Nhà thơ Bùi Xuân
Không đề
Đừng hoài nghi thắc mắc, hãy mang cả quang gánh mà bước xuống thuyền, người chèo đò sẽ đưa em qua sông cho kịp buổi chợ. Và trên đường đi nếu em ngoái lại, em sẽ thấy niềm vui như hoa kia vàng muốt bãi bờ.
Đừng hoài nghi thắc mắc, hãy mang cả quang gánh mà bước xuống thuyền, người chèo đò sẽ đưa em trở lại bờ này. Chỉ có điều trên đường về nhà nếu em ngoái lại, em sẽ thấy nỗi buồn chất đầy khoang thuyền và người chèo đò cô đơn trên bến.
Đừng hoài nghi thắc mắc, em cứ hồn nhiên mà đi, chớ ngó lui làm gì. Trong đôi mắt ánh lên niềm hạnh phúc của em không có nỗi buồn của tôi, bởi nó được cất giấu nơi biển kia thăm thẳm.
Đừng hoài nghi thắc mắc, nếu lúc trở về em nhìn thấy tôi nơi em đã đi qua.
Bùn non
Mùa lũ lụt đi qua để lại trên mặt đất lớp bùn non. Người hàng xóm không giấu giếm niềm vui: “Bùn non năm nay dày hơn mọi năm”. Mẹ cười: “Lụt to mà”. Anh lắng nghe giọng nói của mẹ và hít đầy buồng phổi mùi đất mới.
Bùn non. Gió rít, mưa xối. Nước mênh mông đồng bãi. Phấp phỏng tiếng trống làng. Nước sàn sạt cuốn đi nhiều thứ. Nước đọng lại bùn non. Mẹ bốc lên lòng bàn tay mình những giọt bùn tươi rói. Ánh cười của mẹ gợi cho anh vị của đất, hương của mùa. Cái nhìn của mẹ gợi cho anh một cách nghĩ, một cách nhìn, một cách sống.
Thời gian trôi về phía vô cùng. Nhiều khi anh tự vấn: Tâm hồn ta là gì? Và anh tự trả lời: Tâm hồn anh tâm hồn bùn non.
Anh chắt chiu từng giọt bùn sau mùa lụt để bồi đắp cho cánh đồng eo sèo thóc lép của mình. Anh chưng cất niềm vui, nỗi buồn, sự nếm trải, tìm trong đó chút tinh chất và anh ngẫm ra một điều, mọi chớp bể mưa nguồn rồi sẽ qua, cái còn lại, đọng lại là bùn non và tất cả đều có thể trở thành lớp phù sa màu mỡ.
Anh về hái lá trầu nguồn
Đi một quãng đường lại gặp kênh gặp sông
Nhìn nhà ai lại thấy mương thấy giồng
Mênh mông xanh mà xanh triu trĩu quả
Anh có muốn về, em xinh quá, sao về
Quê hương anh nhìn lên thấy núi
Anh muốn gánh núi vào để em nghe tiếng suối
Anh muốn chở bình nguyên về quê mẹ
Mẹ một đời mơ nặng phù sa
Quê hương anh những ngày nắng nôi đất khát
Mẹ trồng khoai gánh nước tưới mặt trời
Em có về thăm nhớ lựa mùa trăng sáng
Những đụn cát vàng thành dải lụa vàng trăng.
Anh thương mái nhà em đơn sơ ẩm ướt
Thương hàng chum đứng đợi cơn mưa
Anh mải mê nhìn cây tràm cây đước
Nghe cá đớp mồi quẫy nước lòng kênh
Ước chi Trường Sơn dài ra Phú Quốc
Đồng bằng Cửu Long nối vựa lúa Sông Hồng
Điệu cò lả theo em lên núi
Mênh mông ruộng đồng anh hát hò khoan
Em ơi, em mặc chi áo bà ba trắng
Để vành nón bài thơ nghiêng chiều tím trong anh
Đá hoa cương Ngũ Hành Sơn tròn vòng tay cẩm thạch
Mẹ chờ anh em có theo cùng
Em ơi, em cười chi mà hiền như bông súng
Hoa dừa rơi em giữ nếp khăn rằn
Lòng anh như nong tằm đang rộ
Em có vui ngày lúa lên đòng
Em ơi, em nhìn chi mà như giã từ mà như níu lại
Mà đằm như chín cửa sông sớt nước chở ra khơi
Em đứng chi dưới hàng cau để hương cau thơm tóc
Anh phải về thôi, về hái lá trầu nguồn…
Quán nhỏ trung du
lưa thưa mưa bay chiều trung du
liêu xiêu quán nhỏ. Mái rạ gầy
còm nhom em bé. Tròn xoe mắt
con mắt ngây thơ nhìn đến hay
quán nhỏ đơn sơ vài thẩu kẹo
đôi chồng bánh tráng mươi liễn trầu
lềnh khềnh hủ rượu choán đầu góc
mỗi một bàn con mấy cốc sành
chủ quán chừng như một cụ bà
dối già. Buôn bán cũng lơ mơ
em bé thơ kia là cháu cụ
mẹ cha xuống ruộng nhờ bà trông
đang nghĩ vẩn vơ chợt giật mình
bước vào cửa quán một thiếu phụ
áo nâu sờn vai, da trắng xanh
đôi mắt trong veo nhìn ngỡ ngàng
đôi mắt trong veo nhìn đến lạ
làn môi thắm đỏ tựa môi hồng
tựa dấu son đời chưa thể xoá
một thời thiếu nữ xinh thậm xinh
lưa thưa mưa bay chiều quán nhỏ
uống cạn cốc đầy. Đôi chân bước
ấy thế… mười năm, xuôi con dốc…
mười năm ngoảnh lại… đất trung du.
Ý
Chúa bảo: xác thân ngươi là cát bụi
Phật bảo: chúng sinh băng qua nghìn trùng sinh diệt
dù biết ra đi là trở về
sống là dấn tới cái chết
anh vẫn thầm lặng nhân danh con người
chối từ
cát bụi cội nguồn
hư vô cố hương
anh xin nhận tình yêu em
làm ngôi nhà vĩnh cửu
xin nhận xác thân giả tạm này
làm nơi chốn
xin nhận cõi người
làm quê hương
sinh diệt nghìn trùng
bời bời cát bụi.
Thắp
sau cơn bão Xangsane quái ác
anh học từ cây sự thắp
như chưa hề có gió giật trên cấp mười hai
như chưa hề có cổ thụ bật gốc
như chưa hề có nhà cửa tan hoang
và mẹ và chị và em ta
ngồi khóc
sống là thắp
anh nhận thức và khẳng định
anh lập luận và bảo vệ
này em
nếu một ngày trước mặt em là khoảng trống hay sự đổ vỡ
xin em thắp lên cho mình chiếc lá non
đẹp xốn xang trên cành cây sau bão
và nếu hy vọng không về
lòng em trống rỗng
xin em thắp lên dù là nỗi cô đơn hay niềm tuyệt vọng
chớ bao giờ làm ngọn bấc lụi tàn vô cảm.
Khúc hát trên đường
(Trông cho chân cứng đá mềm – Ca dao)
Đường dù xa gập ghềnh quang gánh
em ngại gì tôi mấy vết chân chim
tóc hãy còn xanh, bước chân còn sải
khăn gói phiêu bồng cho kịp tháng năm.
Núi cứ non cao, trời xanh, biển rộng
ta mãi là trăng rằm đến lại tròn
gió giật mưa dồn mẹ cha đã trải
ta gánh hạt thơm về những mùa sau.
Đường dù xa xăm, dù tay gối mỏi
vẫn núi sông đây, vẫn đất nước này
tắm gội trong miền ca dao, cổ tích
em hát vì tôi chân cứng đá mềm.
Hai ngọn lửa
(Tặng Hồng, nhân đọc tiểu luận “Tình yêu – hai ngọn lửa” của Octavio Paz)
Tình yêu như hai ngọn lửa
một ngọn lửa tột cùng của hạnh phúc
một ngọn lửa tận cùng của nỗi bất hạnh
anh chưa già và em còn trẻ
chúng ta ở cách xa ngọn lửa thứ hai
nơi lưỡi hái của thần chết chưa thể vươn tới.
Sự ấm áp của lửa cho chúng ta hơi thở nồng nàn
sự giằng xé của lửa khiến chúng ta ngột ngạt khổ đau
sự mãnh liệt của lửa thắp chúng ta tràn trề niềm hy vọng
sự bập bùng của lửa làm thổn thức trái tim ngỡ đôi lần chạm
tiếng vỡ pha lê
ngọn lửa thứ nhất cháy trong ngôn ngữ đa thanh của biển
là tiếng nói sung mãn của Một.
Ngày nào ngọn lửa ác quỷ ùng oàng ập đến
trong kiệt quệ của thân xác anh sẽ nắm chặt lấy bàn tay em
như lời nói sau cùng, lần chiến đấu sau cùng
như sự quật cường của hạnh phúc trước nỗi bất hạnh lớn lao
không thể chối từ.
B.X