Tập thơ “Chim sơn ca đến trường” của Hồ Xuân Đà

1162

(Vanchuongphuongnam.vn) – 1. Cầm trên tay tập bản thảo về tập thơ mang tên “Chim sơn ca đến trường”, với tôi, đây như là một bộ phim về thế giới tuổi thơ với nhiều trường đoạn. Lâu nay trên văn đàn mảng văn học thiếu nhi hình như kém sôi động. Trên các kệ sách, người ta thấy rất ít các tác phẩm văn thơ  trong nước viết cho trẻ em mà chiếm phần lớn là sách dịch của nước ngoài. Các em thấy nhớ “Một góc sân”, thích được dắt  tay nhau hát đồng giao trên sân trường hay đọc các vần thơ vương màu mực tím như trước đây. Vì lẽ thế, có một tác phẩm thơ “Chim sơn ca đến trường” trong lúc này, phải chăng là một hy vọng, một niềm vui, và hơn cả là sự trân trọng cho tấm lòng của một cô giáo mầm non.

Vì vậy khi đọc xong lần đầu, rồi lại phải đọc vài lần nữa, thấy mình ngấm dần vào cái thế giới tuổi thơ mà Hồ Xuân Đà đã tập hợp lại. Không có gì là cao xa mà thế giới trong thơ Đà là cuộc sống đời thường trẻ thơ nào cũng có ngày ở trường và ở nhà như thế. Đọc thơ Đà tôi càng thấy cái hiếu động của cái tuổi ấu thơ phong phú và đa dạng thế. Ban đầu cứ tưởng chỉ ở quanh quẩn cái góc sân nhà hay sân trường thôi. Nhưng càng đọc, càng thấy cái thế giới ấy đa dạng ra sao, trẻ con cần những gì, mơ ước những gì…

Đọc mấy trang đầu thay lời tựa nói về ý tưởng làm tác phẩm này của của Hồ Xuân Đà mới thấy cái động cơ để có “Chim sơn ca đến trường” thật giản đơn mà lại rất “nghề nghiệp”. Ấy là hàng ngày Đà sống, dạy, vui chơi  với các con ở lớp như một gia đình lớn. Ở đấy Đà quan sát, kiểm nghiệm công việc qua từng cảm xúc  của bé khi tiếp nhận kiến thức. Chính vì vậy Đà biết các con thích gì và khi nào thì chúng nhớ những điều cô dạy nhất. Dạy trẻ là một lĩnh vực khoa học mở mà những người thường xuyên đứng lớp như Đà phải tiếp tục bổ sung, hoàn thiện. Từ những bài giảng qua tác phẩm thơ như “Cây táo ngọt” Đà đã thấy sao mà bài giảng thu hút các con đến thế. Ấy là câu thơ đã cho bé biết Táo chua và chát/ Được mùa tắm mát/Táo cười đó thôi và rồi bé khám phá ra được: Khi trời mưa tạnh/ Táo thành quả ngọt/ Tha hồ bé ăn. Có phương pháp gì để các con hiểu biết thế giới xung quanh mình một cách giản dị đến như thế. Đó là cách Hồ Xuân Đà đúc kết được khi dạy trẻ đọc thơ của những tác giả khác. Rồi từ đó xác định được giá trị giáo dục của thơ là rất lớn.

Nhạy cảm của một cô giáo đã giúp  Đà phát hiện thế giới nội tâm của các con khi tiếp thu bài của cô qua các hình thức phù hợp với tâm lý hiếu động của con trẻ. Đó là những vần thơ như hát đồng dao dân dã thuở xưa. Đấy chính là nguyên nhân để Đà cho ra đời tập thơ, nhạc mang tên “Chim sơn ca đến trường” đến tay bạn đọc hôm nay.

Tôi viết lời giới thiệu cho tập thơ này trong tâm thế của một bạn đọc quen thuộc đã được may mắn đọc các tác phẩm của Hồ Xuân Đà. Những  bài thơ được Đà cấu trúc vào ba chủ đề chính. Đó là: những hoạt động cá nhân cũng như cùng bè bạn của bé; những quan sát về những hiện tượng tự nhiên vẫn gặp thường ngày và tình cảm gia đình, tổ ấm của bé.

2. Để nói về hoạt động từ học tập đến vui chơi; từ trong lớp đến sinh hoạt cộng đồng, Hồ Xuân Đà dành hơn nửa số lượng bài thơ trong tác phẩm cho mảng chủ đề này. Mở đầu tập thơ ta bắt gặp ngay 2 bài “Bé thơ học nói” tựa như là tấm màn được mở ra để con trẻ tiếp nhận với thế giới xung quanh. Với những câu thơ sao mà yêu thế:

Líu líu…lo lo

Bé thơ học nói

Bi bô cả ngày

Gọi Ba…gọi Bà

Ríu ra …ríu rít

Con chim trên cành

Bay nhanh…bay nhanh

Cho kịp trời xanh….

Khi chân trời đã mở cũng là nguồn lực để cho bé khôn lớn dần lên:

Bé lớn từng ngày

Theo thời gian đếm

Học nói quen dần

Bé tìm hiểu chuyện

Cả nhà đều vui….

Đọc các bài “Bé đi chơi”, “Gió mát tuổi thơ”, “Bàn tay em” và “Nụ cười trẻ thơ”… ta bắt gặp sự náo nức và những cái nhìn trong veo qua ánh mắt trẻ nhỏ khi được đắm mình trong cuộc sống thiên nhiên. Ai mà không từng trải qua cái thời thơ ấu mỗi khi được tiếp cận với cái mới, đó là: Ngày đầu năm mới /Bé được đi chơi… Bé chào mặt trời/ Sáng lên khắp ngõ…, Cả nhà vui cùng gió/ Bên trời chiều xanh xanh… hay thật dễ thương dạy bảo con trẻ Đôi bàn tay em/ Em yêu em giữ / Tay luôn sạch sẽ/ Vui khỏe bốn mùa.

Đọc mấy chục bài trong nhóm chủ đề này người ta thấy mỗi bài như là một lát cắt hay một góc nhìn đa chiều mà tinh tế của người ghi hình. Phải yêu trẻ thế nào mới dành hết thời gian quan sát từng giờ bé chơi, từng cử chỉ bé làm và từng đôi mắt ngây thơ dán chặt vào từng động tác. Đọc thơ Hồ Xuân Đà tôi mới càng hiểu câu người ta hay nói: học mà chơi, chơi mà học đối với các con ở trường mầm non. Đúng là bé chơi làm nghề xây dựng; rồi bé học vẽ, học lái xe, bé tưới cây  hay bé yêu con mèo của bé… Tất cả dưới cái nhìn của cô giáo Đà,chơi đấy mà cũng là học đấy:

Đi đúng luật giao thông

Đèn đỏ xe dừng lại

Chờ đèn xanh hãy đi

Mô tô bé cực kỳ

Chấp hành nghiêm điều lệnh

Giống như cô giáo dạy

Những giờ vui ở trường

Đóng vai người đi đường…

Bé đi theo đúng luật

Là bài học đầu tiên

Hướng dẫn người qua lại

Luật đi đường hôm nay

Tấm lòng yêu trẻ đến nhường nào để cho Đà chắt chiu được qua cái quan sát và cảm nhận của con trẻ trong một giờ học vẽ với sắc thái hình ảnh thế này:

Con vẽ ước mơ hồng

Pha màu trang giấy trắng

Có một chùm tia nắng

Thả xuống chiều hôm nay

Thả xuống đầy bàn tay

Ông mặt trời rực rõ

Cả một đồng hoa cỏ

Nở bừng ước mơ xanh

Thật không phải ngẫu nhiên mà Hồ Xuân Đà chọn tên bài thơ “Chim sơn ca đến trường” làm tên chung cho cả tập thơ nhạc. Vào cái tuổi “xưa nay hiếm” như tôi đọc xong bài thơ vẫn cảm thấy mình trẻ lại thời thơ ấu khi  bắt đầu đi học. Yêu quá những cô , cậu ngày đầu tiên đến trường. Đúng là “ríu ra ríu rít” như bầy chim non. Hồ Xuân Đà thật tài tình chọn ý cho thơ mà đọc lên đã là giai điệu của nhạc rồi.

Còn với tôi – nghề làm báo hình-  đọc đến đâu thấy chi tiết hình  ảnh chứa đầy đủ yếu tố của ngôn ngữ điện ảnh: hình và âm thanh.:

Sơn ca đến trường

Mây trắng vui mừng

Nắng vàng trải thảm

Bạn gió vi vu

Cùng Sơn Ca hót

Múa nhịp làm trò

Bên chiếc bàn nhỏ

Có sẵn ghế xinh

Có hình chiếc lá

Sơn Ca đứng nhìn…

Không biết Đà đã đón bao nhiêu thế hệ bé  đến trường  để đến hôm nay có được những câu thơ làm lay động người đọc: Đàn chim hòa cùng bé/ Đến lớp cười giòn tan… hay Cô đón em vào lớp/ Ùa trong vòng tay yêu/ Cô mỉm cười thật nhiều/ Ôi, con ngoan của mẹ, chỉ có tấm lòng thật sự là “người mẹ thứ hai” của bé mới viết được những vần thơ giàu tình thương  như thế.

Ở chủ đề về hoạt động của bé ở trường còn rất nhiều bài Đà viết không chỉ là gọi tên cụ thể mà người đọc cảm nhận được toàn thể bức tranh toàn cảnh bé đã được học từ cái tuổi ấu thơ  ở trường. Cô đã cho Em gieo hạt mầm nhỏ/ Đợi từng ngày chớm nở để rồi Vui mừng reo khắp ngõ/ Hạt giống sinh con rồi. Tôi thích Đà kể mà “rất thơ” trong bài “Chào năm học mới”:

Đón chào năm học mới

Chào phấn trắng bảng đen

Chào chỗ ngồi với bạn

Và bao điều ấm êm

Trải vàng sân trường rộng

Những bàn tay thân quen

Đong đưa vài giọt nắng

Trong giọng cô giáo hiền

Làm sao mà nói hết tình cảm của người mẹ cùng dạy, cùng chơi  cả chục năm nay với con trẻ như Hồ Xuân Đà. Tích tụ ấy đã làm cho ngòi bút của Đà viết về bé thật dễ thương mà rất gần gũi như công việc hàng ngày. Đó là “Bé lau mặt” có sự nhắc nhở nhỏ nhẹ: Vệ sinh là phòng bệnh/ Sạch sẽ là bước đầu… và “Lớp của bé” có: Lớp học nào cũng thế/ Cô như người mẹ hiền… Dìu bé vào tương lai. Nếu không quan sát, quy nạp tốt thì làm sao viết được những câu: Mỗi ngày con ở trường/ Giờ ra sân vui lắm/ Ngắm nhìn đàn cá bơi/ Trong hồ sen bông thắm trong bài thơ “Con thích ra sân”…

3. Nếu chủ đề thứ nhất Hồ Xuân Đà viết trong tâm thế “người mẹ ở trường” thì sang chủ đề thứ hai, Hồ Xuân Đà lại ở tâm thế  người mẹ thực tế của con trẻ. Đọc các bài thơ nói về tình cảm gia đình tôi thấy tác giả như  đang thủ thỉ với con, với học trò mình trong tâm thế của một người mẹ người mẹ rất đỗi nồng ấm thương yêu. Phải chăng, trải qua bước thăng trầm của tình cảm gia đình mà Đà dồn hết tình thương đối với hai đứa con mình. Hầu hết những nhân vật trong các tác phẩm của Hồ Xuân Đà đều phảng phất bóng dáng của chính hai con. Đọc xong bài thơ “Con yêu” tôi thấy cay khóe măt bởi dư âm cảm xúc của một người mẹ nhìn thấy đứa con mình khôn lớn từng ngày:

Con ơi…con ơi…

Bao ngày mẹ hát

Bao ngày mẹ ru

Mong con khôn lớn…

Thương yêu biết mấy

Tuổi thơ của con

Mẹ là dấu son

Một trời cổ tích…

Còn có một tình thương mẹ nào hơn như bé trong “Khi mẹ ốm” sang nay: Mẹ ốm lòng con không an/ Mong sao bệnh nhẹ, sớm lành vết thương/ Ước gì con có thuốc tiên/ Dâng lên mẹ uống hết liền cơn đau. Cái điều ước trẻ thơ ấy trong mỗi chúng ta lúc ấu thơ khi ba, mẹ ốm đều như thế. Và hôm nay Đà nói với con cũng là nhắc lại cho mọi người về tình cảm dành cho ba, mẹ và người thân yêu của mình khi gặp ốm đau, bệnh tật.

Với bổn phận người mẹ Đà cũng như các bà mẹ khác ở đâu, lúc nào cũng là “mặt trời” vừa sưởi ấm vừa dọi sáng để dẫn dắt con minh từ thuở chập chững vào đời đến khi thành người lớn.

Mẹ là mặt trời

Con là mặt đất

Mẹ sói ánh nắng

Chiếu sang tâm hồn….

 …Mẹ hôn lên đất

Mẹ ôm vào lòng

Bao điều chờ mong

Ngày con khôn lớn

Đọc thơ Hồ Xuân Đà tôi cảm nhận được tình yêu người mẹ thật to lớn. Ông cha ta từng đã đúc kết “Công cha như núi Thái sơn/ Công mẹ như nước trong nguồn chảy ra” để nói về công lao của cha, mẹ đối với con cái. Với Đà, cả ngày làm “mẹ hiền” trên lớp, thời gian còn lại dành làm người mẹ của những đứa con mình nào có được bao nhiêu. Vì thế tình cảm mẹ con sao mà đầm ấm, yêu thương đến thế. Tiếng cười mẹ con mình/ Cả nhà vui như hội (Mẹ và con gái). Bằng cách kể rất duyên mà giàu hình ảnh, Đà đã dựng lên cho bạn đọc một phóng sự vừa đầy chi tiết hình khối; vừa nhiều âm thanh:

Hôm nay ngày nghỉ học

Với mẹ ngủ thật ngon

Đúng giờ con thức dậy

Quanh nhà chạy lon ton

Và chỉ một ngày nghỉ thế thôi cũng đã  đủ làm nên “Tình yêu thương mật ngọt/ Dâng lên ở trong long” đối với mẹ con Hồ Xuân Đà rồi.

Ở chủ đề này, Hồ Xuân Đà còn có nhiều bài thơ hay như bài “Có anh trai” thật hồn nhiên và cảm xúc: Một ngày của bé/ Có nụ cười say/ Có một anh trai/ Cùng chơi với bé hay bài “Chiều về với mẹ” có câu: Một ngày xa mẹ với con/ Dài như bóng cả của ông mặt trời để rồi khi gặp mẹ Hôn lên vầng trán mẹ hiền/ Mẹ ơi, con nhớ…nhưng mà học vui.

Thế giới của trẻ thơ sao mà ngộ nghĩnh đến thế. Với Hồ Xuân Đà bao giờ cũng nhìn con trẻ bằng một ánh mắt ấm áp mà chan chứa yêu thương. Đó là khi  bé đã chìm trong giấc ngủ qua “Lời ru của bà” thời ấu thơ, để rồi Bây giờ con lớn mùa thu tựu trường/ Đi học về rất thương thương/ Chào bà, con hát bài thương yêu bà. Hay con ngõ nhỏ với hàng cây đã thành người bạn cùng bé đi lại sớm chiều. Phải gắn bó lắm mới có được cái nghĩ Ngõ nhà em rất yêu thương/ Bao nhiêu chuyện kể thân thương nhớ hoài mộc mạc mà gần gũi đến vậy.

4. Một trong những đặc điểm của các bé  là rời vòng tay mẹ, bè đến trường mầm non với bao bối rối, hồi hộp, thắc mắc và ngỡ ngàng. Nhà giáo, nhà văn Hồ Xuân Đà biết rất rõ điều này. Năm nào vào năm học mới Đà và các bạn đồng nghiệp cũng bắt đầu một chặng đường mới giúp các bé hiểu thêm cái thế giới đầy mới lạ xung quanh mình. Đọc những bài thơ Đà viết về các hiện tượng thiên nhiên, điều mà rất nhiều bé hay hỏi: Cái gì đây? Sao thế?… Tôi nhận thấy cách viết của Đà rất “sư phạm”, đúng với tâm lý các con . Đó là Đà sử dụng cách kể chuyện dung dị, dễ hiểu và phù hợp với khối lượng kiến thức cần cho các bé.

Sớm mai bước ra vườn

Bé thì thầm hỏi mẹ

Sao mây trời bay bay

Chưa rõ màu gì nhé!

Đến trường bé suy nghĩ

Hỏi nhỏ mây trời bay

Mây ơi, mây có hay?

Là màu xanh biêng biếc…

Để có được cách kể giản đơn mà dễ hiểu như thế hẳn Đà phải dành rất nhiều thời gian quan sát tìm ra cái bé đang muốn biết là gì. Cũng là mưa thôi, nhưng mưa trong thơ Đà lại có cái  nhìn của bé: Cơn mưa dứt hạt chiều nay/ Mẹ ngồi nhóm bếp mây bay ngang trời/ Chuồn chuồn bay đuổi rong chơi/ Kìa con cún nhỏ sáng ngời mắt, môi…

Những bài thơ trong chủ đề về hiện tượng thiên nhiên không nhiều nhưng mối bài Hồ Xuân Đà tìm một cách cho bé tiếp cận khác nhau thông qua sự liên tưởng rất dễ thương. Với “Nắng” bé  thấy như là người bạn thân đồng hành, quấn quýt cùng mình:

Nắng theo chân em

Từ nhà ra ngõ

Trải trên đồng cỏ

Theo tận đến trường

 Nắng không chịu dừng

Theo vào đến cửa

Nắng bỗng đứng chờ

Học sinh vào lớp…

…Nắng đi chơi nhé

Góp tia nắng vàng

Làm nàng mây trắng

Chiều về gặp nhau

Nhiều câu thơ Đà viết đầy hình tượng. Đà hiểu hơn ai hết  thế giới con trẻ coi hiện tượng thiên nhiên gần gũi và mong được song hành cùng mình như thế nào. Nếu “Chị gió” đã làm Em thì mãi vấn vương/ Bàn tay chị gió thân thương dịu dàng/ Em ở trường, em ở nhà/ Chị theo từng bước cùng nhau học bài, thì “Cầu vồng” bất ngờ xuất hiện với bảy sắc màu kỷ ảo lại cuốn hút bé làm sao: Giữa bầu trời/Cao lộng gió xuất hiện một hiện tượng kỳ bí  mới. Khi giải thích hiện tượng thiên nhiên như “Bão”, Đà có những câu thơ rất hình ảnh Chuồn chuồn bay thấp chiều nay/Nghe đài báo bão mây bay kéo về/ Gió từng cơn lạnh tái tê/ Sấm vang chớp sáng vùng quê yên lành… Mỗi lần cùng con ra biển, Đà đều quan sát những điều con trẻ muốn khám phá để rồi có được những câu thơ hay: Cát trắng dưới tay em/ Làm nên lâu đài nhỏ… Mãi đong cho thật đầy/ Ngôi nhà xinh trên cát/ Bằng những hình vỏ ốc/ Xếp thêm tầng giấc mơ. Nếu Đà tạo bức tranh “Bão” bằng hình ảnh thì với “Sóng” Đà lại tạo cho bé một thế giới âm thanh rộn rã của biển cả: Sóng nối sóng/Vỗ vào bờ/Từng nhịp êm/ Từng nhịp động… Sóng reo vui/ Hòa điệu ca. Đúng là biển một bên và bé một bên để cho cô giáo Hồ Xuân Đà có một cảm nhận thật ấm áp  mỗi khi nhìn con  nô đùa với  “Hoàng hôn trên biển”:

Mây từng khóm nhỏ bay bay

Sóng tung trắng xóa lung lay con thuyền

Bé chạy đuổi theo nắng chiều

Sóng xa từng đợt vỗ về dịu êm

5. Trong một lần hội thảo về văn học cho thiếu nhi  rất nhiều cây bút ở nhiều lứa tuổi đã nêu lên thực trạng; Văn học viết cho thiếu nhi hiện nay số đầu sách thì nhiều nhưng các tác phẩm thực tạo dấu ấn đậm trong con trẻ lại thiếu vắng. Các em thèm có được những trang viết về đời sống “Dế mèn phiên lưu ký” của bác Tô Hoài, các em thèm những câu thơ như Những trưa tháng sáu/ Nước như ai nấu/ Chết cả cá cờ/ Cua ngoi lên bờ / Mẹ em xuống cấy của thần đồng thơ Trần Đăng Khoa… Đúng là khó. Văn học cho bé phải có cái nhìn, cái đợi chờ háo hức như bé. Điều ấy đâu dễ. Hồ Xuân Đà vốn là một cô giáo mầm non, một nghề nghiệp chưa được thật sự coi trọng trong xã hội hiện nay, nhưng với khát vọng góp chút nho nhỏ tài lẻ thơ phú của mình cho thiếu nhi. Cho nên với suy nghĩ vô tư đó, Hồ Xuân Đà hạn chế được phần nào kiểu áp đặt cái nhìn của trẻ qua đôi mắt của người lớn. Được thế bởi lẽ Đà có mấy chục năm sống, học và  vui chơi cùng con trẻ. Lợi thế ấy đã giúp Hồ Xuân Đà có được cách nhìn trong veo, cũng ngây thơ ngộ nghĩnh như các con.

Tập thơ , nhạc “Sơn ca đến trường”  Hồ Xuân Đà phần lớn  sử dụng dạng thơ 3, 4 đến 5 từ cho một câu và thể thơ lục bát quen thuộc. Rất giống đồng dao, ca dao mà tuổi ấu thơ chúng ta cũng đã từng rất thích vì nó dễ thuộc, dễ nhớ. Chắc chắn Đà hiểu và cảm được điều này, nên  đã  chọn cách viết đơn giản – phù hợp với độ tuổi.

Ngày 1-6 này, và mủà hè đang đến “Chim sơn ca đến trường” sẽ là món quà ý nghĩa với mỗi gia đình, nhất là với các cháu thiếu nhi.

Hà Nội, những ngày chớm hạ – 2021

        Nhà báo-Nhà giáo-Đạo diễn Minh Bài