16.8.2017-10:00
Tập truyện ký Dấu tích một thời của Thu Trang,
NXB Công an nhân dân, 2016
Chiến tích anh hùng một thời
BÙI VIỆT THẮNG
NVTPHCM- Hiện thực và huyền thoại: Dấu tích một thời kể về người Trưởng Đồn Công an lừng danh trong những tháng năm đầu tiên của cuộc kháng chiến chống Pháp – ông Khúc Thế Bảo (bí danh Vũ Hồng Thái, 1916-1988), được cấp trên điều động về làm Trưởng Đồn Công an xã Tân Dân, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Điều đặc biệt của con người này là, trước khi xung vào lực lượng Công an Việt Nam ông làm việc trong… sở Cẩm (Cảnh sát) của chính quyền cũ.
Thế mới biết sức cảm hóa lớn lao của Cách mạng và chính sách trọng dụng người tài của Cụ Hồ những năm đầu của chính quyền Cách mạng non trẻ phải gồng mình vượt qua bao nhiêu sóng gió. Vì sao lại làm được như thế? Vì lòng tin vào thiên lương của con người. Vì đoàn kết là sức mạnh của chính nghĩa. Chiến công của người anh hùng này thì cần một bảng liệt kê đầy đủ. Việc đó tác giả đã kì khu ghi chép và phản ánh toàn diện trong tác phẩm.
Về phía độc giả, họ thấy đây quả thực là một nhân vật mang màu sắc huyền thoại. Có lẽ đó là lí do chính để tác giả trong nhiều năm sưu tầm tài liệu và nghiền ngẫm để có một cách viết hợp lí cho sự ra đời của tác phẩm.
Con người và chiến công: Chiến công của Trưởng Đồn Công an Khúc Thế Bảo trước tiên là chỉ huy đồng đội phối hợp cùng nhân dân “diệt ác phá tề”. Nhưng có lẽ chiến công lớn nhất của người chỉ huy này là xây dựng “trận tuyến lòng dân”. Cái được lớn nhất của những chiến sỹ Công an nhân dân chính là “lòng dân”. Không có nhân dân đùm bọc che chở, hậu thuẫn thì lực lượng Công an khó có thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó (“Ông Khúc Thế Bảo và Đồn Công an xã Tân Dân “cắm chốt” ở đâu cũng được nhân dân tin yêu che chở. Những nguồn tin quan trọng về địch, về những kẻ phản động, chỉ điểm, làm tay sai cho địch… ban đầu phần lớn do nhân dân cung cấp”).
Là người chỉ huy, ông luôn nhắc nhở các thuộc cấp phải “Luôn biết ơn nhân dân, bởi họ là những người yêu nước”. Một người có địa vị chưa phải là cao như ông Khúc Thế Bảo nhưng nhận thức và tình cảm của ông thì đáng cho nhiều người noi theo. Câu “Lấy dân làm gốc” chúng ta vẫn nói hàng ngày nhưng việc thực hiện thì có lẽ còn rất xa. Con đường xa nhất là từ lời nói đến việc làm. Đó là một triết lí phản ánh những khó khăn, thử thách lớn lao hiện nay mà toàn Đảng, toàn dân phải vượt qua để sự nghiệp kiến quốc nhanh đi tới thắng lợi cuối cùng. Sau này, ở chức vụ cao hơn (Trưởng Công an huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, 1947-1950; Trưởng Công an huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang, 1951-1953), ở cương vị nào thì ông Khúc Thế Bảo vẫn giữ vững bài học nằm lòng “lấy dân làm gốc” để tấn công chủ động tiêu diệt kẻ địch (lúc này có cả bọn biệt kích rất hung hãn, tàn bạo và xảo quyệt).
Người ta hay nghĩ chiến công của một người thường khi chỉ được thể hiện ngoài trận tiền. Nhưng biết hài hòa tình riêng, nghĩa chung cũng là một chiến công anh hùng. Đọc phần Tình yêu và hạnh phúc, độc giả sẽ thấy một ông Trưởng Đồn Công an Khúc Thế Bảo rất người. Ông có một “mối tình kháng chiến” khá nổi tiếng. Ông có quê hương mến yêu và gia đình trong ấm ngoài êm. Điều đó cắt nghĩa về người anh hùng chính là con người bình thường mà vĩ đại. Họ không phải là những “siêu nhân”.
Tính chân thực của thể truyện ký: Trưởng Đồn Công an huyền thoại Khúc Thế Bảo đã đi xa cách nay 29 năm. Vậy nhưng đọc “Dấu tích một thời” thấy dường như ông vẫn hiển hiện kể chuyện cùng độc giả. Trong hình thức truyện ký, đòi hỏi tác giả phải vừa biết hư cấu vừa biết tôn trọng sự thật đời sống. Đây không phải là nơi để tác giả thỏa sức tưởng tượng hoặc bịa đặt tùy ý.
Câu chuyện về Trưởng Đồn Công an Khúc Thế Bảo được kể từ nhiều ngôi: Ngôi thứ ba khách quan, ngôi thứ nhất chủ quan (khi thì chính nhân vật Khúc Thế Bảo, khi thì đồng đội Nguyễn Đức Thịnh, khi thì bà Nguyễn Thị Quận – vợ ông Khúc Thế Bảo, Khi thì những người trong gia tộc họ Khúc, khi thì ông Vi Văn Thiệp – vốn là Công an huyện Lục Ngạn, cùng hoạt động với “ông Đồn Bảo”,…).
Chính vì nhân vật văn học được tái hiện từ nhiều góc độ khác nhau nên độc giả có cái cảm giác tin cậy về tư liệu “nói có sách mách có chứng” (phải kể thêm tài liệu gồm 39 ảnh như là phần phụ lục cuối sách), khiến cho câu chuyện được kể ra trọn vẹn. Đây chính là “văn học tư liệu”, “văn học phi hư cấu” (non-fiction) đang có nhiều cơ hội trở lại trên văn đàn hôm nay. Giải thưởng Nobel văn học 2015 trao cho các tác phẩm văn học tư liệu của nữ nhà văn Belarus – Svetlana Alexievich (“Chiến tranh không mang một khuôn mặt nữ”, “Lời nguyện cầu từ Chernobyl”).
Nói thế để chúng ta cùng tin tưởng và kì vọng vào tương lai của văn học tư liệu. Đọc “Dấu tích một thời” riêng tôi nhớ lại bộ phim tài liệu “Ông Đồn Bảo – Chuyện hôm nay mới kể” được phát trên Truyền hình Công an nhân dân (ANTV) từ cuối năm 2012. Từ phim đến truyện ký là một khoảng cách dài của những loại hình nghệ thuật khác nhau. Nhưng dẫu khác nhau về phương thức thể hiện thì vẫn giống nhau ở một mục đích nghệ thuật – tái hiện chân dung người anh hùng thời đại của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam “Vì nước quên thân vì dân phục vụ”.
Hà Nội, tháng 7.2017
>> XEM TIẾP THẾ GIỚI SÁCH…