Tản mạn về ‘Mắt biếc’, phim và truyện

1038

 Trương Quang Đệ

(Vanchuongphuongnam.vn) – Những ngày cuối tháng 12 năm vừa qua, thấy thiên hạ kéo nhau đi xem phim Mắt biếc, tôi cũng bảo cháu dẫn đi xem cho biết phim hay dở ra sao. Đã nhiều năm nay tôi không đi xem phim ở các rạp chiếu bóng nữa, một phần vì tuổi tác, một phần vì ngại không có phim hợp ý mình. Đúng như người ta kháo nhau,  Mắt biếc quả là phim hay, thậm chí rất hay. Từ trước đến nay, ít có phim Việt nào mới ra mắt vài ngày đã thu hút người xem đông đảo như vậy, các rạp thu được một số tiền kỷ lục như vậy.

Cảnh trong phim Mắt biếc

Sau khi xem phim, tôi cũng đi mua sách Mắt biếc của Nguyễn Nhật Ánh về đọc và nhận thấy truyện quá hay, được tái bản đến hôm nay là 44 lần, mỗi lần hàng chục ngàn cuốn. Tôi phấn khởi thấy nước mình có tác phẩm văn học đáng giá và phim cũng có chất lượng đáng kể. Khi xem phim cũng như khi đọc sách, tôi cố lí giải phim hay vì sao, sách hay là do những nguyên cớ gì. Tôi không thạo môn phê bình văn học, những gì tôi suy nghĩ chỉ dừng ở mức độ cảm tính, kiểu như một lời tâm sự với bạn bè gần gũi. Có lẽ phim cũng như sách hấp dẫn cánh trẻ vì nó tạo ra, nói theo kiểu các nhà vật lý, một hệ cô lập không-thời gian không dính dáng gì đến thời cuộc. Khán giả tìm thấy trong phim một miền quê yên bình với tình người nồng ấm, một tình yêu cháy rực lâu bền lạ lùng của một chàng trai dễ mến, một tính khí không giống ai của một cô nàng xinh đẹp. Cảnh trong phim là những cảnh thiên nhiên tuyệt vời của một miền quê thuần Việt với những cây bàng, cây thị luôn là hình ảnh sâu đậm với tuổi trẻ thôn quê. Những nhân vật trong phim được diễn xuất khá chuyên nghiệp, khiến ta có thể nghĩ tới Pierre của ”Chiến tranh và hòa bình” (Tolstoy) trong vai Ngạn, còn Hà Lan thì khiến ta liên hệ đế Scarlett trong “Cuốn theo chiều gió”, Amber trong truyện “Forever Amber”, Meggie trong “Tiếng chim hót trong bụi mận gai” hay hình ảnh cô gái Sài Gòn của Lê văn Thảo. Đó là những người không hiểu tại sao lại cứ đắm mình vào những mối tình tuyệt vọng mà từ chối hết những suy nghĩ theo lẽ thường.

Đối với những người ít trẻ, tức là già, như tôi, hệ cô lập không-thời gian kia đôi khi bị rạn nứt vì những liên tưởng mông lung về thời cuộc. Vì đã sống qua bao nhiêu biến cố thực dân, phong kiến, đế quốc sài lang, chiến tranh, cách mạng… nên những cảnh thanh bình khiến chúng tôi chột dạ, phải suy nghĩ hồi lâu mới định thần được. Thoạt tiên là cảnh lớp vỡ lòng của thầy Phu. Đó là một lớp học kiểu Topaze (kịch của Marcel Pagnol) rất thịnh hành thời thuộc Pháp. Lối dạy học này điển hình trong cách “thầy nói, học trò tiếp đuôi”:

Thầy: Từ Ải Nam Quan đến Mũi… Mũi…

Cả lớp: Cà Mau

Và cách lặp lại đồng thanh:

Thầy: Công cha như núi Thái Sơn

Cả lớp: Công cha như núi Thái Sơn

Tác phẩm Mắt biếc của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh

Sau 1945, kiểu Topaze này bị loại bỏ, ở cả hai niền Nam Bắc. Đạo diễn Victor Vũ sinh năm 1975 và nhà văn Nguyễn Nhật Ánh sinh năm 1955 chắc không qua trải nghiệm lớp Topaze nên gán cho nó vào những năm 60 thế kỷ trước. Dấu ấn thời cuộc trong Mắt biếc chỉ thoang thoáng qua việc bà Năm Tự có con đi lính ở Ban Mê Thuột, việc chàng Dũng trốn lính ba lần và việc nữ sinh thành phố có khi làm cho lính biệt động hoảng sợ bỏ chạy. Còn cánh ít trẻ chúng tôi thì miên man đa sự, không gỡ ra khỏi thời cuộc được. Bởi nghĩ rằng những năm đó là chiến tranh, là Tết Mậu Thân, là quân Mỹ hiện diện khắp nơi, là các nhà sư nổi dậy, là sinh viên học sinh ngày ngày tụ tập hát vang “Dậy mà đi”. Các đầu óc ít trẻ cũng mơ màng nghĩ rằng kiểu người như Ngạn chẳng mấy chốc mà theo chân Hòa thương Thích Đôn Hậu và bà Nguyễn Đình Chi tham gia Liên Minh các lực lượng dân chủ vì hòa bình mà tìm ra vùng kháng chiến. Cô Thịnh dẫn đầu lực lượng nội thành giúp quân giải phóng chiếm thành phố gần một tháng. Quyên thì chỉ huy nột toán nữ chiến sĩ chặn đường tiến của quân Mỹ.

Sau 1975, Ngạn vì bận công tác ở phía Nam một thời gian dài nên khi trở về thăm quê thì Hà Lan đã vượt biên không biết sống chết ra sao. Trà Long ở lại chờ Ngạn, thi đại học được điểm cao ngất ngưởng nhưng bị loại vì lí lịch không rõ ràng (không có cha, mẹ lại vượt biên). Thế đó! Nhưng rồi cái ít trẻ phải lùi bước trước cái trẻ để nhận thức rằng hệ cô lập không-thời gian là sự cứu rỗi của tư duy, của văn hóa. Đó là hướng đi đúng cho văn học nghệ thuật. Ngẫm mà xem, Bên Nga, Tolstoy, Tchekhov, Dostoievsky mãi mãi còn đó, còn các nhà văn trong 75 năm xô viết biến mất tăm. Bên Mao cũng vậy. Nghĩ đến Trung Quốc người ta nhớ đế Tào Ngu, Lỗ Tấn, Mao Thuẫn, Quách Mạt Nhược còn có biết được ai dưới thờ Mao? Coi như dính vào thởi cuộc là đi tong, không kèn không trống. Hãy hình dung nếu Mắt biếc viết theo phiên bản của tôi với Ngạn thành cán bộ rừng, cô Thịnh thành bí thư thành ủy thì chắc khán giả sẽ kính nhi viễn chi. Ông Putin biết điều này nhưng vì lợi ích cá nhân, ông duy trì lăng Lê Nin và cuộc diễu binh ngày 7/11 làm ngáo ộp cho quyền lực của mình mà cứ để nước Nga lận đận hoài.

T.Q.Đ