Tản mạn với câu thơ: Còn hai con mắt khóc người một con (1)

762

Trong bài thơ “Mắt buồn” in trong tập “Mưa nguồn” xuất bản tại Sài Gòn năm 1962, có 2 câu thơ kết đã gây nhiều tranh cãi trong giới văn nghệ sĩ của miền Nam trước 1975 và cả đến bây giờ là: “Bây giờ riêng đối diện tôi/ Còn hai con mắt khóc người một con”.

Người ta thắc mắc với hình ảnh “Còn hai con mắt khóc người một con” là như thế nào? Điều đó có hàm ý gì và ẩn nghĩa ra sao? Có rất nhiều giả thuyết và giai thoại được đem ra giải thích, song có vẽ như chưa thật sự thuyết phục, trừ khi đấy là lời thú nhận từ chính bản thân Trung niên thi sĩ, nếu ngài… sống dậy!


Bùi Giáng và Thu Trang.

Sinh thời, nhà thơ Bùi Giáng với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là hai người bạn khá thân thiết, từng nhiều lần đối ẩm, bàn luận văn chương, và Trịnh là người có thể hiểu rõ Bùi Giáng hơn ai hết, khi mà trong sổ tang Bùi Giáng, tại chùa Vĩnh Nghiêm năm 1998, nhạc sĩ viết: “Bùi Giáng Bàng Dúi Búi Giàng/ Ô hay trăm ngõ bàng hoàng lỗ không/ Lỗ không trời đất ngỡ ngàng/ Hoá ra thì thể là ngàn hư vô/ Nhớ thương vô cùng là từ/ Là từ vô tận ứ ừ viễn vông”. Song khi mượn ý từ câu thơ Còn hai con mắt khóc người một con, để sáng tác ca khúc Con mắt còn lại từ năm 1992, Trịnh đã đưa những suy nghĩ của mình vào thành ca từ:

“Còn hai con mắt khóc người một con.

Còn hai con mắt một con khóc người.

Con mắt còn lại nhìn cuộc đời tôi.

Nhìn tôi lên cao nhìn tôi xuống thấp.

Con mắt còn lại nhìn cuộc tình phai….”

Đó cũng là điều lý thú và thú vị, khi nhiều người cùng có chung một cảm nhận: Bùi Giáng “Khóc người bằng một con mắt. Còn con mắt kia là để… nhìn cuộc đời, nhìn cuộc tình phai, nhìn em yêu thương, nhìn em thú dữ, nhìn ngờ vực tôi…” v.v… Và bài hát khi xuất hiện, với ca từ và âm điệu đầy những băn khoăn, trăn trở, lại không thấy đề tên của thi sĩ Bùi Giáng, có dạo người yêu nhạc lại ngờ vực, ca khúc giống với bài hát The Syncopated Clock của Leroy Anderson (sáng tác năm 1945) cũng làm tốn nhiều giấy mực của một số báo thời bấy giờ! Trở lại câu thơ và lý giải của đa số người mến mộ thi sĩ và coi đó như một ẩn dụ “lạ đời” tùy theo cảm nhận của mỗi người mà có cách suy nghĩ, lý giải riêng như nhận xét của Hòa thượng Thích Giác Tâm khi nói về thơ của Bùi Giáng: “Thi sĩ Bùi Giáng xuất khẩu thành thơ, ông sống trong cõi giới riêng ông, trong hư tưởng mông mênh lạ kỳ, nên khi lời thơ ông thốt ra, với chúng ta có khi rất bỡ ngỡ xa lạ, khó hiểu. Ta cố hiểu, ráng hiểu về ông, tuy vậy cũng chưa chắc đúng ý ông. Thôi thì cứ mỗi người một cách mà cảm nhận, mà hiểu”.

Song có một giai thoại gần hơn với đời thường của Bùi Giáng, đó là người phụ nữ, nhưng phải là phụ nữ đẹp, người mang lại chữ “tình” và rất nhiều cảm hứng trong thơ của thi sĩ, cho dù đó là sự… dung tục thường tình của cuộc sống, như Trung niên thi sĩ đã từng viết: “Em ơi em đẹp vô cùng/ Vì em có cái lạ lùng bên trong!”. Người phụ nữ trong giai thoại, người đã khiến Bùi thi sĩ “phải khóc” đó là người… phụ nữ một con, người có một cuộc sống cũng rất “ly kỳ, hấp dẫn” và cũng tốn nhiều giấy mực của báo chí một thời là nhà báo, diễn viên, hoa hậu đầu tiên của chính phủ VNCH, Công Thị Nghĩa, biệt danh Thu Trang. Thu Trang sinh năm 1932 trong một gia đình tiểu tư sản ở Hà Nội. Năm 1942, cha của bà vốn là một công chức chính quyền thuộc địa được điều động vào Sài Gòn làm việc, cả gia đình theo ông vào miền Nam và định cư ở Sài Gòn.

Thu Trang cũng từng sử dụng các bút hiệu Thanh Tâm, Nguyễn Huyền Thu… trên các báo Tân Văn, Cần học, Sài Gòn mới, Phụ nữ diễn đàn, Lẽ sống… với đủ thể loại từ thơ đến truyện ngắn, truyện dài từ những năm 1954 đến 1955. Trong một lần đến phỏng vấn lấy tin viết báo về lễ hội kỷ niệm Hai Bà Trưng (6 tháng 2 âm lịch), trong lễ hội đó sẽ có cuộc thi hoa hậu đầu tiên của chính quyền miền Nam lúc đó. Thấy cô ký giả trẻ đẹp xinh xắn, ban tổ chức lễ hội và cuộc thi hoa hậu thuyết phục cô tham gia dự thi, Thu Trang đã đồng ý dự thi. Cuộc thi diễn ra vào ngày 20 tháng 2 năm 1955 tại rạp hát Lido, một rạp hát lớn ở Sài Gòn, Thu Trang đã giành được ngôi vị cao nhất là Hoa hậu cùng 2 Á hậu là sinh viên Ngô Thu Yên ở Cần Thơ và sinh viên Nguyễn Thị Ninh ở Hà Nội mới di cư vào Nam.

Từ danh hiệu Hoa hậu, Thu Trang chuyển qua tài tử điện ảnh, đóng phim dưới sự giúp đỡ của Đạo diễn Tống Ngọc Hạp, đến năm 1957, Thu Trang cùng Tống Ngọc Hạp qua Nhật làm hậu kỳ và ra mắt bộ phim vừa sản xuất, và Thu Trang đã có con “ngoại hôn” cùng người Đạo diễn Tống Ngọc Hạp. Sau đó Thu Trang cùng con qua Pháp sinh sống…

Bùi Giáng cũng đã từng làm riêng một bài thơ tặng Thu Trang, chưa từng công bố, đến khi bà về lại Việt Nam, họa sĩ Bửu Ý chép lại gửi bà. Bài thơ như sau:

“Thu Trang/ Trang của tờ giấy cũ/ Của vầng tóc ban đầu/ Trang của hồi vàng tụ/ Về mệt mỏi mai sau/ Anh nhớ em vô cùng/ Đất sầu không xiết kể/ Anh kêu gọi mông lung/ Trang ồ Trang rất tệ”

Và để khẳng định thêm bài thơ Mắt buồn Trung niên thi sĩ khóc cho “người một con – Thu Trang”, có người đã tìm ra… bí mật trong câu thơ thứ 8: “Âm TRANG sử lịch THU triền miên trôi”

Còn nhớ, trong một buổi chiều mưa, khoảng đầu năm 1990, tại quán bia ở 81 đường Trần Quốc Thảo, một nhóm anh em văn nghệ trẻ Sài Gòn đã mời bia thi sĩ Bùi Giáng, có người nhắc đến “gái một con” và Trung niên thi sĩ đã ngồi đăm chiêu, miệng móm mém câu “gái một con, chỗ nào cũng ngon!…”, khiến cả nhóm cười nghiêng ngửa, và ai muốn hiểu sao thì hiểu!

Kể về sự đào hoa và những mối tình… câm của Bùi thi sĩ, không biết đã có bao nhiêu người đẹp đã đi qua cuộc đời ông? Ngoại trừ người vợ hiền người Duy Xuyên tên là Vạn Ninh, cha mẹ cưới cho ông năm ông 19 tuổi (1945), và chỉ 3 năm hương lửa ngắn ngũi, bà đã mất, khi ông còn đang lãng tử vắng nhà. Nhưng đã có 2 người phụ nữ mà ông “mê đắm” khiến báo chí cũng tốn nhiều giấy mực là Hoa hậu Thu Trang như đã nói và kỳ nữ Kim Cương. Mà cũng đúng thôi, vì ông không chỉ là thi sĩ nổi tiếng, ông còn là một giáo sư, dịch giả của miền Nam lúc bấy giờ, cho dù sau này, ông có chìm đắm trong cõi mê của riêng ông, mà người đời nói là “ông điên”, song bạn bè tri âm, tri kỷ thì nhận xét về ông như Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn theo Từ điển Tác giả Văn Học Việt Nam của Trần Mạnh Thường thì: “Bùi Giáng là hư không là vô thường, là thiên niên kỷ trước, là lầu không, là vô biên mầu nhiệm, là bát quái trận đồ vô ra bế tắc mà rốt cuộc cũng vẫn luân lưu một sự đời miên viễn nói cười hả hê vu vơ mầu nhiệm”

Như vậy, trong cõi “hư không, vô thường… vô biên mầu nhiệm”, tư tưởng và thi ca Bùi Giáng là “Bát quái trận đồ, vô ra bế tắc… mà vẫn luân lưu một sự đời miên viễn…”, sự đời đó phải chăng cũng là “bát quái trận đồ của đời ông”? Mà người đời, dù cho cùng thời hay hậu bối cũng khó rõ về ông? Như những bài thơ ông viết: “Người con gái hôm nay mặc quần đỏ/ Vì hôm qua đã mặc chiếc quần đen/ Đen và đỏ là hai màu rồi đó/ Cũng như đời, đường hai nẻo xuống lên…” (Người con gái mặc quần), hoặc trong bài Ai đi tu, một sự khẳng định rõ ràng là: “Trời sầu đất muộn thế ru/ Ban đầu em đã đi tu vội vàng”, song ở một chiều khác, thi sĩ lại rất mơ hồ và cũng vu vơ: “Bây giờ ngó lại người ta/ Gẫm rằng thiên hạ ai là đi tu?…”. Hay như có sự “trêu ngươi” khi ông viết bài thơ Ông điên vào năm 1996, hai năm trước khi ông từ giã cuộc rong chơi để về phương trời miên viễn của ông là: “Ông điên từ một lần đầu/ Tới lần đuôi đứt ruột rầu rĩ đau/ Tuyệt mù biển cạn sông sâu/ Bụi hồng tản mác trước sau bây giờ”

Vâng, thưa ngài Trung niên thi sĩ, giờ thì “Bụi hồng đã tản mác…”, ông đã thảnh thơi “Thanh thiên về dự hội đàm/ Thành thân thiên hạ muôn vàn mai sau” (Ông điên). Thiên hạ vẫn đọc thơ ông, bình luận và hiểu về ông có khi rất Tiên Thánh và cũng có khi rất…Đời, vốn bụi bặm rong rêu…

Và đây, nguyên văn bài thơ Mắt buồn của ông:

Mắt buồn

Dặm khuya ngắt tạnh mù khơi

(Nguyễn Du)

Bóng mây trời cũ hao mòn

Chiêm bao náo động riêng còn hai tay

Tấm thân với mảnh hình hài

Tấm thân thể với canh dài bão giông

Cá khe nước cõng lên đồng

Ruộng hoang mang khóc đêm mồng một giêng

Tạ từ tháng chạp quay nghiêng

Âm trang sử lịch thu triền miên trôi

Bỏ trăng gió lại cho đời

Bỏ ngang ngửa sóng giữa lời hẹn hoa

Bỏ người yêu bỏ bóng ma

Bỏ hình hài của tiên nga trên trời

Bây giờ riêng đối diện tôi

Còn hai con mắt khóc người một con

(Trích Mưa Nguồn, 1962)

Theo Trần Hoàng Vy/Báo Văn nghệ 

______

(1)Viết nhân kỷ niệm 23 năm ngày mất của Bùi Giáng (7/10/1998- 7/10/2021)