Tác phẩm ‘Ngón tay mặt trời’ của Phạm Đức Mạnh

750

(Vanchuongphuongnam.vn) – Phạm Đức Mạnh là hội viên Hội nhà văn TP.HCM. Cho đến nay, gia tài văn chương của anh là 6 tập thơ đầy đặn, in ấn trang nhã.

Đọc hai tập thơ anh gởi tặng: Đếm lãi nụ cườiNgón tay mặt trời ấn tượng đẹp đầu tiên là ngôn từ trong thơ Phan Đức Mạnh chắt lọc, nền nã, viết từ tâm thế một con người nhân hậu, có trước có sau, không ôm đồm triết luận cao vời mà đậm nét nhân văn trong cảm xúc, trong ứng xử với nhân vật trữ tình, không cay cú, cũng không bỡn cợt kiếp phù sinh giả dối điêu ngoa, ít thấy biểu hiện nhân sinh quan về cõi đời phù du đang rất thời thượng trong thơ ca hiện nay. Phạm Đức Mạnh làm thơ với cái tâm lành, hiền hậu, anh khai ngôn với ngọn nguồn cảm xúc trong trái tim, không hề mượn ngòi bút để ngợi ca huyễn mộng, tung hê lí tưởng, cũng không đã phá tồn tại, hiện hữu quanh mình. Thơ anh lành như dòng suối mát, mà có đôi khi, suối cũng chảy qua bờ dốc gập ghềnh. Tôi nghĩ thế.
Đại thi hào Gớt nói: “Thế giới rộng lớn, phong phú và cuộc sống đa dạng tới mức sẽ chẳng thiếu gì nguyên cớ để làm thơ”.
Nhà thơ Phan Đức Mạnh cũng thế, anh đã từng lăn lộn với màu áo lính, khi trở về với đời thường, anh bước vào hoạt động trong lĩnh vực báo chí, kinh doanh. Vậy nên, vốn liếng thi chất, thi liệu trong anh vô cùng dạn dày, đầy đặn, phong phú, để Ngón tay mặt trời là một tác phẩm khái quát tầm nhìn, với nhiều góc độ suy tưởng, mà chủ đề chủ đạo là những cung bậc cảm xúc hiến dâng cha mẹ, yêu thương gởi tặng cho tình yêu, những suy tưởng về thân phận con người thời đại và những hoài niệm tuyệt đẹp mà nhà thơ ấp ủ trong tâm thức.
Nếu ở tác phẩm Đếm lãi nụ cười, Phan Đức Mạnh còn sử dụng một số từ ngữ quen thuộc mang tính nghề nghiệp (tài chánh) của mình : “Một lần khờ khạo đi vay / Trắng hồn cặm cụi tháng ngày trả em / Nỗi buồn không đặt được tên / Trở thành nợ xấu triền miên rối bời” (Đếm lãi nụ cười) thì đến Ngón tay mặt trời, ta thấy một Phan Đức Mạnh đã cởi trói cho ngôn ngữ thơ thăng hoa muôn màu muôn vẻ.
Công ơn sinh thành dưỡng dục kết tụ và tỏa hương trong suốt tập thơ. Đó là những câu thơ rút ruột, gây hiệu ứng rộng sâu đến người đọc, được nhà thơ viết từ một tấm lòng hiểu kính vô bờ. Ta hãy lắng nghe tâm tư của thi sĩ, ngay ở bài đầu của Ngón tay mặt trời:
“Trong mơ lưu lạc trở về
Quỳ hôn lòng mẹ tái trê mong chờ”. (Phiêu dạt, tr 5)
Nhà thơ luôn đau đáu trong lòng, nơi quê nhà, mẹ già đắng lòng khô héo mong chờ đàn con đang lưu lạc chốn xa. Thế mà, trong cuộc sống bộn bề, dễ gì đứa con thương cha nhớ mẹ ấy có thể gạt bỏ ngổn ngang cơm áo mà về ôm chầm lấy mẹ. Vâng, tôi hiểu, anh cũng như tôi, chúng ta chỉ về quỳ bên mẹ trong giấc mơ hằng đêm, giữa cái rần rật đua chen phố thị hoa đèn. Và đây, tuyệt đỉnh của thi ngôn anh dành cho mẹ, hạt ngọc của bài thơ chủ đề Ngón tay mặt trời. Chúng ta hãy lắng nghe, chia sẻ và chiêm nghiệm cùng nhà thơ:
“Khói bếp rề rà tắm sương
phảng phất hương nắng non thoa son buổi sớm
đánh thức tôi ngón tay mặt trời
Bừng tỉnh
bóng mẹ gầy
nhòa mất
mãi xa
xa mãi
xa.”
Có còn dòng thơ nào viết về mẹ đẹp hơn không? Thi sĩ đắm chìm trong giấc mơ trở về quê nhà, nơi anh lớn lên từng ngày bên mẹ. Bạn đã từng nhìn khói bếp “rề rà” trên mái tranh còn đẫm sương mai chưa? Khói bếp của nhà thơ không chịu bay lên mà bò trườn lan quyện trên mái tranh vừa ”tắm sương” đêm lạnh. Rồi những tia nắng đầu tiên của ngày mới, mà theo thi ngôn của nhà thơ, đó là “hương nắng non thoa son buổi sớm” (thi ngôn đẹp quá) để, những tia nắng ấy, được nhà thơ ẩn dụ là Ngón tay mặt trời đánh thức chàng trai đang đắm chìm trong giấc mơ. Một ẩn dụ vô tiền khoáng hậu, làm cho tác phẩm bừng lên ánh sáng, đầu sách trang trọng lạ lùng. Và rồi, thủ pháp ngắt dòng của những câu tiếp theo biểu đạt trọn vẹn nỗi nghẹn ngào khi nhà thơ bừng tỉnh để chơi vơi. Thủ pháp ngắt dòng giữa câu tuy không mới nhưng được nhà thơ sử dụng đúng chỗ, khiến câu thơ như nhỏ từng giọt từng giọt, rót nhớ nhung vào lòng tác giả, vào lòng tôi và tất cả bạn đọc, có phải vậy không? Phan Đức Mạnh không ôm đồm dụng ngôn kể lể công lao khó nhọc của đấng sinh thành, sứ mệnh chuyển tải gần như vô ngôn mà hiệu ứng gợi cảm mạnh mẽ vô cùng. Tôi xin phép được gọi đó là tài năng.
Tôi lại đang sốt ruột muốn khám phá hương vị tình yêu trong Ngón tay mặt trời. Tác phẩm văn học nào mà không có bóng dáng và hơi thở của tình yêu bạn nhỉ? Hugo nói : con người không có tình yêu cũng như trái đất không có ánh sáng mặt trời.
Nhà thơ Phan Đức Mạnh nói gì về tình yêu? Trong chuyện lứa đôi, ai mà không ít nhất là một lần hối tiếc:
“Giá xưa
Em – đừng rụt rè như hoa trinh nữ
Anh – như nai ngơ ngác lạc đời
Trái tim – đừng chia ba phần tươi đỏ
Thu lòng đâu nuối tiếc lả tả rơi”. ( Nuối tiếc. tr 19)
Hồi tiếc để rồi ước ao, mà vô vọng, mà bất lực, chàng thi sĩ phải chắp tay cầu xin đúc Phật. Ôi, phải chăng, khi yêu, lòng ta trở nên thánh thiện:
Cầu xin Đức Phật từ bi
“Người em mong đợi ước gì là …tôi”. (Ước gì. Tr 70)
Ha ha! Thất tình mà duyên dáng quá ! Tôi chào thua. Nhưng các bạn hãy xem tiếp này:
Cho dù có nuối tiếc bao nhiêu thì dòng đời vẫn cứ trôi, trôi đi như dòng sông vô tình chảy mãi, để bây giờ, ở ngưỡng hoàng hôn cuộc đời, nhà thơ của chúng ta chỉ còn biết:
“Giờ ngồi đong đếm tuổi xuân
Vẫn không gỡ nổi trầm luân cõi người
Chiều thơm còn lại tiếng cười
Tôi xin dâng tặng cho người yêu tôi”.. (Hoài niệm. tr33)
Mà, oái oăm thay, dù có dâng tặng cả vũ trụ này, bê cả trái đất này đem quỳ dưới chân nàng thơ để làm sính lễ cầu hôn, thì nỗi buồn vạn kiếp vẫn bủa vây chàng thi sĩ dại khờ như hàng tá chàng thi sĩ tương tư mộng mị, (trong đó có tôi) khi nàng hững hờ, khi giai nhân quay gót, để rồi thơ hờn thơ trách, thơ điêu linh tủi phận cho mình, thương quá:
“Đêm nay
nửa vui – em hóa thần tình yêu
thả tim dệt mộng
nửa buồn – anh hóa đá thời gian
Đời ngậm ngùi
đắng cay anh gánh”.
Và, cuối cùng. Em chỉ còn là nổi nhớ. Nhớ người yêu như thi sĩ PĐM thì có ai nhớ hơn nửa không? Còn tôi, tôi bó tay chịu thua đây:
“Cứ 1/1000 giây lại nhớ em
Cồn cào cơn khát cứ đầy thêm
Bốn mùa nhớ nhớ chồng lên nhớ
Mắt ngủ vẫn cười mơ thấy em”.
Có thể nói, tình yêu trong Ngón tay mặt trời không là chuyện tình đem kể, không là run rẩy nụ hôn đầu, không hẹn hò nơi quán vắng, không hoa tím đợi chờ. Hình tượng EM trữ tình trong thơ Phan Đức Mạnh chỉ là cảm xúc hư ảnh, phổ quát, hình như là một quá trình đúc kết những cảm giác yêu thương xuyên suốt cuộc đời nhà thơ.
Thế đấy, thần tình yêu quái ác luôn hành xác các thi sĩ đáng thương, thế mà, họ vẫn là những con người luôn đau đau cho thân phận tha nhân đâu đó trong vòng quay nhân thế:
“Thẩn thơ đi bán số đời
Xuân già tủi tủi phận người chát chua”. ( Có em, tr 36)
Mà “sân khấu đời” chân giả giả chân:
“Bỗng
Đất trời biến thể
Sân khấu đời ngột ngạt
Nhung nhúc
Kép người nhảy múa
Thật giả khôn lường”.
Thế nên, nhà thơ có đôi khi lắc đầu tuyệt vọng, ngao ngán, cũng như bao người mắc cạn, bế tắc giữa vũng lầy thời đại chúng ta, hình như mất phương hướng khi bị cuốn vào vòng xoáy của cơn bão hiện sinh:
“Tôi còn
Chẳng nhận ra tôi
Da sầu nhem nhém mồ hôi trét sình
Nhiều khi tôi muốn tàng hình
Trốn vào khuôn nhớ một mình ngủ say”
Tôi tin rằng nhà thơ sẽ không trốn vào đâu cả. Anh vẫn từng ngày sống vui, sống khỏe, nhìn ảnh chân dung anh, tôi cứ mơ ước được sung sức khỏe mạnh như anh lắm. Tôi biết chắc Phan Đức Mạnh vẫn còn đầy đủ năng lượng để cho ra đời những tác phẩm tuyệt vời hơn nữa, cống hiến cho thơ ca, cho bạn bè và cho chính niềm vui niềm yêu thơ của chính tác giả.
Chúc mừng Ngón tay mặt trời. Đứa con tinh thần tuyệt vời của nhà thơ hiền hòa tôi yêu mến, dù chuyện gặp nhau hàn huyên mới chỉ là lởi hẹn hò một sớm cà phê.

Nhà thơ Nguyên Bình