Tần Hoài Dạ Vũ – Hồn thơ đa cảm (phần 1)

666

Hoàng Thị Bích Hà

(Vanchuongphuongnam.vn) – Có dịp đi sâu tìm hiểu để viết về tác giả Tần Hoài Dạ Vũ, tôi không khỏi đi từ ngạc nhiên đến thán phục và ngưỡng mộ một con người. Anh là một nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà báo, nhà giáo… và còn là nhà hùng biện nữa.

Nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ 

Thơ ca là một nhu cầu tinh thần không thể thiếu trong đời sống con ngườì. Giữa bộn bề của cuộc sống thì góc thơ yên bình vẫn là nơi để chúng ta trở về, để thấy tâm hồn mình lắng dịu trong những ngọt ngào sẻ chia. Thơ Tần Hoài Dạ Vũ đã có chỗ đứng trong lòng độc giả. Tại sao thơ anh lại có sức lôi cuốn như thế? Điều gì đã kéo bạn đọc đến với thơ anh? Điều gì đã khiến nhà thơ phải sáng tác và đọc thơ như là một niềm đam mê. Những câu hỏi đó cứ thôi thúc tôi đi vào thế giới thơ anh để tìm câu trả lời.
Tôi được tiếp cận với thơ anh từ rất sớm, khi tôi đang là một công chúng thiếu nhi. Tuy lúc đó tôi chưa hiểu hết nội dung và ý nghĩa của bài thơ nhưng tôi vẫn cảm nhận được thơ anh hay, đầy xúc cảm và cách dùng từ rất đắt.

Nay, khi tôi có dịp đi sâu tìm hiểu để viết về tác giả Tần Hoài Dạ Vũ, tôi không khỏi đi từ ngạc nhiên đến thán phục và ngưỡng mộ một con người. Anh là một nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà báo, nhà giáo… và còn là nhà hùng biện nữa.
Viết về tác giả Tần Hoài Dạ Vũ, tôi xin trình bày theo các mục sau đây:
1. Vài nét khái quát về văn nghiệp của Tần Hoài Dạ Vũ
2. Thơ tình của Tần Hoài Dạ Vũ
3. Tần Hoài Dạ Vũ với quê hương xứ Quảng
4. Thơ Tần Hoài Dạ Vũ với Huế
5. Nỗi đau đời và tâm thế an nhiên trong thơ Tần Hoài Dạ Vũ
6. Thi pháp thơ Tần Hoài Dạ Vũ 

Vài nét khái quát về văn nghiệp của Tần Hoài Dạ Vũ

Tôi được biết đến tên tuổi của Tần Hoài Dạ Vũ qua những sáng tác của anh, từ khá sớm. Trước hết, anh là một nhà thơ, đặc biệt là thơ tình. Thơ đã đăng trên các báo và tạp chí từ những năm 60-70 của thế kỷ trước, khi anh còn là cậu học trò Quốc Học, rồi sinh viên Đại học Huế. Anh đã thực hiện nhiều tờ báo công khai và bán công khai trong suốt mười năm (1965-1975). Đến nay, anh đã có thơ trong hơn 60 tuyển tập thơ xuất bản trong nước và ngoài nước. Tần Hoài Dạ Vũ còn là một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian. Những nghiên cứu, biên khảo của anh về văn học dân gian Quảng Nam – Đà Nẵng là những công trình nghiên cứu giá trị. Đó là những tác phẩm văn học dân gian nhiều đời đã được sưu tầm, nghiên cứu, lý giải rất công phu, rất thuyết phục!

Trong những buổi “Giao lưu tác giả và tác phẩm”, công chúng yêu văn học nghệ thuật còn được biết đến Tần Hoài Dạ Vũ như là một nhà hùng biện với phong cách tự nhiên, nghiêm trang nhưng dí dỏm, trong không khí các buổi giao lưu sôi nổi, hào hứng và để lại ấn tượng khó quên trong lòng bạn đọc – khán giả.

Thơ tình của Tần Hoài Dạ Vũ

Thơ tình của anh có nét rất riêng, “rất Tần Hoài Dạ Vũ”, bởi có sức hấp dẫn riêng, với sự độc đáo giàu suy tưởng và chất men say trong ngôn ngữ thơ, mà nhiều thế hệ độc giả đã yêu thích và thuộc không ít những câu thơ của Tần Hoài Dạ Vũ.

Thơ tình của Tần Hoài Dạ Vũ là những sáng tác chiếm ưu thế nổi bật và độc đáo. Đó là tiếng lòng của thi nhân, là khát vọng về hạnh phúc, là tình yêu mãnh liệt, nồng nàn, say đắm. Ta bắt gặp những điều đó qua những câu thơ rất đỗi chân thành, được viết nên từ những cung bậc tình cảm buồn thương da diết, day dứt và cô đơn trong tâm trạng của nhà thơ.

Em chưa đến mà mùa xuân đã hết
Anh còn nguyên một nửa giấc mơ tàn
Đóng cửa đời nghe gió cũ kêu than
Tình đợi chết trong bóng chiều mê sảng

(Một nửa giấc mơ tàn)

Thơ tình Tần Hoài Dạ Vũ viết vào lúc thanh xuân hay đến tuổi trưởng thành chín chắn, bao giờ cũng đằm thắm, nhẹ nhàng và man mác một nỗi buồn. Ở đó, có những suy tưởng sáng tạo, là những cảm nhận về cuộc sống, về tình đời, tình người, tình yêu đôi lứa và những ưu tư về thân phận con người. Những câu chuyện tình dang dở, éo le, nhớ nhung và cay đắng nhưng bao giờ cũng tràn đầy lãng mạn.. “Không sóng lớn gió to không là biển/ Chẳng nhiều cay đắng chẳng là yêu” (Puskin).

Ai trong đời mà chẳng đã từng yêu và khát khao hạnh phúc. Mà tình yêu có phải bao giờ cũng ngọt ngào, vì không phải cứ yêu là kết tóc se tơ, nên làm sao có thể tránh khỏi những dang dở,  chia xa…

Em chẳng bao giờ hiểu hết lòng anh
Năm tháng gió và vách đời mưa tạt
Bước chân vui giẫm lên thời mất mát
Cơn buồn dài cứ đi hết chiều sâu

(Dạ khúc của một người hay buồn)

Nỗi cô đơn đã dằn vặt, làm thao thức tâm hồn nhà thơ trong cái yên ắng lạnh lùng của đêm khuya. Tần Hoài Dạ Vũ hướng suy tư vào nội tâm và chiêm nghiệm:

Những chuyện tình đổ vỡ trong đời
Lại thường chẳng có nguyên nhân nào rõ rệt

(Tự vấn)

Tần Hoài Dạ Vũ là một nhà thơ tình lãng mạn, với cách viết nhiều ẩn dụ, giàu hình ảnh, giàu tính nhạc. tinh tế và biểu cảm:

Sóng vẫn vỗ bên mạn đời tha thiết
Gọi sông xưa ngày mưa ướt tiếng đàn
Anh suốt đời ôm nhầm bóng trăng tan
Và sông chảy phía chân trời dâu bể
(Dòng sông phía chân trời)

Và dù cho tình yêu có không đi đến cuối con đường, thì niềm yêu, nỗi nhớ vẫn “nồng nàn như lửa cháy”:

… Tôi lạc chính mình đuổi bắt dầu chân xưa
Hoa đã rụng mùa xuân không về nữa
Nhớ thương như lửa cháy phía đêm dài
(Tâm cảnh)

Thơ là tiếng nói của con tim. Tần Hoài Dạ Vũ viết về tình yêu của chính mình nhưng có bóng hình bao đôi lứa đang yêu. Thơ Tần Hoài Dạ Vũ chứa chất nỗi niềm đa cảm, nồng nàn và tha thiết. Những vần thơ có bóng dáng người tình với những nét tinh tế dịu dàng và âu yếm. Mỗi thiếu nữ đi qua trong đời thi nhân hay trong trí tưởng tượng của thi nhân bao giờ cũng mang một chút hương ân ái, nên thơ Tần Hoài Dạ Vũ hấp dẫn và lôi cuốn người đọc. Đôi khi anh viết về  những chuyện tình dang dở; dẫu đang phải day dứt, chia xa, trong mối tình không đi đến cuối con đường, (Còn ai mà chờ đợi? Rạng sáng buồn không trôi...), nhưng vẫn không nguôi hi vọng về một hạnh phúc le lói cuối con đường:

Em làm ơn châm đốm lửa thương yêu
Để mùa sang, con chim hót trong chiều
và tình chúng ta bốn mùa hoa nở 

(Tình khúc bốn mùa)

Ước chi trái tim tôi vẫn trong vắt tiếng đàn
Để yêu em một ngày xuân mới chớm
Dắt nhau về chiếu hoa dù trải chậm
Em buồn ư? Ân ái vẫn trăng rằm

(Phân bua với mùa xuân)

Tình là vầng dương, là ngàn sao, hay chỉ là vầng trăng khuyết? Trên thế gian này, còn gì hạnh phúc hơn tình yêu? Hay có gì làm ta đau khổ bởi tàn phai như tình yêu? Nỗi đau khổ vì tình không chỉ dằng xé trong tâm hồn những đôi lứa không thành, mà chứa chan nhất là trái tim thi nhân, từ những nỗi đau đó đã gửi gắm vào thơ – những bài thơ tình đẫm lệ.

Tấm lòng bao giờ cũng muốn tình yêu là trọn ven nhưng cuộc tình thì không tránh được dang dở chia phôi nên thi nhân chìm trong nỗi cô đơn:

– Em không về cho kịp nắng mùa đông
Bụi cơm áo cuốn bên trời lận đận…
– Đèn nhà ai vui sáng cửa sum vầy
Nỗi cô quạnh xui anh không nhìn ngắm
Ai chẳng biết đời ta là hữu hạn
Nhưng làm sao tìm lại chút thanh bình?

Trong đau xót chia ly, thi nhân vẫn mơ ước một phép màu sum họp:

– Có ai về gảy lại khúc đàn xưa?
Mùi hương cũ còn chăng trong kỷ niệm?
Căn phòng hẹp. Tiếng chuông chùa. Chiều tím
Anh một mình thương nhớ chính đời anh!
– Nhớ thương nhiều cũng đến thế mà thôi

(Chiếc bóng mùa đông)

Tâm trạng thổn thức chờ mong và không tránh khỏi thất vọng khi buộc phải chấp nhận thực tế cuộc đời:

Như lòng anh là cơn mưa đổ ập
Đi về đâu trên phố tối lạnh đầy

Thi nhân buồn vương nỗi buồn của trần thế, cho cả biết bao nhiêu cuộc tình dang dở trên thế gian, để cuộc đời thực đi vào thơ nhờ sự tài hoa của thi nhân để lưu lại cho đời những vần thơ tình da diết.

Với những sợi chỉ đời mong manh
anh đã dệt cho mình một tấm áo choàng đa cảm
Và trên tấm áo ấy
anh đã đính đầy những giọt lệ thế gian

(Người đa cảm)

Đau khổ là thế nhưng thi nhân vẫn yêu, vẫn nồng nàn cháy bỏng với tình yêu:
– Em cứ thả hương đắm người vô tội
Tôi vẫn đi về trên những lối chờ mong
– Em hãy trả tôi cõi tình cháy bỏng

Để tôi uống cơn say của chính nỗi buồn!
(Mùa xuân và nỗi buồn)

– Biết bao giờ tôi mới quên được những lời nói êm đềm
Đã bắc võng ru tôi giữa hai bờ ảo tưởng 

(Tháng năm si dại)

Thi nhân gửi tình vào thơ, nếu chưa đủ, thi nhân mượn luôn bầu trời để thể hiện tình yêu với nỗi niềm khát khao cháy bỏng vô biên. Có gì lớn hơn bầu trời để tác giả mượn hình ảnh so sánh với tấm lòng bao dung vị tha rộng lớn, chất chứa tình yêu:

Nếu thơ tôi không chở hết tình tôi
Xin em hãy nhận cả bầu-trời-xanh-tấm-lòng-tôi-đó.
Để mai sau trên dặm dài thương nhớ
Dưới trời xanh em vẫn thấy hồn tôi

(Bầu trời – lòng tôi)

Những hình ảnh “vầng trăng chết”, “nắng”, “mây”… của thiên nhiên có khi đi vào thơ Tần Hoài Dạ Vũ như dự báo cho những gì không lâu bền, vĩnh cửu, là nhân chứng cho bao cuộc tình không trọn vẹn. Đọc những dòng thơ đau đáu với tình yêu dang dở, độc giả yêu thơ không khỏi xót xa và buồn vương nỗi buồn của nhà thơ:

– Em bội ước đem lòng qua xứ lạ
Nắng theo mây và mây nát bên trời”
– Còn nửa mùa thu cũ ở bên tôi
Trăng đã chết giữa đêm rằm ân ái
Đêm vẫn dài chẳng còn ai nói với
Tiếng nhạc buồn hiu hắt đến ban mai
(Khép lòng)

Nói đến ban mai, ta thường liên tưởng tới bình minh tỏa rạng, nhưng ở đây, nhìn ban mai mà chỉ nghe điệu nhạc buồn hiu hắt, không thể buồn hơn nữa… Nỗi buồn dâng đầy trong lòng, rồi tỏa ra khắp không gian chung quanh, và những hình ảnh của thiên nhiên trở thành tâm trạng nhuốm đậm buồn phiền của tác giả:

Không thể chung một điểm dừng chân nữa
Con đường xưa cỏ đá tách hai bờ
Không thể thấy một ngọn đèn trước cửa
Tôi khép lòng cho bóng tối thờ ơ
(Khép lòng)

Tại sao phải “khép lòng”? Vì “không thể chung một điểm dừng chân nữa”! Mà thực sự đã khép lòng được chưa, hay sóng lòng vẫn còn xao động, vẫn đầy giông bão để day dứt không nguôi?  Khi:

Tôi nhớ một người không nhớ tôi
Nửa đêm ngồi dậy ngóng phương trời
Trăng cong treo ngược câu hò hẹn
Đời cạn. Thơ buồn… không tiếng rơi”
(Thơ rơi… Đêm Giáng sinh)

Thơ tình của Tần Hoài Dạ Vũ có nhiều sắc thái tình cảm, với đủ các cung bậc của tình yêu. Đó là: yêu thương, nhớ nhung, hờn dỗi, chua chát, thất vọng… dẫn dắt cho người đọc đi vào thế giới tâm hồn của thi nhân, để thấu hiểu và cảm thông với nỗi buồn của thi nhân, cũng để tìm thấy sự đồng cảm, một tiếng nói sẻ chia, một tiếng lòng tri âm hội ngộ.

Người đọc không khỏi xót xa trước những những vần thơ nói về tình yêu dang dở, cuộc tình không trọn vẹn, hay đổ vỡ của hôn nhân. Đến khi nào thì hạnh phúc mới ở trong tầm tay và bao lâu nữa thì nỗi buồn thôi xuất hiện? Câu hỏi đó người đọc muốn hỏi thi nhân mà cũng có thể tự hỏi chính mình! Bởi cuộc đời mà! Có bao giờ không mất mát khổ đau? Tình yêu nào mà cái da diết, cái đắm say không có vị đắng cay xen lẫn. Cuộc đời người, khi tuổi trẻ đi qua, có lẽ ai cũng đã hơn một lần nếm trải:

Anh là kẻ rong chơi còn mang lắm nợ
Những gánh đời quằn quại cả thân danh
Bước chân anh đìu hiu như cây già đợi gió
Một sáng nào lá rụng xuống hư vô”
(Trong cuộc đìu hiu)

Tình yêu của thi nhân cũng không tránh khỏi éo le trắc trở, bởi có phải ai khi yêu cũng đều có thể chung bước trọn đời đâu, nên những mối tình dang dở thường day dứt mãi không thôi.

Em, chỉ có em là tình yêu mãi mãe
Vì em
Là nỗi buồn trong sâu thẳm hồn tôi
(Nỗi – buồn – tình – nhân)

Tâm hồn của Tần Hoài Dạ Vũ rất nhạy cảm và tinh tế, cảnh vật  tự nhiên và rất có hồn khi đi vào thơ anh. Nó được tác giả mượn để “tả cảnh ngụ tình” cho những nối niềm dấy lên trong lòng tác giả và Tần Hoài Dạ Vũ mượn câu từ để chuyển tải cảm xúc của mình để gửi đến nhân vật trữ tình trong thơ và độc giả. Tình yêu có đắng cay nhưng cũng đủ ngọt ngào. Tình yêu đã làm cho cuộc đời tươi mới:

– Rồi em đến một ngày xuân có nắng
Bàn tay em che mát bóng đời anh
Hồn đau xưa thấp thoáng khoảng trời xanh
Anh nhắm mắt bỗng nghe mình trẻ lại

– Phút yêu em lòng anh thành hoa trái
Tình không tên không đòi hỏi bao giờ
Em dịu dàng ngọn đèn sáng trong mơ
Anh thôi lạc giữa bước đời dâu bể
(Khúc dạo đầu bình an)

Và dù sao đi nữa thì tình yêu vẫn là thách thức vĩnh cửu trước thời gian:

Dẫu cuộc sống có từ chối ta đến trăm lần
vẫn phải giữ lại một điều rất thực
Là tình yêu còn mãi với con người
(Xác định)

Phải chăng tình yêu với đủ các cung bậc mong nhớ, nồng nàn và  tha thiết đắm say đã trở thành niềm rung cảm và xao xuyến trong thơ Tần Hoài Dạ Vũ?

Thơ tình là mảng thơ chiếm ưu thế trong thơ anh, bởi hồn thơ đa sầu, đa cảm và hơn hết là nỗi niềm gửi gắm của tác giả vào thơ. Gửi đến cho người đọc thông điệp: rằng yêu là phải tha thiết, đắm say, chân thành, nồng nàn như thế!

Đọc  thơ Tần Hoài Dạ Vũ, có lẽ người mọi người yêu thơ  đều tìm thấy được nguồn cảm hứng dạt dào, khao khát cho riêng mình. Đối với lứa tuổi đã trưởng thành đọc thơ anh sẽ tìm thấy những hoài niệm đẹp về tình yêu đôi lứa của một thời tuổi trẻ đã qua, gợi lại  cả khung trời kỷ niệm đẹp không tàn phai theo ngày tháng.

(Còn tiếp)