Sức hấp dẫn trong tản văn Nguyên Du

1549

TS. Hoàng Thị Thu Thủy

(Vanchuongphuongnam.vn) 1. Cầm trên tay ba tập sách anh tặng “Nhất Huế nhì Sịa”, “Bí bầu lớn xuống”, “Tiếng dạ tiếng thương”, tôi đã đọc chậm để cảm nhận cái hay của mỗi khúc tản văn. Nếu người viết phải chọn lựa ngôn từ chữ nghĩa thật dụng công, thì tôi – người tiếp nhận cũng trải qua những cảm nhận khác nhau trên mỗi khúc tản văn. Càng đọc càng hiểu ý nghĩa của lý thuyết liên văn bản, về mối quan hệ giữa văn học và văn hóa…

Chúng tôi hiểu thể loại tản văn là: Loại văn xuôi ngắn gọn, hàm súc, có thể trữ tình, tự sự, nghị luận, miêu tả phong cảnh, khắc họa nhân vật. Lối thể hiện đời sống có tính chất chấm phá… có cấu tứ độc đáo, có giọng điệu, cốt cách cá nhân… Đặc biệt là thể hiện nổi bật chính kiến và cá tính tác giả… Cũng có thể hiểu đây là loại văn thủ thỉ tâm tình, kể những chuyện tai nghe mắt thấy, nhờ thế mà nới rộng ranh giới thể loại và làm phong phú đề tài, chủ đề.

Tính trữ tình cao, kết cấu tự do cùng chính kiến và cá tính tác giả là đặc điểm của tản văn Nguyên Du. Tiếp nhận 3 tập sách một cách nghiêm túc, tôi nhận ra, người viết hết sức tâm huyết với trang văn của mình, thì người đọc cũng sẽ giải mã nó bằng cách nào đó để cùng đồng cảm, thể nghiệm… và làm “sống dậy” cái điều mà tác giả muốn nói.


Ba tập sách của Nguyên Du.

Mỗi chuyện anh kể đều có sự cẩn trọng trong tìm tòi tư liệu, có trí nhớ cực tốt và đặc biệt là cảm xúc neo đậu trong mỗi tình tiết chuyện, khiến cho mỗi trang tản văn như có hồn, mỗi dòng chữ như là “mỹ văn”. Ấn tượng đầu tiên của tôi là về giọng văn của anh, giọng chủ đạo là giọng thủ thỉ tâm tình khi kể lại những chuyện tai nghe mắt thấy, hoặc tỏ ra thương cảm khi nghe “người ta nói lại”; giọng trữ tình chứa đựng cả tâm tình, hoài niệm; đặc biệt là giọng điệu miêu tả khi bước chân anh lang thang trên mỗi góc phố, mỗi địa danh, mỗi câu chuyện; tâm tưởng anh nhớ kĩ từng câu chuyện với những chi tiết cụ thể, rõ ràng… Lối kể chuyện khiến người đọc xúc động bởi cái tình khảm vào trong mỗi chuyện, bởi kí ức được đánh thức trong vô thức, tiềm thức và ý thức. Để có giọng trữ tình thì đối tượng trữ tình trong anh luôn là “em”, em từ những rung động đầu đời cho đến khi đã yên bề gia thất; “em” là cái cớ để anh nhớ chuyện xưa, để anh tìm tòi trong kho kí ức của mình những giọt sương mai còn đọng lại, lấp lánh cả niềm vui và nỗi buồn. Cảm giác như những bóng hồng thoáng qua đời anh là một mạch nước ngầm gợi trong cảm thức của anh những tiếc nuối ngọt ngào, vì thế giọng trữ tình gần như quán xuyến suốt cả mấy tập tản văn. Tôi nghĩ rằng viết tản văn mà thiếu đi những bóng hồng cũng như người làm thơ vẫn chưa tìm ra đối tượng trữ tình vậy. Đa tình và si tình cũng là những nét biểu hiện tích cực của một con người đam mê và thiết tha với cuộc sống. Với anh, những trò chơi thuở ấu thơ thường gắn với những kỉ niệm về cây trái, về địa danh, về bè bạn; tư chất của cậu bé có thể chất, là “trùm xóm” thể hiện trong những câu chuyện ngộ nghĩnh: hái cắp trái đào, ăn trái vả với muối ớt chờ cơm… cũng có lúc mơ màng (tr.60, 61 – Bí bầu lớn xuống); có vẻ như sự hoang nghịch tuổi ấu thơ là xuất phát từ tư chất thông minh, sáng tạo. Mỗi khúc tản văn gắn với những kí ức của tuổi thơ được viết bằng cái nhìn của người từng trải; sự đan chéo, hòa quyện này trong tâm thức sáng tạo đã tạo nên hiệu ứng nghệ thuật cao, bởi sức hấp dẫn và cuốn hút trên mỗi khúc tản văn.

2. “Tiếng dạ tiếng thương – “Tình Huế”, “Giọng Huế”, “Vị Huế”, “Chuyện Huế”.

Tập tản văn này như một lời mời gọi với những ai đã, đang và sẽ thưởng lãm những địa danh trên đất Huế, tìm hiểu về văn hóa Huế. Những nét chấm phá trên mỗi khúc tản văn khiến người đọc dừng lại, vừa đọc bằng mắt – văn bản, vừa đọc bằng tâm – kí ức. Ở khúc “Tình Huế”, cùng với những câu chuyện về “tà áo dài, hương quế, miền gái đẹp, dốc nghiêng, làng thêu thuở ấy, Đồng Khánh ngày sau…” là cái tôi đa tình trong cái nhìn đa chiều, với cây bút tài hoa của anh. Mỗi câu chuyện kể là một vùng kí ức, mỗi vùng kí ức là nỗi nhớ về “một bóng hồng” nào đó.

Người ta nói, viết tản văn không giành cho người trẻ. Đúng vậy, nếu lúc bạn đang trải nghiệm qua câu chuyện đó, viết ngay thì làm sao có những lắng đọng để suốt đời phải day dứt như trong câu chuyện “Tình chị” của anh. Cũng như chưa trải qua thời gian, làm sao tỉ mẩn kể lại ấn tượng của mình về chiếc áo dài của nữ sinh, về cái bảng tên thêu trên áo bằng những màu chỉ khác nhau. Cảm giác như anh già dặn hơn bởi cái nhìn thấu tỏ những nét điểm xuyết về văn hóa của đất thần kinh từ mỗi địa danh, đến “một miền gái đẹp”. Bây giờ, người ta có thể sử dụng nhiều cách khác nhau để làm bảng tên, chứ cái thời trước, không chỉ với tác giả, mà ngay cả với tôi cũng là một ám ảnh. Tôi đi làm suốt ngày, các con tôi đều là con trai, còn nhỏ, chúng phải tự mình thêu lấy bảng tên; đi làm về thấy con nghẹo đầu, nhíu mắt, mặt dán chặt vào cái bảng tên đang thêu lòng tôi chợt tan chảy. Còn anh, có bạn gái thêu dùm, bạn gái lại khéo tay, thì độ tan chảy trong lòng anh còn lớn hơn tôi rất nhiều, vì mỗi ngày đến trường cái bảng tên nhắc anh nhớ người bạn đã tỉ mẩn thêu bảng tên cho anh, anh còn so sánh những bạn học cùng lớp thêu không đẹp bằng. Câu chuyện thêu bảng tên là nguyên cớ đưa đẩy một câu chuyện văn hóa khác: “làng thêu thuở ấy”. Huế đang muốn khôi phục lại môn học “nữ công gia chánh” trong nhà trường bởi đây cũng là cách giáo dục toàn diện về văn hóa ứng xử của phụ nữ Huế. Từ giọt nước nhìn ra biển cả. Thấm đượm trong tập tản văn “Tiếng dạ tiếng thương” của anh là hình ảnh người con gái Huế trong trắng, dịu hiền (Áo trắng thiên thần, Đồng Khánh ngày sau); khéo léo, tinh tế (Một miền gái đẹp, Tình chị, Em gái quê hương…); đằm thắm, nhẹ nhàng, nhẫn nại mang hết nhọc nhằn chịu đựng về mình (Mệ Quảng, Áo dài của mẹ, Câu chuyện về mẹ,Mạ đầu con thứ).

Tản văn mang tính chất chấm phá, nhưng đó là nơi để người viết thể hiện cái nhìn đa chiều, bộc lộ cốt cách cá nhân… Tôi sống ở nơi mà ngòi bút Nguyên Du đang lướt qua như đám mây cầu vồng – “Dốc nghiêng” – (tr.19 – tr.23), và cũng là lần đầu tiên tôi biết được rõ ràng về con đường có ngôi nhà của mình suốt mấy chục năm qua (tr.20). Chỉ tiếng gọi “mạ” thôi mà anh lý giải rành rẽ cách sử dụng từ này từ Bắc chí Nam (Câu chuyện về mạ); từ những tiếng cùng nghĩa khác âm, anh đã góp phần làm rõ hơn sự phong phú về ngôn ngữ; đó cũng là thế mạnh của anh khi sử dụng tiếng Huế, giọng Huế trong viết tản văn. Tôi rất thích khúc tản văn “Mạ đầu con thứ” (tr.80 -84), anh đã kể khá tường tận chuyện “vợ đầu con thứ”, là chuyện nhà mà đọc cứ như là gia cảnh của mỗi một ai đó, khi rơi vào hoàn cảnh tương tự. Ngoài cảm xúc trữ tình của bản thân, tri thức lịch sử, văn hóa được anh đưa vào thật tự nhiên mà có sức lan tỏa, đó cũng là nét ưu trội trong tản văn của anh. Tôi nghĩ anh là một “nhà Huế học” am hiểu khá tường tận về con người Huế, văn hóa Huế.

Vẫn là giọng nhẩn nha, anh tỉ mỉ liên tưởng từ “mạ”, “má” – gieo mạ, gieo má, lúa má… để rồi đi đến câu chuyện giàu cảm xúc khi được gọi là Mạ – với người vợ đầu của ba. Khúc tản văn “Con yêu bánh nậm” đã có những lý giải khá rõ ràng về ý nghĩa của cụm từ cố định – phương ngữ Huế: ghép 2 từ tương phản: “con yêu” – tinh quái với “bánh nậm” – một loại bánh ngon (tr.87); nhờ đọc tản văn của anh mà tôi đã không còn có ấn tượng không hay về cụm từ này. Trong “Lời nói thân thương”, tiếng “bụ” trong văn của anh đọc lên cứ thấy thân thương mà không thấy dung tục. Anh viết về “bụ”, “mụ”, “dái”… không chỉ để tìm về phương ngữ, mà là tìm về địa danh, về mỗi dấu tích văn hóa, gợi về một vùng đất, một đặc sản. Văn học liên quan mật thiết với văn hóa cũng từ đó. Văn học gắn với quảng bá du lịch cũng từ đó. Bạn muốn ăn bánh tét làng Chuồn, uống rượu làng Chuồn, bánh khoái cá kình làng Chuồn ngon có tiếng, nhớ là có đi qua cầu Lu Bụ (ngày xưa có bà nấu rượu, làm bánh tét chiều mô cũng ra tắm trần ở cái hói đầu làng, bụ to dài như cái lu nên đặt là cầu Lu Bụ – tr.90; phồn thực đến thế thì hay quá chứ sao). Tôi thích cách lý giải từ “mụ” thân thương của người Huế, bởi từ trường nghĩa quen thuộc, anh lại gợi nhớ về một địa danh (tr.92); từ dã sử, từ dân gian… mà thành lối kể tỉ mỉ, tường tận. Người ta vẫn nói nhiều về tiếng Huế, giọng Huế; cũng đã có nhiều hội thảo khoa học về tiếng Huế, giọng Huế; là một người có thâm niên làm việc ở truyền hình, anh tản mạn đôi điều về giọng Huế trong phim thật thuyết phục – “Tiếng Huế trong phim” (tr.93). Nói đúng âm vực, đúng giọng Huế phải là người Huế gốc, nhưng lập luận của anh lại là: “Đặc trưng về ngữ âm làm hạn chế khả năng diễn đạt của tiếng Huế…”, cho nên Huế vẫn là một phim trường hấp dẫn, nhưng “không cần thiết nhân vật phải nói giọng Huế” (tr.97).

Lý giải tiếng Huế, giọng Huế chịu ảnh hưởng bởi dòng sông, bởi sự giao thoa pha trộn, những dòng văn của anh chứa đựng trí tuệ và sự am hiểu tường tận về lý do vì sao người Huế “dạ thưa lại trìu mến, thân thương bởi âm sắc đầu môi như tâm hồn sâu lắng, nhẹ nhàng…” (tr.108). Cũng có lẽ vì thế mà khi tiếp xúc với ai, tôi thường lắng nghe cái giọng để nhận ra cái hay trong giọng nói mỗi vùng miền. Tôi vẫn lắng nghe giọng một người bạn thân bởi các âm vực được phát âm tròn vành rõ tiếng, các phụ âm vừa rền, vang, nảy… nghe thật thích; bởi vậy khi đọc “Giọng Huế của tôi” (tr.116), tôi nhận ra Nguyên Du đã có một ân huệ trời ban đó là anh nói đúng “giọng Huế”, dù chỉ đọc trên đài phát thanh 1 năm, mà mấy chục năm sau những người buôn bán bình thường vẫn nhớ anh… Biên thư hay viết, chép, ghi… – “Thời ấy biên thư” (tr.98); vì sao có thành ngữ “Bolero chợ Nọ” (tr.104) là cũng bởi thể tản văn tái hiện được các hiện tượng giàu ý nghĩa xã hội… ý nghĩa liên văn bản cũng chính là ở đây, mỗi khúc tản văn của anh như một tấm khảm mới được dệt bằng kí ức, văn hóa, cái nhìn riêng tư chứa đựng trầm tích của các nguồn tư liệu được anh khai thác có dụng ý. Nhờ vào đặc trưng thể loại tản văn là loại văn tự do mà mạch cảm xúc của anh có thể chuyển động linh hoạt, để mỗi văn bản là một nguồn thông tin có giá trị. Nhẹ nhàng mà ngấm sâu vào tâm thức người đọc.

Trong “Vị Huế” mỗi khúc tản văn như là điểm nhấn cho một món ăn, một địa danh, một địa chỉ: “Bánh ướt Kim Long, Bánh khoái Thượng Tứ, Quán vịt Thuận, Chè mụ Lệ, thuốc lá Cẩm Lệ…” Bạn tôi đã xa Huế hơn mấy chục năm, điện thoại về hỏi tôi: Bánh khoái Thượng Tứ giờ còn không? Tôi chỉ muốn gửi những trang văn này đến bạn tôi, bởi cách miêu tả của Nguyên Du khiến tôi đây cũng muốn đi ăn vào dịp cuối tuần để ngắm nhìn, lắng nghe và thưởng thức (tr. 143). Không chỉ ăn bánh khoái mà còn hiểu biết về những chủ nhân của quán Lạc Thiện là những người không nói được bẩm sinh từ nhỏ – “rứa thôi, như sông Hương của Huế có nói chi mô mà ai cũng muốn ngày đêm tự tình, nhung nhớ, yêu thương” (tr.145).

Trong 11 khúc tản văn ở mục “Chuyện Huế”, đọc vào vừa thấy quen, vừa thấy lạ; quen là vì mình cũng đã từng chứng kiến, từng trải qua; lạ là vì có chuyện đã từng chứng kiển, trải qua mà chưa bao giờ tìm hiểu cho tường tận. Từ chuyện thiên tai “Nam lửa đổ khô cây”, “Dòng sông nổi giận”, đến chuyện ngủ đò “Đò trên sông Huế”, “Chuyện ngủ đò” hay là chuyện ma “Chuyện đồn đêm phố”, “Con ma Ơi”; chuyện đôi lứa “Chuyện ở phủ Thủ Hiến”, “Lời nguyền đôi lứa”… tôi tin là ai đã đọc qua sẽ có cảm giác “giật mình” bởi như “đốn ngộ” thêm một điều gì đó.

3. “Bí bầu lớn xuống – “Ký ức vườn Huế”; “Sắc hương của phố”; “Một thời đi học” – “Tôi vào đời không từ cây cao bóng cả, mà chỉ từ bóng trứng cá năm nào…” (tr.53 – Bí bầu lớn xuống)

Người ta nói Huế là thành phố xanh, xinh đẹp như một lẵng hoa; để biết thêm thành phố xinh đẹp này, chúng ta cùng rong ruổi với Nguyên Du trong “Bí bầu lớn xuống”. Chỉ với “Hương ổi” (tr.27) mà sự nhận biết và quan sát của anh khá tỉ mỉ, đọc những dòng văn này lòng tôi chợt chùng xuống, năm nay tôi không được nhìn những bầy chim về ăn quả xoài trên cây xoài cao to che bóng hết nửa mảnh vườn, không được nhìn thấy bầy chim sẻ chuyện trò trên cây trứng cá… nhà tôi được ra mặt tiền, mở đường, con đường 26 mét, con đường mà lúc còn sống ba tôi hằng mơ ước. Quá trình đô thị hóa sẽ thu nhỏ những mảnh vườn và cũng mất đi những mảnh vườn đầy kí ức tuổi thơ.

Có những khúc tản văn của anh giàu vốn từ vựng ngữ nghĩa (Câu chuyện của mít, tr.33). Viết về cây trái mà cũng lẩy ra được nét Huế, con người Huế, thế cũng là tài: Dù bây giờ, vải Huế đem đi không cạnh tranh nổi với vải Lục Ngạn nhưng mấy mụ Huế cũng ra vẻ mần đày: “Nì! Vải Huế là vải trạng, vải ngự, vải tiến vua nì, ui chao ngon chi lạ hí” (tr.67). Tôi vẫn thường bắt gặp nét “kiêu căng” đó của người Huế khi bán cây trái vườn nhà như quả thanh long, quả vú sữa, quả chôm chôm, trái măng cụt… những loại quả này quả nhỏ, nhiều khi không ngọt bằng cây trái miền Nam mà người Huế nói ra vẻ ta đây lắm: Của vườn Huế đó, cây sạch, quả sạch… “Cây vả góc vườn” (tr.22) gợi lên trong tôi nỗi nhớ khó quên trong gần 2 năm đi công tác, lưu trú ở nhà công vụ, ăn cơm căn-tin và những trái vả Huế đã giúp tôi “trắng da dài tóc”…

Huế đang từng bước hiện thực hóa, xây dựng thành phố bốn mùa hoa, đọc “Sắc hương của phố” bạn sẽ gặp hình ảnh những loài hoa đài các sang trọng, những loài hoa thân quen gần gũi tuổi học trò, những loài hoa giản dị khiêm nhường… trên mỗi góc phố, mỗi con đường, trong mỗi mùa… qua giọng văn miêu tả của Nguyên Du trôi chảy, ngọt ngào trong tản văn. Càng đọc càng muốn đến Huế, hoặc đang ở Huế thì cũng muốn đến những con đường trên trang văn của anh để nghe cây cối trò chuyện, tìm lại kỉ niệm ngọt ngào của chúng ta trong mỗi khoảng thời gian đáng nhớ.

4.Nhất Huế, nhì Sịa” – “Phố xá thân quen”; “Miền ngoại ô”; “Về quê

Nhất Huế, nhì Sịa” không chỉ là địa danh, dấu tích, lịch sử, văn hóa… mà còn lồng ghép trong đó chuyện họ hàng, quê hương, gia đình, tình yêu; tất cả hòa quyện trong mỗi trang tản văn dung dị, đời thường mà thân quen quá đỗi. Theo bước chân của Nguyên Du tôi đi loanh quanh mấy con đường, nhà ga, bến sông, những cây cầu… nơi tôi ở bằng chữ nghĩa. Đọc tản văn anh tôi biết rõ hơn từng cái dốc, từng tiếng còi tàu, từng quán xá… Anh như một nhân chứng sống kể tỉ mỉ từng dấu tích, từng địa danh, càng đọc tôi càng thấy mình lơ ngơ, như chưa từng sống mấy chục năm ở thành phố này vậy. Có biết bao người đang sống trong thành phố mà “lơ ngơ” như tôi; có bao nhiêu người am tường như anh; nhưng chắc chắn là khi đọc tản văn của anh cũng là lần đầu tôi biết Nhà Thiếu nhi Huế vốn là Dinh Tỉnh trưởng, bãi cỏ phía bên kia đường là nơi để máy bay trực thăng đỗ… (Dinh Tỉnh trưởng Thừa Thiên, tr.38); mỗi ngày tôi vẫn đi qua, đi về nơi đây mà cứ mặc nhiên nhi nhiên vậy, thật là cảm ơn Nguyên Du. Điều thú vị trong câu chuyện này là cậu học trò tiểu học Nguyên Du lúc ấy có những mơ ước thật là lãng mạn (tr.39, 40). Phải chăng trí nhớ, cùng ước mơ và trí tò mò thuở nhỏ đã mang lại năng lượng cũng như sức nặng cho những trang tản văn của anh, để khi đọc bài nào, trang nào cũng thấy thấp thoáng cái tôi của tác giả cùng biết bao dự định, biết bao ước mơ, và đặc biệt là rất trữ tình, bởi luôn luôn có hình ảnh những bóng hồng thoáng qua, lưu lại hay là mãi mãi gắn bó cùng nhau. Có những dòng tản văn lãng đãng, đọc xong rồi mơ màng nhớ lại một thời vụng dại, một thời say mê (Bên đường đi bộ, tr.44). Cũng có những khúc tản văn gợi thật nhiều liên tưởng: “Một thời tinh hoa” (tr.74), “Hồn phố Gia Hội” (tr.79), “Ngã giữa nơi nào” (tr.83), “Bạch Hổ – Dã Viên” – (tr.91).

Đến Huế không ai lại không dừng lại bên cây phượng “quốc dân” bên cầu Trường Tiền để chụp ảnh. Một công đôi việc, bức ảnh vừa có hình ảnh “cây phượng huyền thoại”, vừa có mấy nhịp cong cong của cây cầu Trường Tiền, thì khi đọc tản văn “Dáng phượng bên sông”; “Mấy nhịp Trường Tiền” của Nguyên Du hẳn sẽ vô cùng thú vị, cảm xúc sẽ thăng hoa cùng văn chương và bức ảnh đó sẽ có thêm hồn Huế, để rồi mãi luyến lưu.

Theo chân Nguyên Du đến “Miền ngoại ô”, tôi như được mở mang trí tuệ, phải nói là những địa danh liên quan đến dấu tích lịch sử nếu chỉ học trong môn Lịch sử, có thể khó nhớ, nhưng đọc trong tản văn của anh lại khiến mình nhớ lâu, lại muốn rong ruổi cùng anh để vừa thưởng ngoạn, vừa ngấm vào mình những cảm nhận bắt đầu từ trang văn của anh – giàu hình ảnh. Bạn muốn biết thêm về các di tích “Voi ré”, “Hổ Quyền” thì hãy đọc “Huyền tích Long Thọ”; biết thêm về câu thơ của Cụ Đồ Chiểu trong truyện “Lục Vân Tiên” đánh cướp cứu Kiều Nguyệt Nga ở đồi Hà Khê thì đọc khúc tản văn “Nguyệt Biều Lương Quán bao xa” (tr.116)…

Có biết bao “em” trong cả 3 tập tản văn dìu dịu, mơ màng, nhớ thương trong trái tim Nguyên Du, như lời anh chuyện trò với tôi: anh yêu nhiều, nhưng vẫn chỉ chung thủy với người vợ thùy mị nết na của mình (tr. 121, 122). Trong “Một bờ sông trắng” (tr.128) dù tác giả chưa đưa ra một kết luận nào về bài thơ “Lá diêu bông” của Hoàng Cầm hay “Mùa xuân chín” của Hàn Mặc Tử, nhưng chỉ vài trang ngắn ngủi anh đã cung cấp thật nhiều tư liệu về hai bài thơ này, đó cũng là lợi thế của thể loại tản văn, gợi nhiều hơn tả, kể mà như không kể… để rồi kết lại vẫn là câu văn mơ mơ hồ hồ “bờ sông trắng cũng rất mơ hồ”.

5. Viết tản văn ngoài cảm hứng, kí ức, kỉ niệm còn là sức đọc và khả năng nắm bắt tư liệu của tác giả; am hiểu tường tận về một nơi nào đó, hẳn anh không chỉ đi, chỉ nhìn, và kể mà còn đọc nhiều thì mới có một khúc tản văn “Đập Đá màu lũ” có sức nặng về tri thức và thông tin. Có những dòng văn đọc lên như là tiếng thở dài của người viết và sự đồng cảm của độc giả: “Huế cũng nghèo như sông, không lắm phù sa để nuôi người nên bao người đã bỏ cố xứ mà đi đến với những chân trời thoáng đạt, màu mỡ phù sa, cơ hội kim tiền, cũng có thể là một tình duyên không đi đến bến bờ” (tr.140)

Tôi thích hình ảnh “thằng Bù phệ” thấp thoáng trong cả 3 tập truyện, đặc biệt là trong tập Bí bầu lớn xuống. Đó là cậu bé hoang nghịch mà có bản lĩnh nên mới làm thủ lĩnh – “Nghịch đùa hoa cỏ” (tr.99); cũng là cậu bé nghèo khổ, giản, dị, chân thật đã hơn một lần không được nhận phần thưởng danh dự bởi vì cậu chỉ đi đôi giày rọ heo trắng ngà – “Cây mức guốc mộc” (tr.103); và cũng có lúc chịu lạnh co ro vì bạn bè chê áo này áo nọ, đọc “Chuyện tình đan áo” (tr.195), bất giác lòng mình thấy rưng rưng… Cậu bé có trí nhớ tốt và tài quan sát tất cả cảnh vật, con người, sự việc, nên “Một thời đi học” hiện về trên trang văn của anh thật giản dị, dễ thương, gợi lên nhiều nỗi nhớ trong lòng độc giả. Và trái tim thì hết sức đa cảm, lớn hơn chút nữa lại đa tình, cái tình theo anh suốt bao năm tháng để rồi đọng lại trên những trang tản văn thấm đẫm chất trữ tình – “Nhớ cà rem”, “Trò chơi thơ ấu” (“Thương nhất là Nhung bởi một mắt khóc nghiêng” – tr.214 – sao lại có câu văn hay thế nhỉ) – là những khúc tản văn thật xúc động, tôi thích kiểu tiếc nuối ngọt ngào theo năm tháng như thế, có lẽ vì thế mà tâm hồn con người đẹp hơn, da diết hơn dù cuộc sống biết bao bộn bề lo toan.

Huế 15/4/2021
H.T.T.T