Suối nguồn yêu thương – Truyện ngắn của Thanh Túy

861

(Vanchuongphuongnam.vn) – Ngoại ơi, tối nay, con lại tăng ca, đón Gấu giúp con, ngoại nhé!…

Bà Xuân chưa kịp trả lời thì đầu dây bên kia đã im bặt. Nén tiếng thở dài, bà nặng nề buông máy. Từ ngày hai mẹ con Gấu dắt nhau về ở với vợ chồng bà, công việc của bà Xuân càng thêm tất bật. Sớm bảnh mắt, bà tranh thủ ra chợ, mua vội mua vàng vài thứ để hai ông bà có cái bữa mai bữa hôm. Rồi bà lật đật trở về chăm chắt ngoại. Từ hôm ba mẹ nó lục đục không qua lại, việc ăn việc ngủ của bé Gấu đều do một tay bà lo liệu. Mẹ nó – con Tú – là đứa cháu ngoại tội nghiệp của bà. Tú là đứa có nhan sắc. Nó thông minh, nhanh nhẹn, đặc biệt rất thích vẽ tranh và nấu nướng. Nó từng ước mơ sẽ trở thành nữ họa sĩ tài ba được nhiều người ái mộ. Hồi Tú mới tròn một tuổi thì ba mẹ đã chia tay. Mẹ giao Tú cho bà ngoại nuôi dưỡng rồi tiếp tục chuyện ăn học dở dang trước đó. Thương con gái, bà Xuân động viên ông Tư nhẹ nhàng chăm cháu cho con gái có cơ hội tiếp tục chuyện công danh. Mẹ Tú cũng là người có chí. Sau ba năm đèn sách, mẹ Tú ra trường với nghề “đi gõ đầu trẻ”. Nỗi đau của mối tình lỡ làng cũng phai nhạt. Năm Tú lên chín tuổi, mẹ đi bước nữa. Mẹ Tú theo chồng, thỉnh thoảng mới về thăm Tú một lần. Còn ba Tú thì biền biệt không tin tức, không lời thăm hỏi. Đến giờ, Tú chỉ biết mặt ba qua những bức hình bà Xuân giữ lại.


Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).

Càng lớn Tú càng thông minh, xinh đẹp. Đôi vai bà Xuân cũng ngày càng nặng trĩu. Chuyện cơm áo gạo tiền, chuyện Tú học hành, chuyện dạy dỗ bảo ban cháu nên người là một bài toán khó cho ông bà ngoại. Cũng may là Tú khéo tay hay miệng, biết kính trên nhường dưới nên bà Xuân cảm thấy được an ủi phần nào.

– Ngoại ơi, tối nay con dẫn bạn trai về ra mắt ngoại nhé!

Bà Xuân giật mình quay sang nhìn Tú thảng thốt:

– Trời đất ơi, lâu nay lén lút quen bạn trai rồi à? Có sớm quá không con? Học hành cũng chưa đến nơi đến chốn. Rồi nó con cái nhà ai? Ở tận đâu? Làm gì? Trời ơi, con làm vậy ngoại lo lắm!

Tú vẫn nhẹ nhàng, cười kín đáo:

– Ngoại hỏi nhiều vậy con biết trả lời câu nào trước đây? Mà ngoại đừng quá lo, không có gì nghiêm trọng đâu ạ! Bọn con cũng mới tìm hiểu thôi.

– Tìm với chả hiểu, rồi mang cái bụng về đây là ngoại khổ nữa con ơi. –  Giọng bà Xuân vẫn chưa hết hoàn hồn.

Tú điềm đạm an ủi:

– Con sẽ không làm ngoại khổ đâu, con hứa. Con quyết định rồi, con không thi Đại học nữa. Một lần thôi. Con tìm đường khác. Cảnh nhà thế này, con muốn tìm nghề học để sớm kiếm tiền lo cho ngoại. Rồi con sẽ nuôi ngoại, sẽ bù đắp những ngày tháng ngoại đã khổ vì con.

Bà Xuân giàn giụa, ôm Tú vuốt ve:

– Thôi, tùy con. Ngoại chỉ muốn con làm việc gì cũng phải suy nghĩ thấu đáo. Ngoại thương con nhưng không đủ sức đi mãi cùng con được.

Tối hôm ấy, Tú dẫn về một anh chàng khá điển trai. Vẻ mặt hiền từ, nói năng nhã nhặn. Bà Xuân vẫn khá dè dặt:

– Cháu quen Tú bao lâu rồi?

Anh chàng đặt chén nước xuống bàn, từ tốn:

– Dạ thưa ngoại, cũng mới ba tháng nay ạ.

Ông Tư ngồi cạnh đó, xen vào:

– Ba tháng? Mới ba tháng à?

Anh chàng cười kín đáo, Tú đỡ lời, lảng sang chuyện khác:

– Ngày mai, con sẽ đi làm. Mấy ngày qua, con đã tìm được việc rồi ạ. Một chân chế biến thức uống tại khách sạn Hương Giang. Hiện tại con chưa có xe máy, anh Nam sẽ đưa đón con mỗi ngày ông bà ạ.

Bà Xuân nửa mừng nửa lo:

– Thôi tùy con quyết định. Ông bà già rồi, không thể lo cho con đầy đủ được. Nhớ làm gì cũng cân nhắc kĩ càng, con nhé!

Nói xong, bà vào trong để cho hai trẻ ngồi lại với ông Tư.

Vào phòng, bà Xuân nằm vẩn vơ suy nghĩ. Bà lo lắm, cũng không rõ mối lo gì. Trong đầu bà bao chuyện cứ ngổn ngang. Cháu gái của bà còn bé lắm. Nó vừa thi tốt nghiệp phổ thông xong. Từ hôm biết kết quả thi Đại học, trông nó ít nói hẳn, bà an ủi nó cố gắng học để sang năm thi lại. Nó dạ dạ vâng vâng rồi đùng một cái hôm nay nó dẫn bạn trai về giới thiệu rồi lại bảo sẽ đi làm. Không biết con bé nó học nghề từ khi nào. Nó giấu ông bà kĩ thế. Thấy cháu có nghề có nghiệp mà sao lòng bà vẫn không vui. Rồi nghe bạn trai nó làm nghề thợ giày, công việc cũng không mấy ổn định, bà càng lo lắng hơn. Hình ảnh ngày xưa Tú khóc oa oa trên tay bà khi mẹ Tú giao nó cho bà để khăn gói đi học, lại trở về trong tâm trí bà Xuân. Bà nén tiếng thở dài. Có lẽ nào, rồi có một ngày… Bà Xuân thở dài không dám nghĩ đến, bà cố tự dỗ cho tâm đi vào giấc ngủ.

***

Rồi một hôm, đang loay hoay với mấy khóm hồng trước ngõ, bà Xuân ngạc nhiên khi nghe tiếng xe máy quen thuộc đỗ trước sân.

– Ủa sao hôm nay con về sớm vậy Tú?

Tú không trả lời ngay, cô lôi trong túi ra một xấp tiền. Nhẹ nhàng đặt vào tay bà, cô vui vẻ:

– Con mới nhận lương. Còn có thưởng nữa nhé! Trưởng phòng khen con khéo tay làm giỏi. Tháng sau con chuyển sang phụ trách trang trí bàn tiệc. Ngoài ra, con còn kiếm thêm được một chân quản lý ca đêm hơi bị oách tại một quán pub khu phố Tây hẳn hoi…Từ nay, ngoại cứ lo ăn uống và dưỡng bệnh, đừng lo cho con nữa ngoại nhé!

Thấy Tú vui vẻ bà Xuân cũng vui lây. Lần đầu tiên cầm tiền từ tay cháu, bà xúc động, mắt ươn ướt. Bà cố giấu cảm xúc, nói thật to:

– Chà oai nhỉ, nay tự kiếm ra tiền rồi, khỏi xin ông bà nữa nhé! Chỗ này bà sẽ giữ hộ cháu, rồi sau sắm chiếc xe mà chạy. Cứ để thằng Nam đưa đón mãi cũng không phải chuyện hay.

Nghe thế, Tú xị mặt nhưng cũng cố làm vui cho vừa lòng bà:

– Dạ, tiền đó con biếu ông bà. Không phải giữ hộ con đâu.

Tú biết Nam không vừa ý bà. Cả ông cũng thế. Mấy dạo trước, mẹ Tú có đưa em về thăm, mẹ cũng phàn nàn Tú yêu đương sớm rồi chọn người không có sự nghiệp. Tú buồn lắm nhưng cô vẫn một mực không lay chuyển. Tú tin tưởng vào con người của Nam, tin tưởng vào tình yêu anh dành cho cô. Cô nghĩ rằng tình yêu sẽ chiến thắng tất cả. Con người có tay, có chân, có ý chí thì sẽ không lo việc đói no. Miễn cô và anh yêu nhau thật lòng là đủ. Mẹ Tú theo chồng, không mấy gần gũi với con nên giờ cũng không dám ép Tú. Ông bà ngoại cũng không thể quyết định thay cô được. Mỗi tối tăng ca đến tận 12 giờ khuya mới về nhà, có lúc thấy bà ngoại thức đợi cửa, Tú lại chạnh lòng. Tú thương ngoại nhiều lắm, nhiều hơn cả thương mẹ. Nhưng cô không thể chiến thắng trái tim mình. Nhớ những ngày cô đơn, mệt mỏi, người bên cạnh giúp cô vui vẻ vẫn là Nam. Những ngày cô lạc lỏng muốn gọi tiếng ba, tiếng mẹ, muốn được ba mẹ vỗ về; những ngày cô mất phương hướng không biết quyết định tương lai về sau thế nào; người bên cạnh an ủi cô vẫn là Nam. Bây giờ dù có ai ngăn cản thế nào cô vẫn quyết đi cùng Nam đến hết cuộc đời này.

Một năm sau, Tú về nhà chồng. Lúc đó, cô tròn hai mươi tuổi, kém Nam năm tuổi. Nhà chồng cũng không mấy xa nhà ngoại nên Tú thường xuyên về thăm ông bà. Có khi cô còn ở lại qua đêm. Bà Xuân rất vui vì điều đó. Những lúc vợ chồng Tú ở về thăm, hai ông bà lăng xăng lo thức ăn thức uống như thể trong nhà có tiệc. Bà Xuân cam cháu không khác gì cam con. Bà dặn dò cháu đủ điều, dặn Tú cố gắng ăn ở cho phải phép với gia nương… Không lâu sau đó, Gấu ra đời. Bà Xuân lại thay con gái lo chuyện sinh nở cho cháu ngoại. Những đêm khuya canh vắng, thức dậy cho Gấu uống sữa thay Tú, bà nén tiếng thở dài nhớ về cái thời son trẻ bà từng nuôi mẹ Tú.

***

Lúc Gấu vừa tròn một tháng tuổi thì Tú lại lao đầu vào công việc. Cô thức khuya dậy sớm, chạy chạy đi chạy lại ở hai ba chỗ làm. Lương tiền Nam không ổn định nên cô cố làm việc gấp đôi. Nhờ ơn trời, Tú dành dụm và vay mượn rồi cất được căn nhà nhỏ trên khu đất của nhà chồng. Từ ngày có nhà riêng, Tú càng vất vả hơn, vừa đi làm vừa lo chăm nhà cửa, con cái. Có khi Tú không thu xếp được thời gian, bà Xuân lại phải chăm Gấu cho Tú yên tâm tăng ca. Bẵng đi một thời gian, Tú mang con về ở hẳn với ông bà. Bà Xuân gạn hỏi lí do, Tú vẫn lặng thinh không đáp. Số lần đến thăm con của chồng Tú ngày một ít hơn. Ngày ngày, bà Xuân vẫn phải ằm, phải bồng, phải à ơi dỗ dành chắt ngoại đi vào giấc ngủ. Nói phải tội, con bé cũng dễ tính, lại còn quá nhỏ nên có ý thức được điều gì đâu. Cứ có người chơi, có người lo cho ăn, cho ngủ là toe toét thôi. Mẹ đi cả ngày cũng chả sao. Chỉ cần có ông bà cố là đủ. Sáng mẹ chở đến trường. Chiều về có ông bà cho ăn, ăn xong lại chơi, chơi chán rồi lăn quay ra ngủ. Nhiều ngày mẹ tăng ca về muộn, nào có thấy mặt mũi mẹ đâu. Nghĩ thế nên bà Xuân càng thương cháu. Ngày nào còn gắng được bà còn gắng. Cả cuộc đời bà, hết chăm con, chăm cháu giờ chăm đến cả chắt. Cái tuổi gần đất xa trời mà bà vẫn chưa được một ngày thảnh thơi. Nhưng bà vẫn luôn cố nén thật sâu những tiếng thở dài. Bà hiểu Tú cũng không sung sướng gì. Thời gian gần đây, dịch bệnh lại kéo dài, Tú làm lụng vất vả, đi sớm về khuya, nó chưa có một bữa ăn nào cho đúng nghĩa một bữa ăn. Tội nghiệp con bé, hồng nhan bạc phận!

***

Giờ thì bà Xuân cũng không còn mấy sức. Mấy năm nay tuổi cao, sức yếu lại bệnh tật quanh năm nên bà sa sút đi nhiều. Nay lại gánh thêm việc chăm cháu nên trông bà gầy rộc hẳn đi. Nhưng biết làm thế nào? Nếu vợ chồng bà không dang tay bao bọc mẹ con nó thì chúng biết bấu víu vào ai.

– Lại tăng ca nữa à? – Ông Tư buột miệng, mắt vẫn không rời khỏi chiếc ti vi.

Bà Xuân nhát gừng đáp lại:

– Tăng ca!

Bà thở dài nói tiếp:

– Con bé cày suốt ngày đêm để nuôi con. Cầu trời cho dịch bệnh yên ổn. Giờ mà có lệnh cách li thì mẹ con nó lại khổ nữa. Nợ nần đủ thứ…

Không đợi ông Tư trả lời, bà Xuân tặc lưỡi tiếp:

– Thôi, đến đâu hay đến đó, ông xem nồi cháo bà đang nấu dở. Bà đạp xe đến trường đón cháu!

Ông Tư lặng thinh không đáp nhưng lật đật đứng dậy ngay. Tính ông xưa nay vốn vậy. Bà Xuân nói gì ông nghe đó, răm rắp không phàn nàn. Ngày trước, khi còn khỏe, ông gánh cho bà bao việc. Từ việc quét tước, nấu nướng, giặt giũ đến cả chợ đò; cái gì làm được ông dành làm tất. Bà Xuân vì thế cũng được thảnh thơi. Nay ông luống tuổi, mắt kém, tay chân lại chậm chạp nên bà Xuân không cho ông đỡ đần gì cả. Thương vợ nhưng ông Tư cũng biết mình nghèo sức quá rồi, muốn kham cũng không kham nổi. Bà Xuân bảo gì ông làm đó chứ không tranh việc như trước nữa.

Nồi cháo sôi lục bục. Mùi cà rốt, hạt sen hòa quyện mùi thịt băm thơm lừng. Ông Tư không quên bỏ chút ngò gai mà bà Xuân đã khéo léo thái từng sợi mỏng cho vào nồi rồi tắt bếp. Ông ra sân đứng hóng. Năm phút… Mười phút… Mười lăm phút… “Một….Hai….Ba.!” Ông Tư vừa đếm thầm đến số ba thì tiếng xe lạch cạch của bà Xuân đã chạm trước ngõ. Lúc nào cũng vậy, ông nhoẻn miệng cười, hí ha hí hửng chạy đến bế Gấu xuống xe. Rồi ông ôm hôn tới tấp lên trán, lên tóc con bé. Con bé cũng liếng thoắng:

– Ông cố, ông cố! Thưa ông cố, Gấu đi học về!

Xưa nay, ông bà ta nói quả không sai: “Nước mắt chảy xuôi”. Có ba mẹ nào mà không thương con cái, có ông bà nào mà không yêu cháu chắt. Dù vất vả, mệt nhọc đến mấy nhưng trước mặt hai mẹ con nhà Gấu, hai ông bà không hề than thở một câu. Cả hai luôn cố gắng yêu chiều, chăm bẳm mẹ con nhà nó như một sự bù đắp cho những mất mát mà ông trời vô tình đã gieo vào cuộc đời cháu gái ông bà. Ông Tư dẫn Gấu vào phòng tắm. Bà Xuân dựng chiếc xe đã cũ mèm vào góc tường rồi vội vàng theo sau. Khoảng mười phút hì hà hì hục, hai ông bà cố cũng tắm táp xong cho cục chắt rượu. Cả hai thở dốc nhưng miệng vẫn nựng nịu không ngớt:

– Gấu ngoan, Gấu ngoan nào! Hôm nay, cô giáo cho cháu của ông bà ăn món gì nào? Hôm nay, Gấu có hát cho các bạn nghe không nào?

Thôi thì đủ các kiểu nựng, đủ các kiểu câu hỏi được bày ra như một lệ thường của hai ông bà già. Hình như bây giờ đó cũng là niềm vui của ông Tư và bà Xuân. Có vất vả bao nhiêu hai ông bà cũng chưa từng hết thương cháu. Con bé Gấu cũng cười toe toét với ông bà cố, cũng nhỏng nhẽo bao điều. Mỗi lần như thế, ông Tư cười ngặt nghẽo, bà Xuân thì nựng yêu nó:

– Cục cưng, cục cưng của bà! Bà thương! Bà thương!

Cứ thế căn nhà rộn ràng mãi đến khi Gấu đi vào giấc ngủ.

T.T