Sương khói quê nhà (4) – Truyện ngắn Võ Anh Cương

821

(Vanchuongphuongnam.vn) – Đám mây đằng đông rất thấp cho biết cơn mưa sắp tới là một trận mưa to. Mùa nắng đã chấm dứt hẳn với cơn mưa chiều hôm qua, chiều nay lại tiếp tục một trận mưa to nữa và chắc chắn ngày mai sẽ cũng như vậy, kinh nghiệm dân gian cho người ta biết rằng ba cơn mưa đầu mùa là những cơn mưa to, nhiều khi rất to.

Trần Hành gánh hai bao bố đầy than vừa kịp đến nhà thì những hạt mưa như hạt đậu đã bắt đầu rơi xuống mái nhà, gây ra những tiếng động như ai đó ném một nắm sạn lên mái tôn. Chỉ chừng một phút sau trên mái tôn vang lên tiếng động vô hồi kỳ trận như hàng ngàn con ngựa cùng một lúc phi nước đại. Bà Hai Phong vừa mở cửa cho cháu vừa hỏi:

– Đã lấy hết than chưa hả con?

– Dạ, may quá thím, con gom vừa đủ hai bao bố đầy chỉ còn chút ít than vụn, con định mai vô gom tiếp nhưng kiểu này chắc nước mưa trôi hết rồi!


Minh họa.

Hầm than Trần Hành đốt nằm dưới chân một ngọn núi dân cây số 6 thường gọi là núi Bà hay Hòn Bà, ở đây loại dẻ cau mọc khá nhiều, anh chỉ cần chặt gom lại rồi chất vô một cái hầm lấp đất nửa chìm nửa nổi chừa mỗi cái miệng hầm,sau đó anh dùng những khúc củi thông chứa đầy nhựa màu vàng nhạt hay đỏ thẩm làm mồi dẫn lửa, một tuần sau củi sẽ cháy hết và biến thành than.

Trần Hành xin ông Hai Phong nghỉ mấy ngày để đi đốt than dành cho ngày nằm ổ của vợ anh, hôm nay anh đã gánh chỗ than cuối cùng về nhà trước cơn mưa như trút nước xuống mặt đất mùa khô. Trần Hành ngồi xuống cái ghế gỗ thông dưới nhà bếp, anh với tay lấy ấm nước chè tươi còn hơi âm ấm rồi rót một bát to và uống một hơi ngon lành để giải cơn khát trong lòng.

Bà Hai Phong nói tiếp:

– Chỗ than hồi hôm qua con đem về hơi bị ướt, sáng nay thím đem ra phơi khô rồi. Thiệt là loại dẻ cau cho than chắc lắm và lại đượm nữa. Con Hai tháng sau là nằm ổ rồi, thím định bàn với vợ chồng con chuyện sinh nở của nó?

Hai đi từ nhà trên xuống, cái bụng cô mang phía trước kéo chằng ra hai bên khiến dáng đi của cô trở nên nặng nề. Nghe thím chồng nói như vậy, Hai hỏi:

– Thím ơi… là thím tính sao?

Gương mặt của cô toát lên vẻ lo âu với ánh mắt ngời ngời, loại ánh mắt này người ta hay thấy xuất hiện nơi các bà vợ trẻ đang mang bầu con so, bà Hai nhìn cháu:

– Cái gì cũng phải tính trước Hai à, khi con sinh phải nằm than để lấy hơi ấm cho đứa trẻ và cả cho con nữa.

Chuyện sinh nở Hai chưa trải qua lần nào nên cô chăm chú nghe bà thím giảng giải. Bà Hai Phong dù không có thời gian dài nuôi con nhưng dù sao qua sáu tháng bà cũng tích luỹ được khá nhiều kinh nghiệm, nay bà có dịp đem áp dụng cho cô cháu chồng.

Thật ra hồi đó ở ngoài quê bà là phận lẽ mọn lại sinh cho nhà chồng một đứa con trai nên chuyện chăm sóc đứa nhỏ bà không được dự phần. Bà lớn giành lấy việc này, bà chỉ có nhiệm vụ ăn cho thật nhiều để làm sao có nhiều sữa cho thằng nhỏ bú.

Sau một thoáng do dự, bà Hai Phong mới nói:

– Ông bà xưa nói rằng khi nằm ổ, người mẹ ngoài chuyện nằm than trong ba tháng sau khi đẻ còn phải xông hơ để cho mẹ và con khoẻ sau này. Chuyện này xưa bày nay bắt chước, con Hai cũng phải làm theo thôi. Còn chuyện ăn uống người xưa chỉ cho bà mẹ đẻ ăn những món mặn, không được ăn canh với lại trái cây sợ đứa nhỏ đi chảy. Nhiều bà chỉ ăn ròng rã ba tháng cơm với muối tiêu, nghĩ mà thương!

Ngừng lại một chút như thể để vợ chồng Trần Hành có thể thấm lời của mình, bà Hai mới nói tiếp:

– Hơ háp tụi con đừng lo, còn chuyện ăn uống thím lại nghe cô Hiền Chi nói khác!

Khác là khác ra sao bà Hai lại không chịu nói ngay cho vợ chồng Trần Hành đang nóng ruột, bà lại ngưng ngang.

Cô Hiền Chi mà bà Hai nhắc tới là một người theo Tây học, cô mở một nhà bảo sanh tư lấy tên mình đặt tên cho nhà bảo sanh này.

Nhà bảo sanh Hiền Chi ở cuối đường Cầu Quẹo, đường này giáp với con đườngdẫn lên nhà máy thuỷ điện Ankroet ở Suối Vàng được đặt tên là đường Nguyễn Hoàng, nơi đây đã ra đời nhiều đứa trẻ khoẻ mạnh, mẹ tròn con vuông. Được như vậy là bởi cô Hiền Chi rất mát tay, có nhiều kinh nghiệm lại được học hành đàng hoàng không giống như các bà mụ vườn chỉ đỡ đẻ theo kinh nghiệm dân gian.

Khi Hai mang thai tới tháng thứ bảy, bà Hai đích thân dẫn Hai đi xuống nhà bảo sanh “để coi cô Hiền Chi khám ra sao?”. Hôm đó Hai vui lắm, cô về kể với Trần Hành:

– Cô Hiền Chi nói ngôi thai em ngay ngắn, mà mình ơi cô nhìn bụng em cô nói em sẽ sinh con gái!

Trần Hành vui lắm khi nghe Hai nói vậy, anh nói:

– Vậy hả mình, được con gái thì tốt quá, anh hồi giờ chỉ thích con gái thôi!

Vẻ mặt Hai bừng lên cảm xúc hạnh phúc tràn đầy, cô vui vẻ kể tiếp:

– Cô Hiền Chi nói khi mang bầu con gái thì cái bụng sẽ xề xuống tràn qua bên hông như em nè, còn có mang con trai bụng sẽ nhọn mình à!

Chuyện này Trần Hành mù tịt nhưng khi nghĩ đến Hai sẽ sinh một đứa nhỏ khi nó lớn chạy theo anh bi bô gọi cha, cha ơi… khiến anh cảm thấy thinh thích. Cho dù đứa nhỏ không phải con mình nhưng khi đã cưu mang mẹ nó thì anh cũng coi nó như đứa con ruột của mình, anh nghĩ bụng.

Nay nghe bà thím nhắc đến chuyện cô Hiền Chi anh lo lắng hỏi lại:

– Cổ nói ra sao hả thím?

– Là cổ nói người mình cho ăn uống kham khổ như vậy là phản “pha học”. Người Tây họ không có chuyện xông hơ, ăn uống kiêng khem như người mình, sau khi sinh chỉ vài ngày là bà mẹ đã đi ra ngoài chớ không cấm cửa mấy tháng ròng trong phòng kín, mặt xoa đầy nghệ vàng khè! Cô Hiền Chi còn nói nên cho bà mẹ ăn đủ chất, có thịt, có cá, có rau và cả trái cây nữa mới là đúng. Chuyện ăn thịt cá, rau… thím nghĩ thì cũng được đi nhưng chuyện ăn trái cây thì chắckhông nên, sợ đứa nhỏ bú sữa đau bụng đi ngoài thì khổ cả mẹ lẫn con! Thím tính như vầy, khi con Hai đau bụng thím sẽ kêu xe lam của chú Hồ Hải chở xuống nhà bảo sanh cô Hiền Chi, thím đã nói trước với cổ rồi. Thằng Hành con đừng lo, chuyện đẻ đái là của đàn bà con gái, để thím lo hết nghe con!

Trần Hành cảm động nhìn thím nhưng anh không thốt ra được tiếng nào, anh chỉ ngước cặp mắt đong đầy vẻ chịu ơn nhìn người thím dâu mà lâu nay trong lòng anh coi như người mẹ.

Trần Hành vô buồng, lát sau anh đi ra với một nắm tiền, không biết là bao nhiêu, anh kính cẩn cầm hai tay đưa cho bà Hai Phong:

– Trình thím, vợ chồng con mang ơn chú thím không biết đâu mà kể, nay vợ con sắp nằm ổ, lâu nay con dành dụm được chừng này xin thím nhận cho để lo cho vợ con!

Bà Hai Phong gạt phắt:

– Con mới vô để dành như vậy là tốt rồi, con cứ để đó còn nhiều chuyện phải lo, chuyện tiền nong sinh nở thím nói thiệt, lâu nay mỗi lần bán heo thím dành dụmnay có chỗ xài rồi!

Vợ chồng Trần Hành đồng thanh:

– Không được, thím….

Bà Hai ngước mắt lên nhìn họ:

– Sao lại không được, bộ “bà quại” lo cho cháu không được sao bay?

Hai người, vợ nhìn chồng, chồng nhìn vợ, cả hai không ai nói được tiếng nào nhưng nếu nhìn kỹ người ta sẽ thấy một giọt nước mắt đang ứa ra từ đôi mắt họ.

Bên ngoài trời đang mưa, những giọt nước mát lạnh hào phóng đổ xuống mặt đất đang háo nước dệt thành một màn nước khổng lồ.

Sau khi uống no nê thứ nước bổ lành, mặt đất bắt đầu xuất hiện một số dòng chảy, đó là những nơi có đất sét còn miếng vườn nhà ông Hai đất “phin”, loại đất đen tơi sốp vẫn đang háo hức uống nước cho đến cành hông. Nhìn thấy cảnh đó, Trần Hành nói với thím:

– Thím à, con tính nghỉ thêm một ngày nữa để tỉa đám bắp trên dông, chỉ chừng vài cơn mưa nữa thôi là bắp sẽ mọc. Còn đám đất trên cùng con định mưa già mới trồng khoai lang, tính làm sao đến cuối tháng mười một, qua mùa nắngmình giở khoai rồi xắc phơi khô để dành. Thím thấy có được không?

Đám đất trên dông chỉ trồng bắp khoai trong mùa mưa, cuối mùa nắng ông Hai và Trần Hành đã dành một ngày ròng rã cuốc đất lên phơi ải cho rể cỏ chết hết, chờ vụ mùa khi mùa mưa đến.

Nghe cháu hỏi vậy, bà Hai trả lời:

– Thôi chết, con nhắc thím mới nhớ. Mai thím phải qua nhà dì Thu xin giống bắp nếp, dì hứa rồi mà thím lại quên mất!

Ngoài trời mưa đã ngớt sau mấy tiếng sấm vang và chớp loé bầu trời.

Tháng sau vợ Trần Hành sinh một bé gái, khi nghe bà thím từ nhà bảo sanh Hiền Chi về báo tin, Trần Hành nở một nụ cười thật tươi.

Trần Thị Lượm là thành viên thứ năm trong nhà ông Trần Phong mà người dân cây số 6 thường gọi là ông Hai Phong, năm đó mưa thuận gió hoà, duy chỉ cuối mùa mưa trời nổi dông như thầm báo hiệu một tương lai không êm thắm như bấy lâu nay.

5.

Xứ Thánh Mẫu là một giáo xứ toàn tòng, cả xứ có trên hai trăm gia đình ngụ cư trên một thung lũng tạo thành bởi hai ngọn đồi, tính từ ngã ba (mà thực tế bây giờ đã là ngã năm) tới một khoảng cách chừng cây số, chúng ta sẽ thấy lòng thung bị chia hai, một leo lên dốc, một quẹo về phía trái vẫn là đất bằng ở giữa có con suối nhỏ. Thung lũng phía trái dành cho xứ Thánh Mẫu không trọn vẹn bởi trước khi họ di cư đến đây, Sở Điền địa nay là Ty Canh nông đã cấp đất cho một số gia đình khai phá phía bên trái con suối nếu ta đi ngược lên thượng nguồn, khoảng đất đó dài khoảng chừng gần một cây số đụng đến đoạn cua tay áo của con đường Vòng Lâm viên, nơi ấy không biết ai đặt tên là góc Sở, đoạn cua tay áo ôm lấy một khoảnh rừng thưa, toàn là cây thông xen kẻ với lùm bụi sim mua, ngũ sắc.

Đất của ông Hai Phong nằm giữa đoạn thung lũng tiếp giáp với đất cấp cho dân di cư từ miền bắc chuyển vô. Đúng ra xứ Thánh Mẫu định cư ở Cái Sắn, đâu như dưới Cần Thơ vào năm 1954 nhưng không hiểu vì sao người ta lại đưa họ lên cao nguyên này lập nghiệp đầu năm 1956. Khi cán bộ canh nông đến đo đạt cấp đất cho người di cư bên kia con suối, ông Hai Phong mới ngớ người ra. Lâu nay ông khai phá thêm một miếng vườn bên kia suối nay lại thấy người ta đo đạt phần đất của mình, ông giận lắm chạy đến hỏi mấy người cán bộ. Ông nạt:

– Mấy người làm gì mà đo đất của tui?

Một người tay cầm sấp giấy ra vẻ là người đứng đầu hỏi lại:

– Đất nào là đất của ông, chúng tôi đang thi hành công vụ chia đất cho dân di cưtại chỗ này!

Tay cán bộ canh nông nói như đinh đóng cột, ông Hai tức tối chạy lên nhà lục tủ lấy bằng khoán Sở Điền địa cấp cho ông ngày ông khai hoang miếng vườn này. Tay cán bộ cầm giấy tờ của ông Hai chỉ vào sơ đồ:

– Đây nè, ông coi, chính phủ chỉ cấp cho ông khai phá bên này con suối, ông lại khai phá thêm như vậy là bất hợp pháp. Chính phủ cấp chỗ này cho dân di cư làm kế sinh nhai, ông không có quyền phản đối!

Nhìn vẻ mặt ỉu xìu của ông Hai Phong, tay cán bộ canh nông dịu giọng:

– Nể tình ông già cả chúng tôi sẽ trình cấp thẩm quyền cho phép ông chăm sóc đến khi thu hoạch xong đám rau mới phải giao lại lô đất này cho người được cấp!

Nghe như vậy ông Hai có tươi hơn một chút nhưng nét mặt vẫn còn dàu dàu, vị cán bộ canh nông nói tiếp:

– Không riêng gì nhà ông bị thu hồi đất đâu, ở vùng này ai khai phá qua bên con suối đều là bất hợp pháp hết và tất cả đều bị thu hồi, trừ mỗi trường hợp đặc biệt là nhà bà Sáu do cha xứ can thiệp bởi xét hoàn cảnh của bà mẹ goá nuôi bầy con côi!

Ông Hai không chào đám đo đạt, ông bỏ lên nhà tay cầm cái “lập lăng” mà lòng buồn vô hạn. Những ngày chủ nhật nghỉ làm ở mỏ đá Cam Ly, ông dành thời gian này khai hoang đám đất có bề dài bằng với miếng vườn ông bên này consuối nhưng bề rộng chỉ chừng hơn chục mét bởi thế đất chạm phải chân đồi khá cao. Coi vậy chớ ông tốn khá nhiều mồ hôi trên miếng đất này. Ông dùng cái cuốc chỉa hiệu Peugeot của Pháp với bốn cái răng nhọn hoắc cuốc bấu vào bờ taluy lôi ra thứ đất vàng mơ giống tựa mỡ gà. Ông xúc đất bằng cái vá cổ cò của Mỹ hất từng vá đất lên cái xe cút kít, ông đẩy xe đất đổ vào chỗ thế đất thấp nhằm tạo thành một miếng vườn bằng phẳng….Nay mọi thứ coi như đổ sông đổ biển ông không buồn sao được?

Bà Hai và vợ chồng Trần Hành đón ông trên nhà với sự hồ nghi bởi vẻ mặt ông Hai Phong lộ rõ vẻ bí xị không che dấu. Bà Hai hỏi:

– Bộ có việc gì hả mình?

Ông Hai nhìn vợ, bất giác một nổi thất vọng ùa ra thành giọng nói khàn khàn:

– Tui tức lắm, thôi không làm vườn nữa!

Bà Hai Phong gặng hỏi, phải một hồi lâu bà mới vỡ vạt chuyện xảy ra dưới suối, bà an ủi chồng:

– Thì cũng tại mình ẩu tả, không chịu đi hỏi ai mà lại tự làm, bây giờ ra cớ sựnhư vầy thì phải chịu chớ biết tính sao?

Ông Hai Phong rầu rầu nhìn vợ:

– Lâu nay tui cũng đã nghĩ đến chuyện này rồi mình à nhưng phải đến hôm nay xảy ra cớ sự như vầy rồi thì tui cũng nói luôn ra cái ý nguyện của mình. Thôi thì đám đất đó tui trả lại cho dân di cư, họ bỏ quê hương bản quán lưu lạc vô đây cũng y như ngày xưa tui bỏ xứ vô xin làm bồi khách sạn Palace vậy mà, hay cũng như vợ chồng thằng Hành cũng đến xứ này với hai bàn tay trắng. Tui quyết rồi, nghĩa là cái duyên làm vườn của mình đến đây là hết, nói thì nói vậy chớ tui không bán vườn đâu. Bán được mấy đồng hả mình, còn đất là còn tất cảtui để dành giao lại cho con cháu sau này. Tui xem ra thằng Trần Hành cũng không ham gì chuyện vườn tược, nó là chân chạy tìm việc tự do để làm không khó. Cái tui tính là chuyện dài hơi, sau này con bé Lượm lớn lến có miếng vườn làm của hồi môn cũng không bị nhà chồng khinh khi. Nhưng trước mắt tui để miếng vườn cho anh em Bốn Gần Năm Xa làm rẻ, tui theo mỏ đá mấy năm nữa rồi nghỉ. Còn mình cứ lăng xăng hết nhổ cỏ lại bắt sâu, hết bỏ phân lại gầy heo kiếm phân, lúc lượm phân bò bỏ thêm cho đủ số…lúc nào cũng tất bật khốn khó tui thấy tội cho mình quá. Hay là mình gói ba cái bánh ú bánh chưng gánh ra ngã ba chào ông đi qua chào bà đi lại bán kiếm chút tiền lời, mình nghĩ coi có phải hơn không?

Ông Hai Phong nói một hơi dài. Điều này chứng tỏ chuyện đổi nghề cho vợ chồng ông, ông đã nghĩ chín rồi chớ không phải là chuyện bột phát do bất mãn với đám cán bộ Ty Canh nông lúc nãy. Bà Hai Phong im lặng lắng nghe chồng nói, vợ chồng Trần Hành ẵm con bé Lượm trong lòng cũng im lặng không dám hé răng. Trần Hành và vợ không dám lên tiếng cũng phải thôi bởi họ chỉ là con cháu, chú thím chưa hỏi tới thì đã đâu đến lượt?

Bà Hai Phong lặng ngắt một hồi lâu, cuối cùng bà cũng lên tiếng:

– Mình nghĩ cũng phải, tui thấy đám dân di cư thiệt là tội nghiệp. Hồi họ mới đến, chính phủ cấp cho mỗi nhà một cái trại để ở, lương thực chi dùng hàng ngày. Tui thấy họ tới từng vườn đang chặt sú xin mấy lá già. Hỏi xin làm gì họ nói trớ là về nuôi “con lợn” nhưng thật ra là để ăn. Tiếng nói của họ trọ trẹ khó nghe quá mà lại nói nhanh với thứ tiếng lạ hoắc khiến tui không hiểu gì hết nhưng thấy họ tội lắm, nhìn họ tui sực nhớ đến ngày tui chưn ướt chưn ráo đến xứ này… Mà hồi đó tui còn có dì Thu chớ người di cư người thân cũng khôngcó một ai, chỉ có họ với nhau thôi.

Ngừng lại như thể để lấy hơi bà Hai Phong nói tiếp:

– Hồi ngoài quê ngày tết tui hay giúp mẹ tui gói bánh ú, bánh tét nên ba cái chuyện vút nếp, xào nhưn, lau lá tui không lạ gì. Mình nói phải, thím cháu tui sẽ gói bánh đem ra ngã ba bán. Tui thấy dạo này dân miền ngoài vô xứ này xin việc cũng nhiều, mà làm vườn thì hay đói bụng có cái bánh ăn bữa lỡ bữa xế chắc bụng hơn thứ bánh mì của Tây hay những món ăn khác của người mình.Mình cứ yên tâm đi, tui chưa buôn bán ngày nào nhưng chuyện buôn bán tui cũng không lạ lẫm gì đâu!

Ông Hai Phong nhìn vợ, ông không ngờ bà Hai mau mắn đồng ý với ông. Từ ngày về sống chung với nhau ông bà chưa bao giờ làm trái ý nhau dù chỉ là chuyện nhỏ. Bây giờ nghỉ làm vườn là chuyện lớn mà bà Hai cũng không trái ý ông, ông nghĩ càng thương vợ hơn bao giờ hết.

Trần Hành nãy giờ ngồi im bây giờ mới cất tiếng:

– Con thấy chú thím tính chuyện như vậy là phải, chú đã làm quen ở mỏ đá có đồng tiền ổn định cộng với thím bán bánh thì cũng chắc ăn lắm rồi. Phần vợ con ở nhà phụ việc cho thím tiện việc giữ con bé Lượm con thấy cũng ổn, con thì chuyện gì cũng biết một xí nhưng lại không biết làm vườn, thôi thì đi chẻ đá kiếm ba hột cơm cũng không đến nỗi nào.

Hai tháng sau, ông Hai Phong và Trần Hành ở nhà một bữa để thu hoạch đám khoai tây, đó là vụ mùa cuối cùng trong đời làm vườn của ông Hai Phong. Nhìn những củ khoai giống Cosima tròn vo to như cái chén ăn cơm nằm phơi dày trên luống đất, trong lòng ông Hai Phong vừa vui xen lẫn vào đó có chút ngậm ngùi.

V.A.C