Sương khói quê nhà (kỳ 7) – Truyện ngắn Võ Anh Cương

773

(Vanchuongphuongnam.vn) – 9. Năm một ngàn chín trăm sáu mươi tám theo âm lịch là năm Mậu Thân, đây là một cái tết đặc biệt, người người miền Nam ăn tết trễ hơn người miền Bắc một ngày. Cho dù ra sao thì người dân Cây số sáu vẫn bận rộn chuẩn bị cho ngày tết theo hoàn cảnh của mỗi nhà nhưng chuyện gói bánh tét và trang hoàng bàn thờ, quét dọn nhà cửa sạch sẽ là những việc phải làm.

Cây đào đầu hồi nhà ông Hai Phong nở rộ đúng vào dịp tết, những cánh hồng phai lung linh trong gió xuân phô phang vẻ đẹp của tự nhiên lay động lòng người.

Trần Hành bây giờ là chủ gia đình, ông Hai Phong chú anh đã về với tổ tiên sau khi bị bệnh phổi, dù anh và bà thím đã gom góp hết tiền bạc trong nhà để lo cho ông Hai nhưng ông vẫn không qua khỏi.

Bà Hai nối gót theo chồng chỉ bốn mươi chín ngày, đúng ngày chung thất ông Hai. Bà bị “trúng gió”, người bà tím ngắt, khi Hai vô buồng thăm chừng thím thì bà đã ra đi từ hồi nào, miệng bà dường như đang nở nụ cười mãn nguyện.

Dân Cây số sáu đồn thôi là đồn về cái chết của bà Hai, người nói ông Hai về đưa bà đi để hủ hỉ cùng nhau dưới cõi âm. Người khác lại nói rằng ông Hai chết nhằm giờ trùng, họ dẫn chứng sau ông Hai là đến bà Hai, người kế tiếp sẽ là… ai? Không ai nhắc đến Trần Hành, hình như hàng xóm lo lắng cho bác tài xe lam hiền lành, chịu thương chịu khó nuôi nấng gia đình.

Gia đình Trần Hành giờ thêm người, con bé Lượm đã có em, Trần Hành đặt tên là cu Mót, anh giải thích với vợ đặt tên xâu xấu để những vị khuất mày khuất mặt không quở vì thằng Mót… đẹp quá. Nước da Mót trắng bóc, mũi cao, cặp mắt một mí nhưng mà rất to, tròng đen tròng trắng phân minh.

Lượm càng lớn càng xinh, nó phụ với má chiều chiều gói bánh để nửa đêm má thức dậy luộc, đến chừng khoảng gần sáu giờ sáng má kẽo kẹt gánh bánh ra ngã ba bán. Hai ngồi ké bên hông quán phở không tên của ông già người Bắc, nơi đó thuận lợi cho việc bán hàng bởi kế bên là bến xe lam, nơi Trần Hành vẫn ngồi đợi tài.

Hai không chịu bỏ gánh bánh lên xe chồng chở ra bến dù Trần Hành nói gì thì nói. Hai nại cớ rằng Hai đi bộ quen rồi, vả, khi đi ngang qua xứ Thánh Mẫu nhiều khi gặp người kêu mua bánh, Hai phân bua với chồng. Trần Hành cũng phải ra bến, ở cái bến tự lập này ai ra sớm thì đương nhiên là tài nhứt, người kế sẽ đậu xe bên cạnh không ai giành giựt với ai cả. Trần Hành thường ra bến sớm để chạy được nhiều tua, nhiều khi gà gáy lần thứ hai anh đã có mặt ngoài bến nên Hai gánh bộ cũng là chuyện phải đạo.

Người dân xứ đạo Thánh Mẫu làm ăn ngày càng tấn tới tuy đất vườn họ được chia ít hơn những cư dân đến xứ này trước đó. Miếng vườn mỗi nhà chừng chục mét chiều ngang kéo dài từ trên đường đến tới con suối nước róc rách chảy suốt ngày. Làm vườn thì biết bao nhiêu là việc, những việc cần nhiều người làm để kịp thời vụ như nỉa đất, xúc rò… đều bằng cơ bắp của con người nên chủ vườn phải kêu thêm “công”. Thường thì người chủ vườn mua bánh chưng cho người làm ăn bữa xế lấy sức mà làm tới tận trưa. Người dân xóm đạo này là người di cư từ miền Bắc, họ không bao giờ mua bánh ú cho dù nhưn bánh Hai vẫn dùng đậu xanh đánh nhuyễn, xào với hành phi thơm lừng, ở giữa cục nhưn, Hai thêm mấy miếng thịt ba chỉ ướp với tiêu, muối và hành tím để bánh thêm hấp dẫn. Người Thánh Mẫu chỉ thích bánh chưng, vậy nên ngoài bánh ú Hai phải gói thêm bánh chưng, lúc mới gói cái bánh không vuông vứt cho lắm nhưng coi cũng tàm tạm. Hai tắc lưỡi nghĩ thầm miễn sao bánh thơm ngon là được. Gói riết thì quen tay, bánh chưng của Hai ngày càng được người xóm đạo khen từ vẻ bên ngoài đến ruột bánh xanh màu lá chuối hột và đặc biệt là rất thơm ngon, vừa miệng.

Trước tết Hai bận tối mày tối mặt. Người ta đặt bánh tét bánh chưng bởi tin tưởng tay nghề của Hai nhưng Hai không dám nhận nhiều, Hai liệu sức mình như lời Trần Hành thường dặn.

Trần Mây và Trần Thị Lượm cũng giúp cho Hai những công việc như luộc lá, lau lá hay thêm nước vô nồi nấu bánh, thêm củi….

Xe lam cũng tăng chuyến để đáp ứng việc đi lại cận tết của bà con, thường thì vừa về tới bến ở ngã ba dù chỉ một vài người khách xe vẫn chạy khi đến tài, vậy mà chỗ ghế trống cũng nhanh chóng được lắp đầy trên cung đường từ Cây số sáu đến bến xe đường Minh Mạng với số khách đón dọc đường. Thiệt là tiện lợi, chỉ cần vẫy tay là chiếc xe tấp liền vô lề, nếu thùng xe chật cứng thì xin mời khách ngồi ké bên bác tài, khách đi xe vẫn vui vẻ, ngồi đâu chẳng được miễn là đi đến nơi về đến chốn….

Chuyến cuối cùng Trần Hành về đến nhà lúc nhá nhem mặt người. Trong nhà Hai cũng vừa giao đợt bánh tét cuối cùng cho khách. Dưới ánh đèn dầu Huê Kỳ, Hai vừa mệt mỏi vừa vui vẻ đếm những tờ tiền giấy in hình Đức Thánh Trần có chữ ký của hai người, là những ai Hai không biết mà chỉ thắc mắc thầm trong bụng và cũng không biết hỏi ai, có hỏi cũng chẳng để làm gì…

Thấy vợ đếm tiền, Trần Hành cũng móc túi gom hết tiền đưa cho vợ:

– Mình coi đếm giùm cho tôi, hồi chiều tôi mua tạ gạo đặng ra giêng còn có cái để ăn.

Hai ngước mắt nhìn chồng:

– Mình nhớ mua nếp và đậu cho em không, ra giêng em định qua rằm mới gói bánh lại nhưng trữ trước thì vẫn hơn.

– Có, tôi mua năm chục ký nếp Tùng Nghĩa với ba ký đậu xanh như mình dặn.

Trầm ngâm một chút Trần Hành nói tiếp:

– Thời buổi bây giờ không biết đâu mà lần, lúc nào cũng nghe tiếng súng, đám lính tráng thiệt là tội nghiệp, cứ vài bữa là thấy xe chở quan tài kẽm quàng xác lính chết trận… thôi thì mình ráng ăn ở có trước có sau thì Trời Phật cũng sẽ phù hộ độ trì được yên lành!

Hai không trả lời chồng, sự im lặng của Hai đồng nghĩa với việc Hai tán thành ý của chồng. Không biết nghĩ gì Trần Hành buột miệng nói tiếp:

– Trữ tạ gạo…nếu tôi có bề gì thì nhà mình cũng có cái ăn!

Hai nguýt chồng:

– Mình nói gì lạ vậy, người ta cữ lắm đó!

– Thì nói phòng xa vậy thôi, là tôi nghĩ đến chuyện thím Hai, ai biết được chuyện gì ngày mai hả mình?

Đúng vậy, bà Hai Phong vẫn bình thường sau buổi cúng chung thất của ông Hai, cho đến xế chiều bà kêu nhứt đầu, ê ẩm trong người bỏ vô buồng nằm không thiết ăn uống cái gì. Hai lo lắng, bà thím chồng chưa bao giờ bỏ ăn nên Hai đi bắt nồi cháo, Hai định bụng ra vườn hái lá tía tô, xắt mỏng hành tím để làm cho bà thím tô cháo giải cảm. Ai dè cháo chưa kịp nhừ bà thím đã ra đi!

Hai cúng rước ông bà về ăn tết từ trưa ba mươi, Hai chuẩn bị đầy đủ mâm cúng chờ Trần Hành về, anh sẽ thay bộ đồ kaki xanh màu cứt ngựa mà anh xin của đám lính nghĩa quân bằng một bộ áo dài đen, khăn đóng trước khi đốt nắm nhang thì thầm khấn vái trước bàn thờ.

Ảnh ông bà Hai Phong từ trên bàn thờ nhìn xuống đứa cháu với nét mặt trầm lặng phảng phất vẻ hài lòng.

Đêm trừ tịch, Trần Hành cúng giao thừa, trong nhà Hai cũng vừa ra khuôn bánh thuẫn cuối cùng, mấy đứa nhỏ ngồi quanh bên Hai phụ làm những việc vặt. Mùi bánh thơm lừng trong không khí khiến Trần Hành nhớ quê mỗi khi tết đến, bánh thuẫn không thể thiếu được trong nhà người Quảng….

Khi Trần Hành cắm nhang vào bát thì tiếng pháo bắt đầu nổ. Mở đầu là một tràng pháo hình như từ nhà ông Tám cách nhà Trần Hành chừng dăm chục mét, tiếng cuối cùng là một trái pháo tống nổ đanh gọn khiến cửa kính nhà Trần Hành cũng rung rinh.

Cứ như vậy ba bên bốn bề tiếng pháo râm ran, xen lẫn vào đó là tiếng súng của đám lính cũng phụ hoạ theo. Trần Hành dễ dàng nhận ra tiếng súng M 16, là kiểu súng đời mới của khẩu AR 15, tiếng nổ của loại súng này nhanh, cứ roèn roẹt một tràng dài.

Trần Hành cũng đốt một phong pháo anh mua hồi đầu tháng chạp. Dường như tiếng pháo không thể nào thiếu khi đón năm mới, mùi thuốc pháo nồng đậm trong đêm trừ tịch mang một chút thiêng từ ngàn năm cũ đến hiện tại cho dù chiến tranh cũng mang khuôn mặt của tiếng nổ đe doạ sinh mạng con người….

Đến hơn ba giờ sáng ngày mùng một Trần Hành vẫn nghe tiếng súng vọng về từ nơi nào đó trong thị xã. Ngoài tiếng nổ oành của lựu đạn hay mìn Claymore, tiếng súng M16 xoèn xoẹt liên miên bất tận xen kẽ vào đó là tiếng “cắt bụp” đanh gọn. Trần Hành giật nẫy mình khi nghe tiếng “cắt bụp” đầu tiên. Không thể lầm tiếng súng này với các loại súng khác, nó vừa dõng dạc lại vừa đe doạ khiến người ta liên tưởng đến tiếng gầm của chúa sơn lâm mỗi khi lên tiếng… Đó chính là tiếng súng AK!

– Đánh nhau rồi mình ơi!

Trần Hành lay vợ, lúc này Hai đã ngủ sâu bởi quá mệt trong những ngày cuối tháng chạp. Hai hỏi:

– Gì vậy mình… để em ngủ chút đi!

Phải một lúc sau Hai mới ý thức được tình trạng hiện tại trong tết Mậu Thân này.

Sáu giờ sáng ngày mùng một, Trần Hành mở radio dò tìm đài BBC, tiếng phát thanh viên loan báo “đêm giao thừa tết Mậu Thân Việt Cộng tấn công trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam Cộng hoà….”.

Nhà Trần Hành tiếp đoàn người chạy nạn chiến tranh từ trong nội ô thị xã vào ngày mùng ba, anh nhường nhà dưới cho một gia đình đến chín người lớn nhỏ. Họ đến Cây số sáu này trên hai chiếc Honda 67 và một chiếc xe đạp đòn dông. Đồ đạt đi theo người là một ít gạo, bánh tét, nồi niêu soong chảo còn đen màu lọ nghẹ. Trần Hành nói:

– Thời buổi chiến tranh ông anh cứ ở tạm nhà tui, chỉ tội tụi nhỏ và hai ông bà già bị lạnh, thôi thì tôi có hai tấm chiếu nhà ông anh trải nằm tạm.

Hai đem từ nhà xuống hai tấm chiếu được dệt bằng những sợi cói nhuộm phẩm xanh đỏ, hai dòng chữ “Loan phượng hoà minh, sắc cầm hoà hiệp” còn lờ mờ trên tấm chiếu bạc màu thời gian. Đó là một cặp chiếu tân hôn!

Hai còn đem xuống nhà ông Nghĩa hai cái mền rách, Hai lộ rõ vẻ mặt khó xử nhưng lại bắt gặp đôi mắt biết ơn của vợ chồng ông Nghĩa.

Chiến tranh không phải là chuyện giỡn chơi, chuyện cơm ăn hàng ngày là một chuyện hàng đầu. Tuy có tạ gạo trong nhà nhưng ai biết được chừng nào thì tình hình mới yên để những chuyến xe Desoto có thể về đồng bằng chở gạo lên bán cho người xứ núi?

Hai nói với chồng ý nghĩ đó, hai người bàn bạc một hồi lâu trong đêm mùng ba tết không yên tĩnh, tiếng súng vẫn rộ lên từng hồi, bất ngờ tất cả lại chìm trong im lặng để một lúc sau những hoa lửa lại vẽ trên nền trời những quỹ đạo của Thần Chết.

Hai bắt đầu cắt giảm phần ăn, mỗi bữa ăn chỉ còn nửa phần gạo, chỗ thiếu lấy rau bù vô. Những đám sú không kịp bán trong tết bây giờ mằm khô khốc trong vườn, chủ vườn cho không ai muốn lấy bao nhiêu thì lấy.

Ông Tám hàng xóm với nét mặt hớt hơ hớt hải đẩy mạnh cánh cổng gỗ khép hờ nhà Trần Hành, lúc này Trần Hành đang ngồi bó gối trên bộ phản ở nhà trên. Ông Tám kêu to:

– Chú Hành ơi có nhà không?

– Có chuyện gì không bác Tám, bác vô nhà uống chén nước cái đã?

***

Ông bà H.H. là một gia đình giàu có, họ có cả đoàn xe Desoto chở rau về miền đồng bằng bán và chở nhu yếu phẩm về thị xã Đà Lạt bỏ mối cho các đại bài.

Ông bà H.H. xây một ngôi biệt thự trên đường Bạch Đằng giáp với Cây số bốn là một khu dân cư đông đúc. Ngôi biệt thự ngạo nghễ nhìn xuống con đường tráng nhựa, vẻ hào nhoáng bên ngoài như được tôn lên gấp nhiều lần vì nhà cửa của dân chung quanh vốn đa phần là nhà ván, ai khá hơn một chút thì xây nhà bằng những viên ất lô chưa tô còn lộ rõ mạch hồ đầy cát.

Gia đình ông bà H.H. dọn về nhà mới cuối tháng chạp, họ dọn đúng ngày ông thầy Mười Hiệu chọn. Năm cùng tháng tận, ông bà H.H. chưa kịp làm tân gia mừng nhà mới như tục lệ, có lẽ ông bà định ra giêng ngày rộng tháng dài sẽ mời thân hữu, bà con lối xóm một bữa tiệc mừng nhà mới thiệt là rôm rả?

Nhưng người tính không bằng trời tính. Đêm ba mươi đúng ra là đêm hưu chiến nhưng chiến sự lại nổ ra đúng vào giây phút thiêng liêng trong dịp tết.

Cây số bốn trong năm Mậu Thân bị bỏ bom tan thành bình địa. Nhà ông bà H.H. cho dù cách Cây số bốn mấy trăm mét cũng bị vạ lây, một trái bom thả trúng ngôi biệt thự tạo thành một hố hình nón lộn ngược, ngôi biệt thự đẹp đẽ mới xây chỉ còn trơ lại một bức vách và cái cầu thang dẫn lên tầng hai.

Người dân Cây số bốn và Cây số sáu bàn tán hoài về chuyện ngôi biệt thự bị biến mất trong tết Mậu Thân với vẻ thảng thốt còn nguyên trên gương mặt cho dù chuyện họ bàn tán xảy ra cũng khá lâu rồi. Một chi tiết càng khiến cho câu chuyện thêm phần bi thảm: ngay lúc trái bom chạm đất, một chiếc xe Lambro chạy ngang qua, trong xe ngoài tài xế còn có một sản phụ và một người đi cùng.

Trong khói bom cay xé mắt, thân xe bay xa rớt xuống lòng thung dưới đường chổng vó lên trời, bảng số xe EC – 2367 trên cái dè phía trước vẫn còn rõ ràng màu đen trên nền sơn trắng!

Chiếc Lambro của Trần Hành.

Hai khóc đến không còn nước mắt với cái chết của chồng. Bây giờ Trần Hành đã vùi thân xác vào cát bụi, một chút hình hài của anh cũng không tìm thấy. Hai đau đớn với điều này nhứt, Hai chỉ biết đem cái dè xe còn in mấy chữ số EC – 2367 về nhà để trong cái tủ buffet đặt trên phòng khách cạnh bàn thờ.

Mỗi tháng vào ngày rằm và mùng một, Trần Mây đều lau dọn bàn thờ. Bao giờ Hai cũng đi lên phòng thờ để coi đứa cháu làm công việc của người đàn ông trong nhà, đó là cái quy định bất thành văn từ ngày ông Hai Phong còn sống. Hai nói:

– Mây à, hồi chú con còn sống chú hứa ra tết sẽ dẫn nhà mình về thăm quê mà bây giờ thì…

Hai khóc.

Quê nhà giờ chỉ còn là sương khói.

Hết

V.A.C