa chọn đã mất đi (hoặc chìm xuống) nhằm tập trung tất cả cho cái được lựa chọn. Đôi ba dòng thơ với thật nhiều khoảng sáng giúp người đọc nhận diện thông điệp của hữu hình và vô hình, của lặng im và cất lời.

bóng người ngày càng dài hơn

bình minh

người lữ khách

cất lại đêm

trong chiếc bóng

Giản mà tinh – mĩ cảm của sự hàm súc

Trong quan niệm truyền thống, hàm súc, mơ hồ, đa nghĩa là những phẩm tính của thơ. Dẫu nội hàm có được khai mở nhằm tích hợp, giao thoa thể loại trong tinh thần nghệ thuật đương đại, thì thơ hay vẫn chạm đến trái tim người đọc bằng những khoảnh khắc của tâm trạng, bằng mĩ cảm tinh tế diễn ra trong sự mơ hồ rất khó cắt nghĩa đến kiệt cùng, rành mạch. Với những bài thơ ngắn, Trần Lê Khánh đã xây dựng được một hệ mĩ học tối giản như là hiện thân của quan niệm ít mà tinh vốn là cốt lõi của phong cách này.

Mĩ cảm của sự tối giản không dành cho người vội vã, càng không phải là nơi chốn đi về của những ai ưa thích một thế giới bộn bề, phồn tạp, ứ đầy bao lựa chọn. Chẳng biết thơ có phải là người không, nhưng tôi tin rằng, trong thi giới của Trần Lê Khánh có một cái tôi trữ tình biết giữ mình trong những điều sâu xa lặng lẽ nhất:

tường vi

tựa mình vào buổi sáng

cả hai cùng chờ nở

từ đêm qua

(Bồi hồi)

Loại trừ mọi phiền toái có thể đến từ những thực thể khác, bài thơ ngưng đọng như đóa tường vi tựa vào buổi sáng sau một đêm chờ đợi. Có cảm giác như thi sĩ và hoa kia cùng bồi hồi nín thở mong khoảnh khắc bình minh hé nở. Hoa hay là người, buổi sáng hay một thời điểm hạnh phúc nào đó trong đời? Tất cả sẽ vụt biến tan đi mất khi ai đó vô tình phá vỡ sự tĩnh lặng của ban mai tinh khiết ấy. Tĩnh lặng chính là trạng thái của mĩ cảm trong các bài thơ tối giản của Trần Lê Khánh. Có thể xem đó là khí hậu của thơ, cũng là sinh quyển của thi tính và thi cách. Sự tinh tế ít khi hiện diện nơi ồn ào, cũng như điều sâu sắc thường tránh mặt đám đông huyên náo, rộn ràng. Hiểu điều đó, Trần Lê Khánh tạo dựng một không gian thơ dẫn người đọc vào im lặng. Im lặng không có nghĩa là không nói, không giao tiếp, mà để nói những điều sâu sắc hơn, kín đáo hơn, có giá trị với đời sống cá nhân bản thể nhiều hơn (đám đông ồn ào thường triệt tiêu cá nhân):

người đàn bà

thận trọng

nhặt mình lên

từ những mảnh gương vỡ

(Đừng tự làm đau mình)

Trong cô độc con người đối diện chính mình, nhận ra con người mình một cách tường tận. Cô độc và đau đớn, người đàn bà nhặt mình lên từ những mảnh gương vỡ là một lần thức nhận buốt nhói. Không một thanh âm nào mà ta nghe bao điều vụn vỡ, nhưng đó chưa phải là tận cùng của im lặng. Thận trọng, đó mới là thái độ hình thành sau dông bão, định hình trong cô độc lặng lẽ, và chắc hẳn không ít bẽ bàng. Trần Lê Khánh quả đã có một cõi lòng đầy trắc ẩn khi phát hiện ra và biểu đạt thế giới ấy của nhân vật trữ tình trong một bài thơ rất kiệm lời như thế.

          Không hoàn toàn tuyệt đối, nhưng có lẽ, phần nhiều những bài thơ hay là những bài thơ buồn. Cái buồn tách con người khỏi đám đông để thấm thía chính bản thân mình, trở về với thế giới chủ quan vốn là vương quốc của thơ. Nhìn lại, thơ ngắn của Trần Lê Khánh, trong phong cách và mĩ học tối giản mà anh tạo dựng, nỗi buồn hiện lên thật rõ ràng. Mĩ cảm ấy giữ cho thơ đức tính kiệm lời và lặng lẽ:

con sông nằm xuống

để cơn mưa dài

tắm cho sạch

những ngọn sóng tha phương

                                   (Quê hương)

biển biết bí mật

lũ hải âu

mải mê tha muối bỏ xuống đại dương

vì kiếp trước lỡ tin nước mắt

                                   (Biển đau mặn)

hoàng hôn

người lữ khách

đi ngang đời mình.

chiếc bóng

                         (Về nhà)

trăm năm rồi

tiếng chuông chiều

rót không đầy

gợn gió phiêu phiêu

(Vũ trụ)

ngày em về

con đường mòn thức dậy

dãy núi úp mặt vào bật khóc

bên kia hư vô

(Vô tận)

Thơ Việt Nam đương đại đang chứng kiến những thể nghiệm khá đa dạng với nhiều khuynh hướng, trường phái. Về mặt hình thức văn bản, việc kéo dài hay thu gọn thơ hoàn toàn không quyết định giá trị mĩ học thơ ca, nó nói lên sự lựa chọn phương thức biểu đạt và phong cách cá nhân của thi sĩ. Trần Lê Khánh với những bài thơ ngắn và hay, đã xác lập tư cách của anh như là một trường hợp điển hình cho nghiên cứu về khuynh hướng tối giản trong thơ Việt Nam đương đại (Case study). Đặt trong không gian thơ nói riêng và nghệ thuật đương đại nói chung, kiểu tư duy tinh giản, mĩ cảm tối giản cùng các khả năng lựa chọn, loại bỏ và kết hợp một cách khá tinh tế đã mang lại cho Trần Lê Khánh những khoảnh khắc thi ca rất đáng ngẫm ngợi. Hành trình của mộng mơ và nỗi buồn, trong tĩnh lặng đầy suy tư sẽ giúp thi sĩ đến gần hơn với những điều kín nhiệm, sâu xa nơi tâm hồn con người. Đó là một hành trình mà tôi tin rằng Trần Lê Khánh sẽ còn tiếp tục dấn bước, dẫu đầy lẻ loi.

Theo Báo Văn Nghệ