Trước tin Fosse được trao giải Nobel Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Støre đăng: “Toàn bộ đất nước Na Uy xin chúc mừng và tự hào ngày hôm nay!” Ông viết rằng giải thưởng là “sự công nhận tuyệt vời về một tác giả có nhiều độc đáo gây ấn tượng và chạm đến mọi người trên toàn thế giới”. Các tác phẩm lớn của Fosse được viết bằng biến thể Nynorsk của tiếng Na Uy với đặc điểm nổi bật là sự tối giản.
Tác phẩm “ Đỏ” và “ Đen” của Jon Fosse. Ảnh: euro.eseuro
“Chủ nghĩa tối giản trong tác phẩm Fosse”
Ban tổ chức giải cho biết Fosse có thể được so sánh với các nhà văn hiện đại vĩ đại trước đây như đồng hương Na Uy Tarjei Vesaas cũng như Samuel Beckett, Thomas Bernhard, Georg Trakl và Franz Kafka. Chủ tịch Ủy ban Nobel Anders Olsson nói ông là “một nhà văn xuất sắc về nhiều mặt”: “Ông khiến bạn đọc cảm động sâu sắc khi đã đọc một tác phẩm, lại muốn tiếp tục đọc thêm”.
“Điều đặc biệt ở ông là sự gần gũi trong cách viết. Nó chạm đến những cảm xúc sâu sắc nhất mà bạn có – những lo lắng, bất an, những câu hỏi về sự sống và cái chết – những điều mà mỗi con người thực sự phải đối mặt ngay từ đầu. “Theo nghĩa đó, tôi nghĩ nhà văn đã vươn xa và có một tác động phổ quát nào đó đối với mọi thứ ông ấy viết. Và không quan trọng đó là các vở kịch, bài thơ hay văn xuôi – nó đều có cùng một sức hấp dẫn đối với thể loại cơ bản này: tính nhân văn.”
Chủ tịch Uỷ ban Nobel cho biết, tiểu thuyết của Fosse “được cắt giảm rất nhiều theo một phong cách được gọi là “chủ nghĩa tối giản Fosse'”. Olsson ca ngợi các vở kịch bao gồm “Ai đó sẽ đến” – vì “sự giảm thiểu triệt để ngôn ngữ và hành động kịch tính” – cũng như “Cái tên”, “Giấc mơ mùa thu” và “Những biến thể của cái chết”. Anders Olsson nhấn mạnh, “tác phẩm văn xuôi vĩ đại” gần đây của Fosse là “Septology” (Nhiễm trùng học) – gồm bảy phần được tập hợp thành ba tập: “The Other Name” (Tên khác), “I Is Another” (Tôi là khác) và “A New Name” (Tên mới). Trong đó có đoạn độc thoại diễn ra dường như vô tận và không có điểm dừng trong khoảng thời gian bảy ngày, mô tả một nghệ sĩ lớn tuổi đang nói chuyện với chính mình như một người khác. Theo Olsson: “Septology” là một tác phẩm quan trọng, đồng thời là nỗ lực của ông trong việc hòa giải với số phận của chính mình, một lời ca ngợi người vợ đã khuất đã đi theo sự nghiệp họa sĩ của chính mình”.
“Thứ ngôn ngữ nhạy cảm của Fosse đã thử thách giới hạn của ngôn từ”, Ủy ban Nobel ca ngợi. “Fosse đã kết hợp được những mối liên kết địa phương mạnh mẽ, cả về ngôn ngữ và địa lí, với những kĩ thuật sáng tác nghệ thuật hiện đại”, theo lời Ủy ban Nobel.
Thứ văn chương tràn đầy hi vọng
Theo Karl Ove Knausgård, nhà văn nổi tiếng Na Uy, ông đã đọc lại các tiểu luận của Jon Fosse, tất cả đều viết trong giai đoạn 1983 – 2000, tức có thể nói là nửa đầu trong cả khối công trình luôn dịch chuyển, nhưng đồng thời khằng định một cách viết lạ lùng của ông, khối công trình mà dù hình thức gồm nhiều thể loại khác nhau – tiểu thuyết, thơ, đoản văn và kịch – đã luôn mang cùng một dấu ấn không thể nhầm lẫn.
Những gì hiện ra trong cuốn tiểu thuyết đầu tay của Fosse năm 1983, “Raudt, svart” (Đỏ, đen), không quá khác với những gì hiện ra từ vở kịch đầu tiên của ông, “Og aldri skal vi skiljast” (Và ta sẽ không bao giờ chia li), viết gần mười năm sau đó, hay cuốn truyện dài gần đây nhất, “Kveldsvævd “(Uể oải), in năm 2014, tức hai mươi năm sau nữa.
Vậy thì thứ không thể nhầm lẫn hiện ra từ mọi tác phẩm mà Jon Fosse đã viết đấy là gì?
Đấy không hẳn là phong cách viết, hay những chi tiết lặp lại, những nếp gấp chằng chịt, những tầng lớp tư duy, và cũng không phải là những mô típ của ông, nào là những đầm phá của vùng ven biển Na Uy hiểm trở, những chiếc thuyền chèo, những mưa gió bão bùng, những anh em họ hàng, những âm nhạc, điều hiện ra ở đây là tất cả những thứ đó gộp lại.
Giống như văn chương, âm nhạc có thể làm ta choáng ngợp bởi một cảm xúc bất chợt, và hội họa có thể khiến ta nhìn thế giới bằng cặp mắt hoàn toàn khác, nhưng chỉ văn chương mới có thể giúp ta chạm tới linh hồn của một người khác, với tất cả những yếu đuối và vĩ đại của nó, và sự hiện diện này của một người khác, theo ông, chính là bản chất tinh túy của văn chương. Văn chương của Fosse lại hiếm khi có ý tưởng gì hoành tráng, hiền lành, những thứ hợp thời được giảm tông hoặc né tránh hoàn toàn, và dù tác phẩm của ông thường tiếp cận cái chết cũng như khám phá một vùng hoang địa hiện sinh nào đấy, nó không bao giờ là vỡ mộng và chắc chắn là không thù ghét con người, mà trái lại, tràn đầy hi vọng.
Bóng tối của Jon Fosse luôn lấp lánh
Hơn nữa, tác phẩm của Fosse không trưng ra khuôn mặt nào cho độc giả, mà cởi mở cho mọi người.
Jon Fosse viết cuốn “Nhà thuyền”, cuốn tiểu thuyết bắt đầu là: “Tôi không muốn đi ra ngoài nữa, một tâm trạng bồn chồn xâm chiếm lấy tôi, và tôi không đi ra ngoài”. Câu đấy không giống với câu nào trong bất kì tiểu thuyết nào khác vào thời của nó, tức cuối những năm 1980, nhưng nó giống rất nhiều câu Jon Fosse từng viết trước đấy, và sẽ viết sau này. Sự hiện diện mà độc giả cảm thấy, ngay từ câu đầu tiên, là sự hiện diện của Jon Fosse.
Nhưng sự hiện diện này không phải là của một con người sinh học, và khơi gợi lại con người Fosse ở thời điểm đấy không mang lại điều gì quan trọng cho việc đọc cuốn tiểu thuyết, tương tự là những hoàn cảnh xã hội khi cuốn sách đó được viết ra. Thay vì thế, sự hiện diện chúng ta cảm thấy ở đây là những đón nhận, những lo âu, những bực dọc, những gì mở ra cho chúng ta trên trang văn. Điều lạ lùng khi ông viết lách là bản ngã dường như biến mất, những gì mà chúng ta vẫn mường tượng là điều vẫn thường khiến chúng ta tồn tại đều tan biến đi, tồn tại nội tâm của ta tái cấu trúc lại, theo những cách mới mẻ và lạ lùng.
Khi đọc Fosse cũng vậy, cái tôi rời bỏ chúng ta khi chúng ta dõi theo những dòng chữ trên trang văn, và trong chốc lát, chúng ta thần phục một cái tôi khác, mới mẻ và cởi mở, nhưng rõ ràng và hoàn toàn cảm nhận được với chúng ta, trong một nhịp điệu, một hình thức, một ý chí nhất định. Trong cuộc gặp gỡ này, giữa người viết không còn cái tôi và người đọc không còn cái tôi, văn chương ra đời. Và nếu văn chương hay thì nó luôn phải gợi ra tâm trạng và sắc thái, những điều thực ra vẫn luôn có ở đó, nhưng thường không nghe được trong ồn ã của thế giới hằng ngày, hay trong bàn tay sắt của cái tôi hiện thực.
Những tâm trạng và sắc thái này khơi gợi trong chúng ta một trải nghiệm khác, không hề kém phần thành thực, về thực tại, vì tất cả đều sẽ kết nối với cảm xúc, mà trong tiểu thuyết, thi ca, hay một tác phẩm sân khấu, là phương tiện trung gian để thế giới liên lạc với nhau.
Trong văn chương của Fosse, cách thức chúng ta định hình thế giới và chính mình tan biến, khi chính chúng ta tan biến vào những gì chúng ta đang đọc, và nhờ thế chúng ta tiếp cận được một thế giới khác, hay phải nói là thế giới duy nhất đúng.
NGUYỄN HƯNG/ VNQĐ