Nhớ một thời hợp tác xã – Tạp bút của Võ Văn Thọ

914

Võ Văn Thọ

(Vanchuongphuongnam.vn) – Hồi còn thực hiện mô hình Hợp tác xã (HTX), tức trước năm 1986, ruộng trồng lúa được nhà nước trưng thu thành tài sản chung, còn gọi là tài sản của tập thể. Với mục đích phục vụ công cuộc xây dựng đất nước, tiến lên XHCN để đi đến đích thành công, đó cũng là thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước sau năm 1975 khi nước nhà đã hoàn toàn thống nhất.

Thế nhưng, mặt trái của việc thực hiện chủ trương trên là “cha chung không ai khóc”, và những chuyện tiêu cực vẫn còn xảy ra một thời gian dài 10 năm (1975-1985). Đến năm 1986, khi ông Nguyễn Văn Linh lên làm Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng CSVN, mới áp dụng khoán 10. Và “Những việc cần làm ngay” của đồng chí Nguyễn Văn Linh mới được thực thi, sự đổi mới của đất nước mới dần được hồi sinh, phát triển.


Cảnh xếp hàng mua rau thời bao cấp.

Còn nhớ, thời điểm còn HTX ở quê tôi cơ bản thiếu ăn, đời sống của người dân vô cùng cùng cực, làm ruộng ghi công điểm, để đến mùa nhà nào nhiều điểm thì được chia nhiều lúa, còn nhà nào ít điểm thì chia ít lúa. Cứ tưởng như vậy là công bằng xã hội, là không có tiêu cực; nhưng không phải vậy. Vì gia đình nào còn tuổi lao động, thì lao động đó mới được HTX tính công, (tức từ 18 đến 60 tuổi đối với Nam và đến 55 tuổi đối với Nữ), còn đã quá tuổi lao động (trên 60) hoặc chưa đến tuổi lao động, thì muốn có công lao động để tính điểm cũng không được tham gia lao động và không có điểm thì không được chia lúa sau mỗi mùa vụ là đương nhiên. Cho nên, gia đình nào con đông, con chưa đến tuổi lao động hay có ông bà nội ngoại ngoài 60 tuổi là đói, vì không có lao động chính trong độ tuổi lao động. Chưa nói việc, ý thức trách nhiệm của con người đối với tài sản công của HTX cũng rất kém.

Lúc đó, tuy tôi còn nhỏ tuổi, nhưng đã hiểu biết được phần nào những bất công đó. Ví dụ như: Cánh đồng lúa đến vụ thu hoạch lúa đã chín vàng, ngã đổ rạp, nhưng lãnh đạo HTX còn gọi là Chủ nhiệm HTX và các đội trưởng sản xuất chưa đi nghiệm thu, thì người dân không được đi gặt. Khi HTX nghiệm thu xong, ước lượng bao nhiêu công gặt lúa, bao nhiêu người gánh lúa về sân HTX và bao nhiêu người đập, đạp lúa hột ra khỏi bó, dê phơi… xong mới cho số lượng người đi thu hoạch. Nên lúa về được đến sân HTX là cả một quá trình và đương nhiên hạt lúa đã kém chất lượng. Còn việc gặt bó lúa cũng nhiêu khê, người bó lúa thì mặc kệ lúa hạt đổ xuống ruộng. Vì ai cũng nghĩ của chung hơi đâu mà hốt, hứng lúa đổ ra khi thao tác bó lúa. Lúa về đến sân HTX nhưng chưa hẳn còn nguyên, vì người này, người kia do quá thiếu thồn, nảy sinh ý đồ chiếm của chung thành của riêng, nên xảy ra mất trộm…

Thời điểm đó, mẹ tôi tham gia đi làm công lấy điểm, nhưng mẹ rất buồn và trưa, chiều về thấy mẹ lén khóc một mình, buồn tủi. Tôi thấy vậy rất thương mẹ gặn hỏi mãi thì mẹ bảo: “Con còn nhỏ chưa hiểu biết được hết nỗi khổ khi phải vào HTX, cố gắng học hành để sau này không phải làm nông như ba mẹ”. Nhưng qua lời tâm sự của mẹ với bà con trong xóm tôi biết được lý do mẹ khóc thầm là vì: Hồi đó tư tưởng người lao động còn phân biệt hơn thua nhau ghê lắm. Khi chấm công những lao động khỏe, giỏi việc làm nông thì họ đấu tranh để có điểm tối đa 10 điểm/ công lao động. Còn như mẹ tôi không thạo làm nông, do trước đây mẹ làm công nhân nông trường, sau giải phóng 1975, mẹ theo ba về Quảng Nam sinh sống. Nên việc làm nông mẹ phải vừa học vừa làm, không bằng những người làm nông chuyên nghiệp. Do vậy, việc mẹ cũng dang nắng, dầm mưa ngoài đồng cả ngày như mọi người nhưng công điểm ít hơn cũng là chuyện bình thường.

Tuy nhiên, mẹ buồn không phải vì điểm ít, mà vì có người ác miệng nói không cho mẹ tôi đi làm, vì hiệu quả của mẹ tôi thấp, không xứng để tính công. Nhưng mẹ tôi luôn có lòng tự trọng, mẹ biết mẹ kém cỏi hơn, nên mẹ không nghỉ giải lao, cố gắng làm hết sức mình, để xứng đáng với điểm chấm công, dù rằng không thể có được điểm tối đa như số đông những người lao động thuần nông nghiệp. Thế nhưng mẹ không tránh khỏi sự so bì, chì chiết. Nên mẹ rất buồn, chỉ biết ngậm ngùi, nuốt nước mắt vào trong, nghẹn ngào, tủi cho thân phận. Vì nếu không được gọi là lao động chính thì sẽ không có công điểm để chia lúa, cũng đồng nghĩa cái khó cái nghèo sẽ còn đeo bám dai dẵng, không biết ngày nào mới thoát khỏi.

Sau này, mẹ bị bệnh đau tim, thường xuyên khó thở, nên không thể tham gia vào việc là lao động chính của HTX. Mẹ chỉ phụ việc nhà phụ giúp ba lúc bệnh đỡ hơn, tất cả đều trông cậy vào ba tôi. Chị em tôi lúc còn nhỏ, học 1 buổi, còn buổi còn lại phải đi mót từng bông lúa, gié lúa còn sót, hốt từng hạt lúa đổ ra, trên cánh đồng, trên bờ ruộng… rồi về nhặt cát, sạn, mong cuối vụ mùa được vài ang lúa, để mưu sinh qua ngày. Không có khái niệm được đi học thêm như bây giờ!

Thời điểm ba tôi về hưu nên được 13 kg gạo tem phiếu/ tháng, nhưng thực chất chỉ khoảng 8-9 kg gạo cũ, còn độn thêm 4-5 kg bột mỳ Liên Xô. Sau này, không có bột mỳ do Liên Xô cắt tài trợ, thì được cấp khoai hoặc sắn lát khô. Vì đất nước mới giải phóng còn nghèo khó. Cả nhà tôi 5 khẩu, cứ như “tằm ăn lên”, nhưng chỉ dựa vào mỗi tiêu chuẩn của ba, nên khó khăn tiếp nối khó khăn. Bệnh của mẹ thì ngày một thêm nặng. Nên ước mơ của chị em tôi lúc đó cũng rất đơn giản, chỉ có cơm ăn, áo mặc, được cắp sách đến trường là hạnh phúc lắm rồi! Nhưng dần hồi khó khăn ấy, với quyết tâm cũng đã vượt qua. Tôi thầm cảm ơn đời, cảm ơn tư tưởng đổi mới của người đứng đầu Đảng, Nhà nước ta lúc đó. Nếu không có Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh xuất hiện, không có khoán 10, thì không biết đất nước còn phải trải qua khó khăn đến bao lâu nữa!

Sau khi bỏ HTX, chia lại ruộng cho người lao động, mọi người có ý thức hơn với tài sản của mình, không ngừng canh tác, chăm bón, cần mẫn trên thửa ruộng, mảnh vườn của mình, để rồi, những khó khăn cũng dần vơi, đất nước ngày một phát triển đi lên… Viết lại những gì tôi đã sống, đã trải qua, thời niên thiếu đầy khó khăn, vất vả như vậy, để ghi nhớ công lao, tình yêu thương của cha mẹ là vô bờ bến. Còn nhớ câu ca dao ví về tình mẹ đã bọc bạch điều đó: “Thân cò gánh nắng cõng mưa/ Mẹ tôi cõng cả sớm trưa bốn mùa”!

V.V.T