Phạm Văn Hoanh
(Vanchuongphuongnam.vn) – “Trầm tích” là tập thơ thứ tư của nhà thơ Hoàng Thân, hội viên Hội VHNT Quảng Ngãi, vừa được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành tháng sáu năm 2020. 80 bài trong tập thơ này với nhiều thể thơ khác nhau, từ thất ngôn tứ tuyệt, thất ngôn bát cú Đường luật, năm chữ, bảy chữ, tám chữ, lục bát đến tự do, tất cả đều rất thành công về mặt nghệ thuật và nội dung, đã khiến người đọc lắng lại và chợt thấy lòng cứ xao xuyến, xốn xang, bởi từng bài của tập thơ chất đầy hoài niệm, ngôn từ mộc mạc nhưng được chắt lọc tinh tế, giàu hình ảnh, giàu cảm xúc và chứa đựng cả một khoảng trời thương nhớ mênh mông.
Bìa tập thơ Trầm tích
Trong khoảng trời thương nhớ mênh mông ấy, phải kể đến nỗi nhớ về mối tình thời áo trắng:
Cuộc tình đầu là tình ở bên trong
Dẫu đau xót nhưng là điều rất thật
Khó chấp nhận dù luôn là đẹp nhất
Thẳm sâu nhau riêng nỗi nhớ khôn cùng
(Tháp cổ mưa lòng)
Tình đầu tan vỡ để lại trong anh bao nỗi nhớ. Nhớ nhất là nỗi buồn đau khi tiễn người yêu đi lấy chồng:
Lá úa mùa trôi rụng khẽ khàng
Đò chiều sáo nọ rẽ sang ngang
Tim ta rỉ máu thay màu pháo
Tiễn bước người đi lệ võ vàng
(Lưu bút ngày xanh)
Khổ thơ mang âm hưởng trầm buồn, sâu lắng đã nói hộ biết bao tiếng lòng, bao nhịp đập nồng say của trái tim. Nỗi đau ấy lắng đọng, tích tụ trong đời thơ anh, để tháng ngày anh suy tư, chiêm nghiệm về những cuộc tình lỡ làng:
Cho ta tim rỉ máu hồng
Hỏi em, em để mặn nồng riêng ai
Cho ta rạn vỡ tàn pha
Hương nhài năm cũ em cài nơi đâu
…
Nuối gì qua mấy bão giông
Mấy mùa nước lũ lòng sông vẫn hoài
Thời gian nào thể ngược xoay
Đành trầm tích lại tháng ngày riêng mang
(Trầm tích)
Khổ thơ trên nói riêng, bài thơ “Trầm tích” nói chung. với thể thơ lục bát uyển chuyển cùng với thủ pháp ẩn dụ đã khiến người đọc phải ngậm ngùi cho những mối tình mà anh đã trải qua. Hình ảnh ẩn dụ “Trầm tích” còn có ý nghĩ hàm chứa chung cho cả tập thơ. Chính vì thế mà anh đã lấy tên bài thơ này làm nhan đề cho cả tập. Đọc tập thơ “Trầm tích” ta nhận thấy nỗi đau khi tình yêu tan vỡ được anh biến thành thơ và anh đã đồng hóa thơ và em làm một:
Thơ ta viết, chẳng vì ta mà viết
Bởi vì em,
em chính là thơ
Ta giấu trong những vần điệu nghệch ngờ
Thơ lại muốn muôn vạn người thấu tỏ.
(Mũi tên trên ngực)
Nhà thơ Hoàng Thân
Tiếng thơ của Hoàng Thân là tiếng nói của con tim luôn khao khát yêu và được yêu. Khi yêu trái tim của nhà thơ cứ thổn thức:
Muộn ngày giọt nắng dần vơi
Bóng chim xa ngái, chân trời mờ sương
…
Bờ chiều thao thiết bâng khuâng
Trái tim thổn thức nuôn trùng chờ nhau
Câu thơ ta viết bao ngày
Gởi em, em ngại nên tay chẳng cầm
Lời yêu giờ mãi lặng thầm
Ẩn trong lòng đất mạch ngầm dung nham.
(Mạch ngầm dung nham)
Khổ thơ như là một lời bộc bạch, một lời tâm sự hết sức chân thành, ẩn chứa một trái tim ấm áp, thiết tha với tình yêu. Có lẽ chỉ trong thơ thì bao điều khó nói, bao trăn trở, suy tư mới được giãi bày. Cái khoảng cách, ngăn trở trong tình yêu được anh hóa giải bằng niềm an ủi của thơ:
Phải chăng vì đã do tiền định
Gặp rồi luyến mấy cũng ly tan
Phải chăng hai đứa duyên không phận
Nên cuộc tình nay phải lỡ làng.
(Chuyện tình-2)
Và anh xem đó là nỗi đau ngọt ngào:
Tình thôi nuối vẹn ngàn sau
Đời vui vì những nỗi đau ngọt ngào.
(Nỗi đau ngọt ngào)
Nỗi nhớ tiếp theo trong tập thơ này là nỗi nhớ về làng quê, về nhưng vùng miền anh đã đi qua, mà giờ đây chỉ còn lại trong ký ức, chỉ còn là kỷ niệm được cất giữ nơi đáy tim. Nỗi nhớ ấy hòa cùng nỗi nhớ cố nhân:
Nhớ gì lau trắng bờ đê
Nghiêng soi chiều vắng sông quê lặng tờ
Trà giang con nước lững lờ
Đò xưa bến cũ vẫn chờ cố nhân
(Sông Trà mùa cỏ lau)
Đò xưa bến cũ như nỗi niềm ám ảnh thơ Hoàng Thân. Anh nhiều lần trở về quê cũ để tìm lại một chút gì để nhớ, để thương, để mong có chút gì lắng đọng trong tâm hồn:
Ta về bến cũ nào đâu thấy
Hình bóng người xưa của một thời
Hoa gạo rụng đầy trên lối nhỏ
Biết đá rêu xanh có nhớ lời
(Bến cũ)
Có lần anh trở về Huế để tìm lại những tháng ngày xưa, tìm lại nụ cười duyên mà lòng cứ bâng khuâng mỏi mòn:
Trở về với Huế chiều nay
Chạnh lòng nhớ lại những ngày tháng xưa
…
Trở về tìm lại câu hò
Sông trăng còn đó võ vò bóng mai
Thuyền về Vĩ Dạ sầu ai
Sương khuya huyền hoặc thêm dài niềm riêng
(Trở về với Huế)
Và còn bao nỗi nhớ nữa, nhưng trong khuôn khổ bài viết tôi xin dừng lại ở đây. Phần “Trầm tích” của tập thơ dành bạn đọc phẩm bình. Tin chắc tập thơ này sẽ để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc.
P.V.H