Tết Đoan ngọ trong ký ức – Tản văn của Phạm Văn Hoanh

863

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tết Đoan ngọ trong ký ức tuổi thơ tôi là một ngày đẹp vô ngần. Ngày đó, cứ đến đầu tháng Năm âm lịch, bọn trẻ con chúng tôi đứa nào cũng háo hức mong đến ngày tết Đoan ngọ, để được ăn nhiều món ngon. Còn người lớn thì lo sắm sửa các lễ vật chuẩn bị cho ngày Tết.

Nhà văn Phạm Văn Hoanh 

Thuở ấy, quê tôi còn nghèo lắm, đến mùng bốn mẹ mới đi chợ bán mấy con gà, mấy con vịt, mấy quả bầu, quả bí… để mua các lễ vật cho mâm cỗ ngày mùng năm. Mâm cỗ ngày tết Đoan ngọ rất tươm tất. Ngoài cơm, canh, cá, thịt, chè, xôi, trà, rượu… thì bánh và trái cây là những lễ vật không thể thiếu. Cha tôi bảo rằng: Tết Đoan ngọ cũng thiêng liêng không kém gì tết Nguyên đán. Đây cũng là dịp để cả gia đình đoàn tụ, sum vầy sau gần nửa năm bươn chải. Khi lễ vật đã đặt đầy đủ trên bàn thờ gia tiên, cha tôi thắp nhang khấn vái. Tôi đứng khoanh tay trước ngực chờ cha cúng. Chao ôi, mùi khói nhang bay nghi ngút hòa quyện mùi hoa quả, rượu trà… lan tỏa trong không gian ngôi nhà một mùi thơm thật thiêng liêng, thành kính; nó mãi mãi in đậm nguyên vẹn trong trái tim tôi đến tận bây giờ!

Cúng xong, cả nhà cùng nhau bưng xuống, rồi quây quần bên mâm cơm. Bữa cơm thật đầm ấm, cả nhà trò chuyện râm ran. Ăn xong, cha tôi bắt tôi trèo lên mấy cây mít, còn ông đứng dưới cầm cái rựa chặt tới tấp vào thân mít. Vừa chặt ông vừa la “Mít! Mày có chịu ra trái cho tao không?” Tôi ở trên cây trả lời “Dạ, con sẽ ra trái, cha đừng chặt con nữa!”. Ông hỏi: “Ra nhiều hay ít?” “Dạ ra nhiều”. “Mày nhớ nghen! Chừng này sang năm mà không có trái, tao chặt mày”. “Dạ con sẽ ra trái thật nhiều cho cha”. Sau đó cha tôi chặt hết những nhánh sâu, nhánh già. Mà không riêng gì cha tôi, cả làng ai cũng thế. Vui ơi là vui! Xong rồi, cha dẫn chị em tôi chạy đi kiếm lá mồng năm, còn mẹ tôi ở nhà dọn dẹp. Ngày ấy nhà nhà đi hái lá mồng năm, nên ai cũng tranh thủ vừa đi vừa chạy. Vả lại hái nhanh kẻo hết giờ ngọ lá cây mất hiệu nghiệm. Lúc này bọn trẻ con chúng tôi là vui nhất. Đứa nào cũng hò hét, la ó, xí phần nhau. “Bụi này của tao”. “Bụi kia của tao”… Hình như cây cỏ trong thiên nhiên đều là vị thuốc cả, nên nhiều người thấy cây gì cũng hái. Nhưng cha tôi thì không. Ông chỉ hái những lá cây quen thuộc như cây mâm xôi, cây lá vằng, dây tơ hồng, đinh lăng, ngải cứu, cỏ gấu, cỏ mần trầu, chó đẻ, mã đề, lá sả, lá tre, lá lốt, rễ tranh, rau má, râu bắp… Cha tôi bảo Các cây lá này tuy dân dã, nhưng là những vị thuốc chữa được rất nhiều bệnh”. Hái xong đem về cha mẹ tôi băm nhỏ ra trộn đều rồi phơi nắng, để dành nấu nước uống thay chè.

Thời gian trôi đi, chị em chúng tôi trưởng thành, rồi đi làm ăn phương xa, ngày tết Đoan ngọ ít khi có nhà, để cha mẹ buồn thiu bên mâm cơm cúng gia tiên, nhưng biết làm sao được.

Bây giờ, tôi đang miên man với những dòng đầu tháng năm, mà lòng chợt ước được quay về tuổi thơ ngày ấy, để ngày tết Đoan ngọ được cùng cha đi hái lá mùng năm, để được cùng cha mẹ thưởng thức những quả mít, quả mận, quả ổi… từ vườn quê mát lành.

P.V.H