Tản mạn với người bạn văn bên dòng sông Kinh Giang

597

Hồ Nghĩa Phương

(Vanchuongphuongnam.vn) – Trong một lần tôi mạn đàm với anh bạn văn là người quê gốc ở bên dòng sông Kinh hay còn gọi là sông Kinh Giang hoặc sông Mỹ Khê. Anh khẳng định đây không phải là con kênh (kinh) đào mà là con sông tự nhiên hình thành ở vùng giáp biển nối từ cửa Đại đến cửa Sa Kỳ. Chiều dài con sông khoảng 10km, chảy qua các xã Tịnh Khê, Tịnh Kỳ, Tịnh Hòa thuộc thành phố Quảng Ngãi và đoạn cuối phía bờ Bắc là cảng Sa Kỳ thuộc xã Bình Châu, huyện Bình Sơn.

Nhà thơ Hồ Nghĩa Phương

Do thủy triều lên xuống có thể nước lên từ cửa Sa Kỳ chảy ngược qua cửa Đại hoặc từ cửa Đại chảy ngược qua cửa Sa Kỳ và dòng nước ở đây luôn lửng trôi. Anh nghe mẹ kể lại, từ rất lâu rồi có lần nước lũ trên nguồn đổ về do không thoát kịp ra cửa Đại và cửa Sa Kỳ nên nước chảy bứt phá một đoạn bờ cát nay là ranh giới giữa xã Tịnh Khê và xã Tịnh Kỳ. Nước con sông Kinh này nhiễm mặn, bà con sinh sống ở đây đắp đập, ngăn dòng chảy tạo nên những vuông nuôi tôm và có nguồn thu nhập cao. Rất tiếc một số khu vực rừng dừa nước ở ven sông Kinh bị tàn phá để đắp đập nuôi tôm dù nơi đây đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh. Một dòng sông đã đi vào lịch sử, văn hóa và thơ ca.

Trước tốc độ đô thị hóa ở một vùng quê nơi đây từng xảy ra chiến tranh ác liệt và biết bao máu xương của đồng bào, đồng chí đã rơi xuống mảnh đất này để có được như ngày hôm nay. Hiện nay cầu Cửa Đại nối hai bờ hạ lưu sông Trà sắp hoàn thành đã manh nha chuổi đô thị, thương mại ven bờ sông Kinh, dọc trục đường Hoàng Sa, chung quanh vòng xoay trung tâm Mỹ Khê. Vùng đất này nằm liền kề là khu du lịch nghỉ dưỡng Mỹ Khê, khu văn hóa tâm linh Phật giáo Thiên Mã sắp xây dựng, không xa bao nhiêu là Khu chứng tích Sơn Mỹ, Đền thờ Trương Định và một số di tích văn hóa lịch sử khác. Đồng thời rất thuận tiện việc di chuyển đến Cảng Sa Kỳ để đến tham quan đảo Lý Sơn quê hương của Hải đội Hoàng Sa. Nếu chúng ta vượt qua cầu cửa Đại về phía Nam sẽ đến di tích Cổ Lũy trên núi Phú Thọ (xã Nghĩa Phú, thành phố Quảng Ngãi). Hiện nay ở đây vẫn còn vài dấu vết phế tích trên núi Phú Thọ như Hòn Yàng, thành Bàn Cờ… của người Chăm.
Ngôi nhà người bạn văn sát bên bờ Bắc dòng sông Kinh, từ đây nhìn ra có thể thấy mọi hoạt động đang lưu thông trên dòng sông này. Ngọn gió nồm mát lạnh làm cho người đến chơi dễ buồn ngủ lắng nghe giai điệu ríu rít của đàn chim sẻ chuyền cành cây trong khu vườn. Nắng vàng phơi trên những sắc hoa hồng, hoa cúc, hoa mười giờ… Anh bạn văn tâm sự là chúng ta có thể nghe tiếng sóng vỗ bờ trong đêm khuya thanh vắng vọng lại.

Phong cảnh hữu tình được tác giả ghi lại

Một vùng quê yên ả thanh bình trộn lẫn với những xô bồ tấp nập của việc phát triển chuổi đô thị dịch vụ Mỹ Khê ở gần đó. Đến Mỹ Khê, du khách thích nhất vẫn là tìm ăn cho được bánh xèo nhân tôm, bẻ bánh tráng chín bỏ vào tô don mà hương vị xộc lên đầu mũi, cầm thìa vích chén bánh bèo nóng, uống nước trái dừa ngọt lịm bờ môi… Hình như người dân ở đây đã quên đi những ngày tháng đau thương bom rơi đạn lạc của khói lửa chiến tranh ở vùng đất có truyền thống đấu tranh cách mạng, dù đất đai nơi đây pha cát khô cằn. Rừng dừa nước còn lại vẫn biếc xanh, những mảnh vườn thửa ruộng được bà con cày xới, mầm non của sự sống sinh sôi trở lại.

Những chiếc thuyền đánh cá gần bờ qua lại tạo vệt sóng lênh loang và tan biến trên mặt sông xanh. Những đêm trăng trên dòng sông này luôn bàng bạc sóng nước, lung linh hư ảo cho hồn ta có cảm giác bềnh bồng nổi trôi về chốn thần tiên nào đó.

Anh bạn văn của tôi khi nhắc nhớ về thời quá vãng, bỗng nhiên ngồi trầm ngâm tư lự, suy tưởng tâm sự về một điều rất thực: “Mình đã bôn ba lăn lộn trên thương trường và lưu lạc nơi xứ người nhiều năm nhưng về già lại muốn ẩn cư nơi quê kiểng. Chốn cũ vẫn cho ta nhiều điều thiện mỹ, “Quê hương là chùm khế ngọt…” dẫu chát chua thì vẫn là nơi “chôn rau cắt rốn”, người mẹ dù nghèo khó vẫn bao bọc đứa con nên mình chọn trở về chốn cũ là vậy!”.
Dòng sông Kinh Giang.gắn bó với anh từ thủa nhỏ, anh đã tắm mình trên dòng sông yêu thương này, mẹ anh đã từng khắc khoải lo lắng cho những ngày gió dông lụt bão. Trong những ngày mưa gió tầm tả, trời như trút nước, dòng sông Kinh ngầu đục nước lũ từ thượng nguồn đổ về, còn lại hàng ngày là sông vẫn bình yên lờ lững trôi. Cánh lá úa vàng theo thời gian rồi cũng rụng rơi, chiếc lá cứ loay hoay xoay tròn không biết chọn về cửa Đại hay cửa Sa Kỳ làm nơi lưu trú. Còn anh thì đã quyết định chọn cho mình một chỗ đi về sớm hôm, ngôi nhà nhỏ thơ mộng bên sông Kinh có hàng dừa ngả mình nghiêng bóng mát nên thơ.

Quê nhà, 16h30, ngày 26 tháng 2 năm 2019