Tản văn của Đặng Thùy Tiên: Hương ngô

387

Cây ngô mọc lẻ loi một mình thì sẽ còi cọc, có trổ cờ, có bắp, nhưng bắp không có hạt. Mọi sự tinh túy ngọt lành cây chắt chiu từ đất bây giờ dồn cả lên bắp để nuôi hạt, giống như con người dồn mọi yêu thương và hi vọng vào thế hệ sau tốt đẹp hơn.


Nhà văn trẻ Đặng Thùy Tiên.

Bám rễ vào sỏi đá

Vươn cánh tay xanh lá lên trời

Đung đưa mùi hương cùng gió

Kìa cờ hoa đã trổ

giữa lưng chừng mây giăng

Bắp vàng từ núi

theo gùi em về bản mình…

Sau một đêm dài, núi rừng chìm mình vào trong bóng tối vô tận và kỳ bí, mặt trời rẽ mây để ánh nắng lấp ló rồi dần dần trải dài ra mặt đất một màu vàng ấm áp, chiếu sáng những giọt sương long lanh như châu ngọc. Nắng đã lên. Chim ríu rít gọi đồng bọn cùng nhau đi kiếm ăn trên những cành trẩu khẳng khiu. Cứ A Xèng cho cuốc vào lù cở, gói gém cẩn thận gói cơm trắng cùng muối ớt mang theo lên nương.

Đang vào giữa xuân, trời đã ấm áp lên nhiều, Xèng không cần tới áo khoác trước cơn gió núi nữa. Bởi chỉ cần đi đến giữa đường, Xèng đã vã mồ hôi như tắm, Xèng thấy không khí xung quanh như đang khô lại và đặc đến khó thở. Mặc những sự mệt mỏi đang hiển hiện ra qua những giọt mồ hôi rỏ long tong trên mặt, trên lưng, Xèng vẫn cần mẫn đi, dẻo dai, kiên trì như chú ong rừng trên đường đi lấy mật.

Nương nhà Xèng nằm trên một quả đồi cạnh con đường mòn dẫn tới cánh rừng già nhất. Ông nội kể rằng ngày xưa, ngay dưới chân đồi cũng có những cây gỗ to vài người ôm không xuể. Nhưng từ khi Xèng sinh ra, quả đồi chỉ còn trơ lại đá sỏi, cũng từ đó Xèng chỉ thấy màu xanh của ngô, màu vàng của bắp sau thu hoạch, mùi thơm của ngô lẫn với mùi mồ hôi của người rơi trên quả đồi này. Xèng phát đường băng bao quanh quả đồi, phát một vạt cỏ khô, rồi mới châm lửa đốt.


Tranh của họa sĩ Lê Trần Thanh Thủy.

Phải cẩn thận vì mùa này cỏ bụi hết chu kỳ sống, chỉ còn xác lá trơ trụi, màu vàng khô rát dễ bắt lửa, dễ cháy lan man và thiêu rụi những cánh rừng xanh mới được tái sinh. Xèng đứng nhìn ngọn lửa đang bốc cháy ràn rạt, khói túa lên và sức nóng thì có thể cảm nhận thấy rõ rệt. Lửa cháy hết, cả ngọn đồi trơ ra một màu đen sì, hơi khói vẫn bốc lên lờ mờ như một món mới ra lò. Cái tàn tích của vụ trước đã ra tro. Từ đây, mọi thứ sẽ lại hồi sinh. Xèng vừa ăn cơm vừa nghĩ thơ thẩn. Rồi đây, vài hôm nữa thôi, Xèng sẽ chọc những lỗ nhỏ trên khắp quả đồi và gieo vào đó những hạt ngô giống chọn từ những bắp to khỏe nhất của vụ trước.

Những hạt ngô đang say ngủ sẽ được tro đất ủ ấm căng mình cựa quậy, những cái rễ trắng bé xíu sẽ chồi ra, đâm mình xuống đất mẹ, mặc cho gió hát ru. Những cơn mưa đầu mùa tưới xuống đất những hạt nước mát lành, thỏa cơn khát cho mầm ngô bé bỏng. Khi ánh chớp nháo nhào, tiếng sấm gầm rung trời cao, cây cối nghiêng ngả bởi cơn giận đùng đùng của gió, cũng là lúc từ hạt ngô nhỏ bé ban đầu có những màu xanh dứt khoát chọc thẳng lên trời cao. Ban đầu là những chiếc lá non tơ, mong manh một màu xanh mới trổ, cả quả đồi điểm xuyết những chấm xanh li ti đẹp mắt.

Dần dần, những cái lá vươn dài ra theo chiều lớn của cây ngô, tuy còn gầy guộc nhưng cây ngô lúc này đã khẳng định sự tồn tại của mình. Lúc này đã qua một tháng, kể từ ngày gieo hạt. Những mầm cỏ đã lên li ti và có loại cỏ gà thì đã lan ra một đoạn dài, mọc chằng chịt quanh gốc ngô, chực chờ ăn hết màu mỡ của cây ngô đang độ cần dinh dưỡng nhất. Những thân ngô đã mọc ngang đầu gối của Xèng. Xèng lên đồi dãy cỏ, vun gốc cho cây ngô có thể đứng vững trước những cơn gió. Cả một quả đồi, mình Xèng làm sao xuể, Xèng đi đổi công với các anh em, cùng nhau làm cỏ, vun ngô. Từ nhà tới quả đồi xa nhất, chỗ nào cũng có dấu chân Xèng và những người anh em, bạn bè, tiếng cười nói xua tan mệt nhọc, nhà này làm xong thì sang nhà khác, cho tới khi những cây ngô xanh hơn và dưới gốc ngô đã sạch dấu cỏ.

Lúc cái bắp non nhú ra từ giữa thân mẹ, cũng là lúc cây ngô mạnh mẽ trổ cờ. Bắp lớn dần lên, gió đưa những phấn từ trên ngọn cây ngô rụng xuống, bám vào đoạn râu xanh mướt như tóc người con gái còn xuân để thụ phấn cho bắp. Ngô mọc phải thành ruộng, thành nương, ngô sống theo kiểu tập thể lớn mạnh, phấn cây này sẽ thụ phấn cho bắp của cây kia. Cây ngô mọc lẻ loi một mình thì sẽ còi cọc, có trổ cờ, có bắp, nhưng bắp không có hạt. Mọi sự tinh túy ngọt lành cây chắt chiu từ đất bây giờ dồn cả lên bắp để nuôi hạt, giống như con người dồn mọi yêu thương và hi vọng vào thế hệ sau tốt đẹp hơn.

Khi râu ngô đổi sang màu thẫm, áo bắp chuyển từ màu xanh nõn chuối sang màu xanh đậm là lúc hạt bên trong đang căng sữa. Nếu muốn ăn ngô luộc, nên chọn lúc này, bắp ngô thơm, hạt ngô dẻo và ngọt. Để thêm một thời gian, khi râu ngô khô lại, còn lại tủn mủn một chút trên đầu bắp thì thu hoạch được. Nếu muốn già hơn nữa thì để bắp ngô đổi áo sang màu vàng nhạt, hạt ngô lúc này già và khô, có thể mang về vẽ hạt là xong, không cần phải phơi thêm. Xèng nhớ lại ngày anh còn bé, mẹ làm mèn mén từ ngô. Thằng bé Xèng ngày ấy mẹ địu trên vai để xay ngô, háo hức với đôi mắt long lanh hau háu nhìn mẹ hết sàng, vò rồi hấp bột ngô tới lần thứ hai, tới khi đổ mèn mén ra bát, không cần phải giục, nó đưa lên miệng ăn ngon lành. Bây giờ đôi mắt mẹ đã kèm nhèm, cái vai mẹ địu ngô nhiều đã còng, cái cối đá xay ngô nằm hiu hắt ở đầu nhà. Bây giờ nhà Xèng nấu rượu ngô. Xèng nghe mọi người bảo rượu ngô là đặc sản, còn với Xèng thì nấu rượu ngô là truyền thống được cha ông truyền lại từ lâu đời, mọi năm nhà Xèng vẫn nấu, nhưng nay thì nấu để bán nên nấu nhiều hơn, vậy thôi.

Cây ngô sau khi thu hoạch thì khô lại, xác xơ, cỏ mọc lấn dần, cho tới khi gió và cái lạnh mùa đông khiến cho cây cỏ cũng tàn tạ, héo úa và chờ tới bàn tay con người cải tạo, chuẩn bị cho vụ mùa mới…

Theo Đặng Thùy Tiên (Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Lai Châu)

VHSG