Tấm thẻ bài – Truyện ngắn của Đào Sỹ Quang

809

Đào Sỹ Quang

(Vanchuongphuongnam.vn) – Ông Liên là con thứ ba trong một gia đình nông dân có năm chị em ở miền trung du Bắc bộ. Lớn lên ông đi bộ đội rồi vào Nam chiến đấu từ năm 1970. Cha mẹ ông lần lượt đi vào giấc ngủ ngàn thu hồi chưa giải phóng, lúc đó nào ông Liên có biết, mà có biết cũng không thể về chịu tang được. Sau giải phóng ông Liên ở lại Sài Gòn lấy vợ làm nghề thợ may. Vợ chồng ông sinh được hai công chúa. Giờ, người đã có chồng, người đang còn đi học. Quay đi ngoảnh lại thế mà đã mấy chục năm trời.

Nhà Văn Đào Sỹ Quang

Hè này về thăm quê, ông Liên cho vợ đi cùng, không như những lần trước ông chỉ đi một mình. Một trong những nơi mà ông Liên không thể không đến, đó là gia đình ông Vinh – người ở xã bên. Bố ông Vinh là em ruột mẹ ông Liên. Hai anh em chơi thân với nhau từ nhỏ. Ông Vinh cũng đi bộ đội, cũng vô chiến trường miền Nam, nhưng sau ông Liên một năm. Tuy hai anh em cùng vùng chiến sự nhưng nào biết nhau. Trong trận Trảng Bàng ông Vinh bị thương nặng, phải chuyển ra Bắc trước khi Sài Gòn giải phóng.

Gặp nhau lần nào cũng thế, ông Liên và ông Vinh vui lắm, đủ thứ chuyện, nói hoài không hết… Vợ chồng ông Vinh có bốn người con. Ba trai và gái út tên Trinh. Trinh đang buồn vì thi trượt đại học. Thấy cháu gái nhanh nhẹn dễ thương, bác Liên cất lời:

– Con vô Sài Gòn học nghề may đi! Bà Giang vợ ông Liên nghe chồng nói thế, ủng hộ liền:

– Đúng rồi con, làm may cũng được lắm chứ bộ!

Vợ ông Vinh hớn hở, nói câu vội vàng như chẳng hề suy nghĩ:

– Các bác đã nói thế  thì con đi đi!

Trong cạn nghĩ, có lẽ vợ ông Vinh muốn con gái mình được ăn sung mặc sướng, chứ không phải lam lũ cảnh ruộng đồng. Ông Vinh trầm ngâm, rồi cũng thoát ra được câu khôn khéo:

– Vào với hai bác thì còn gì bằng, nếu không thích ở thì kể như một chuyến đi chơi cho biết miền Nam!

Gia đình ông Liên ở Nhà Bè, đây là ngôi nhà một lầu, một trệt của cha mẹ vợ để lại, khá rộng rãi. Vợ ông Liên là con gái út.  Anh trai đầu đi lính Cộng hòa, chết trận hồi 68, kế đến là chị gái theo chồng qua Mỹ, sau năm 75. Vợ ông Liên vô tư kể:

Hồi mới giải phóng, ngày nào anh Liên cũng tới nhà coi tui may đồ rồi khen tôi xinh đẹp, dễ thương. Ảnh tán khéo dễ sợ, rồi hỏi tui có thương ảnh không? Ba má tôi lúc đầu không thích giải phóng, nhưng rồi cũng đồng ý cho tôi lấy ảnh. Nhưng ba má tôi ra điều kiện, ảnh phải ở rể, ảnh gật đầu  liền. Người gì mà khôn quá trời…

Nhà bà Liên có nghề may gia truyền nổi tiếng. Sau khi cha mẹ vợ qua đời, ông Liên bàn với vợ mở lớp dạy cắt may, người đến học đông mỗi ngày…

Thế là Trinh quyết định vào Sài Gòn với gia đình bác Liên, niềm vui cấy trên khuôn mặt.

Chuyến tàu Thống Nhất vô Nam giữa không gian còn rơi rớt tiếng ve sầu. Trên chuyến tàu đó có cô gái quê mùa mang trong lòng biết bao niềm hi vọng…

Trinh học đạp máy may, ghi nhớ trong đầu tác dụng của từng bộ phận máy móc và cách xử lí những lỗi thường xảy ra trong khi may. Bác Giang là người thầy dạy cắt may dày dạn kinh nghiệm, nên chỉ bảo cho Trinh tiếp thu rất dễ. Chẳng mấy chốc đường may của Trinh đã được bác Giang chấm cho điểm cao. Trinh mừng vui như đào được vàng.

Trong những người đến học may có Huệ người Đức Hòa, Long An. Huệ coi Trinh như một người chị để học hỏi kinh nghiệm. Rồi một ngày Huệ mời Trinh về Đức Hòa chơi. Trinh không ngờ nơi đây có con sông trong lời ca mà bố mình vẫn hát: “Ở tận sông Hồng em có biết, quê hương anh cũng có dòng sông. Anh mãi gọi với lòng tha thiết Vàm Cỏ Đông ơi Vàm Cỏ Đông…”

Sau khi nghe con gái giới thiệu, ba má của Huệ chuyện trò với Trinh cởi mở, quý mến ra mặt. Câu chuyện bị đổi hướng khi Tuấn – anh trai Huệ đi làm về. Huệ nói nhỏ với anh trai mình:

– Hôm nay nhà ta có một người đẹp dzô thăm, hì hì… Nè, em dám chắc anh Hai thích luôn hà…

Tuấn bước vào nhà chào ba má, nhìn Trinh, gật đầu nói câu thiếu chủ ngữ:

– Mới tới chơi…

– Dạ, em chào anh!

Huệ “xin có ý kiến”:

– Tối nay anh Hai phải đưa em và chị Trinh đi cà phê, nghe rõ chưa?

Tuấn vui lộ trên khuôn mặt:

– Anh biết từ lâu rồi!

– Anh Hai xạo ghê, ai biểu mà biết từ lâu rồi?

– Thì thần giao cách cảm chứ sao! Câu nói làm Trinh đỏ mặt.

Tuấn chở Trinh và em gái bằng chiếc xe Dream của mình tới một quán cà phê khá đông khách. Trinh được anh Tuấn quan tâm hết mực: “Em thích gì cứ kêu”. Lần đầu tiên trong đời Trinh có khái niệm đi cà phê; được mấy cô gái mặt son, da phấn, môi hồng chạy bàn phục vụ.

Tuấn hơn Trinh ba tuổi, nhân viên giám sát ở một Công ty sản xuất giày. Nếu không có bác Liên ra chơi thì làm sao Trinh biết được những gia vị mà nơi quê mình còn chưa có tên gọi. Trinh thầm cảm ơn Huệ và anh Tuấn.

Trinh và Huệ ngày càng trở nên thân thiết hơn. Riêng Tuấn, mỗi lần em gái về là không quên hỏi thăm Trinh, đôi khi còn có món quà nho nhỏ…

– Anh Hai thương chị Trinh rồi phải hông? Tuấn chỉ cười. Nụ cười ẩn ý sâu xa nhưng không thể qua mặt được cô em gái thông minh, tinh nghịch và có gì láu lỉnh.

Người mẹ gợi ý:

 – Nếu con Trinh chưa có người thương, tau tính thằng Hai mà lấy được nó thì nhà mình có phước đó nghe con!

Do sự khéo léo nhiệt tình  của Huệ mà thỉnh thoảng Trinh về chơi Đức Hòa. Tình cảm giữa Trinh và Tuấn đã có những dấu hiệu mà người mẹ mong muốn…

Tuấn cùng Huệ đưa Trinh đi thăm Gò Chàm, An Sơn, Cái Tháp, viếng chùa Tôn Thạnh, Phước Lâm… Tuấn cũng mấy lần tới nhà bác Liên chơi và nhanh chóng chiếm được cảm tình của các thành viên trong gia đình.

– Bác thấy thằng Tuấn được, nếu quyết thương nó thì bác đồng ý! Trinh nghe bác Giang nói mà lòng rộn ràng… Rồi cái gì đến sẽ đến, Tuấn ngỏ lời yêu Trinh vào một chiều cuối tuần. Tuấn cầm tay Trinh, run run khó nói. Trinh nghĩ trong lòng câu khôi hài “dân chơi Sài Gòn mà lại sợ gái quê ư?” Nghĩ thế nhưng trái tim Trinh như muốn bật ra khỏi lồng ngực…

Má của Tuấn cũng đã tới thăm nhà bác Liên, hai bên vui cười như quen biết nhau từ lâu. Dù không nói ra, nhưng cả hai đều hiểu mỗi bên đang mong đợi điều gì.

Trinh điện về nói với cha mẹ, mình đã có người yêu là con một người lính Việt Nam Cộng hòa cũ, tức thì bị cha kịch liệt phản đối: “Hết con trai rồi hay sao mà phải lấy con ngụy? Không biết bố mình mang thương tật nặng là do bọn ngụy à? Không có chồng thì thôi!” Nghe bố nói vậy Trinh hụt hẫng, choáng váng, cô chỉ muốn chết.  Biết chuyện, bác Liên liền điện ra gặp bố mẹ của Trinh để can thiệp:

– Anh Liên một đảng viên đây mà dám lấy con nhà ngụy đây, có sao đâu, hằn thù sân hấn làm gì, cho chúng nó lấy nhau!

– Con Trinh hư thế sao hai bác không cho nó một trận, đuổi nó về cho em trị tội. Thế này thì còn mặt mũi nào nữa với dân làng!

– Em đúng là dở hơi, anh chị quyết cho chúng nó lấy nhau rồi. Bố nó là ngụy chứ nó đâu là ngụy. Mà thằng này tư cách tốt, đàng hoàng đâu phải loại cà chớn!

Từ trước tới nay em Vinh rất nể phục và tin tưởng anh Liên của mình. Chỉ vì hai chữ thành phần mà anh Liên ngày ấy không được đi bộ đội. Anh đã phải lấy máu viết đơn mấy lần mới xin được vào thanh niên xung phong, đóng quân tận vùng Yên Bái, Lào Cai. Qua bao thử thách, anh Liên mới được chuyển sang bộ đội, rồi phấn đấu trở thành một đảng viên. Cả làng Yên ai cũng mến phục anh…

– Bác nói thế thì em chịu, nhưng bác không được cho dân làng Yên biết con Trinh yêu con ngụy quyền nhá?

– Ừ, anh sẽ bảo con Trinh lấy con ông tướng!

Rồi tình yêu đã đến lúc chín muồi, sau gần một năm Tuấn và Trinh quen biết. Và cũng là lúc Huệ trở thành một cô thợ may. Tuấn xin phép cha mẹ tổ chức làm lễ cưới.

Vợ chồng ông Vinh như mất ăn mất ngủ để chuẩn bị vào Sài Gòn dự đám cưới con gái rượu. Vợ ông Vinh dặn chồng:

–  Ông nhớ mang theo cái cạo gió nhá, khí hậu thay đổi dễ bị cảm lắm đấy.

–  Biết rồi, sao mà tôi quên được!

Vào  dự đám cưới Trinh chỉ có bố mẹ và anh trai cả, đơn giản vì lí do tài chính…

Đám cưới diễn ra đúng như kịch bản. Vợ chồng ông Vinh tận mắt chứng kiến vợ chồng ông Liên sắm cho con gái mình vòng vàng, nhẫn cưới mà nước mắt cứ trào ra. Họ chưa bao giờ nhìn thấy những món quà xa xỉ tặng cho cô dâu chú rể như ở đây. Vùng quê kệch ăn còn chưa đủ no, áo còn chưa đủ đẹp thì làm sao dám nghĩ tới chuyện sang giàu…

Sau đám cưới con gái, vợ chồng ông Vinh được sui gia mời qua thăm nhà, hai bên giờ mới có dịp để hiểu nhau hơn. Có chăng chỉ một chút bẽn lẽn của vợ ông Vinh – gái quê mùa một cục.

Ông Tư Nghĩa cha của chú rể tự bộc bạch về lí lịch trích ngang của mình:

– Tui vô lính, sau sáu tháng quân trường Quang Trung về Tiểu khu Hậu Nghĩa, tham gia được mấy trận lên được cái lon hạ sĩ nhứt. Nghe tới đây ông Vinh giật mình đánh thót, mồ hôi lấm thấm, nhưng đã cố gắng chịu đựng để nghe tiếp ông Nghĩa kể:

– Thời gian sau tôi về Chi khu Trảng Bàng, thuộc đại đội 2 đóng ở Đồng Ớt. Gần cuối 74 đại đội tôi bị quân giải phóng tấn công, cô lập. Chiến sự dữ lắm. Tôi dính miểng cối 82 vào gót chân trái, chiếc bốt – đờ – sô bị phá tiêu! Tui nằm gục ở một vạt đất thấp. Lúc này mấy giải phóng táp vô, một tiếng hô lớn:

“Cho thằng nầy một băng đi thủ trưởng! Mấy họng súng AK liền dí dzô đầu làm tui rúm ró, hai mắt nhắm ghiền, miệng nhẩm đếm một… hai …ba… nhưng … Không được bắn!”. Tiếng của người chỉ huy làm tôi bừng tỉnh dậy.  Người chỉ huy biểu một người lính  băng bó vết thương cho tôi. Rồi anh ta tháo tấm thẻ bài đeo ở cổ tôi ra xem, rồi hỏi: “Mày tên Nguyễn Văn Nghĩa, đúng không”? Tui gật đầu, “dạ, thưa đúng!” Rồi ổng đưa tấm thẻ bài tới trước mặt tui hỏi tiếp: “Các chữ số này nghĩa là sao?” Tôi biểu đó là số quân… năm sinh 1954, nhóm máu B…

Tôi trả lời đầy đủ các thông tin cá nhân trên tấm thẻ bài. Người chỉ huy đưa cho tôi một bánh lương khô và một bình tông nước, giục ăn đi! Tui chắc mình sẽ chết vì liên tưởng tới những vụ xử tử hình, tử tù bao giờ cũng được ăn trước khi ra trường bắn. Tôi cố nuốt để nếu có chết cũng là chết no. Rồi tôi thót tim khi tưởng tượng chốc nữa những viên đạn sẽ xuyên qua đầu, qua tim mình. Tôi tự nhủ, sợ làm chi nữa, đời lính chiến là vậy. Lạ thiệt, vết thương như thế mà sao tôi hổng thấy đau? Bỗng người chỉ huy lệnh cho hai giải phóng: “Đưa thằng này ra trạm dã chiến, nhanh lên”! Một người khác lại nói, “đang chiến sự sao mà đưa nổi, cho nó một băng luôn thủ trưởng, quân ta cũng hi sinh nhiều lắm rồi”! Người chỉ huy la lớn: “Anh là chỉ huy của tôi hả?!”. Người lính kia vội vàng xin lỗi. Anh ta và một người nữa thay nhau cõng tui đi. Tui khóc vì cảm động. Anh lính hồi nãy bị la nói giọng Bắc Kỳ:

– Tại mày mà tao bị quát đấy. Đưa mày đi chữa vết thương rồi thả mày về với Tổng thống Thiệu của mày, mà nhà mày ở đâu?

Tôi biểu nhà ở thị trấn Tầm Vu, quận Bình Phước, Long An. Còn anh kia, nói giọng miền Trung, tôi nghe mà mắc cười, nhưng đâu dám cười to: “Mi đẹp trai thế nầy (này), chặc  (chắc) nhiều em xin chệt (chết) lắm đây!”. Lúc đó, tôi thấy thương hai giải phóng ghê. Họ vừa cõng tôi đi, vừa ở tư thế sẵn sàng chiến đấu… Tôi được điều trị vết thương ở một trạm quân y của Việt cộng, sau khi vết thương ổn họ đưa tôi về một trại thu dung. Rồi sau giải phóng cho tôi đi học tập cải tạo…

Ông Nghĩa kể về kỉ niệm chiến trường mà không hề vấp váp. Mọi người nín thở nghe câu chuyện hết sức cảm động. Ông Vinh trong suốt quá trình nghe chuyện, tâm trạng liên tục thay đổi, đôi mắt chớp nhanh. Rồi ông đứng dậy nhìn xoáy vào ông Nghĩa kiểu như cố tìm ra một chi tiết gì đó? Một sự căng thẳng dán trên khuôn mặt ông Vinh.

Ông Vinh cho tay vào túi quần, rồi từ từ rút ra một…  tấm thẻ bài có sợi dây hạt inox luồng qua. Ông nói giọng như đứa trẻ tập nói:

– Đây… đây… có phải là tấm thẻ bài của anh không?

Mọi người há mồm, trợn mắt vì quá bất ngờ. Các con mắt hết nhìn ông Nghĩa lại nhìn ông Vinh. Chờ đợi?

Hai hàm răng ông Nghĩa đánh vào nhau bầm bập, đôi mắt trợn trừng cầm tấm thẻ bài từ tay ông Vinh đưa cho mà như không nổi. Ông Nghĩa liền kêu toáng: “Đúng rồi, đúng tấm thẻ bài của tôi rồi, sao nó lại ở đây? Trời ơi đã bao năm rồi…”

Vợ ông Nghĩa cũng loạng quạng chẳng hiểu ra cái gì, lúc sau òa khóc.

Ông Nghĩa ôm chặt ông Vinh, như ôm một người thân thoát nạn trở về: “Chính anh là người chỉ huy đánh trận Đồng Ớt hồi 74 đã cứu sống tôi phải hông”?!  

Không ai trong lúc này cầm được nước mắt… Ông Nghĩa chộp lấy bàn tay phải của ông Vinh, đưa lên xem: “Đúng đây rùi, bàn tay  bốn ngón, bữa đó tui còn nhớ mà. Bàn tay đã cứu sống tui”!

Ông Vinh như chết lặng, ông cũng đâu ngờ lại có sự thật hi hữu như thế này. Tiếng súng trận Đồng Ớt năm xưa tái hiện trong đầu ông…

Rồi sự xúc động cũng phải tạm gác lại để mọi người lắng nghe ông Vinh kể:

– Hồi đánh Đồng Dù, tôi bị “mỏ vịt” cưa mất ngón tay út bên phải. Vết thương khỏi tôi tiếp tục ra trận. Khi về Trảng Bàng, đánh trận Đồng Ớt thì bắt được anh Nghĩa, lúc đó anh bị thương vào gót chân trái. Mà ngày đó anh gầy chứ đâu béo như bây giờ. Tôi lấy tấm thẻ bài của anh để làm vật kỉ niệm chiến trường, nghĩ đơn giản vậy thôi. Mấy lính của tôi cứ đòi bắn anh Nghĩa nhưng tôi thấy không đành, giết một đối phương khi người ta không còn khả năng chống cự thì hóa ra mình hèn quá! Khi hai chiến sĩ đưa anh Nghĩa đi được một lúc thì bất ngờ pháo kích bên kia cấp tập đánh trở lại và trận chiến tiếp tục diễn ra khốc liệt hơn. Tôi bị thương vào bụng, không còn khả năng chiến đấu. Và trận đó bên các anh đã lấy lại được Đồng Ớt. Tôi được chuyển ra Bắc, vừa đi vừa điều trị vết thương, gian nan lắm, phải mất bao tháng trời mới ra tới nơi. Ra tới Bắc thì được tin Sài Gòn giải phóng. Tấm thẻ bài của anh vừa là vật kỉ niệm, vừa là một y cụ chữa bệnh đấy, – ông Vinh cười – nào ngờ nó trở thành chất keo gắn bó hai kẻ thù sau cuộc chiến! Giờ tôi xin tặng lại tấm thẻ bài này cho anh Nghĩa!

Ông Nghĩa nhìn ông Vinh nói câu chứa chan niềm xúc động:

– Mà ngày ấy anh cũng ốm chứ đâu mập như vầy, đúng là hữu duyên thiên lí năng tương ngộ. Hai chúng mình có duyên với nhau, các con mình cũng lại có duyên với nhau!

Vợ ông Vinh hai mắt đỏ lựng, nói giọng run run mà chân thật:

– Hóa ra cái cạo gió của nhà tôi là của anh Nghĩa. Hồi tôi bị cảm, nếu không có cái của anh Nghĩa thì có mà chả chết rồi. Ở xóm tôi, nhà nào cũng ít nhất một lần biết cái của anh Nghĩa, đến độ dùng nó mòn cả đi. Thật đời chả biết thế nào…

Câu nói của vợ ông Vinh làm mọi người bật cười cùng những hạt nước mắt long lanh…

Một ông già, trước kia cũng từng khoác áo lính Thủy quân Lục chiến thân với nhà trai, kéo cô dâu, chú rể lại gần, như công bố một sự kiện quan trọng:

– Các con thật là hạnh phúc. Rồi ông nhìn mọi người, giờ đây ai biểu đâu là Việt cộng, đâu là Cộng hòa? Không có nha, giờ chỉ có ta với ta! Chúc mừng, chúc mừng! Cho một chàng pháo tay…

Đ.S.Q