Suối nguồn trong vắt chảy tràn từ trái tim lãng tử

1022

Nguyên Bình

Giới thiệu tập thơ Tấc lòng của Yên Thy (Chi hội NHNT Xuyên Mộc, BR-VT)

(Vanchuongphuongnam.vn) – Ngôn ngữ thơ Yên Thy vừa chân thực vừa ảo hư đầy tính sáng tạo, khiến tập thơ dày dặn suy tưởng, hàm ngôn tinh ý, đem đến cho người đọc cảm giác vừa bình an vửa khắc khoải, biến chuyển theo từng nét thơ mà thi nhân vẩy bút. 

Một gã lãng tử phong trần, mái tóc dài bềnh bồng như sóng, pha sương trắng khói mây, chiếc mũi thẳng, hàm răng vàng khè ám khói thuốc, và mười ngón tay gầy guộc, luôn kẹp chặt điếu jet thời thượng của những tay ghiền thuốc lá. Vậy mà nghe xướng danh Yên Thy tôi lại thấy khoái. Cả con người và cái bút danh gây cảm giác nhẹ nhẹ dễ thương. Yên là khói. Thy là thơ. Khói thơ hay thơ khói cũng vậy, khi vui khói mây lững lơ dạo chơi trên bầu trời xanh thẳm, khi buồn thì sà xuống thấp giăng giăng sắc tím. Tôi vừa phác họa chân dung nhà thơ Yên Thy, xứng danh thi khách chưa nào?

Tác phẩm văn học luôn cần sự khác biệt. Ban đầu, tôi bỡ ngỡ quá khi nhận tập bản thảo đầu tay Tấc lòng của chàng lãng tử Yên Thy đang ẩn mình nơi xứ đất cằn Xuyện Mộc, với 132 bài mà không hề thấy một đề bài nào. Phải cố lục tìm những định nghĩa của các nhà thơ danh tiếng để giải mã vấn đề này. “Thi ca là những hình vẽ vĩnh cửu trong trái tim của tất cả mọi người”. (Poetry is eternal graffiti written in the heart of everyone) Lawrence Ferlinghetti đã từng nói như vậy. Phải chăng thơ đã là một bức tranh bất tử cho công chúng thưởng lãm, vẻ đẹp của nó không ở cái tên mà chính là ở cảm xúc, ấn tượng mà thơ mang về trong lòng độc giả? Nhà thơ Yên Thy vin vào lý do này để lập dị chăng?

Cái thuở ban đầu làm thơ thì ai cũng ngẩn ngơ lắm, và đây là giọt lệ tình thi sĩ Yên Thy vụng dại gieo mưa vào thơ: “Chừ ở đây trời tháng sáu/ Mưa rơi hiu quạnh chàng Ngâu ngồi buồn/ Lệ trời hay lệ mình tuôn/ Mà nghe ray rứt như muôn sóng gào” (Tấc lòng 1). Bài thơ đầu tay nõn nà hiền lành dễ thương quá, như ầm mới nhú, bỡ ngỡ như người con gái mới về nhà chồng ấp e nấu bửa cơm đầu tiên.

Mầm gieo thuở ban đầu lớn nhanh trong khu vườn tâm linh nhạy cảm của thi nhân. Chẳng mấy chốc mà đã kết thành trái chín chất chứa đủ hương vị cuộc đời. Vị ngọt đắng đậm chất ưu tư, vị mặn của máu và nước mắt, vị chát chua của thân phận kiếp người phù du. Tôi xin dừng một chút để nói thêm rằng, trong bất kì thi phẩm nào thì cái đáng quý nhất vẫn là tinh túy rút ra từ những phút thăng hoa, lúc ánh sáng tư tưởng đang “quậy phá” cảm thức, tự nó phát tiết bộc bạch không thể kiềm chế. Thi sĩ Yên Thy thấm nỗi đau đời trong lòng, nuôi dưỡng lé loi tia hy vọng trong tim, viết từ hơi thở dập dồn loạn nhịp một khúc thơ bi tráng: “Và em và tôi và thơ /Máu và nước mắt và mồ hôi rơi/ Và giấc mơ và bầu trời /Và gieo hạt với buồn vui phận người” (Tấc lòng – 6). Như một tuyên ngôn, bởi, theo tôi, tất cả đó chính là nền tảng, là nẻo về của thi ca.

Mỗi thi nhân luôn mang trong tâm hồn mình căn bệnh không có triệu chứng. Nó bộc phát vô tính vô tướng, nó tự chữa lành khi thi ngôn được giải phóng, chỉ có năng lượng thơ mới có thể vực “hắn” dậy, khi triết lí, tôn giáo đã bất lực: “Hắn ngật ngưỡng đất trời chiếc bóng lênh đênh/ Huơ tay múa chân nói gì chẳng biết/ Hắn đi về phía vầng trăng thường vẫn mọc/ Le lói bập bùng một đám cháy sau lưng”. (Tấc lòng 9) Mấy câu thơ chếnh choáng say, đậm chất suy tưởng, ý thức nổi loạn, trong ngữ ngôn bóng dáng siêu thực đã chạm đến giới hạn để bùng cháy.

Với Yên Thy, tôi còn nhận ra rằng, thơ với ông là những mảng cảm thức mơ hồ vọng động của mây trời hoa lá. Đó là lúc ông kẹp điếu thuốc trên tay, trầm ngâm bên ly cà phê đen đặc quánh trong một xó xỉnh nào đó của quán đêm hay quán không: “Ngồi thả lưng góc quán đêm/ Nghe phin cà phê tí tách/ Cũng như ta từng giọt/ Rớt xuống đời  năm tháng rụng rơi” (Tấc lòng – 62) thi nhân thường viết nên những khúc trầm ca ngàn năm diễm tuyệt, ông thổi hồn vào sự vật gần gủi chung quanh: “Mùa  thu phơi áo lụa/ Trên cành lá non tơ/ Bập bùng tôi đốm lửa/ Sợi khói dìu câu thơ” (Tấc lòng – 18) Hình ảnh trong thơ chừng như có sợi khói trắng mơ màng ông chậm rãi phả vào quảng không hư thực, thơ mộng quá.

Nam nhi chi chí bị vùi dập từ thuở điêu tàn, lãng quên một thế hệ sống dở chết dở, có đứa chết không có nấm mồ chôn, và chàng thi sĩ Yên Thy giã mộng sông hồ, ẩn cư nơi góc khuất của số phận, từng đêm lắng nghe tiếng thở dài nỉ non chua xót, như lời thì thầm của đôi bạn tri kỷ trong một đêm say mưa gió nào nằm ôm nhau thao thức trên manh chiếu rách: “Ta tráng sĩ hề, mơ thanh kiếm sắc/ Có hay đâu đời ngọn dao cùn/ Thôi cũng đành lỗi hẹn nước non/ Chiều loay hoay mảnh vườn con xới cuốc”. Nhưng mặc kệ cuộc đời, còn hơi thở thì ta còn làm thơ, một cọng hoa dại rung rinh trong gió, một vầng trăng thức, một bãi bờ hoang vắng, đâu đó cũng là thi chất thi ảnh cho thi nhân bày tỏ, cho trái tim cằn cỗi rung lên nhịp tơ vương bồi hồi: “Tròn môi tập hót tiếng chim/ Gù mùa hạ tới rủ sim chín đồi/ Diều nghiêng vi vút sáo trời/ Gối đầu lên cỏ ngó vời vợi xanh” (Tấc lòng – 25). Thơ đẹp như tranh thủy mặc, thơ rung lên giai diệu dập dồn trên khuôn nhạc của một nhạc sĩ tài hoa. Nhà thơ tô thắm cuộc đời bằng những vần điệu mơ màng, khúc ru dịu dàng say đắm lòng tôi. Tôi cho rằng đây là một thành công trong tập thơ Tấc Lòng.

Đã là thi nhân ai không khỏi có những phút giây chiêm nghiệm nèo đời, ô hay, chàng nông dân vác cuốc ra đồng mà chữ nghĩa bay vút cao, viết những vần thơ như một triết gia cổ đại: “Sớm muộn chi cũng Trạm dừng sau cuối/ Nơi từ đó ra đi khởi điểm bắt đầu/ Mỗi vòng đời một định mệnh buộc vào/ Xuyên suốt hành trình khổ đau – hạnh phúc” (Tấc lòng – 82). Yên Thy cảm nhận cái kết thúc của đời người nhẹ nhàng làm sao: “Hắn ngẩng lên nhìn kỹ đường bay/ Rồi thản nhiên lao vào ngọn lửa/ Chẳng có gì là không thể/ Con thiêu thân rũ xuống giấc mơ hồng”. (Tấc lòng -130)

Tôi để dành Tình yêu cho đoạn cuối của bài viết. Một thi nhân mẫn cảm với thi ý lồng lộng như mây vờn sóng cuộn, mà hơi thở tình yêu như giọt mưa đầu mùa tắm mát cánh đồng khô hạn khát khao một giọt mưa lành: “Tháng năm và cơn mưa thật dịu dàng/ Em nghiêng xuống đời tôi mát rượi/ Trên trang thơ nụ chồi tươi mới/ Chiếc cầu vồng nối lại những bờ vui” (Tấc lòng – 85). Trăng thơm, gió mát, mưa ngọt, sương vui, khi yêu thì cái vô thường cũng là cái thường hằng đầy hương sắc: “Là gió là trăng là mưa là nắng/ Là những gì có có không không/ Em cũng  chỉ là giọt sương thầm/ Thế mà vẫn rạng bừng tôi trong đó/ Mong phút bình yên cho đời lá cỏ/ Rất đỗi yếu mềm mà nắng quá mênh mang” (Tấc lòng -90). Những hoài niệm dấu yêu cũng làm cho nét bút thi nhân thêm phần lãng mạn: “Hai mươi năm biền biệt cũng như sông/ Anh sụt lở bao lần bến nhớ/ Hai mươi năm là mấy ngàn phiên chợ/ Em ngóng chiều mấy bận trông tin” (Tấc lòng – 92). Thơ chưa mãn nguyện, thơ chưa đẩy giấc mơ muôn thuở, Yên Thy còn khao khát lắm, còn dùng dằng lắm, cớ sao ông lại thao thức: “Hình như có điều gì/ Thơ chưa nói ra/ Nên lòng còn/ Bâng khuâng câu chữ/ Phải thế không em/ Vầng trăng thi tứ/ Giấc mơ tôi/ Tự thuở đêm là!” (Tấc lòng – 110). Tôi hiểu, có bao giờ thơ nói hết tiếng lòng vô hạn mà chữ nghĩa mòn hơi hữu hạn trên trang giấy đời bó hẹp. Hồn thi nhân chan hòa trong vũ trụ, mà ngữ ngôn có bấy nhiêu là.

Và cuối cùng, bức tranh vẽ trong tim người đọc cùng với bức chân dung nhà thơ bây giờ còn lại như thế này: “Vẽ buồn sao giống như vui/ Vẽ ai sao lại giống tôi thế này/ Vẽ lui vẽ tới phận người/ Hoa râm tóc trổ mái đời thực – mơ!” (Tấc lòng – 124). Giấc mơ đời tuyệt đẹp rồi đó thi nhân. Ai mài gươm mài bút thì phút cuối cùng cũng nhận ra đời cũng chỉ là sự pha trộn giữa thực và mơ. Thế thôi.

Tấc lòng, nhìn toàn cảnh là một cõi riêng chung mà thi nhân bộc bạch, ở đây, tôi cảm nhận được cái ánh sáng thơ mà Yên Thy muốn biểu đạt: yêu thương và hoài nghi, cảm hoài và thực tại, giây phút và vĩnh hằng, tất cả lắng đọng trong tâm thức chàng thi sĩ dại khờ đáng yêu. Ngôn ngữ thơ Yên Thy vừa chân thực vừa ảo hư đầy tính sáng tạo, khiến tập thơ dày dặn suy tưởng, hàm ngôn tinh ý, đem đến cho người đọc cảm giác vừa bình an vửa khắc khoải, biến chuyển theo từng nét thơ mà thi nhân vẩy bút.

Chúc mừng thi tập đầu tay của nhà thơ tóc dài bồng bềnh tôi yêu mến.

Bà Rịa, 2020

N.B