(Vanchuongphuongnam.vn) – Cố đô Huế từng được biết đến với một biệt danh khác là đất Thần Kinh. Không biết ý tứ sâu xa của hai chữ này là gì nhưng tôi thì cứ cắt nghĩa theo cách hiểu nôm na: “Thần” là thần tiên, thần thánh còn “Kinh” là kinh đô, kinh thành.
Tác giả bên Gác Trịnh
Với cách hiểu triết tự này thì Thần Kinh có nghĩa là kinh đô thần thánh, kinh đô thiên thần. Nghĩ thế tôi lại thấy cái biệt danh kia xem ra có vẻ đậm chất huyền ảo nhưng cũng chứa đựng biết bao điều tự hào của một xứ sở vốn được xem là “non xanh nước biếc như tranh họa đồ” và từng là chốn dung thân bền vững suốt gần bốn trăm năm của một vương triều công tội đang còn chưa rõ phân minh. Cứ thế, miên man từ những triết tự chữ nghĩa mà tôi nhớ về sự kiện Trịnh Kiểm giết chết Nguyễn Uông khiến Nguyễn Hoàng lo lắng và nghe theo lời khuyên của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Hoành Sơn nhất đái vạn đại dung thân” (Một dãy Hoành Sơn có thể dung thân được muôn đời) để tìm đến lập nghiệp rồi phát tích tại chính nơi đây theo một giấc mơ. Người ta kể rằng, sau thời gian Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa, trong một tiến trình nỗ lực để mở mang bờ cõi và xây dựng lực lượng, thu phục nhân tâm người Đàng Trong của các chúa, các vua nhà Nguyễn. Đến đời vua Gia Long, sau khi lên ngôi năm 1802 thì đến năm 1803 ông bắt đầu đi tìm đất và xây dựng kinh đô một cách ổn định tại Phú Xuân. Đêm trước ngày định đô nhà vua đã nằm mơ thấy một vị thần hiện lên và dặn: hãy cho một người châm một nén hương rồi lên ngựa từ chùa Thiên Mụ phi thật nhanh dọc theo bờ sông xuống vùng hạ lưu (cũng có người kể là đi thuyền xuôi dòng sông). Hễ hương cháy hết ở đâu nhà vua hãy cho dựng đô ở đó. Và thế là thành Huế được dựng lên bắt đầu từ đây và dòng sông trước mặt kinh đô cũng có tên là Hương Giang từ đó.
Trước khi có tên gọi là dòng Hương, con sông đi qua kinh thành Huế ấy từng có các tên gọi là sông Linh (theo “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi), sông Kim Trà (theo “Ô châu cận lục” của Dương Văn An), sông Hương Trà (theo “Phủ biên tạp lục” của Lê Quí Đôn) và nhiều tên gọi khác như là Lô Dung, sông Yên Lục, sông Dinh. Cái tên Hương Giang chính thức và ổn định kể từ thời vua Gia Long cho đến ngày nay. Tên sông ấy gắn liền với câu chuyện định đất đóng đô của nhà Nguyễn. Xem ra người ta lấy tích thần tiên để đặt tên cho dòng sông và tri ân sự linh phù của vị thần tiên nào đó ở chùa Thiên Mụ quả thật có ý nghĩa. Cái tích ấy huyền ảo nhưng ta vẫn thường thấy trong cách lý giải của các nhà phong thủy khi đi tìm đất đẹp, nhất là đất định đô. Sự tích dòng Hương như thế không chỉ tạo nên niềm tin cho con người mà còn gợi hồn cho một dòng sông. Câu chuyện về tên sông xem ra vừa là phương cách để nhà Nguyễn tạo niềm tin và thu phục nhân tâm người Đàng Trong vừa là cách để thơ mộng hai dòng nước nhập lại làm một dưới chân núi Kim Phụng, nơi ngã Bằng Lãng hay còn gọi là ngã ba Tuần. Rồi cũng bắt đầu từ đây sông Hương như một sinh thể song hành cùng núi Ngự để làm thành một khoảng trời riêng linh thiêng và mơ mộng làm mê mẩn bao đời thi sĩ: “Một thước nước in trời/ Đò ai chiếc lá khơi/ Non cao xem vòi vọi/ Dòng biếc thấy vơi vơi …” (vua Minh Mạng) hay “Em cạn lời cho anh dứt nhạc/ Biệt ly đôi phách ngó đàn tranh/ Một đêm đàn lạnh trên sông Huế/ Ôi nhớ nhung hoài vạt áo xanh” (Văn Cao) …
Về cái tên gọi của dòng sông trong câu chuyện châm hương tìm đất xem ra có vẻ hợp lý hơn thuyết hương thơm của cây thạch xương bồ nơi thượng nguồn con nước làm cho dòng sông có mùi hương (hoặc để khỏi quên tên của một loài cỏ thơm ở đầu nguồn). Và gắn liền với tên gọi của dòng sông còn là câu chuyện của chùa Thiên Mụ. Tương truyền, ngôi chùa cổ kính ở cố đô này được chúa Nguyễn Hoàng cho làm vào năm 1601. Sách “Đại Nam thực lục tiền biên” và “Việt Nam khai quốc chí” đều chép lại rằng: Một hôm nhân việc rảnh rỗi, chúa ngao du sơn thủy một chuyến. Khi đến làng Hà Khê chúa thấy phong cảnh hữu tình liền dừng bước. Chúa thấy giữa cảnh đồng ruộng lại nổi lên một ngọn đồi nhìn giống một đầu rồng quay lại, phía trước có một dòng sông êm đềm xuôi chảy, phía sau có hồ nước trong xanh. Chúa lên đồi nhìn ra phía sau thấy có kẽ nứt. Chúa hỏi dân làng thì được biết đời trước nơi này từng bị Cao Biền chặn yểm long mạch khiến thần bà biến mất. Nhưng rồi có một lần thần bà hiện về bảo sau này sẽ có một vị chúa sẽ dựng chùa trên đồi để hàn gắn long mạch giải yểm Cao Biền giúp dân thịnh vượng. Nghe xong câu chuyện chúa biết đây là nơi linh ứng, sau này con cháu sẽ được phát vương bèn cho dựng chùa trên đồi và đặt tên là Thiên Mụ (bà lão ở trên trời). Chùa Thiên Mụ ngày ấy và bây giờ vẫn là một ngôi chùa cổ kính và đẹp nhất xứ Huế. Đến chùa Thiên Mụ người ta thấy nổi bật trên đồi Hà Khê là ngọn tháp hình bát giác bảy tầng giống như bông sen cách điệu đêm ngày soi bóng xuống dòng Hương. Thực tế và huyện thoại có thể chưa chắc đã giống nhau nhưng những gì mà người xưa truyền lại hẳn phải là tâm tình của thần dân chốn cố đô đã có ít nhiều tâm tư gửi gắm vào trong câu chuyện đó.
Khởi đầu bằng những huyền thoại trên dòng Hương mà kinh thành Huế được dựng lên và trường tồn đến bây giờ từ ngày ấy. Đó là một tòa thành được thiết kế theo nguyên tắc của địa lý phong thủy. Thành quách nguy nga tráng lệ của nhà Nguyễn tất thảy đều nhìn về hướng Nam như lời của một quẻ dịch “Thánh nhân nam diện nhi thính thiên hạ” (vua quay mặt về hướng Nam để cai trị thiên hạ). Thành ấy lấy núi Ngự Bình làm bình phong, lấy cồn Hến và cồn Dã Viên làm Tả Thanh Long và Hữu Bạch Hổ chầu vào trước mặt. Trải theo mưa nắng của thời gian cùng với chiến tranh, giặc giã kinh thành Huế giờ đây không còn được đầy đủ vẹn nguyên nhưng những gì còn lại và được phục dựng người ta cũng đủ thấy sự hoành tráng và nguy nga của một thời đã qua. Đến Huế, đi dọc sông Hương người ta cứ ngỡ đi lạc vào những khu phố nhà vườn cùng với những con đường xanh rợp bóng cây. Suốt bên đôi bờ, những đường dọc lối ngang với đôi hàng phượng vĩ, long não, xà cừ cổ thụ xanh lá… khiến cho mặt đất dường như không thấy nắng. Ở bên này mạn Bắc trông về phía bờ Nam là một tòa thành uy nghi với những khẩu thần công hướng lòng ra phía trước giữa Kỳ Đài sừng sững uy nghi vươn lên giữa trời xanh cùng ngọn cờ đỏ sao vàng đêm ngày tung bay phần phật trong gió. Dưới chân cột cờ, ở phía sau Kỳ Đài không xa là Ngọ Môn “năm cửa, chín lầu” với “Một lầu vàng/ Tám lầu xanh/ Ba cửa thẳng/ Hai cửa quanh” (Ca dao) dẫn vào Đại Nội.
Chùa Thiên Mụ và Ngọ Môn giờ đây là những biểu tượng của Huế. Nếu nhìn tháp chùa Thiên Mụ nghiêng bóng bên dòng Hương người ta sẽ nghĩ ngay đến Huế thì nhìn Ngọ Môn người ta sẽ nghĩ ngay đến Hoàng Thành của cố đô Phú Xuân. Ngọ trong la bàn địa lý chỉ về hướng Nam, Môn là cửa. Ngọ Môn là cửa hướng Nam. Nhìn tổng thể Ngọ Môn có hai phần. Phần nền đài gồm năm cổng ở dưới và phần lầu Ngũ Phụng có hai tầng ở trên. Ở bên dưới, Ngọ Môn ở giữa là cửa dành riêng cho vua đi hoặc khi có đại lễ thì mở cửa để đón tiếp sứ thần. Hai bên Ngọ Môn có hai cửa Tả – Hữu gọi là Giáp Môn dùng cho bá quan văn võ. Nối liền hai cửa Giáp Môn có hai cửa nữa gọi là Dịch Môn dành cho quân lính. Công trình Ngọ Môn được làm bằng đá và không chỉ đơn giản là một cái cổng để đi ra đi vào bởi phía trên nền đài còn có lầu Ngũ Phụng làm theo hình chữ U giống như năm con chim đang xòe cánh chụm đầu lại với nhau được dùng như một lễ đài để phục vụ triều đình khi tổ chức các sự kiện. Lầu Ngũ Phụng có chín mái lợp ngói ống tráng men màu vàng ở giữa và màu xanh lá cây ở các gian hai bên gọi là ngói hoàng lưu ly và ngói thanh lưu ly. Những viên ngói tráng men này được sắp đặt với nhau theo kiểu âm dương. Đứng từ xa nhìn lại người ta thấy công trình Ngọ Môn giống như một vòng tay đang dang rộng ra phía trước để mời đón khách vào rất cởi mở và thân thiện. Cái vòng tay ấy cũng chính là một chứng nhân trong buổi lễ thoái vị của vua Bảo Đại trong ngày 30 tháng 8 năm 1945.
Ngọ Môn nhìn ra sông Hương lững lỡ nước trôi về cửa Thuận An cùng những con đường xanh mát bốn bề xung quanh hoành thành khiến cho công trình tráng lệ hiện lên một cách khiêm tốn, nhẹ nhàng như thể đang hòa mình vào phong cảnh hữu tình của trời mây non nước xứ Huế đầy mộng mơ. Ngắm nhìn cố đô bất giác ta lại nghĩ về thủ đô Hà Nội. Thủ đô phát triển nhanh hơn nhiều lần so với cố đô nhưng kèm theo sự tăng tốc phi mã đó thì diện mạo xưa cũ của Hoàng thành Thăng Long dường như cũng đã bị mai một đi rất nhiều so với cố đô. Không gian của kinh thành Thăng Long xưa chỉ còn hiện diện như những nét chấm phá trong khi đó cố đô Huế vẫn còn rất đậm đặc. Trên đất Thăng Long những dấu tích của kinh thành hàng nghìn năm tuổi dường như đang bị thu hẹp dần không chỉ trong không gian mà còn cả trong trí tưởng tượng của những đứa trẻ tân thời. Ngược lại không gian văn hóa trên đất cố đô Huế dường như vẫn còn hiện hữu khá vẹn nguyên bên dọc đôi bờ Hương Giang, ẩn trong những vườn cây xanh mát mà mở mắt thức dậy người Huế nào cũng có thể trông thấy. Dẫu vẫn biết thời gian và chiến tranh đã hủy hoại không ít những đền đài, lăng tẩm … Ngẫm thế mới thấy cái phúc phần ấy phải chăng không chỉ do tình yêu mà còn có cái nhịp sống khoan thai, chậm chãi mà còn.
Đến Huế lần này không phải mùa sương và cuối tháng nên cũng chẳng có trăng nên dường như sông Hương cũng giảm đi phần nào cái nét hư ảo. Buổi sáng, dậy sớm chúng tôi lững thững lên cầu Trường Tiền, ngang qua chợ Đông Ba, rồi rẽ sang đường Trịnh Công Sơn đến công viên mang tên ông để chiêm ngưỡng bức chân dung người nhạc sĩ tài hoa đất Huế của điêu khắc gia Trương Đình Quế. Lặng lẽ ngắm nhìn bức chân dung đầy thần thái, mang đậm chất nghệ sĩ, đang xoải chân ngồi tư lự bên cây đàn ghi ta và nhìn xuống quyển sách với hai sáng tác “Cát bụi” và “Một cõi đi về” nổi tiếng của mình bên bờ sông thơ mộng ta cứ ngỡ như là một sự trở về của Trịnh Công Sơn với mảnh đất quê hương sau bao năm tháng đi xa. Bất chợt ngẫm lại những ca từ trong hai ca khúc của ông mà ta ngộ ra cuộc đời quả là những chuyến đi của “một kiếp rong chơi”: “Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi/ Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt”, “Trong khi ta về lại nhớ ta đi/ Đi lên non cao đi về biển rộng/ Đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng/ Ngọn gió hoang vu thổi suốt xuân thì…” để rồi một ngày nào đó người vỡ lẽ ra rằng: “Ôi cát bụi tuyệt vời/ Mặt trời soi một kiếp rong chơi”, “Ôi cát bụi mệt nhoài/ Tiếng động nào gõ nhịp không nguôi”. Bây giờ bên cây đàn từng gắn bó với suốt cuộc đời mình, giữa con đường “phượng bay”, nơi đã ra đời những sáng tác đầu tay cùng với mối tình đầu chớm nở, hẳn nhạc sĩ đã có thể bình yên ngắm nhìn dòng Hương êm đềm xuôi chảy, ngắm nhìn cả cái dòng đời trôi nổi bên đôi bờ sông nước xứ sở để mà chiêm nghiệm, an yên.
Ngắm Trịnh, ngẫm nhạc Trịnh, rồi lại nhìn bình minh đang dát những ánh vàng trên dòng Hương lặng sóng biếc xanh cùng với nhịp sống của Huế đang lặng lẽ đi qua trên mấy nhịp cầu Trường Tiền bất giác ta thấy cuộc sống của cố đô vẫn cứ chầm chậm như thủa nào mà chưa có sự đổi thay nào khác. Nó không hối hả, gấp gáp như thành phố Hồ Chí Minh và cũng chẳng ồn ào, náo nhiệt như Hà Nội. Nhịp sống của Huế hình như bao đời vẫn thế. Nó cổ kính, bình yên, trầm mặc như màu áo tím mộng mơ. Nó nhẹ nhàng, dịu dàng, tha thiết như tiếng “dạ” ngân dài không dứt. Nếu bảo phố phường ồn ã, bụi bặm, xô bồ thì e không phải với cố đô mà ngược lại. Với Huế, nói như ngôn ngữ đang “hót” lúc này là “chữa lành” thì cố đô bên sông Hương xứng đáng là một nơi như vậy. Nếu ai đó muốn thoát khỏi cuộc sống căng thẳng bởi những ầm ĩ, bức bối thì Huế quả là một thiên đường cho những người muốn sống chậm lại. Đến Huế người ta như được trở về với xứ sở của những yên bình, trong lành, tươi mát. Ở Huế người ta thấy khoan thai trong những điệu hò, bâng khuâng trong vẻ cổ kính, man mát trong những trầm tư.
Lặng ngắm dòng Hương ta chợt nhận ra sư biến sắc của nó nhanh như hoa phù dung mà Hoàng Phủ Ngọc Tường đã từng phát hiện. Buổi sớm bên cầu Trường Tiền, dưới ánh bình minh, màu nước xanh ngọc bích của dòng sông óng ánh tựa như dát vàng. Buổi trưa, nhìn từ chùa Thiên Mụ, mặt sông có màu lục bảo, trong veo lấp lánh sóng gợn, in bóng mây trời phiêu lãng. Chiều về, khi hoàng hôn buông xuống, nhìn từ Phu Văn Lâu, mặt nước màu xanh tựa như được pha thêm sắc tím khiến dòng sông trở nên huyền ảo ngỡ ngàng. Trên đất cố đô cùng với sông Hương còn có núi Ngự. Núi Ngự và sông Hương làm thành một cặp âm dương hoàn hảo. Núi Ngự sừng sững bên sông Hương mang tính dương và sông Hương với dòng nước mềm mại chảy dưới chân núi Ngự mang tính âm. So với núi thì sông là âm tính nhưng sự chuyển động của dòng nước, sự biến đổi sắc màu của dòng sông lại mang dương tính. Nhìn từ sự thay đổi này ta thấy đây là nét động trong cái tĩnh của cố đô và xem ở góc độ dịch học thì đó là sự nương tựa, giúp đỡ lẫn nhau. Phải chăng cái nét âm dương hỗ căn của dòng sông đã góp phần làm cho Huế thêm phần êm ả, duyên dáng, an yên suốt bao đời cho đến tận bây giờ. Và phải nói rằng, dòng sông ấy là báu vật trời ban cho đất cố đô. Chẳng tin ta cứ thử hỏi, giả sử Huế không có dòng Hương thì sao nhỉ? Có lẽ câu trả lời sẽ là khó có thể hình dung ra nổi như thể câu thơ của Huy Tập: “Nếu như chẳng có dòng Hương/ Câu thơ xứ Huế giữa đường đánh rơi!”
Sau những phút giây lặng nhìn dòng sông, chúng tôi tìm về cây cầu Phủ Cam bên dòng An Cựu để đến với Gác Trịnh. Gác Trịnh là một căn nhà nhỏ nằm trên tầng hai của một khu tập thể đã cũ kỹ bên đường Nguyễn Trường Tộ. Gác Trịnh xưa là nơi gia đình Trịnh Công Sơn từng sinh sống. Nơi đây trên căn gác xép trong phòng cuối cùng của căn nhà, nơi có ô cửa sổ nho nhỏ hướng ra dòng An Cự vẫn còn lưu giữ không ít những kỷ vật của người nhạc sĩ tài hoa: chiếc kính tròn, bộ bàn ghế, bản nhạc viết tay và một số bức thư, bức hình, bản nhạc (do Dao Ánh và ca sĩ Khánh Ly cùng một số người bạn của Trịnh Công Sơn tặng); trong số các kỷ vật đó có một tờ lịch có tranh của Trịnh Công Sơn là của Trịnh Vĩnh Trinh, em gái Trịnh Công Sơn tặng. Có một điều thú vị khác là căn nhà này sau khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chuyển đi nơi khác sinh sống thì được chuyển lại cho hai vợ chồng nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ. Vậy ra căn gác nhỏ này rất có duyện nợ với những văn nhân xứ Huế. Nó không chỉ là nơi lưu dấu bóng hình của Trịnh mà còn có cả các tác giả “Ai đã đặt tên cho dòng sông” và “Khoảng trời hố bom”, “Truyện cổ nước mình”… Và không chỉ vậy, căn gác này cũng từng là nơi qua lại và lưu dấu của không ít văn nghệ sỹ từng là những bạn bè thân thiết của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn như Lữ Quỳnh, Bửu Ý, Khánh Ly, Ngô Kha, Đinh Cường, … Hiện giờ căn nhà này đã được phục dựng làm thành một nơi lưu niệm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, đồng thời cũng trở thành một gác cà phê với một không gian nhạc Trịnh dành cho những người yêu quý Trịnh và mê nhạc Trịnh. Căn nhà này hiện đang được anh Lê Huỳnh Lâm quản lý.
Ngắm nhìn những kỷ vật xưa trong thế giới Trịnh với những bức hình trên khắp các bức tường xưa cũ; nhấm nháp ly cà phê tí tách chậm rơi như chính nhịp sống của Huế trong gác nhỏ ta như thấy hiện lên trong mắt mình những “mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ/ Dài tay em mấy thủa mắt xanh xao/ Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ/ Đường dài hun hút cho mắt thêm sâu”, “Buổi chiều ngồi ngóng những chuyến mưa qua/ Trên bước chân em âm thầm lá đổ”; “Màu nắng hay là màu mắt em/ mùa thu mưa bay cho tay mềm/ Chiều nghiêng nghiêng bóng nắng qua thềm/ Rồi có hôm nào mây bay lên”, “em qua công viên mắt em ngây tròn/ Lung linh nắng thủy tinh vàng/ Chợt hồn buồn dâng mênh mang …”. Cứ thế, không gian Gác Trịnh café & gallery chìm đắm trong âm nhạc của Trịnh Công Sơn. Điệu nhạc Blue với những giai điệu êm ái, nhẹ nhàng nhưng chất chứa nỗi niềm tâm trạng khiến người ta không khỏi u hoài, man mát. Đắm mình trong không gian đó ta như gặp lại cõi lòng đa mang của người nghệ sĩ trong biết bao nỗi niềm chân cảm để sẻ chia những cảm xúc ngọt ngào, nhớ thương, lưu luyến trong tình yêu; để nghĩ suy về cách sống, về quê hương và đặc biệt là phận người qua những ca từ vừa lạ hóa, vừa ma mị nhưng đẫm chất thơ và tình người của họ Trịnh.
Với Trịnh, trên thế gian này “Những hẹn hò từ nay khép lại/ Thân nhẹ nhàng như mây” đã từ lâu. Nhưng với những người yêu Trịnh thì không gian Trịnh vẫn còn đó với hàng long não trước nhà, những đường phượng bay vẫn đang ngập tràn sắc đỏ và cả những bức hình, nét chữ gửi cho người tình yêu dấu của Trịnh vẫn đang còn hiện hữu trong căn gác nhỏ thân thương của một thời xưa cũ. Tất cả dù nhỏ và chưa đủ nhưng cũng đủ để làm cho người mê mải, đắm chìm trong ký ức xa xăm và khôn nguôi thương nhớ người nhạc sĩ tài hoa đất Huế. Chỉ thế thôi cũng đủ để trận trọng một tấm lòng của Lê Huỳnh Lâm, người đã giữ lại cho Huế một ký ức đậm chất Trịnh và sống động như một bảo tàng để dành cho người yêu Trịnh. Những ai yêu Trịnh, nếu vô Huế, dù chỉ một lần thôi thì cũng xin hãy đến đây để được sống trong cái trạng thái “một đêm bước chân về gác nhỏ” mà người nhạc sĩ tài hoa đương thời đã từng thổn thức.
Trở lại “Huế thương” lần này chúng tôi đến đúng dịp cả thành phố đang nhộn nhịp trong những ngày tổ chức lễ cúng âm hồn để tưởng nhớ những quân dân đã bỏ mạng bởi biến cố thất thủ kinh đô ngày 5 tháng 7 năm 1885 (tức ngày 23 tháng 5 âm lịch). Nhớ lại, đã từng được nghe kể, sau điều ước Thiên Tân (11/ 5/ 1884), Pháp buộc triều đình Mãn Thanh phải rút quân khỏi Bắc Bộ để chúng tiến nhanh trên con đường xâm chiếm Việt Nam. Theo đó, với lực lượng quân sự hơn hẳn triều đình nhà Nguyễn, tướng Patenotre đã buộc triều đình Huế phải ký hòa ước (6/ 6/ 1884) công nhận sự bảo hộ của chúng và ép triều đình phải để chúng đem quân vào đóng tại đồn Mang Cá nhằm giám sát và vô hiệu hóa các hoạt động của triều đình. Đến ngày 2 tháng 7 năm 1885, dưới sự chỉ huy của De Courcy một đạo quân gồm hơn một nghìn sĩ quan và binh lính Pháp tiến vào cửa Thuận An đòi triều đình phải cống nộp vàng bạc, đồng thời bắt quan đại thần Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường phải sang Tòa Khâm Sứ để hiệp thương về việc vào yết kiến nhà vua. Một giờ sáng ngày 5 tháng 7, Phụ chánh đại thần Tôn Thất Thuyết đã ra lệnh khai hỏa chủ động tấn công Trấn Bình Đài khiến lính Pháp bị đánh bất ngờ. Do Tòa Khâm sứ và đồn Mang Cá ở cách xa khoảng gần 3 cây số và bị ngăn cách bởi dòng sông Hương nên chúng không thể tiếp viện cho nhau và bị thương vong khá nhiều. Đến rạng sáng ngày 5 tháng 7, quân Pháp chia làm ba ngả phản công vào kinh thành Huế. Do sự không cân sức nên quân triều đình nhanh chóng bị thất bại. Sau đó là những là những trận cướp bóc, hãm hiếp, giết chóc chưa từng có diễn ra trên khắp kinh thành. Một cuộc chạy loạn tang thương diễn ra trong biển máu. Hơn một ngàn năm trăm quân dân của triều đình đã anh dũng hy sinh và chết thảm. Hầu như toàn thành Huế không có nhà nào không có người bị sát hại trong trận chiến này. Phần vì trúng đạn phần vì giẫm đạp lên nhau trong cơn binh biến. Cái thảm cảnh kinh hoàng ấy cũng đã từng được ghi lại qua những câu vè: “Khói lên hình tựa long phi/ Đạn ra ngoài biển trúng gì chẳng hay/ Tây bắn (vô) người lọi chân (kẻ lọi) tay/ Bể đầu lủng ruột khổ này quân ta”; “Ngày thời nó điệu như tù/ Đụng đâu (nó) đánh đấy, nổi u nổi nần/ Ngùi ngùi thân lại tủi thân/ Ngày bắt đi mần đêm bỏ thảm thương/ Bữa ăn bữa uống không thường/ Một ngày bát gạo, cơm lương muối vừng/ Lo ăn lo uống cho xong/ Ăn kẻo đói lòng, ăn kẻo chết khô./ Bao nhiêu những giếng với hồ/ Kéo thây xuống dập chỗ mô cũng đầy”.
Nhắc lại chuyện xưa như thế để thấy được cái nghĩa tình bao đời của Huế vẫn truyền cho tới tận ngày nay. Kể từ ngày thất thủ kinh đô đến nay đã gần một thế kỷ rưỡi, thật may mắn lòng dân thành Huế chưa bao giờ quên ngày giỗ trận của cả kinh đô. Cứ đến dịp kỷ niệm ngày thất thủ kinh thành (ngày 23 tháng 5 âm lịch) khắp các ngả đường và mọi ngõ xóm của thành phố Huế, nhất là trong khu vực Thành Nội và ở đàn Âm Hồn trên đường Ông Ích Khiêm và miếu Âm Hồn tại ngã tư đường Mai Thúc Loan người người, nhà nhà tự động lập bàn thờ bày biện hương hoa lễ phẩm ra ngoài đường, những nơi công cộng để cũng giỗ, tưởng niệm vong linh những quan, binh và bao người dân đã xuống trong ngày kinh đô thất thủ. Có lẽ chẳng nơi đâu trên đất này lại có ngày giỗ trận như ở Huế. Và có một điều đặc biệt trong giỗ lễ này là không chỉ có cúng lễ mà người dân Huế còn chuẩn bị một ghè nước chè cho người chết khát, áo binh cho người chết trôi; đốt một đống lửa để sưởi ấm cho những người chết đuối do bị ngã xuống những ao hồ lạnh lẽo. Có lẽ ngọn lửa không chỉ là hình thức để sưởi ấm những linh hồn mà còn là một cách để người dân nhen nhóm, nhắc nhở nhau khắc sâu mối thù và giữ gìn lòng yêu nước cho dù trong bất cứ cảnh ngộ nào nữa chăng. Lễ tế Âm hồn ở Huế diễn ra dường như không chỉ là một ngày giỗ trận với tấm lòng thành kính tri ân mà còn là một dịp để cho lòng người còn sống xích lại bên nhau, làm thành cái sức mạnh đoàn kết và khắc sâu trong lòng về một bài học lịch sử sâu sắc.
Những dấu tích bi hùng ở Huế có rất nhiều. Không chỉ có ngày giỗ trận thất thủ kinh đô mà còn có cả những nơi tăm tối như địa ngục. Đó là nhà tù Chín Hầm cùng những nấm mồ tha hương của những anh hùng “Quốc thù vị báo đầu tiên bạch/ Kỷ độ Long tuyền đới nguyện ma” (Thù trả chưa xong đầu đã bạc/ Gươm mài bóng nguyệt biết bao rày). Lần trước đến Huế, chúng tôi chưa có điều kiện đến thắp hương ở những trốn này. Quay lại Huế lần này lòng bảo dạ nhất định phải ghé thăm những “địa chỉ đỏ” để được một lần bái lạy các chí sĩ, anh hùng từng vị quốc vong thân. Bật google maps cùng con chiến mã sắt chúng tôi về Bến Ngự, nơi có ngôi nhà của cụ Phan Bội Châu mà Pháp giam lỏng cụ ở đây và đến khu di tích lưu dấu tội ác của bạo chúa Ngô Đình Cẩn ở dưới chân núi Thiên Thai.
Đường về nhà “Ông già Bến Ngự” không khó. Chúng tôi đi qua cây cầu nhỏ bắc qua sông An Cựu rồi ngược dốc khoảng nửa cây số theo con đường mang tên cụ là đến ngôi nhà lá đơn sơ từng in bóng mười lăm năm cuối đời của nhà yêu nước Phan Bội Châu. Số phận chìm nổi mười lăm năm cuối đời khi bị quản thúc ở Huế là mười lăm năm cụ Phan gắn bó với cố đô trong những nỗi niềm uất hận. Suốt cả cuộc đời bôn ba năm châu bốn biển, tung hoành ngang dọc cứu nước nay phải nhờ phong trào đấu tranh ân xá của nhân dân cả nước nên mới thoát khỏi án tử. Như thế bảo sao không khỏi uất hận được. Việc nước chưa tròn thân bị an trí thì biết làm sao? Nhớ lại mười lăm năm ở Huế là mười lăm năm Phan Bội Châu cùng với con thuyền làm bạn với sông Hương và miệt mài cùng với chữ nghĩa. Chính cái thời gian ở Huế này là thời gian cụ Phan đã viết ra cả một khối lượng sách vở đồ sộ từ văn chương, lịch sử, triết học đến đạo Nho, Kinh Dịch và cả tiên đoán về Chủ Nghĩa Xã Hội … Giờ đây khu đất và ngôi nhà lá đơn sơ kia không chỉ là nơi lưu giữ những kỷ vật và những nấm mồ ái quốc tha hương của Phan Bội Châu, Tăng Bạt Hổ và những người yêu nước khác. Nghe kể, những năm tháng cụ Phan bị Pháp quản thúc ở Huế, nhân dân Huế và đồng bào cả nước đã ủng hộ tiền giúp cụ mua mảnh vườn này. Ngôi nhà lá ba gian được chính tay Phan Bội Châu thiết kế và cụ Võ Liêm Sơn, giáo viên trường Quốc Học chủ trì xây dựng. Ngôi nhà có ba gian với ngụ ý tượng trưng cho miền Bắc, miền Trung, miền Nam. Chính giữa nhà hình vuông. Đây chính là nơi cụ Phan thường dùng để làm nơi diễn thuyết, đào đạo với những người yêu nước. Xung quanh ba gian nhà chính còn có thêm các chái và chia thành các phòng riêng biệt. Ngôi nhà xưa đã bị hư hại. Ngôi nhà hiện nay được phục dựng lại năm 1997 theo ngôi nhà cũ. Ngắm nhìn ngôi nhà mái tranh của “Ông già Bến Ngự” nép mình dưới những cây cổ thụ và hàng cau thẳng tắp người ta lại nghĩ đến những ngôi nhà Việt ngày xưa để cảm nhận được cái tinh thần dân tộc mang đậm hồn nước của một nhân cách lớn. Ngôi nhà ấy cũng chính là nơi cụ Phan dùng để tập hợp và giác ngộ biết bao thanh niên trí thức ưu tú, trong đó nhiều người sau này trở thành nòng cốt của Đảng như Nguyễn Chí Diểu, Phan Đăng Lưu, Hải Triều, Võ Nguyên Giáp … Đến thăm ngôi nhà của “Ông già Bến Ngự” ta sẽ biết thêm được nhiều để rồi không khỏi bị yêu mến và cảm phục.
Đường về khu Chín Hầm cách trung tâm cố đô khoảng ngót mười cây số. Google maps dẫn chúng tôi đi qua mênh mông đồi với những nghĩa trang bạt ngàn ngôi mộ. Đường đi vòng vèo dưới những chân đồi, nhà cửa thấp thoáng, người đi qua lại thưa thớt mà con chiến mã lại báo hiệu sắp hết xăng khiến người đi không khỏi thấp thỏm. Hỏi thăm mãi rồi chúng tôi cũng tìm được một cửa hàng tạp hóa có bán xăng để rồi mới yên tâm tiếp tục lên đường. Chúng tôi đi qua những rừng thông mơ màng dưới nắng vàng óng đẹp mơ màng. Gió thông vi vu thổi những làn gió như thể làm dịu đi cái nắng nóng oi bức của miền Trung. Cuối cùng chúng tôi cũng tìm và đến được khu di tích Chín Hầm.
Trong cảm nhận của tôi khu di tích này dường như rất ít người biết đến. Gọi là khu di tích lịch sử quốc gia đã được xếp hạng từ lâu rồi nhưng mọi vật vẫn còn quá hoang sơ, ngoài mấy tấm bia và căn hầm số 8 được phục dựng và khối tượng đài, khu nhà thờ các anh hùng liệt sĩ thì hầu như chẳng có gì. Con đường đưa chúng tôi đến với căn hầm số 8 dường như cỏ lá vẫn rêu phong. Dẫn chúng tôi đi là chị một chị nhân viên quản lý khu di tích. Qua câu chuyện kể trên đường đi chúng tôi được biết thêm nhiều điều về khu biệt giam tàn độc này của gia đình họ Ngô. Nguyên là khu Chín Hầm có từ thời pháp, được làm năm 1941, gồm có tám hầm và một căn nhà gác để lính ở, được dùng để cất vũ khí. Đến năm 1954, Ngô Đình Cẩn dùng để biệt giam, tra tấn, thủ tiêu những người Cộng sản, những người yêu nước và chống lại gia đình họ Ngô. Từng bị giam trong địa ngục này có bậc thầy tình báo Trần Quốc Hương, sau này là Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương.
Tám căn hầm được làm giữa vùng đồi thấp xung quanh ngọn núi Thiên Thai và được kiên cố hóa bằng bê tông theo lối bán quân sự, lưng quay vào đỉnh đồi, mặt hướng ra chân đồi. Những căn hầm này giống như những chuồng cọp, trong có hai dãy xà lim, mỗi xà lim rộng 0,9 mét, dài 2 mét, cao 1,5 mét, phía trên đầu là một lưới sắt gồm mười sáu thanh ngang và hai thanh dọc, mỗi hầm có 1 lỗ thông hơi nhỏ. Ở trong hầm này mùa hè thì nóng vã mồ hôi, mùa đông lạnh thấu xương người. Nghe kể mỗi hầm có một chức năng riêng nhưng đều là những ngôi mộ chôn người khi đang còn chưa chết. Ở trong Chín Hầm đã có hàng ngàn người yêu nước đã phải lặng lẽ sống chết trong chốn lao tù như địa ngục nơi trần gian. Nếu so sánh thì địa ngục này còn tàn ác hơn cả địa ngục ngoài Côn Đảo hay Phú Quốc. Ngô Đình Cẩn và bọn tay sai từng đóng người lên tường, dùng dao xẻo thịt, tra điện vào đầu ngón chân ngón tay, băt tù nhân phải thức suốt ngày đêm hoặc kéo dài cơn hấp hối trong những đớn đau. Mỗi ngày chúng chỉ cho tù nhân một lon nước, dĩa cơm nguội, bắt đi đi tiểu tiện và đại tiện vào xô tại chỗ. Căn hầm không ánh sáng, thiếu lỗ thoát khi lúc nào cũng sực lên mùi hôi thối của vết thương lẫn phân người. Tù nhân không chỉ phải chịu sự tra tấn của bạo chúa về thể xác mà còn bị muỗi đốt, rắn cắn cùng tiết trời nóng lạnh và cơn đói cơn khát hoành hạ. Độc ác hơn bạo chúa Ngô Đình Cẩn còn cho trộn cơm hẩm, cơm sống, cơm thiu với dầu hỏa hay muối và kéo dài hàng tuần để kết thúc sự sống của những tù nhân đang kiệt sức.
Sự độc tàn của bạo chúa Ngô Đình Cẩn kết thúc ở Chín Hầm cùng với số phận gia đình họ Ngô. Sau ngày gia đình họ Ngô bị đảo chính năm 1963, người dân ở Huế đã kéo lên đập phá toang hoang những căn hầm biệt giam. Tính từ ngày thống nhất đất nước nay đã nửa thế kỷ nhưng nhà giam Chín Hầm vẫn còn rất hoang sơ. Tuy vậy đó vẫn là một địa chỉ đỏ, một nơi về nguồn. Nơi ghi lại còn lại những chứng tích đau thương và quất khởi, kiên cường của những chiến sĩ cách mạng. Nó tượng trưng cho tinh thần yêu nước của dân tộc ta khi đối diện với sự tàn ác khét tiếng của bạo chúa Ngô Đình Cẩn. Tiếc rằng đến giờ khu di tích lịch sử Chín Hầm vẫn chưa được đầu tư xứng tầm với tầm vóc thiêng liêng, cao cả mà nó đáng có. Hy vong không xa, khu di tích lịch sử này sẽ được phục dựng và quảng bá để Huế có thêm một địa chỉ đỏ, một nơi về nguồn sống động cho học sinh thành Huế và đồng bào cả nước.
Huế đẹp, Huế thơ, Huế ân tình, Huế kiên cường… Huế như thế bảo sao người ta không “ôm Huế vào lòng”, bảo sao người ta không sẻ chia với Huế những “đắng cay gian khổ mặn nồng”. Chia tay Huế rồi lại hẹn Huế thương!
P.A