Sương khói quê nhà – Truyện ngắn Võ Anh Cương

1085


Tác giả Võ Anh Cương.

(Vanchuongphuongnam.vn) – Ông Hai Phong đang ngồi ngoài hàng hiên nhìn xuống vườn, đôi bàn tay ông đút vào túi áo bành tô màu cứt ngựa may bằng vải nỉ để ngăn cái lạnh đang len lỏi vào người. Cái áo này dày lắm, là áo ba-đờ-suy mùa đông của chính phủ Pháp trang bị cho lính Com-măng-đô đóng trên cao nguyên lạnh lẽo này, ông xin được của ông bếp Tư Bổn khi còn làm cho khách sạn Palace. Dưới vườn, cạnh bên con suối nhỏ là một đám sú nồi (bắp cải tròn, chou – tiếng Pháp) đang vào khuôn với màu xanh đậm bắt mắt. Đám sú này ông trồng đã hơn bốn tháng chuẩn bị cuốn, khoảng hơn một tháng nữa là có thể chặt được khoảng 3 ton (tấn, tiếng Pháp), thường người buôn chuyến báo trước để chủ vườn chặt sú, đến giờ hẹn xe của người buôn sẽ đến cân rồi họ sẽ chở về Sài Gòn bán.

Đây là giống sú đem từ nước Pháp qua hơn mười năm trước thường được người ta gọi bằng sú “tuya” bởi muốn có cây con trồng cho mùa sau, người ta phải “nuôi” gốc sú sau khi thu hoạch để lấy giống cho mùa sau. Chừng hơn một tháng, từ gốc cây mẹ sẽ nứt những chồi con gọi là “tuya”. Người làm vườn như ông Hai Phong thường chọn mỗi gốc cây mẹ một đến hai cây con, phần còn lại bỏ hết để được những cây con khoẻ mạnh. Khi thấy cây đủ lớn họ sẽ chiết những cây con này đem dâm vào một luống đất tơi sốp bên trên được phủ một lớp cỏ mỏng cho đến khi cây con ra rễ. Người ta chăm sóc cây con đến khi cây xoè mấy cái lá cỡ bàn tay, lúc này dân vườn sẽ bứng cây rồi mang ra trồng thành từng luống mà người ta gọi là rò. Một rò rộng chừng một mét hai dài hết thửa đất được trồng hai hàng cây so le nhau, mỗi cây cách nhau chừng sáu mươi xăng ti mét. Cây sú lớn dần, khi lá chân (lá dưới cùng) rộng cỡ một cái quạt nan nhỏ cũng chính là lúc sâu xanh xuất hiện, những con sâu to bằng đầu đủa với thân mình màu xanh nổi lên những cái mụt giống như cái gai, loại sâu xanh này ăn không chừa chút lá nếu không bị phát hiện sớm. Sâu xanh do một loại bướm có đôi cánh trắng đẻ trứng bên trong lá non, từ trứng biến thành sâu ăn lá sú, nếu không bị diệt sâu sẽ làm kén và một lứa bướm mới ra đời không lâu sau đó. Bà Hai Phong lúc rảnh thường xuống vườn vạch từng lá sú một, bà bắt sâu bỏ vào chiếc lon sữa bò và đem đổ vào con suối nhỏ nước róc rách chảy suốt ngày.

Sáng nay ông Hai Phong ngồi ngắm công sức lao động của mình sau khi gánh đúng một trăm hai mươi đôi nước tưới cho đám sú từ lúc mặt trời chưa lên. Một cơn gió chợt nổi lên khiến hàng chè xanh ông trồng trước nhà khẽ đung đưa. Cơn gió cũng mang theo cái lạnh mùa đông len lỏi vào căn nhà gỗ của vợ chồng ông Hai. Tiếng bà Hai vọng ra từ nhà bếp:

– Mình ơi…vô ăn cơm.

Ông Hai Phong uể oải đứng lên, ông thôi không nghĩ về đám sú và những hy vọng từ đó. Ông kéo cái ghế gỗ thông ngồi đối diện với vợ:

– Mình à, tui định bán đám sú xong sẽ gieo một lứa cà rốt, mình thấy sao?

Bà Hai đưa mắt nhìn chồng, bà trả lời:

– Mình tính sao cũng được nhưng chỉ sợ ra giêng suối kiệt không đủ nước tưới mà cà rốt không có nước củ sẽ móp méo không ra cái hình thù gì cả!

Ông Hai cười:

– Chuyện đàn ông mình đừng có lo mà làm gì, chiều qua tui moi thử vách hồ phía bên trong thấy được một cái mạch ngang to gần bằng cái ống điếu cày nhà ông Giám, nước cứ ùn lên lôi theo cả cát mịn, nước trong lắm mình à. Sáng nay tui tưới một rò được bốn đôi nước lận đó!

Mùa nắng, con suối nhỏ nước chảy rất ít không đủ nước tưới cho cây rau, người làm vườn thường phải đào một cái hồ, tìm nước mạch trong lòng đất để có thể tự túc được khoản nước không phải lệ thuộc vào con suối mùa nước kiệt.

Bà Hai nghe ông Hai Phong báo cho biết như vậy, bà đưa mắt nhìn chồng vẻ mừng rỡ hiện rõ trên gương mặt:

– Vậy hả mình, cái hồ nhà mình mà có mạch nước thì hay quá.

Ông Hai vừa bưng chén cơm và một miếng vô miệng vừa nói:

– Tui định mai kêu anh em thằng Gần thằng Xa vét hết bùn đất trong hồ để lấy chỗ chứa nước, mình liệu liệu cơm nước và bữa lỡ cho anh em nó.

Bà Hai trả lời chồng:

– Chuyện cơm nước là của đàn bà mình đừng bận tâm.

Bà Hai nghĩ ngay đến chuyện bếp núc ngày mai. Bà sẽ nấu cơm trong cái nồi số 6 mới đủ cho 4 người ăn. Cái nồi bằng gang miệng rộng cỡ hai gang tay được nhiều người gọi bằng cái “cốt” bắt nguồn từ chữ cocotte (nồi gang – tiếng Pháp) mà bà đâu có hay, thấy người ta gọi vậy bà cũng gọi theo. Nồi gang dùng nấu cơm ngon lắm, khi cơm vừa cạn bà Hai gắp mấy hòn than đặt lên nắp, cơm nở đều nhờ giữ được hơi nóng cho tới cuối bữa ăn.

Anh em nhà Gần Xa là chỗ cùng quê với ông Hai Phong, họ vô đất này làm thuê làm mướn. Thường thì họ làm “la tách” hay còn gọi là làm khoán nhưng chỗ ông Hai là người cùng làng, Gần và Xa sẵn sàng làm giúp không lấy tiền nếu công việc ít. Có điều họ ăn nhiều lắm. Năm ngoái anh em Gần Xa giúp đổ đất cho miếng sú mới “vô chân”, bà Hai nấu sáu lon sữa bò gạo trong cái cốt số 6 mà hai anh em ăn không còn một hột. Nói phải tội, thức ăn bà Hai nấu cho anh em họ ăn chẳng có gì, chỉ là dĩa sú luộc chấm nước mắm tỉn dầm hai trái trứng vịt, canh là nước sú luộc bà Hai xắc hai trái cà chua nấu sôi lên rồi nêm vô chút muối. Bữa đó thấy anh em Gần Xa làm thiệt tình, bà Hai chạy ra quán mua thêm mấy con cá nục khô và chén mắm ruốc Huế để cho bữa cơm thêm món mặn.

Bây giờ nghe chồng dặn chuẩn bị cho bữa trưa ngày mai, bà Hai tính ngay đến chuyện thức ăn. Bà nghĩ anh em Gần Xa đang tuổi thanh niên, lại sống xa gia đình họ tự lo cơm nước thiệt là tội nghiệp. Mà thức ăn thì chẳng có gì, chỉ là ăn quấy quá cho qua bữa miễn có cơm cho chắc bụng là được rồi. Bà định sáng sớm mai theo chuyến xe lam đầu ngày của ông Hồ Hải, bà sẽ xuống chợ mới mua nửa con vịt đem về kho gừng để anh em tụi nó ăn cho có chất thịt trong người. Còn bữa lỡ, bà biết vét hồ là công việc nặng, bà sẽ mua mấy cái bánh ú cho anh em tụi nó…

Ăn sáng xong ông Hai bưng tô nước chè tươi lên phòng khách ngồi uống để rảnh chỗ cho bà Hai dọn dẹp chén dĩa, lau bàn. Một con gà mẹ dẫn đàn gà con lục tục kiếm ăn trên mảnh sân trước nhà. Đến gốc cây chè xanh, con gà mái bươi đám đất hồi sáng ông Hai mới vun, nó tục tục gọi con đến chia phần con trùn chỉ nhỏ xíu mà nó vừa cào ra từ trong đống đất. Lũ trẻ tranh giành nhau miếng ăn, một con coi bộ lớn tướng nhất trong bầy, đã mọc vài cái lông đuôi có vẻ sẽ là một con gà trống, nó tha miếng mồi vừa chạy vừa ngưỡng cổ cố nuốt gọn con trùn mặc cho đám lau nhau chạy phía sau tìm cách cướp miếng mồi.

Ông Hai Phong nhìn hoạt cảnh đó, một cảnh diễn ra thường xuyên trong thế giới động vật, bỗng nhiên ông thở dài một tiếng. Không biết ông nghĩ gì nhưng nhìn khuôn mặt ông người ta thấy ông nghĩ lung lắm. Bà Hai dọn dẹp dưới bếp xong cũng lên ngồi cạnh chồng, bà không uống chè xanh bao giờ, chỗ chè bà hãm chỉ dành cho ông Hai uống. Nhìn chồng trầm ngâm nhìn ra sân, bà hỏi:

– Mình nghĩ gì mà tui thấy mặt mình sượng trân như vậy?

Nghe vợ hỏi, ông Hai vẻ mặt có dịu lại một chút, ông không trả lời ngay câu hỏi của bà Hai mà lại hỏi lại bà:

– Mình à, mình về sống với tui bao nhiêu năm rồi?

Bà Hai ngạc nhiên hết sức khi nghe chồng hỏi như vậy. Sáng nay bà thấy ông ngồi ngoài hè nhìn đăm đăm xuống miếng sú trồng dưới vườn, bà đã biết ông đang tính điều gì đó trong lòng. Bây giờ nghe ông Hai hỏi như vậy bà nhìn chồng thoáng lo âu:

– Ủa, sao hôm nay mình lại hỏi tui như vậy, tui theo về sống với mình gần chục năm rồi, mà có chuyện gì vậy hả mình?

Ông Hai Phong nhìn bà Hai đăm đăm, một lát sau ông mới e hèm một tiếng như thể đã suy nghĩ kín kẽ lắm rồi:

– E hèm… nói khi không phải, có gì mình bỏ quá cho tui. Mình về sống với tui gần chục năm rồi mà tui lại có lỗi với mình, tui không thể làm cho mình bụng mang dạ chữa như bao người đàn ông khác để cho mình được ẵm bồng đứa con mình đẻ ra! Hay là cái số của tui không có con… mà mình ơi, tui biết đàn bà không có con thì đời buồn lắm, bà cứ lủi thủi một mình nhiều khi tui thấy tội cho mình quá!

Bà Hai nghe chồng nói như vậy bà cảm động đến không thốt nên lời. Bỗng dưng nước mắt bà ứa ra chảy dài thành hai dòng xuống cái miệng đang mếu xệch.

Ông Hai nói tiếp:

– Mình à, là tui có ý bàn với mình về quê đem thằng Khôi vô nuôi cho có mẹ có con?

Không ngăn được nữa, tiếng khóc nãy giờ bà kìm hãm trong lòng vỡ oà thành tiếng. Nỗi đau giằng xé trong lòng được dịp trào ra không có gì ngăn cản được. Ông Hai để yên cho bà khóc, ông biết mình không thể dỗ dành cho bà nín, có lẽ ông cũng không rành mấy vụ dỗ dành này cho lắm. Bà Hai khóc đã đời rồi mới nói:

– Khi theo về làm vợ mình, tui chưa nói với mình, là tui bị chị lớn đuổi khỏi nhà khi thằng Khôi mới 6 tháng, lúc đó tui bị mất sữa… giờ mà về quê chắc nó cũng không nhận ra tui mà cha má nó cũng không cho tui gặp mặt con mình!

Ông Hai Phong gặp bà Hai mười năm về trước tại nhà ông Tư Bổn. Số là hôm đó đi làm về, ông Tư Bổn là bếp chính khách sạn Palace rủ ông về nhà chơi và ăn phở mà vợ ông nấu “đúng kiểu phở Hà Nội”. Bữa đó vô tình bà Tư cũng mời một người bạn ở ấp Cao Bá Quát đến chơi, bà này dẫn theo cô cháu họ mới từ quê vô.

Không biết vô tình hay hữu ý ông bà Tư Bổn trong bữa ăn có ý gán ghép Hai Phong với cô Mai, dường như họ ngầm bàn với nhau chuyện mai mối này thì phải. Hôm ấy xem ra cô Mai cũng có cảm tình với Hai Phong, cô nghe ông bà Tư có ý cặp đôi cô với người em nuôi cô bẽn lẽn lén nhìn người thanh niên ngồi trước mặt cô một cái rồi cúi đầu xuống, mặt cô thoáng đỏ.

Hai Phong còn gặp cô Mai nhiều lần nữa, những lần sau anh đến ấp Cao Bá Quát tìm gặp cô Mai tại nhà bà Thu nơi cô Mai ở.

Mấy tháng sau Hai Phong cậy anh nuôi làm một bữa tiệc nhỏ mời mấy người quen đến dự. Bữa tiệc được bếp Tư Bổn nấu tại nhà mình gọi là lễ ra mắt của đứa em nuôi Hai Phong, ông thưa với bạn bè bà con rằng Hai Phong và cô Mai gá nghĩa với nhau. Sau bữa tiệc Hai Phong dẫn vợ về nhà mình. Lúc này ông không còn làm phụ nếp nữa, ông xin phép Sở điền địa khai hoang một miếng đất ở cây số 6 để làm vườn… vậy mà đã được chục năm rồi!

Bây giờ nghe vợ khóc và kể đầu đuôi câu chuyện, ông Hai Phong thầm trách mình vô tâm. Khi đưa bà Hai về chung sống, ông chỉ biết bà đã có một đời chồng và một đứa con nhưng chồng bà đã “thôi” bà và giữ lại đứa con. Bà Mai bỏ quê vô nhà người chị họ làm dâu ở ấp Cao Bá Quát, ông chỉ biết vậy và không để tâm chuyện quá khứ của bà.

Ông Hai an ủi vợ:

– Thôi, mình cũng đừng buồn mà làm gì, tui nghĩ ông trời đã sắp xếp hết rồi, ai cũng có số riêng thôi!

Rồi ông lái qua chuyện khác:

– Nè mình, hôm qua tui ra ngã ba có gặp ông Giám thầu khoán, ổng kêu tui quay lại làm nghề đá, tui muốn hỏi ý mình?

Nghe chồng nói vậy, bà Hai kéo cái khăn trùm đầu chùi nước mắt, bà hỏi:

– Chuyện ra sao hả mình?

– Ông Giám có thầu một mỏ đá ở Cam Ly, ổng biết tui có thời gian đi làm sở đá nên có ý kêu tui về làm cho ổng.

Ngừng lại một chút để uống ngụm chè xanh ông Hai mới nói tiếp:

– Mà không phải làm công, ổng nói tui cứ làm đi sau khi ra đá ba lông hay đá 4×6, kể cả đá 1×2 mình sẽ ăn chia với ổng theo cách tứ lục! Hiện tại mỏ đá có ba người đang làm nhưng họ nay làm mai nghỉ lại không biết ra đá cho nên hình nên ông Giám mới nghĩ tới tui.

Chia tứ lục là người làm hưởng bốn phần, người chủ hưởng sáu phần. Thường như vậy là cao bởi người chủ bao thầu hết tất cả các khoản chi phí, thuế má. Bà Hai không biết những chuyện như vậy, bà chỉ lo ông Hai mà đi làm mỏ đá sẽ gặp nguy, hòn đá to lớn nặng nề bà sợ chồng mình phạm Sơn thần Thổ địa cùng với nổi lo bị nhiễm sương lam chướng khí nguy hiểm đến mạng sống của chồng. Bà nói ra những ý nghĩ của mình, nghe xong ông Hai cười hà hà:

– Mình không biết đó thôi, đá nó to lớn nặng nề như vậy nhưng cũng phải thua trí thế con người. Hồi tui đi làm thợ đá ngoài quê, ông thầy dạy nghề cho tui bắt đầu bằng cách nhận ra thớ đá. Cứ theo thớ đá mà đục chung quanh tảng đá rồi chỉ cần một cú chót là tản đá dù to tới mấy cũng nứt đôi… mà thôi, những chuyện đó không có gì nguy hiểm lắm đâu. Còn chuyện Sơn thần Thổ địa thì ở đâu cũng có, mình ý tứ đừng làm điều gì phạm vào các ngài thì không lo bị quở!

Rồi ông nhỏ giọng nói tiếp:

– Tui nghĩ bây giờ tui cũng rảnh, đất đai thì có thể khai phá tiếp lên trên nhưng lại thiếu nước vả lại có trồng nhiều sợ khó bán… chi bằng tui đi làm nghề kiếm ít vốn lận lưng phòng tuổi già không làm được còn có chỗ nhờ cậy. Mình ở nhà làm những việc vặt còn những việc nặng tui sẽ nghỉ vài ngày làm là xong thôi. Thằng Gần và thằng Xa đã chịu chuyện nước nôi với tui rồi, buổi sáng anh em nó tưới chừng 30 phút là xong, mình không phải lo chuyện đó!

Bà Hai xuôi tai khi nghe ông chồng nói như vậy. Ông Hai nói cũng phải, ông đã gần năm mươi tuổi mà hai vợ chồng chỉ chăm chăm vào miếng đất cận suối sợ sẽ không đủ tiền ăn chớ nói gì đến để dành cho tuổi già. Phần bà, dù nhỏ hơn ông đến mười tuổi nhưng phận đàn bà chỉ quanh quẩn miếng vườn với con gà con vịt, ngày ba bữa lo chuyện ăn uống cho chồng con cũng đã hết giờ rồi.

Mấy năm trước bà Hai kêu chồng cất một cái chuồng heo sau nhà, ban đầu bà đập con heo đất vừa đủ tiền để “bắt” cặp heo con đem về thả. Ngày ngày bà xuống bờ suối, ông Hai xin giống chuối chát của người quen về trồng để giữ đất, bà chặt một cây chuối vát về nhà xắt rồi bằm nhuyễn nấu chung với cám cho cặp heo ăn. Lúc rảnh bà lại lấy đôi dóng gánh với cái liềm quầy quả lên ngọn đồi sau nhà cắt cỏ bỏ chuồng lấy phân cho chồng trồng sú, trồng lơ hay khoai tây, cà rốt…những loại rau này đều ưa phân heo hoai mục. Nhưng chỉ với một cặp heo con thường thì không đủ phân bón cho vườn, cũng giống như những nhà vườn khác, vợ chồng bà còn phải mua thêm phân cá bón cho cây rau. Mùi thum thủm nồng nàn của phân cá ủ hay mùi tanh tưởi của phân cá tươi vươn vất quanh nhà, sống như vậy cũng đã quá quen nên vợ chồng bà không lấy gì làm khó chịu.

Bà hỏi chồng:

– Vậy chớ chừng nào mình mới làm mỏ đá?

– Ông Giám nói ngay sau tết tây mới bắt đầu, giờ tới lúc đó tui sẽ kịp chăm lứa cà rốt để mình có thể nhổ tỉa đợt đầu.

Chỉ vài tuần nữa là đến lễ Nô en là lễ trọng của người theo đạo Công giáo. Mùa đông trời lạnh lắm.

V.A.C