(Vanchuongphuongnam.vn) – Theo tục lệ của người Việt, hàng năm cứ vào ngày 29 hoặc 30 tháng chạp, mỗi gia đình đều tất bật chuẩn bị mâm cơm tươm tất để cúng tất niên, thông thường tất niên tại gia đình người ta thường làm hai mâm cơm, một mâm cúng gia tiên tại bàn thờ ở trong nhà cúng tạ tổ tiên, ông bà, cô bác và một mâm cúng trời, đất, các vị thần linh ở trong sân trước nhà gồm các món như: con gà trống luộc, thủ heo (lợn), xôi, bánh chưng, cơm, cháo… để kết thúc một năm “mưa thuận”, “gió hòa”, gia đình bình an, hạnh phúc với mong ước cho năm mới sắp tới gặp nhiều may mắn, thuận lợi.
Dịp này, con cháu gần, xa cùng nhau tụ tập sum vầy quây quần bên mâm cơm, cùng chúc nhau những lời chúc tốt đẹp nhất và tiễn những điều không may mắn trong năm. Quê tôi thường cúng tất niên vào ngày 28, 29 tết, kết hợp mổ heo để ăn Tết. Nhà đông người khá giả thì làm 1 con, còn nhà ít người thì chia 2 (hai nhà 1 con), hoặc heo to thì chia 4 tức mỗi nhà 1 giò heo, kèm theo xương và 1 ít lòng. Riêng đầu heo không chia, chủ nhà có heo được dùng để cúng tất niên.
Heo do nhà nuôi thường cho ăn rau lang, cám, chuối, bắp, sắn, nên thịt nạt và thơm, ngon. Việc chia thịt ngày Tết nhà nhà đều làm heo, nên không khí thật vui, nhộn nhịp khi ngheo tiếng heo kêu eng éc xa gần rất vui tai. Ngày còn nhỏ, tuy nhà tôi còn nghèo, nhưng ba mẹ luôn quyết tâm nuôi một con heo cỏ, để dành đến tết làm thịt. Cũng có năm heo bị bệnh dịch, chết, thì phải chia thịt heo với bà con trong xóm, nếu có tiền thì đưa cho chủ nhà có heo, còn không đưa một ít, còn lại để trả bằng lúa mùa vụ đông xuân còn ở ngoài đồng.
Ngày ấy, tôi thường giúp ba như múc nước sôi xối lên lông heo để ba cạo lông và phụ giúp việc làm lòng heo, hái các loại rau như lá mơ, ngò… để làm dồi. Tất niên năm nào nhà tôi cũng làm dồi heo. Vì món này được nhiều người ưa thích. Ngon và vui nhất là bữa cúng tất niên khi có bà con, gia đình đông đủ, nên bữa tất niên luôn để lại ấn tượng nhớ lâu. Sau khi tất niên xong thì có thịt heo, mới gói bánh tét, bánh chưng cho ngày Tết. Tôi không quên lấy cái bóng đái của heo, rửa sạch rồi phơi ráo để thổi lên làm bong bóng.
Tuy nhiên, hiện nay người dân sống ở thành thị thường cúng tất niên sớm hơn (tất niên xóm), có nghĩa 5-7 hộ trong một xóm chung lại cúng vào khoảng thời gian từ ngày 20 đến 25 tháng chạp, để có thời gian lo cho việc gia đình trước khi đón Tết. Tất niên xóm ở thành thị có nơi còn tổ chức văn nghệ, hát hò, nhằm để tăng thêm niềm vui và nang tính đoàn kết “tương thân” cùng giúp đỡ nhau trong đời sống hàng ngày, biểu hiện nét văn hóa, văn minh trong khu phố.
Ý nghĩa của lễ cúng tất niên là để tri ân đất, trời, các vị thần linh, tổ tiên, ông bà, cô bác, các vị thần đã phò hộ bình an cho gia đình trong một năm qua. Mâm lễ cúng tất niên tùy theo điều kiện gia đình cũng như phong tục tập quán mỗi vùng mà thịnh soạn hay thanh đạm. Thế nhưng, một số thành phần bắt buộc không thể thiếu được trong mâm cúng theo phong tục của người Việt Nam gồm: hương hoa, vàng mã, đèn nến, trầu cau, rượu, trà, gạo, muối.
Tất niên là bữa tiệc thường niên của người Việt. Đây là phong tục tập quán lâu đời mang nét đẹp văn hóa dân gian của người Việt Nam, được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Cúng Tất niên không phải là mê tín, dị đoan mà thể hiện một nếp sống văn hóa, văn minh tâm linh của người Việt sau một năm làm ăn vất vả, vào những ngày cuối năm, mọi người đều dọn dẹp đường sá, nhà cửa sạch sẽ, tươm tất để cúng tất niên và chuẩn bị đón Tết.
Khách mời trong mâm cơm tất niên thường là các thành viên trong gia đình hoặc có thêm bạn bè thân và họ hàng trong thôn xóm, tùy theo khả năng và điều kiện kinh tế của mỗi gia đình để mời khách rộng rãi hoặc mời gọn. Những câu chuyện trong bữa cơm Tất niên là sự tổng kết một năm qua với những kết quả trong học tập, lao động sản xuất, hay nói cách khác là thành quả của gia đình trong một năm qua, được các thành viên, người thân, họ hàng trao đổi, chia sẻ với nhau về kinh nghiệm được rút ra trong cuộc sống, học tập, lao động sản xuất, cách “đối nhân xử thế”… để cùng nhau học hỏi cái hay, cái đẹp và rút kinh nghiệm những gì chưa tốt, với ước vọng, mong muốn năm sau sẽ tốt đẹp, thành công hơn.
Có thể khẳng định, bữa cơm tất niên là nét văn hóa, in đậm trong tâm trí người Việt. Đã trở thành một nét đẹp truyền thống, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” sâu xa của dân tộc Việt Nam về việc giáo dục chữ hiếu, hướng về nguồn cội, nhắc nhở cho con, cháu nhớ về những kỷ niệm, công đức của tổ tiên ông bà, đã đi vào trong tiềm thức, đời sống văn hóa người Việt từ hàng ngàn đời nay khi Xuân về, Tết đến.
V.V.T