Tản mạn về Phùng Văn Khai và tiểu thuyết Ngô Vương

902

Ngô Vĩnh Bình 

(Vanchuongphuongnam.vn) – Phùng Văn Khai còn trẻ lại đã trải qua những công việc phải đi nhiều, gặp nhiều đối tượng người và viết nhiều. Anh viết nhiều thể loại: truyện ngắn, chân dung, tiểu thuyết, thơ và báo chí, trong đó có nhiều tác phẩm đã được trao giải thương.

Nhà văn Phùng Văn Khai

Tôi biết Phùng Văn Khai từ khi anh còn phục vụ trong Bộ Tư lệnh Tăng – Thiết giáp. Biết rõ hơn khi anh về công tác ở Truyền hình Quân đội Nhân dân năm 1997, nhất là từ khi anh về đầu quân Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 2006.

Phùng Văn Khai còn trẻ lại đã trải qua những công việc phải đi nhiều, gặp nhiều đối tượng người và viết nhiều. Anh viết nhiều thể loại. Truyên ngắn có: Khúc dạo đầu binh nhì (Tập truyện ngắn, in chung với Phùng Kim Trọng), Đêm trăng thiêng, Những người đốt gạch, Hương đất nung. Chân dung có: Lê Lựu như tôi biết, Tản mạn Nguyễn Bình Phương, Phác họa mấy chân dung Văn học. Thơ có: Lửa và hoa, Khúc rong chơi. Bút ký có: Gió đi dưới trời, Nơi ước mơ hẹn gặp. Tiểu thuyết có: Hư thực, Hồ đồ…trong đó có nhiều tác phẩm đã được trao Giải thưởng văn học Bộ Quốc phòng, giải Cây bút vàng của Bộ Công an… Nhưng với tôi ấn tượng nhất, đáng ghi nhận nhất vẫn là loạt phim chân dung các nhà văn Việt Nam đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT khi anh còn công tác ở Truyền hình Quân đội. Những thước phim này được nhà thơ Hữu Thỉnh và Hội Nhà văn đánh giá rất cao. Tôi nói, phim chân dung mà anh làm thật tự nhiên và sống động. Có những phim thật công phu về mặt tư liệu.

Tôi cũng bị ấn tượng về những cuốn sách anh viết về đề tài lịch sử. Mấy năm trước trong bài “Văn học về đề tài chiến tranh – thách thức, thành công và bài học” tôi đã lo lắng rằng, những năm gần đây, văn học đề tài này có nguy cơ mất vị trí, mất chỗ đứng. Nhưng tôi đã lầm, vì có nhiều nhà văn trẻ đã tự tìm ra lối đi riêng cho mình mà Phùng Văn Khai là một ví dụ.

Tôi vốn là người học sử, một thời đã đi làm sử mà cũng phải phát ghen, phải “choáng” khi được thấy, được xem những cuốn sách vừa bề thế vừa đậm chất sử như Phùng Vương và mới đây là Ngô Vương. Tại sao là nhà văn từ lính trơn, học văn thì có (Nguyễn Du khóa 6), sử chưa qua trường chính quy nào, vậy mà viết được những cuốn tiểu thuyết hoành tráng như vậy?

Tôi đã cùng Phùng Văn Khai về Đường Lâm viếng cụ tổ họ Phùng, họ Ngô, tham dự những cuộc hội thảo mà anh cùng Ban liên lạc họ Phùng tổ chức như hội thảo về cuộc đời và sự nghiệp của Thái phó hai triều Lý, Trần Phùng: Tá Chu, Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, vào mãi Vĩnh Long tìm hiểu về Phó Chủ tịch TƯMT Dân tộc Miền Nam – bác sĩ Phùng Văn Cung… Và ở đâu cũng thấy anh tỉ mỉ hỏi chuyện, ghi chép tài liệu về các bậc tiền nhân. Tôi mới hay anh thật nặng lòng với việc họ tộc với tổ tiên xưa.

Một điều nữa mà tôi được biết là Phùng Văn Khai luôn cầu thị, luôn biết “đứng trên vai những người khổng lồ”, có khi làm cả những việc mà thiên hạ gọi là “điếu đóm” cho họ. Là thế nên anh được những bậc đàn anh như các nhà văn Hoàng Quốc Hải, Nguyễn Xuân Khánh, Bùi Ngọc Tấn, Lê Lựu, Ma Văn Kháng, Đặng Văn Sinh, các nhà khoa học xã hội Dương Trung Quốc, Trần Lê Sáng, Trần Ngọc Vương, Đinh Công Vỹ, Đỗ Lai Thúy, La Khắc Hòa, Tạ Đức, Trương Sĩ Hùng, Vũ Bình Lục, Nguyễn Hữu Sơn… yêu quý cộng tác. Chính vì có sự thân tình với những nhân vật này mà anh cùng Ban Tổ chức có thể tổ chức được những cuộc hội thảo về những nhân vật lịch sử, về các tướng lĩnh, về một dòng họ có tầm cỡ như cuộc hội thảo về Phùng Tá Chu, Phùng Khắc Khoan, Phùng Văn Cung… Tôi cho rằng, Phùng Văn Khai đã chịu ảnh hưởng của những người này cả về phong cách làm việc và văn phong!

Một điều nữa mà ít người biết là nhà văn Phùng Văn Khai, còn là người rất mê sách. Anh cùng với vợ mình là chị Nguyễn Minh Thu khai sinh ra nhà sách Như Quỳnh. Khi còn dưới quê Hưng Yên, năm 2005 đã dám in liền 4 tập Bão táp triều Trần (Giải thưởng Thăng Long – Hà Nội) của nhà văn Hoàng Quốc Hải với số lượng 2.000 bộ và trả nhuận bút tác giả 46 triệu đồng!

Tôi rất quý sự yêu nghề, sự cần cù của tác giả này. Là Phó Tổng biên tập một tờ tạp chí ra một tháng hai kỳ, thêm tờ điện tử nữa, công việc nhiều; nhiều hơn là ở công tác nội bộ hành chính trị sự, thế nhưng Phùng Văn Khai vẫn liên tục có sản phẩm riêng của mình. Có những cuốn sách như Lý Thường Kiệt – danh tướng phạt Tống bình Chiêm,Trung tướng Khuất Duy Tiến – hành trình của người anh hùng được anh thể hiện cùng một lúc. Khi viết cuốn Ngô Vương cũng vậy. Anh đồng thời viết cuốn và Một thế giới khác. Phùng văn Khai là người viết báo để “nuôi văn”. Vừa viết tiểu thuyết vừa viết báo, viết kịch bản phim tài liệu cũng diễn ra như  “chuyện thường ngày ở huyện”! Anh bảo: “Ngày nào cũng cày cuốc và chưa bao giờ chịu sức ép của nhà phê bình hay khát vọng vươn đến văn học đỉnh cao. Viết là việc của mình, còn phán xét là việc của người đọc”.

Bìa tiểu thuyết Ngô Vương 

Trở lại với tiểu thuyết Ngô Vương tôi nói ngắn gọn thế này: Cũng như khi phục dựng lại nhân vật lịch sử Phùng Hưng, chân dung và huân nghiệp của Ngô Quyền đã được nhà văn Phùng Văn Khai tạo dựng khá nhuần nhuyễn từ những chất liệu chính sử, dã sử (tài liệu điền dã mới) kết hợp với những suy nghĩ của chính bản thân người viết.

Ngô Quyền, vị vua đầu tiên đã đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, giúp dân tộc ta chấm dứt 1000 năm Bắc thuộc, giành nền độc lập tự chủ. Lăng của Ngài đặt ở quê hương là làng Đường Lâm, Sơn Tây. Lăng có diện tích chỉ vài m2, có mái che chỉ cao 1,5 mét, bia đá được khắc thời Tự Đức, có ghi bốn chữ Hán “Tiền Ngô Vương lăng”. Ngài mất năm 944, hưởng dương 47 tuổi.

Rặng duối cổ thụ xanh biếc có từ hàng trăm năm nay hiện vẫn còn nguyên, tương truyền là nơi xưa Ngài buộc ngựa chiến và voi chiến mỗi khi về làng. Những cọc gỗ mà Ngài cho quân lính đóng dưới lòng sông Bạch Đằng nay vẫn còn đó…

Một vị vua anh hùng như vậy, tên tuổi được ghi đậm nét son trong lịch sử Việt Nam và thế giới mà chỉ an nghỉ trong một khoảnh đất nhỏ nơi làng quê. Nhưng uy danh của Ngài thì có ở khắp nơi trên đất Việt. Đền thờ khiêm tốn của Ngô Quyền trên quê hương Đường Lâm vẫn đời đời được nhân dân ta từ mọi miền ngưỡng vọng và cung kính thờ phụng.

Cuốn tiểu thuyết lịch sử Ngô Vương như là một nén hương thơm dâng lên vị vua giản dị anh hùng!

Tôi đã được nhà văn Phùng Văn Khai gửi tặng cuốn tiểu thuyết lịch sử bề thế viết về đức Ngô Vương. Với tư cách là người họ Ngô. Tôi vô cùng cảm động và cảm ơn nhà văn họ Phùng nhiều lắm!

Thập Tam trại, ngày 2 tháng 4 năm 2019

N.V.B