Tác giả Võ Anh Cương.
(Vanchuongphuongnam.vn) – Trời tối hẳn. Bà Hai quẹt que diêm thắp ngọn đèn Huê Kỳ ăn cơm tối. Hôm nay ông Hai Phong về trễ, ông phải ráng chẻ cho xong chỗ đá ba lông để ngày mai chiếc xe Dodge của ông thầu khoán Giám vô chờ về xây bờ ta luy cho một ngôi biệt thự ở Cité de Cou. Ngôi biệt thự này ông Hai cũng đã ghé qua. Đó là một biệt thự kiểu xứ Normandie miền bắc nước Pháp với mái ngói khá dốc, điểm xuyết vào đó là một ống khói cao càng làm cho ngôi biệt thự rất duyên dáng trong một sân vườn trồng cả chục loại hoa hồng, ai đi ngang qua cũng trầm trồ khen ngợi.
Ông Hai dựng chiếc xe đạp đòn dông vào vách nhà đánh tiếng:
– Mình ơi, tui về rồi!
Giọng xứ Quảng của ông Hai dù đã phôi pha nhiều nhưng vẫn còn nặng âm sắc quê hương, qua giọng nói ẩn chứa tình cảm của ông dành cho bà vẫn nồng nàn y nguyên như ngày đầu hai người về chung sống với nhau. Bà Hai từ trong bếp lên tiếng:
– Mình về rồi à, sao hôm nay mình về trễ khiến tui lo quá!
Ông Hai giải thích cho vợ rồi ra sân sau múc nước rửa tay chân mặt mũi. Với tay lấy cái khăn lau mặt treo trên sợi dây kẽm ngoài sân, ông Hai hỏi bà Hai:
– Ở nhà có chuyện gì không mình?
Bà Hai nói:
– Thì cũng không có gì nhưng mà mình ơi, tui nghe người ta đồn sắp tới người di cư đến đây ở với người mình?
Hồi sáng bà Hai ra ngã ba mua ít đồ dùng bà nghe chuyện này. Con đường cái dẫn ra ngã ba là một con đường đất, từ nhà bà Hai đi một đoạn bằng thẳng rồi leo lên một con dốc tới tận đỉnh đồi tiếp giáp với đường Vòng Lâm Viên, từ đây con đường chạy xuống một con dốc nhỏ, đoạn đường kế tiếp khá bằng trước khi đổ xuống một con dốc dài khác là tới ngã ba.
Từ trên con đường cái nhìn xuống là một thung lũng, ở giữa là một con suối hai bên bờ lau sậy và cây bông trắng mọc um tùm. Sáng nay khi vừa ra tới ngã ba, bà Hai thấy một xe ủi đất màu vàng nhạt đang từ từ thả cái càng có gắn một bảng thép sáng bóng xuống mặt đất. Chiếc xe như một con quái vật bất ngờ gào lên bằng một giọng hổn hển dữ dội như thể nó lấy sức dồn xuống đôi bánh xích để bậm môi tiến tới. Đất cuồn cuộn dồn ứ trước cái lưỡi thép trước khi đổ sang hai bên để lộ một mặt đường tươi rói màu đất sét vàng.
Chiếc xe ủi chạy lui, cái càng được kéo lên, lúc nó dừng cái càng lại hạ xuống rồi tiếng máy gầm rú dồn đất về hai phía. Bà Hai đứng coi say sưa, cảnh trí này trong đời bà chưa thấy bao giờ. Không riêng gì bà, mấy người ăn mặc lịch sự ra vẻ là thầy thông, thầy ký cũng chụm đầu vào một tờ giấy khổ to rồi giơ tay chỉ chỏ về phía trước.
Bà Hai hỏi một người đứng coi chiếc xe ủi đất bên cạnh:
– Thím Lục, họ làm cái gì vậy thím?
– Cô không biết sao, người ta ủi đường để đón dân di cư lên đây lập nghiệp!
Bà Hai không hiểu lắm bèn hỏi lại:
– Dân di cư là dân làm sao hả thím?
Người đàn bà tên Lục lắc đầu:
– Con cũng không biết cô à, chỉ nghe ông Xã Thảo nói là người chạy nạn cộng sản, họ là người theo Công giáo, Chúa bỏ vào miền Nam nên họ chạy theo tới tận đây.
Bà Hai càng mù tịt sau giải thích, bà chỉ biết một điều là những người sắp đến đất này lập nghiệp là người miền Bắc, họ là những người theo đạo Công giáo, còn Công giáo khác đạo thờ cúng ông bà như thế nào bà không biết.
Bữa cơm tối bà Hai đem chuyện này nói với chồng, ông Hai không nói gì, ông chỉ bưng tô nước chè xanh lên uống. Thấy vậy bà Hai cũng không nhắc đến chuyện này nữa.
Ngoài trời tối nhanh, mới đó mà bóng đêm đã đậm đen, ngoài sân tiếng côn trùng bắt đầu rên rỉ, chúng cùng nhau hoà tấu khúc nhạc của tự nhiên theo một nhịp điệu của đất trời. Bên trong nhà, bà Hai thắp lên ngọn đèn hột vịt, bà chụm môi thổi phụt một cái vào chiếc đèn Huê Kỳ, vùng ánh sáng toả rộng khắp gian bếp nhường chỗ cho cái đèn nhỏ được bà Hại vặn thấp tim đèn xuống thành một đốm sáng nhỏ như hột đậu.
Vợ chồng ông bà Hai sắp đi ngủ.
Bất ngờ trong giây phút đó ngoài nhà có tiếng đập cửa khiến lũ côn trùng im bặt, một giọng nam cất lên:
– Cho tui hỏi thăm…có phải là nhà của chú Hai Phong không?
Hai vợ chồng ông Hai Phong đưa mắt nhìn nhau, dường như ai cũng thắc mắc trong lòng. Ông Hai Phong tiếp lấy cái đèn từ tay vợ, ông từ từ tiến ra ngoài phòng khách:
– Ai đó, tui là Hai Phong đây hỏi tui có việc gì?
Tiếng ông Hai lộ rõ vẻ ngạc nhiên trong giọng nói, ngoài sân tiếng gọi cửa hồi nãy trả lời bằng một giọng xứ Quảng đặc sệt lộ rõ vẻ mừng rỡ:
– Chú Hai, con là Trần Hành đây mà!
Ông Hai vừa mở cửa vừa hỏi tiếp:
– Trần Hành nào, phải thằng Hành con anh Bốn Tỏi không?
– Dạ đúng, con là thằng Hành đây chú ơi!
Cánh cửa bật mở, ông Hai Phong gọi với vào bên trong:
– Mình ơi đốt cho tui cây đèn Huê Kỳ, vô nhà đi con, cứ để chiếc xe đạp đó chút nữa đem vô sau cũng được.
Bà Hai Phong bưng cây đèn Huê Kỳ lên phòng khách, ánh sáng của ngọn đèn soi rõ bóng hai người lạ, một nam và một nữ ôm một túi đồ nhỏ. Người nam cất tiếng:
– Trình thím, con là Trần Hành kêu chú Hai bằng chú!
Người nữ lí nhí trong miệng:
– Dạ, con chào chú thím!
Ông Hai Phong nhìn người cháu:
– Chu choa…hồi chú về thăm quê con còn nhỏ, vậy mà bây giờ lớn bộn rồi.
Ánh sáng ngọn đèn Huê Kỳ soi rõ gương mặt anh thanh niên, đó là một người chừng ba mươi tuổi, gương mặt anh góc cạnh và có nét của ông Hai Phong qua cái mũi và cặp mắt. Ông Hai quay qua bà Hai nói:
– Thằng Hành này là con anh Bốn Tỏi, cha tui với cha Bốn Tỏi là anh em ruột.
Quay qua người con gái ông Hai hỏi:
– Ai đây….
Trần Hành hơi lúng túng nhưng chỉ một thoáng anh lấy lại bình tĩnh:
– Trình chú thím, đây là… vợ con!
Người được Trần Hành gọi là vợ khẽ cúi đầu dường như cố ý tránh cái nhìn của bà Hai. Bà Hai hỏi:
– Hai cháu đi đường xa chắc là đói bụng, xuống nhà dưới rửa tay chân mặt mũi rồi ăn bậy chén cơm thím nấu hồi chiều!
Bữa cơm trôi qua trong bầu không khí vui vẻ, ông Hai hỏi cháu đủ thứ chuyện về quê nhà, bà Hai ngồi bên cái cốt bới cơm cho hai người cháu. Thường thường vào bữa cơm chiều bà nấu dư một chút để sáng mai hâm nóng lên ăn và bới cho ông Hai đem theo ăn bữa trưa. Tối nay có khách nên bà đem chỗ cơm đó ra mời vợ chồng đứa cháu. Nhìn hai người ăn cơm với chén mắm ruốt ớt tỏi và dĩa sú luộc bà đem từ gát măng giê (tủ đựng thức ăn, phiên âm chữ garde manger) ra, họ ăn ngon lành như thể bị đói từ lâu. May quá cơm cũng còn bộn nên hai đứa cháu chồng không phải để bụng đói đi ngủ.
Ông Hai lên tiếng sau khi vợ chồng đứa cháu ăn cơm xong:
– Cháu lên nhà trên uống nước, để đó thím bay rửa chén cho.
Vợ Trần Hành nói:
– Thím để con, ai lại bắt thím rửa chén bao giờ?
Ông Hai không cản, ông cùng đứa cháu đi lên nhà trên và biểu Trần Hành xách giùm ông cái ấm nước chè xanh, còn phần mình ông lục trong gát măng giê lấy ra hai cái chén.
Sau khi hai chú cháu ngồi đối diện nhau trên cái bàn gỗ thông phòng khách trước chén chè xanh còn khá nóng, ông chưa kịp hỏi gì thì Trần Hành đã lên tiếng:
– Trình chú thím, ngoài quê tụi con làm ăn khó quá nên con nghĩ đại hay là vô trong này xin ở nhờ chú thím một thời gian để kiếm công chuyện mà làm, biết đâu lại được. Con đèo nhà con bằng chiếc xe đạp ra Châu Ổ rồi lần hồi xin đi quá giang mấy lần xe hàng mới tới đước xứ này chiều nay. Đạp xe hỏi thăm miết mới tìm ra nhà chú!
Ông Hai Phong nhìn thằng cháu thưa chuyện, có lẽ trong lòng ông vui lắm, niềm vui thể hiện qua nét mặt đầy dấu vết thời gian của một người từng trải. Hàng năm ông Hai Phong gởi “măng đa” (gởi tiền bằng đường bưu điện) về quê để giỗ quảy tổ tiên, ông nhờ cô thư ký Nhà dây thép ghi thêm mấy chữ ngắn gọn mà chủ yếu là về sức khoẻ. Ông nói:
– Bay tìm được nhà chú qua cái địa chỉ ghi trên măng đa phải không?
Không đợi đứa cháu xác nhận ông nói tiếp:
– Nhà chú thì chừng này thôi không đủ sức chứa chục người nhưng với vợ chồng con thì dư sức. Để chú tính, ăn thì thêm bát thêm dĩa có gì ăn nấy miễn là có cơm ăn chắc bụng được rồi, còn ở chú thím ngủ một phòng, còn dư một phòng hai đứa bay vô đó mà ngủ. Còn chuyện làm ăn, con đừng bận tâm, trong này người ta cần công dữ lắm miễn là con có sức khoẻ mà đặc biệt là phải chịu thương chịu khó. Chú tính như vầy: buổi đầu con cứ theo chú làm nghề ở mỏ đá, cực một chút nhưng lại có việc làm quanh năm. Còn vợ bay, cứ ở nhà với thím nó chăm con heo con gà, tập làm những việc như nhổ cỏ, gánh nước tưới rau hay có sức thì đi nỉa đất, xúc rò… chừng chục ngày là rành rẽ, tới đó ai kêu công thì đi làm… cái ăn là chuyện không phải lo!
Ít khi ông Hai nói dài như hôm nay, ông nói như thể ông đã suy nghĩ lâu lắm. Thực ra ông Hai không phải suy nghĩ gì nhiều về những điều vừa nói, những chuyện đó là những chuyện diễn ra hàng ngày chung quanh ông. Cái điều ông lo lắng và bây giờ lộ vẻ mừng rỡ là chuyện bà Hai cứ lủi thủi ở nhà một mình, nay có thêm đứa cháu dâu ở cùng thì còn gì hay hơn nữa? Bà Hai có bệnh trong người, bà có thể lăn đùng ra xỉu bất cứ lúc nào nên chi đi làm mà lòng ông lo lắm…
Trần Hành nghe ông chú nói chuyện, gương mặt anh dãn ra trông thấy, nói nào ngay anh không nghĩ công việc lại trơn tru như vậy, lòng anh vui lắm.
Ông Hai Phong nói tiếp:
– Thôi, cứ như vậy, vợ chồng con đường xa chắc là mệt mỏi lắm rồi, con vô trong buồng ngủ đi, sáng mai theo chú đi làm liền, được không?
Trần Hành mừng rỡ:
– Dạ được, chú!
V.A.C
Sương khói quê nhà (1): https://vanchuongphuongnam.vn/suong-khoi-que-nha-truyen-ngan-vo-anh-cuong.html