Tâm tình của một F0

759

Lưu Thị Phụng

(Vanchuongphuongnam.vn) – 1. Con đường chạy qua căn nhà trọ của tôi luôn ồn ào, náo động. Tiếng còi gấp gáp của ô tô, tiếng rồ ga của những chiếc xe máy len vào hối hả. Nhiều lúc ngồi trong phòng mà cảm nhận nhịp điệu cuộc sống bây giờ nhanh đến chóng mặt.

Thế mà đã hai tháng nay, không tiếng rú còi của mấy tay lái lụa. Thảng hoặc vài cái xe máy lặng lẽ chạy qua khi thật cần phải ra đường. Không gian lặng như tờ, giấu đi đâu rồi cái náo nhiệt thường ngày? Guồng quay cuộc sống đã chậm lại. Các trường đã cho học sinh tạm nghỉ. Nhiều nơi, công nhân mang đồ đoàn quần áo đóng đô để sản xuất tại các phân xưởng. Vốn xuất thân từ dân công nghệ, tôi không đến văn phòng mà đăng ký làm online tại nhà.

Thỉnh thoảng tôi hé cửa, phóng tầm mắt ra hóng gió. Phố lặng lẽ nép mình dưới rặng cây xanh. Rồi phố ngẩn ngơ đếm vài cái lá vàng đang giùng giằng như chẳng nỡ rơi. Nắng thu làm cho không gian phăng phắc giữa cửa đóng then cài. Những mảnh trắng chòng chành chăng ngay sát cửa. Người ta căng dây để giãn cách, trong không ra, ngoài không vào, nhà cách nhà bởi đại dịch Covid-19 đã xuất hiện lần thứ tư.

2. Tôi là thằng vô tích sự sau một đêm lẻn ra tụ tập cùng với lũ bạn. Quán cafe nằm ẩn trong khu vườn thật huyền diệu. Chỉ duy nhất một bóng đèn đỏ 15W cũng đủ để cả bọn ngồi tán nhăng tán cuội mà không bị phát hiện. Buổi sáng của ba hôm sau, khi không thể nhúc nhắc được chân tay, tôi dự cảm rất có thể mình đã là một thằng F0 gây họa rồi.

Từ phòng trọ, tôi bấm số gọi trung tâm y tế. Những ngày tôi được chỉ định điều trị tại nhà, có ba bốn nhân viên y tế, quần áo bảo hộ bùng nhùng thay phiên nhau đến lấy mẫu xét nghiệm, đo nhiệt độ, kê đơn thuốc, hướng dẫn tôi tự chăm sóc sức khỏe. Những bóng áo trắng thoắt đi thoắt về trong lằn danh giữa sự sống và cái chết như đã thổi vào hồn tôi một niềm tin.

Vào lúc tỉnh táo, nằm một mình, tôi nhớ nhà kinh khủng. Nhớ tiếng mẹ xùy xùy đàn gà con náo loạn xông vào cướp đồ ăn trong bếp. Nhớ mẹ không ít lần cằn nhằn than vãn chuyện đã ba mươi tuổi rồi mà vẫn ế xỉa ế xưng. Tiếng con em gái ỉ eo đòi quà của giai phố mỗi lúc anh về. Những lần bố dừng cuốc xới ngoài vườn hỏi với vào “Về rồi hả con?”… mà tự nhiên nước mắt cứ ứa ra. Nhưng dẫu thế nào, tôi cũng nhất định không gọi điện về nhà.

Giữa cái nóng hầm hập, em mang đồ ăn đến. Em là người được phân công trực, theo dõi và chăm sóc tôi. Em dấp ướt khăn lau mặt cho tôi. Em bón cho tôi từng thìa cháo. Em bỏ vào miệng tôi từng viên hạ sốt, giảm đau. Đằng sau chiếc khẩu trang trắng, hẳn là một nụ cười vì đôi mắt em thật tươi tắn ấm áp… Đôi lúc, chập chờn giữa những cơn mê sảng, tôi gọi em trong sự cô đơn. Tôi tự dày vò mình là kẻ bại não nên coi việc lén đi tụ tập chỉ là để xả stress. Một thằng F0 đang khò khè, đau nhức và đầy sự ân hận đã khiến tôi rên rỉ: Em ơi! Đừng bỏ tôi! Tôi mơ hồ cảm nhận như có một sự trìu mến thật dịu dàng đang ở rất gần tôi.

Em kiên trì hướng dẫn tôi tập thở để vượt qua những cơn thắt ngực. Lúc đã đỡ đau hơn, tôi gượng dậy, xoa nắn vùng ngực, bả vai, thận trọng nhấc từng bước chân như thể con nít tập đi. Tôi hít lấy hít để cơn gió mồ côi vừa chợt thoáng qua, thấy người nhẹ nhõm hơn. Thế là hàng ngày tôi tập thở hai ba lần, rồi tăng dần để tạo ôxy cho lá phổi.

Sau hai mươi hôm điều trị, tôi có kết quả âm tính lần hai. Khỏi phải nói tôi đã sung sướng thế nào, tôi bật lên tiếng kêu Mẹ ơi mà nước mắt giàn giụa. Còn em, em đứng rất gần bên tôi, gió thu se se làm gò má em bỗng hồng trở lại sau bao ngày mệt mỏi, nhợt nhạt vì thiếu ngủ.

Chỉ mới hai lần âm tính đã xóa đi trong tôi những hoang mang lo sợ. Tôi như được sinh khí hà hơi, bước chân mạnh mẽ hơn. Tôi trở dậy, đi lại, tập những động tác thể dục nhẹ nhàng. Tôi ngồi thiền, tôi nghĩ đến những giấc mơ dang dở mà thấy xốn xang. Em ngồi đấy, nở nụ cười nhẹ nhõm vì tôi đã vét đến hạt cuối cùng của hộp cơm mà em mang đến.

3. Tôi chưa biết em tên gì, quê em ở đâu. Thời gian qua, chỉ có những lời hướng dẫn, động viên của em và các nhân viên y tế khác. Ngoài những cơn đau vật vã, những trận sốt dài tới hai ba ngày mỗi lần của tôi, chúng tôi làm gì có thời gian để hỏi han nhau. Tôi không quan tâm em bao nhiêu tuổi. Nhưng người con gái có cái nhìn dịu dàng và bàn tay ấm áp đã nhiều lần trở về trong giấc ngủ của tôi.

Báo tin tình hình sức khỏe về cơ quan, tôi trở dậy làm việc một tiếng. Rồi mở Facebook, tôi muốn viết một điều gì đấy cho riêng mình, nhưng chỉ có thể bật ra được mấy chữ:

Trời xanh cho anh

Ngọn gió cho  anh

Chỉ là em chưa cho anh…

Vừa mới bấm nút “đăng”, đã boong một cái. Con em tôi đã nhảy vào: “Thế thì ế xưng ế xỉa ra rồi!” khiến tôi không khỏi bật cười.

Tròn một tháng, tôi âm tính lần thứ tư. Em mang cho tôi giấy chứng nhận khỏi Covid 19, nói lời chúc mừng rồi vội vã leo lên xe đi cấp cứu một ca F0 khác. Tôi được chỉ định tự cách ly thêm bảy ngày. Một tháng nghỉ khiến tôi có quá nhiều việc. Lương thực, thực phẩm do tổ Covid cộng đồng hỗ trợ mang đến. Vốn đã ở một mình từ lâu, nên tôi có thể tự lo khoản cơm nước. Một tháng trong bốn bức tường và mảnh sân con con, khiến tôi yêu hơn mùa thu có những phiến lá li ti ấp iu giọt sương mai lóng lánh. Tia nắng như hé mắt cười đón ngày tôi khỏi bệnh. Khóm cúc ngoài góc sân vàng rộm một màu hy vọng. Quả thật mùa thu này lặng lẽ hơn mọi mùa thu, liên tục những thông tin cách ly, giãn cách vì chủng mới Delta đang hoành hành. Nhưng tôi tin chắc, đây không phải là một mùa thu cô đơn. Mùa thu năm 2021, toàn dân tộc ta đã chung tay, đã sẻ chia những thử thách và đồng lòng quyết tâm thắng dịch! Sức khỏe tôi đã dần hồi phục. Lúc đầu chỉ làm việc một tiếng, tôi tăng dần lên hai tiếng, rồi bốn tiếng chia đều cho sáng và chiều.

Tôi chăm chỉ tập thể dục, hít thở sâu trong làn gió heo may thổi qua mảnh sân nhỏ. Ơ kìa, trời đang giữa thu mà tôi vẫn đếm được những đọt non vừa mới nhú lên của khóm hoa hồng, đếm được cả những bông hoa tím lao xao của giàn đậu biếc. Nhìn đôi chim sâu nhảy nhót chuyền cành, tôi thấy lòng mình mềm lại, thấy khao khát và trân quý những gì đã có mỗi ngày qua. Rồi nhiều lúc, thấy mình chơi vơi. Trước kia, tôi cần không gian lặng lẽ để đầu tư cho công việc, thì lúc này điều đó đã làm tôi trống trải. Tôi nôn nao, mơ màng một nỗi nhớ trong lòng… Có thể, vì tôi đã xa mọi người mấy tháng rồi. Hóa ra, sự lặng lẽ cần thiết vẫn là nằm trong một không gian sống động. Còn sự cách biệt quá lâu dễ làm con người ta trở nên cô đơn. Nhiều người có thói quen làm việc ở quán trong hương thơm mờ ảo của cafe, có âm thanh nhè nhẹ của một bài ca như từ đâu vẳng lại. Hay một anh bạn của tôi chẳng đã chuyên viết văn ở một góc công viên, bên những ầm ào xe cộ là gì…

4. Một hôm thằng bạn cùng thời đại học gọi hỏi thăm. Hóa ra nó cũng F0 đã khỏi, giờ làm tình nguyện viên trong bệnh viện. Nó kể câu chuyện mình như được sinh ra lần thứ hai nhờ sự tận tâm của các y bác sĩ. Nó muốn cống hiến cuộc đời mình. Nó rủ tôi làm cùng. Nó hẹn thời gian đón tôi, mặc định như tôi đã đồng ý. Mà không đồng ý sao được khi tôi cũng đã từng như nó. Tôi sẽ làm một tình nguyện viên hỗ trợ các y bác sĩ trong tuyến đầu chống dịch. Tôi sẽ kể cho những F0 nghe câu chuyện của mình. Tôi sẽ kể về những chiến sĩ áo trắng ngày đêm chăm lo từng miếng cơm, viên thuốc cho biết bao người bị F0 để tạo dựng lạc quan, tin tưởng vào ngày mai. Tôi sẽ kể về những y bác sĩ đã lặng thầm hy sinh giúp chúng ta giành giật lại sự sống thế nào. Những chiến binh áo trắng ấy cũng là con người, họ có những nỗi đau, có người thân đang chờ đợi. Trong số họ, đã có người chỉ nuốt nước mắt bái vọng, chứ đâu được về kịp nhìn mặt người thân trước lúc lâm chung làm chúng ta thật trân trọng .

Tôi mong được gặp em quá. Nhưng biết tìm em ở đâu? Một cô gái điều dưỡng nay tăng cường điểm nóng này, mai hỗ trợ chỗ nguy nan khác thì biết bao giờ tôi mới có cơ hội? Nhưng tôi tin lắm, một ngày kia nếu có duyên, nhất định tôi sẽ gặp lại em.

Em ơi! Cô điều dưỡng viên dịu dàng ấm áp ơi! Em sẽ luôn bình an nhé! Tôi đã bật gọi em như thế trong căn phòng bé nhỏ, trong lúc sắp xếp hành trang cho chuyến đi mới của cuộc đời mình.

L.T.P