Tây Đô – Miền tỵ địa của danh sĩ

725

Nguyễn Tấn Thành

(Vanchuongphuongnam.vn) – Trong thời kỳ Nam phần (Cochinchine) còn bị ảnh hưởng bởi ngoại bang, Cần Thơ vốn thuộc miền đất mới đất rộng người thưa. Như một vùng đất lành hiền hòa nằm giữa bốn bề sông nước với gạo trắng nước trong, trong gần hai thế kỷ qua, Cần Thơ – thủ đô miền Tây Nam bộ được xem như một vùng tỵ địa cho nhiều danh sĩ tài hoa đến từ mọi miền đất nước.

Từ hơn trăm năm nay, Tây Đô là địa chỉ đỏ hoạt động của nhiều nhà chính trị gia, nhà hoạt động cách mạng, văn nghệ sĩ yêu nước như: Trần Thanh Mẫn, Ung Văn Khiêm, Huỳnh Phan Hộ, Mai Văn Bộ, Lưu Hữu Phước, Trần Kiết Tường, Bùi Hữu Nghĩa, Phan Văn Trị (1830-1910), Kiều Thanh Quế (1947), Trần Quang Long (1941-1968)…

Nhà thơ Phan Văn Trị (1830-1910), là người nguyên quán huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Sau lên Gia Định học và đỗ cử nhân nên gọi là Cử Trị. Năm 1862, khi Pháp đánh chiếm Gia Định (1962), nhà thơ lánh về làng Bình Cách, Tân An, sống bằng nghề dạy học. Sau khi ba tỉnh miền Đông và ba tỉnh miền Tây lần lượt rơi vào tay Pháp, năm 1968, Phan Văn Trị lánh về sống hẳn ở huyện Phong Điền, Cần Thơ. Nơi đây, nhà thơ cưới bà Đinh Thị Thanh làm vợ, tiếp tục lo dạy học và làm thơ. Theo nhà văn Nguyễn Bá Thế, ngày ngày, Cử Trị mặc bộ áo bà ba trắng ngụ ý cùng với nhân dân để tang cho đất nước. Chính nhà thơ Phan Văn Trị đã đanh thép họa lại Mười bài thơ (Thập thủ liên hoàn) và một số bài thơ khác của Tôn Thọ Tường, đại diện cho nhóm sĩ phu hợp tác với thực dân Pháp. Cuộc xướng họa sôi nổi thể hiện lâp trường của hai phe trí thức lập trường khác nhau trong thời kỳ Pháp bắt đầu cuộc đô hộ Nam phần, tạo nên cuộc bút chiến nẩy lửa rất hào hứng trên văn đàn lúc bấy giờ.

Nhà thơ Phan Văn Trị

Tại thành phố “cầm thi” sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ (1940), thời gian trước cách mạng tháng Tám, nhân dân khởi đầu chuyển dân sang đấu tranh bằng vũ khí báo chí và văn nghệ. Các hội Khuyến học và Thi Văn đoàn rộn rịp thành lập. Nhóm Tây Đô Văn Đoàn ra đời với những thành viên vốn là trí thức uy tín trong làng văn, làng báo lúc gấy giờ như: Giáo sư Nguyễn Văn Kiết (1906-1987), bút danh Tây Đô Cát sĩ, Bác sĩ Lê Văn Ngôn (? – 1976) tức Bảo Hương, quê ở Bến Tre, nhà thơ Tố Phang (1910-1983) tức Giáo sư Thuần Phong Ngô Văn Phác quê ở Bạc Liêu… và Kiều Thanh Quế quê ở Vũng Tàu.

Nhà phê bình Kiều Thanh Quế (1917-1947). Ông có các bút danh: Mộc Khuê, Quế Lang, Tô Kiều Phương, Nguyễn Văn Hai. Xuất thân trong một gia đình có truyền thống yêu nước tại Bà Rịa, Kiều Thanh Quế có hai người em. Em trai là Kiều Nguyên Trung đã tham gia kháng chiến nay đã nghỉ hưu. Người em gái Kiều Thị Vạn là một cơ sở cách mạng nay đã mất. Thuở nhỏ, Kiều Thanh Quế học Tiểu học tại Bà Rịa, sau đó lên Sài Gòn học tại trường Trung học Pétrus Ký và cũng bắt đầu hoạt động trong các tổ chức yêu nước. Tốt nghiệp văn bằng Thành Chung (Diplôme d’Études  Complémentaires) – tương đương với Tốt nghiệp Trung học Đệ Nhất Cấp khi ấy, ông đi dạy học tại Tư thục Nguyễn Văn Khuê, nhưng chỉ được hai năm, Kiều Thanh Quế xin nghỉ dạy. Tình hình lúc bấy giờ, không khí đấu tranh sôi động của nhân dân Nam bộ đã nhen nhóm những tình cảm yêu nước trong tính cách và tâm hồn của chàng trai đất đỏ miền Đông. Định mệnh đã gắn chặt Kiều Thanh Quế với con đường nghệ thuật khi những truyện ngắn đầu tay được đăng trên tạp chí Tiểu thuyết thứ bảy vào những năm 1929 với bút danh Quế Lang.

Kiều Thanh Quế lúc này đang bị chế độ đương thời quản thúc tại Cần Thơ. Với sự giúp đỡ chí tình của anh em trong nhóm Tây Đô Văn Đoàn, Kiều Thanh Quế có nhiều thuận lợi trong việc cầm bút nhất là tập trung vào công việc phê bình văn học vốn là niềm đam mê mãnh kiệt trong đời mình. Đây là thời kỳ viết sung sức nhất trong quãng đời ngắn ngủi bốn mươi năm của nhà văn Kiều Thanh Quế. Thầy dạy tôi năm lớp Đệ Nhị ở Trung học Phan Thanh Giản (1958), giáo sư Phạm Thế Ngũ đã nhận định; “Ngay từ năm 1941, miền Nam đã cung cấp cho tạp chí Tri Tân những cây bút khảo luận xuất sắc: Lê Thọ Xuân, Tố Phang, Kiều Thanh Quế”.

Kiều Thanh Quế tập trung gởi rất nhiều bài phê bình văn học cho báo Tri Tân: Lều chõng, Cuộc hội ngộ Lan Khai – Sweig “Tội và thương” gặp “La peur”, Phê bình “Hàn Mặc Tử” của Trần Thanh Mại (Tri Tân 46, 1942)… Trước đó, trên tờ báo Mai của Đào Trinh Nhất, Kiều Thanh Quế đã có một loạt bài làm xôn xao giới phê bình văn học lúc bấy giờ như: Bỉ vỏ của Nguyên Hồng, Làm đĩ, Thanh niên S.O.S, Người đàn bà trần truồng và quan niệm tình dục trong văn chương Việt Nam (Mai, 27/9/1939),… Dù sở trường ở lĩnh vực phê bình, Kiều Thanh Quế vẫn không thờ ơ với địa hạt nhạy cảm của xã hội là vấn đề tình dục. Nhà văn đã viết hai cuốn tiểu thuyết về chủ đề luyến ái: Hai mươi tuổi (Nxb. Đức Lưu Phương, 1940) và Đứa con tội ác (Nxb. Mai Lĩnh, 1941).

Sau khi nhận thấy thử nghiệm với tiểu thuyết, Kiều Thanh Quế quay lại với thế mạnh nổi bật của ông là nghiên cứu – phê bình văn học. Vào những thập niên đầu thế kỷ 20, trong hoàn cảnh phức tạp của chính trị và những bộn bề của đời sống văn học và báo chí, vì một tư lợi nào đó, không ít nhà phê bình chưa làm tròn chức năng phê bình là “Tìm Đẹp trong Nghệ thuật”.  Đọc kỹ lại những tác phẩm phê bình của Kiều Thanh Quế, độc giả có thể nhận ra tác giả viết mỗi cuốn theo một ý đồ rõ ràng. Quyển “Cuộc tiến hóa văn học Việt Nam” cho độc giả một cái nhìn tổng quát trước về các chặng đường đi và sử phát triển của văn học nước nhà từ thuở có chữ nghĩa cho tới thập niên thứ ba của nửa đầu thế kỷ trước. Cuốn “Ba mươi năm văn học” được coi là một sự tính sổ cụ thể hơn văn học Việt Nam trong giai đoạn 1920-1950 qua lăng kính phê bình của Kiều Thanh Quế. Ở cuốn “Phê bình văn học”, Kiều Thanh Quế trước tiên định nghĩa thể loại phê bình, sau đó tiến hành phê bình các nhà văn nổi tiếng Pháp Émile Zola, Vũ Trọng Phụng. Theo ông, phê bình văn học là linh hồn của đời sống văn học, nhà văn không làm việc quảng cáo như kiểu con buôn, trả thù như một số đàn bà hoặc tiểu nhân, mà để chính đáng giới thiệu những người có tài năng, kẻ tài hoa không may bị chìm đắm trong bóng tối.

Trong khi Phan Văn Trị quê quán ở xứ dừa, nhà phê bình Kiều Thanh Quế ở Vũng Tàu thì nhà thơ Trần Quang Long, quê gốc ở Hà Nội, từng hoạt động ở Huế sau cùng bị ruồng cũng lánh xuống  tỵ nạn tại Cần Thơ để vừa đi dạy học vừa làm văn nghệ đấu tranh.

Nhà thơ Trần Quang Long (1941-1968), nguyên quán ở Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội. Cha mẹ anh là ông bà Trần Quang Minh có 18 người con, khi vào định cư ở Huế sinh ra Long là con trai thứ 5. Ông Minh đặt tên các con gái đều là Liên nhưng đến cô gái thứ 12, Long xin cha đặt tên em gái là Kiên Trinh vì trong tâm thức anh đã hé mở ra trước con đường dấn thân đấu tranh cho Tổ quốc. Long bắt đầu làm thơ từ lúc 17 tuổi khi anh học Đệ Nhất (nay là lớp 12) trường Quốc học Huế. Những bài thơ tình học trò đầu đời đã chứng tỏ anh khả năng làm thơ tinh tế của anh: “Sao em biết anh nhìn mà nghiêng nón…/ Bước nhẹ nghe em kẻo động vỡ tơ chiều… (Nghiêng nón). Những năm ở tuổi hai mươi, Trần Quang Long đã có những vần thơ nói lên nỗi lòng đau đáu trước thời cuộc: Ừ thôi em ở lại/ Còn gì nữa mà mong/ Quê hương mình điêu đứng/ Nhạt phai những má hồng/… Thơ Long làm từ những năm còn học Đại học (1961-1962), đã có dấu hiệu của ý thức phản kháng.

Nhưng khoảng thời gian 5 năm (1963-1968) ngắn ngủi cuối đời, Trần Quang Long mới thực sự dấn thân vào thơ và cuộc đời tranh đấu cho quê hương. Thế là Trần Quang Long bắt đầu sát cánh cùng lực lượng sinh viên Phật tử đấu tranh từ đó. Anh là người sáng lập ra Phong trào Sinh viên Học sinh chống chế độ gia đình trị Ngô Đình Diệm. Trần Quang Long phụ trách luôn ban Báo chí của Tổng hội Sinh viên Huế, chủ trương tạp chí Đất mới, sáng lập nhóm Thanh niên chống xa hoa phóng đảng đồng thời mở Quán Bạn, nơi lui tới của sinh viên học sinh Huế. Thực chất đây là tổ chức chính trị của sinh viên chống âm mưu ru ngủ thanh niên của đế quốc Mỹ và chế độ bù nhìn đương thời ở miền Nam. Tháng 8 năm 1963, Trần Quang Long bị tay chân Ngô Đình Diệm bắt bỏ tù. Trong thời gian nhà thơ Trần Quang Long bị giam ở Huế, có một mục sư được chính quyền đương thời cử đến nhà giam, đề nghị nhà thơ ký tên vào tờ cam kết để được bảo lãnh, trở về đoàn tụ với gia đình. Trong văn bản soạn sẵn trước có câu: “Chúng tôi trẻ người non dạ, bị Việt Cộng lợi dụng…” Giữ thái độ phớt tỉnh như không có gì, Trần Quang Long từ chối ký tên, mỉm cười với lời diễu cợt: “ Bạn bè ở tù hết, về trước một mình chơi với ai?”. Khi anh em Ngô Đình Diệm bị giết, Long mới được trả tự do. Ra tù, anh tiếp tục ra báo và in các tập thơ: Sinh viên Huế, Đất mới, Dân (1964). Anh Nguyễn Hữu Ngô, em rể Long, chồng chị Kiên Trinh, nhắc lại: có lần ra Quảng Trị, Trần Quang Long đã đến đầu cầu Hiền Lương đăm đăm nhìn lá cờ Tổ quốc hoành tráng, phất phơ trên đỉnh cao cột cờ bờ Bắc. Long vội bảo anh Ngô và Hoàng Phủ Ngọc Tường chụp cho tấm ảnh mình đứng dưới lá đỏ sao vàng đang đường bệ tung bay bên kia bờ giới tuyến.


Nhà thơ Trần Quang Long.

Với Trần Quang Long, những bài thơ nổi tiếng nhất được sáng tác trong giai đoạn anh về dạy học tại Cần Thơ là: Thưa mẹ – trái tim, Lớn lên không ngừng, Nụ cười chiến thắng… Ấn tượng nhất là những câu thơ như lời tuyên thệ, về tình cảm anh với mẹ cha và đất nước: “… Trả thù cho cha, rửa hờn cho nước/… Nếu thơ con bất lực, con xin nguyện trọn đời/ Dùng chính quả tim mình làm trái phá/ Sống chết một lần thôi”. Trong bối cảnh nhà cửa thành phố nhan nhản những khẩu hiệu “Mỹ cút về đi, viết trắng tường/ Bải khóa, đình công đỗ xuống đường” (Trần Quang Long), bài thơ “Thưa mẹ, trái tim” của anh xứng đáng là viên ngọc quý long lanh trong đại ngàn thi ca yêu nước của dân tộc.

Tóm lại, ta có thể nói, cuộc đời và sự nghiệp văn chương được tinh kết bằng ý chí quyết thắng của Lý Thường Kiệt (Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời), chất thép của Hồ Chí Minh (Nay ở trong thơ nên có thép), bom đạn của Sóng Hồng (Mỗi vần thơ, bom đạn phá cường quyền), trên dáng đứng tầm cao thế kỷ của Lê Anh Xuân. Các danh sĩ khi lánh về Tây Đô, thực sự đã tạc nên những vần thơ mãnh liệt về tình yêu tổ quốc không phải bằng mực tím mồng tơi mà bằng những dòng máu nóng của trái tim mình trên chính mảnh đất quê hương. Tác phẩm của những văn nghệ sĩ yêu nước khi ở miền tỵ địa Cần Thơ thực sự đã làm nên bản tuyên ngôn thi ca về lòng yêu tổ quốc – một thông điệp văn chương gởi cho kẻ thù cùng bọn bồi bút, không chỉ riêng của một thời chống Mỹ: “Con sẽ vót nhọn thơ thành chông/ Xuyên vào gan lũ giặc/ Con sẽ mài thơ thành kiếm sắt/ Chặt đầu văn nghệ tay sai” để cảnh báo trước cho mọi mô hình xâm lược nào dù chỉ một cành cây, một tấc đất của non sông  hoa gấm Việt Nam.

N.T.T