Suy ngẫm về “chữ” của “một thời vang bóng” – Tản mạn của Quốc Tuấn

73

(Vanchuongphuongnam.vn) – Người xưa, dẫu không biết chữ nhưng khi thấy một mẫu giấy có vết mực sẽ lượm lên, mang về cất giữ. Điều đó thể hiện sự “sùng chữ” (trân trọng giá trị của văn chương, chữ nghĩa) của ông cha. Những người không biết chữ đã biết đối xử với con chữ bằng tấm lòng trân quý như thế, thì dễ hiểu các trí giả đời trước họ sống với chữ nghĩa sâu sắc đến độ nào.

Ảnh minh họa

Bởi vì nét chữ thể hiện cốt cách/ phẩm giá con người, cho nên việc trọng con chữ, kính thầy yêu bạn, chăm lo đèn sách đã trở thành một nếp sống, nếp nghĩ truyền thừa văn minh mà ông cha đã xây dựng thành một giá trị truyền thống cao đẹp. “Cơn sốt giảng đọc kinh điển”, “cơn sốt Nho giáo” vang bóng một thời đã khởi dậy sự thịnh thế của văn hóa chữ nghĩa tồn tại kịch liệt và hưng thịnh từ ngàn năm.

Từ cái ý thức sự học, sự đọc, nắn rèn con chữ  mà những “học gia chân chính” cổ xưa đều là Thánh hiền. Khi bước chân vào nghiệp học là họ đã đau đáu cho một con đường, một lý tưởng, một mục đích vươn tới: “văn dĩ tải đạo, thi dĩ ngôn chí”.

Cao Bá Quát- hình ảnh điển mẫu của Nho giáo Việt Nam. Danh đồ (đường công danh) của Cao Bá Quát được biểu dương thông qua biệt tài viết chữ mà chúng ta được biết qua tác phẩm “Chữ người tử tù” của tác giả Nguyễn Tuân. Huấn Cao chính là hình tượng nghệ thuật xây dựng trên nguyên mẫu bậc danh nho họ Cao. Gương sáng muôn đời về tài năng đức độ của ông được thể hiện qua thơ phú, sự học và từng nét chữ được viết ra: “Đạp hướng danh đồ bất điệu đầu/ Ngã vô hành dã, diệc vô lưu” (Ngẩng cao đầu bước trên đường danh/ Ta không làm việc gì và cũng không có gì phải lưu luyến). Con người ông trọng khí tiết, ưa điều đạo đức và coi khinh tài phú, danh vọng. Vừa mở cửa quan đã lao vào cửa ngục, đó là số phận của Cao Bá Quát. Bởi vì ông là đồ nho khí khái, luôn ưu thời mẫn thế và không chịu được sự nhiễu nhương của đám “hôn quân dung chúa” lãnh đạo triều sự đã làm vận nước lao đao, dân tình khốn khổ. Cảnh cho chữ đắt giá mà Nguyễn Tuân đã khắc họa trong tác phẩm đã thể hiện khí chất của một danh nhân khi đối diện với cái đẹp, lương tri và hiện thực nghiệt ngã.

Chuyện xưa tích cũ để lại trong chúng ta những bài học lớn, bài học về cốt cách làm người, về đạo đức luân lý ở đời. Bàn về nét chữ, nết người, suy rộng ra là bàn về phẩm chất của con người. Những bậc đại trí xưa đáng được trọng xưng muôn đời, bởi lẽ họ đã sống một cuộc đời chuẩn mực, xem danh lợi là thư phù hư ảo để rồi chỉ hào hứng với việc nêu cao nhân cách ngời sáng của mình trước cám dỗ của lợi lộc.

Bậc chính danh xưa có nên nhân cách đó là từ cái nghiêm cẩn của sự nắn chỉnh “nết chữ” ngay từ nhỏ. Khuôn thước điển phạm đã đúc tạc nên những anh tài dùng lương tâm để đối đãi với đời. Tất cả xuất phát từ việc trọng chữ nghĩa, yêu kinh sách, tôn vinh giá trị của cha ông truyền thừa. Từng con chữ được viết ra từ tim óc, từ tấm chân tình uyên nguyên, sâu xa của bản thể. Sự ý thức triệt để nghiệp học là để lo cho muôn dân hạnh phúc và cái đẹp gắn thiết với điều lương thiện mới tạo nên sự vinh diệu đỉnh cao. Từ đó nét chữ đã thể hiện đươc tấm lòng ân nghĩa, sự nhân đức tài trí của con người.

Vậy còn người nay thì sao? Đã bao giờ chúng ta ý thức được rằng “nét chữ- nết người” hay chưa?

Cuộc sống số hóa, tất cả đều nhanh chóng “gõ móng” như linh dương thoăn thoắt trên bàn phím mà nhiều lúc “tay nhanh hơn não”. Tốc độ sống theo sự lập trình của máy móc đã khiến chúng ta thiếu đi sự “cẩn trọng”, quên đi những nét chữ mềm mại, trau truốt trên giấy thanh tân. Thế hệ trẻ ngày càng sống “ăn xổi ở thì”, ưa thích sự nhanh chóng, vội vã và không còn giữ đạo trung dung như người xưa. Việc viết, trình bày, nắn chỉnh từng con chữ trên trang giấy hầu như không còn được ý thức. Thật nuối tiếc cho những “cái đẹp cổ điển” trước dòng tiến hóa…

                                                                          Q.T