Sự trở lại của những tác phẩm vang bóng một thời

1010

Gần đây, cùng với sự xuất hiện liên tục các tác phẩm mới của nhiều cây bút trẻ, việc trở lại của những tựa sách “vang bóng một thời” đã phát đi tín hiệu lạc quan cho thị trường sách giữa đại dịch.


Dòng sách xưa một thời vang bóng đã trở lại và được nhiều độc giả đón nhận

Đa dạng thể loại

NXB Trẻ vừa làm mới nhiều tác phẩm tưởng chừng phủ bụi theo thời gian. Đó là tập truyện ngắn Mưa thu nhớ tằm nhà văn Bình Nguyên Lộc sáng tác vào những năm 1950 (từng được NXB Phù Sa in năm 1965), gồm 17 truyện có nội dung và nhân vật đa dạng. Không chỉ viết về Nam bộ với trung tâm là vùng Sài Gòn, Chợ Lớn, Lái Thiêu, tập truyện còn thể hiện khá rõ ràng nhân sinh quan cũng như quan niệm về nghệ thuật của tác giả một cách tinh tế. Một truyện dài liêu trai khác của Bình Nguyên Lộc là Cõi âm nơi quán Cây Dương (xuất bản lần đầu năm 1972) cũng được giới thiệu đến độc giả ngày nay. Truyện lấy bối cảnh một quán cà phê nằm trên tuyến đường Thủ Đức – Sài Gòn những năm 50 của thế kỷ trước, có những yếu tố phi phàm, không chỉ là câu chuyện tình gây xúc động mà còn gợi nhiều suy ngẫm về kiếp người.

Một nhà văn nổi tiếng thời trước và sau 1945, sống cùng thời với Thạch Lam, Nguyễn Tuân là Ngọc Giao (từng làm thư ký tòa soạn của tuần báo Tiểu thuyết thứ bảy) cũng được NXB Trẻ giới thiệu đến công chúng với tập truyện ngắn Những đêm sương. Tác phẩm viết về Hà Nội và vùng Kinh Bắc thời Pháp thuộc này không chỉ là “món ngon” văn chương thực thụ được viết bởi ngòi bút lão luyện và tinh thần tao nhã, mà còn là một trong những di sản văn học quý giá viết về Hà Nội xưa với nhiều chi tiết có thể xem như sử liệu.

Đông A và NXB Văn học cũng góp mặt trong dòng văn học “cũ được làm mới” này với Số đỏ của cây phóng sự Vũ Trọng Phụng. Lần tái xuất của Số đỏ này được chuẩn bị rất kỹ lưỡng nên độc giả sẽ bất ngờ trước ấn bản “hoạt-kê tiểu-thuyết”, bằng sự tiếp cận nguyên tác và những minh họa độc đáo của họa sĩ Thành Phong. Bên cạnh đó là một số tác phẩm khác của nhiều tên tuổi: Hà Hương phong nguyệt (Lê Hoằng Mưu), Hai chậu lan Tố tâm (Phan Du), Tuổi nước độc (Dương Nghiễm Mậu) đều của Tao Đàn, Xóm rá (Ngọc Giao) và một số tác phẩm trong tủ sách Việt Nam danh tác (Nhã Nam) với những văn, thi sĩ: Nguyễn Tuân, Vũ Bằng, Thạch Lam…; sách của Đào Duy Anh (Việt Nam văn hóa sử cương, Nhớ nghĩ chiều hôm…). Sách của Thu Giang Nguyễn Duy Cần cũng được giới thiệu trở lại nhân kỷ niệm 60 năm các tựa sách này được xuất bản lần đầu (1952) như: Óc sáng suốt, Tôi tự học, Thuật xử thế của người xưa, Lão tử tinh hoa… Thái Phỉ Nguyễn Đức Phong được giới thiệu với tác phẩm Gia đình giáo dục, Một nền giáo dục Việt Nam mới, Phan Khôi có Vấn đề phụ nữ ở nước ta, Ảnh hưởng Khổng giáo ở nước ta…, cùng tác phẩm của nhiều cây bút nổi tiếng: Trần Trọng Kim, Trương Tửu, Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Duy Oanh…


“Hoạt-kê tiểu-thuyết” Số đỏ của Vũ Trọng Phụng được làm mới tái xuất

Đó là chưa kể một số tác phẩm của Trọng Toàn viết về văn hóa, ngôn ngữ tiếng Việt ở dạng tư liệu viết tay (từ thập niên 1940 – 1950) hay Thú chơi sách, Hiếu cổ đặc san và một số đứa con tinh thần chưa từng công bố của cụ Vương Hồng Sển cũng trong giai đoạn “hậu kỳ”, chờ được tung ra.

Giá trị trường tồn qua thời gian

Rõ ràng việc các nhà xuất bản và công ty sách thời gian gần đây đưa những tác phẩm của nhiều tác giả xưa nổi tiếng trở lại là một tín hiệu đáng mừng. Biên tập viên Trần Đình Ba (NXB Tổng hợp TP.HCM) nhận xét: “Hiện tượng này cho thấy giá trị trường tồn qua thời gian của những tác giả, tác phẩm xưa, đồng thời việc làm mới lại thể hiện sự trân trọng công sức lao động của tiền nhân. Sự góp mặt của những cuốn sách xưa vang bóng cùng với tác phẩm mới của nhiều tác giả trẻ chính là sự kết nối giữa truyền thống và hiện đại khi các dòng sách xưa và nay cùng hiện diện, góp phần làm phong phú các đầu sách, tạo sự toàn diện, đa dạng đáp ứng nhu cầu độc giả”.

Biên tập viên Trần Ngọc Sinh (NXB Trẻ) lạc quan: “Vào thời điểm hiện nay, sự trở lại của các cuốn sách nổi tiếng chính là thời cơ vàng trong xuất bản. Vấn đề là chúng ta cần chờ đợi sắp tới sẽ là cuốn sách gì, của tác giả nào mà thôi, chứ sách hay thì ai cũng say mê tìm đọc”. Còn biên tập viên Nguyễn Quang Diệu (Công ty sách Omega) khẳng định: “Sự trở lại của những tên tuổi lừng danh là tất yếu, nếu chưa nói là hơi muộn, bởi đa phần họ là những người có văn tài, xứng đáng và đã xác lập được tên tuổi của mình thông qua các tác phẩm từng in. Kho báu vẫn còn đó với nhiều hàng hiếm đang chờ được khai thác”.

Bà Phan Thị Thu Hà, Phó giám đốc NXB Trẻ – một trong những đơn vị đi đầu trong việc làm “bà đỡ” cho sự tái xuất của những tác phẩm vang bóng một thời, khẳng định: “Hàng loạt tác phẩm nổi tiếng của nhiều tác giả “vang bóng một thời” được các NXB lựa chọn ấn hành vào từng thời điểm thích hợp, với hình thức hoàn toàn mới và đầu tư công phu vẫn luôn được độc giả đón nhận. Điều này thể hiện rất rõ ở doanh số bán ra. Việc sách bán chạy thật sự là niềm vui, là động lực để các nhà xuất bản đưa thêm nhiều cuốn sách xưa có giá trị cao đến với công chúng”.

Theo Lê Công Sơn/Thanh Niên