Tác giả trẻ chinh phục cuộc thi Thơ Hay

234

Cuộc thi Thơ Hay do tạp chí Văn Nghệ TP.HCM đăng cai, vừa tổ chức buổi lễ trao giải vào sáng 16/5. Cuộc thi Thơ Hay nhận tác phẩm ứng thí từ ngày 1/5/2023 đến ngày 29/2/2024. Tổng cộng, có 577 tác giả với 2750 bài dự thi.

Kết quả công bố, cho thấy hầu hết tác giả đoạt giải đều thuộc thế hệ 8X và 9X. Đây là tín hiệu đáng mừng, chứng minh có thêm một đội ngũ cầm bút mới đang trưởng thành và bắt đầu tạo nên một dòng chảy thi ca khác biệt cho đời sống văn học Việt Nam.

Giải nhất thuộc về tác giả Nhiên Đăng (Bình Định) sinh năm 1992. Giải nhì thuộc về tác giả Trần Đức Tín (Cà Mau) sinh năm 1989 và tác giả Lệ Hằng (Đà Nẵng) sinh năm 1988. Giải ba thuộc về tác giả Nguyễn Đức Hưng (Kon Tum) sinh năm 1987 và tác giả Hoàng Thị Hiền (Cao Bằng) sinh năm 1990.

KTS Nguyễn Trường Lưu và nhà báo Trần Trọng Dũng trao giải nhất cho tác giả Nhiên Đăng. – Ảnh Nguyên Hùng.

Ngoài ra, trong 5 tác giả được trao giải khuyến khích có tác giả Bùi Việt Phương (Hòa Bình) sinh năm 1980, tác giả Lê Nhi (Hải Phòng) sinh năm 1988 và tác giả Vĩ Hạ (Bình Thuận) sinh năm 2004.

Tác giả Lệ Hằng, giải Nhì – Ảnh Nguyên Hùng.

Không có chủ đề cụ thể, nên cuộc thi Thơ Hay mở rộng biên độ tung tẩy cho các tác giả. Chính chủ trương phóng khoáng ấy, khiến các tác giả trẻ chiếm ưu thế so với các tác giả đứng tuổi, nhờ sự tìm tòi về bút pháp và sự mới mẻ về suy tư. Thơ các tác giả trẻ không bó buộc trong khuôn thước dài ngắn cố định của mỗi khổ thơ và mỗi dòng thơ, đã giúp ý tưởng của họ xóa bỏ những ngẫm ngợi nhịp nhàng theo thói quen và định kiến, để thăng hoa nhiều thi ảnh độc đáo.

Mặt khác, thơ các tác giả trẻ cũng biết khai thác những vui buồn riêng tư để bản sắc cá nhân trở nên lấp lánh, như ân tình của tác giả trẻ Trần Đức Tín “Những linh cảm trắng đầy tường bệnh viện/ từ tiếng khóc đầu tiên đến cơn đau cuối cùng/ mắt môi nào ai giấu dưới gốc đước/ chiều nay soi lên da thịt thân tôi gầy/ khi cơn đau đến vội giữa khuya/ anh chỉ kịp trở người/ nghe bóng mình buôn buốt/ may còn em/ hiền khô như đất/ lăn qua cơn đau này anh biết mình còn quê hương” hoặc bâng khuâng của tác giả trẻ Lệ Hằng “Không biến mất nhưng không ai tì thấy/ trong im lặng dưới tán cây mùa hè/ ngời lên một dáng ngồi biêng biếc/ đừng nói khi bầu trời diệp lục/ mật nắng tràn chân tóc/ tịnh vắng tràn chân mây/ cầu vồng trong mắt lá/ ánh sáng nở ra loài hoa tuế nguyệt/ thời gian hương lan xa/ trong văn bản mùa hè không còn gương mặt nữa/ chỉ một niềm cây

Nét đặc trưng của mỗi vùng miền dự phần vào sáng tác thi ca, tạo nên một bức tranh văn hóa đa dạng và phong phú của xã hội Việt Nam thời hội nhập. Công chúng dễ dàng đồng cảm với vùng cao Tây Bắc day dứt trong thơ Hoàng Thị Hiền, một tác giả trẻ của dân tộc Tày: “Người đàn ông/ ruộng bậc thang gương mặt/ sương muối đầy mớ tóc/ bát rượu cay mặc khách gật gù/ giữa đường tôi gặp/ tiếng khèn môi lơ lửng quanh đâu/ bỏng má người đàn bà ôm vết bầm ngây dại/ ma nhà người cũng khóc/ ngày cả bản mừng dâu”.

Còn cố hương xứ Nghệ thương khó cũng được phác thảo trong thơ tác giả trẻ Nguyễn Đức Hưng: “Có một ngày ta mắc kẹt trong giấc mơ buổi trưa/ ở đó có màu vàng lúa chín/ có mùi rấm trấu tuổi thơ bịn rịn/ vài cọng dây khoai vùi dưới tro hồng/ ta gặp chính ta chới với ở bờ sông/ em kéo ta lên lưng trâu rồi bật cười khanh khách/ ta gặp dáng ông ngồi trên chiếc chõng tre đầu hè đọc sách/ bà ngồi bên bỏm bẻm nhai trầu/ gặp dáng mẹ gầy mặc chiếc áo màu nâu/ đầu đội thúng chạy liêu xiêu trên triền đê mùa giáp hạt/ bố nhặt nhạnh tép tôm vật vờ trên bờ cát/ trời chợt nổi gió giông vai quẩy lưới trống đi về”.

Đáng mừng hơn, từ cuộc thi Thơ Hay, những người yêu thi ca nhận diện được nền thơ Việt Nam ở thập niên thứ ba của thế kỷ 21 đã thay đổi rõ rệt về quan niệm thẩm mỹ. Hơi thở cuộc sống được dịch chuyển mạnh mẽ trong mỗi bài thơ, buộc độc giả phải tiếp nhận bằng cảm quan năng động để có thể lĩnh hội đầy đủ chất thơ giữa đời thường.

Bất cứ một cuộc thi nào, thì mọi ánh mắt ngưỡng mộ đều đổ dồn vào người được giải cao nhất. Vậy thì, “trạng nguyên” của cuộc thi Thơ Hay gửi gắm điều gì trong chùm thơ của mình? Với quan sát tinh tế và hình ảnh sinh động, tác giả trẻ Nhiên Đăng thể hiện một phong vị làng quê nhiều màu sắc giữa nhịp sống lao động và đời sống tâm linh. Làng quê trong thơ Nhiên Đăng không còn những vần điệu đong đưa và trễ nãi nữa. Diện mạo làng quê thời hội nhập trở nên hối hả hơn và trắc ẩn hơn: “Hoa nhài thơm trong nắng/ Bầy chuồn chuồn quần thảo trên đám khổ qua/ Nhớ một người bạn đã mất, chú chó vện sống mười hai năm/ Ngả lưng vào ghế, thấy đời nhẹ tênh/ Như sông trôi, mây trôi và gió thổi/ Mười năm một chặng đường đầy những suy tư/ Vui và buồn/ Ngả lưng vào ghế, thấy mình ở đâu đó trên con đường có ánh trăng/ Giữa những đám ruộng trồng dưa hấu đỏ/ Nghe được thinh không chứa đầy tiếng côn trùng/ Tiếng cành cây mục rơi hoang”.

Cái rát bỏng của nắng gió miền Trung đi vào thơ Nhiên Đăng một cách tự nhiên, như những thước phim quay chậm từng khoảnh khắc nhớ thương. Tác giả trẻ Nhiên Đăng soi rọi từ bản thân “Theo dấu chân trâu vung roi trên cánh đồng khô hạn/ Gió thổi qua những ngọn tháp, những ô ruộng, những ngôi nhà mái lợp/ Tro tàn nơi góc vườn là ngôn ngữ đất/ Và bếp lửa là bài thơ thắp sáng ước mơ tôi”, để có cách riêng bái vọng tổ tiên: “Những linh hồn sống dậy trên cánh đồng lúa chín/ Họ gặt lúa, tát cá, ngồi che nắng và kể chuyện làng/ Những người áo vàng đi trên đường cái tháng sáu/ Cát và gió tạt qua chân họ/ Giữa những gam màu trắng như mây trôi/ Họ bay lên trời/ Để lại những ô ruộng vàng như áo họ mặc”.

Sự có mặt của tác giả trẻ Nhiên Đăng và những cây bút 8X, 9X không chỉ tự tin cất lên tiếng nói một thế hệ, mà còn hào hứng tiếp nối tình yêu thi ca vẫn được nuôi dưỡng bền bỉ trong tâm hồn người Việt Nam khao khát ấm no và hạnh phúc.

Lê Thiếu Nhơn

*Một số hình ảnh tại lễ trao giải – ảnh Nguyên Hùng: