Tết dọc miền Tây – Bút ký của Trọng Bình

941

(Vanchuongphuongnam.vn) – Năm nay thì khác, tôi chọn cách bắt xe đường dài, chứ không đặt trước nữa. Chiều 26 Tết bố con lóng ngóng dưới chân Cầu vượt Ngã tư An Sương. Năm nào cũng vậy, tìm xe về quê ăn Tết là bài toán chưa bao giờ sách giáo khoa có lời giải.

Tác giả Trọng Bình 

Bỗng một tài xế trẻ giọng miền Tây ngồi bàn bên cạnh lên tiếng:

– Cha con anh về quê ăn Tết hả?

– Ừm! Tôi ngoái đầu đáp.

– Anh về tỉnh nào?

– Cà Mau.

– Lên đi em cho giang. Chứ đón xe giờ này khó lắm.

– Ôi! Tốt quá. Cảm ơn em!

Cậu ta tên Du, là tài xế đường dài. Lái cho Hợp tác xã (HTX) vận tải Thuận Thành ở huyện Thới Bình tỉnh Cà Mau. Công việc là vận chuyển hoa quả từ chợ nông sản Thủ Đức về chợ Cà Mau. Dáng tròn, trắng trẻo, cái miệng cười rất duyên, ăn nói lịch lãm, vui vẻ. Đặc biệt là rất kinh nghiệm đường trường. Là những điểm “nhập hồn” ngay từ cái nhìn lần đầu của tôi.

Trái ngược với những định kiến của xã hội, cũng như chính tôi đã chứng kiến về những tài xế đường dài: Nào là thô lỗ, cục mịch, ứng xử thiếu chuẩn mực… hoặc có những hành động rất ngông – ngang. Thì đây là lần đầu tôi gặp gỡ một tài xế trẻ, ngoài lòng tốt, tôi còn ấn tượng với kỹ năng sống và những cá tính rất cởi mở của Du.

Mới 29 tuổi, nhưng Du đã có 8 năm ôm vô lăng đường trường. Ngày ngủ, đêm lái. Hành trình từ tận mũi Cà Mau đi Sài Gòn và ngược lại. Vào guồng công việc, một mình Du cầm chiếc tải 10 tấn này lên xuống “như cơm bữa”.

Chúng tôi trò chuyện về ngành nghề của nhau. Thật thú vị vì ngoài chứng kiến cuộc “di cư” lớn nhất trong năm. Tôi còn được chiêm nghiệm những câu chuyện về các cung đường phía trước tay lái của Du.

Du bộc bạch rất tự nhiên và cởi mở. Những ngày đầu mới vào nghề cũng chật vật vì còn “non xèo”. Dần dà thì làu làu những “mánh khóe – chiêu trò” của nghề tài xế. Từ tốc độ, tải trọng, hay khi cảnh sát giao thông “vịn vai”…. làm sao đều phải “Pan” qua hết. Miễn cho kịp giờ về, giao hàng hóa cho thương lái.

Cạnh chúng tôi trên tuyến đường xuôi miền Tây đón Tết là những đoàn xe. Trong đó, xe gắn máy nhấp nhô như những chú “gà con”, đeo đủ biển số các tỉnh. Nhìn như đoàn người du mục đang cưỡi lạc đà vượt hoang mạc.

Người lao động…! Vâng, phần lớn họ là những người lao động, đang di chuyển từ các nơi về đoàn tụ gia đình, vui xuân đón Tết. Một chiếc xe gắn máy cõng hai người, có cả em bé, phía sau là cặp, giỏ, lỉnh kỉnh balo, túi xách.

Trước mắt chúng tôi là một bức tranh đêm tấp nập, vội vã của những nông dân tha phương cầu thực. Họ… có lẽ! khiến chúng ta phải rung động và xã hội không thể không suy ngẫm!

Xe qua các vùng quê, hai bên đường lấp lánh sắc màu. Nào hoa quả, bánh mứt, bàn thờ Tổ quốc, những bài hát xuân đổ trên tiếng nhạc xập xình. Làm cho không khí đón xuân càng thêm rộn rã. Hơn bao giờ hết, đây là lúc hồn quê rộn rã nhất. Phải chăng tất cả như đang đợi chờ phút giây thăng hoa mà đất trời và con người cùng lên tiếng?

Du kể cho tôi nghe về hành trình của mình trong những tháng năm qua. Tôi ấn tượng nhất là việc Du thường xuyên giúp đồng nghiệp trên đường. Ứng xử hài hòa khi xảy ra biến cố. Những khó khăn trục trặc về động cơ khi phải xử lý một mình. Đặc biệt quan trọng là khi không có chủ hàng và chủ xe đi cùng.

Tôi hỏi: Niềm vui của em khi lái xe là gì?

– Đường vắng, không buồn ngủ. Du trả lời nhanh và cười tươi.

– Thế em ‘’trị’’ cơn buồn ngủ bằng cách nào?

– Cũng có nhiều cách anh ơi! Em thì thường gọi điện thoại nói tàm xàm với nhóm bạn, tụi nó có thể trên đường hoặc ngược chiều với em. Tụi em có một nhóm, mỗi thằng lái cho mỗi chủ, khung giờ và cung đường khác nhau. Nhưng quy ước là như nhau. Cứ điện thoại reo là phải nghe máy, đó là động thái cho biết hãy “giết” cơn buồn ngủ.

Bỗng điện thoại reo dồn dập. Đó ông Việt gọi em nè! Du liếc điện thoại và giải thích.

Du và Việt luyên thuyên đủ chuyện, chủ yếu là những gì xảy ra trên đường, hay là xe của thằng này đã đi đến đâu, có gặp trục trặc gì không, hàng hóa như thế nào?!…

– Em nói với Việt xong thì em lại gọi cho anh Thảo. Nhóm tụi em cứ luân phiên làm như thế. Hoặc, có lúc, em sẽ phải chọn chỗ dừng xe ngủ nhanh khoảng 10 phút. Trong nhóm anh Thảo là người lớn tuổi, đĩnh đạc nhất, nhiều kinh nghiệm đường trường nhất, nên bất cứ gì khó khăn tụi em đều hỏi ý anh ấy.

– Em còn có cách này. Vừa nói Du vừa chỉ ra cái miếng nhôm phía sau. Khi không ai nói chuyện thì Du mở cửa sổ cho gió lùa vào, làm cho miếng nhôm gõ vào thùng xe, phát ra tiếng động cho vui tai.

– Vì sao em lại chủ động hỏi thăm và cho bố con anh đi nhờ xe? Tôi hỏi.

– Em cũng không biết nữa. Em thấy con bé nhìn phong trần, thương quá, nên em buột miệng hỏi anh. Chắc anh em mình có duyên. Mà mình lại cùng quê Cà Mau nữa.

– Um! Cảm ơn em. Trước giờ em giúp nhiều trường hợp như anh chưa?

– Cũng có! Anh thấy đó, xe cộ coi hành khách không ra gì! Họ làm giá, nặng nhẹ với khách, cơ hội cho các tay cò chèo kéo khách. Cuối cùng người dân phải gánh chịu hết. Biết nói sao giờ? Xã hội mà anh, giúp ai được chút là vui cho đời lái lắm rồi.

– Ừ! năm ngoái Bố con anh cũng bị nhà xe bỏ. Năm nay anh không đặt trước nữa mà ra đón xe, may mà gặp em cho đi nhờ.

– Vậy hả anh?

– Ừ! Nhà xe nhận lời đặt vé của anh, nhưng khi ra Suối Tiên chờ xe thì không có. Điện thoại họ không nghe máy, Bố con anh cũng phải bắt xe dù về quê.

***

Xe chúng tôi cứ lao vun vút trong màn đêm khuya. Nhìn qua thấy con gái tôi đã ngủ tự lúc nào. Dù sao cũng cảm ơn những câu chuyện của Du, đó cũng là một tiết đạo đức bổ ích cho cháu qua thực tế cuộc sống đời thường.

Trước mặt chúng tôi là cây cầu Mỹ Thuận cao vút lung linh bên dòng Sông Tiền. Du lấy trớn cho xe lao lên, nhưng không được vì phía trước một chiếc xe tải đang gồng mình lên dốc. Thế là xe của Du cũng bị tình trạng tương tự.

Nước Sông Tiền theo gió lên mát rượi, hai bên thành cầu người đông nghẹt như đi hội. Dòng xe xuôi ngược giữa dòng đời vội vã. Chiến binh “ngựa sắt” cũng được nghỉ ngơi chờ chủ dừng chân hóng gió. Nhịp đời tròng trành khiến cho dây văng của chiếc cầu căng tràn trách nhiệm hơn mọi ngày. Ánh sáng của điện thoại lia lia, ghi lại khoảnh khắc tên cây cầu huyền ảo và mãnh liệt sức sống. Nhìn những khuôn mặt mệt nhọc, như đang cùng lắng nghe bản giao hưởng đây sắc màu đoàn tụ, cũng đủ để cho ta cảm nhận được cái mong muốn trở về nhà trước ánh bình minh của họ biết dường nào!

– Vậy, cái buồn của em khi cầm lái đường trường là gì? Tôi hỏi.

– Dạ! Cũng nhiều… nhưng lo lắng nhất là kẹt xe, hàng hóa về không kịp. Lỡ hết chuyện của bạn hàng. Anh coi kìa. Hai bên đường cứng hết trơn. Không biết bao giờ mới có được con đường ngon lành để miền Tây thoát khỏi vụ này? Con đường nhìn như chiếc áo Chị Dậu.

Nỗi lo này đâu phải của riêng Du! Ai cũng tránh kẹt xe nên chọn đi ban đêm cho mát, đi đường tắt, đường tránh. Nhưng rồi họ lại gặp nhau ở một chỗ, đó là điểm đường “kẹt xe”. Tội nhất là những người đi kiếm kế mưu sinh, không mua được vé xe về quê ăn Tết, như trường hợp của tôi là ví dụ.

Nhìn em bé ngủ xuyên đêm trên tay mẹ, cha em cắn răng để chắn cái lạnh cho hai mẹ con. Những người phụ nữ chân yếu tay mềm, đội sương hít khói, hứng chịu bụi bặm đường xa. Những người đàn ông gầy gò, phì phò với điếu thuốc để đánh đuổi cái lạnh. Tất cả đều phải vượt qua để “Về quê đón Tết”. Vô tình trộn vào nhau, như một bức họa đa sắc màu, cần được ngắm kỹ và suy nghĩ nhiều.

Bỗng điện thoại của Du reo lên! Một cuộc trò chuyện rất dài. Buông điện thoại Du nói “Tám xàm với ông An cũng đỡ buồn ngủ chút xíu, ổng đang trên đường lên. Sắp tới cầu Cần Thơ rồi đó anh! Cũng y cầu Mỹ thuận thôi! Kẹt kiểu này chắc về không kịp xuống đồ”.

Du cho xe dừng cạnh trạm Thu phí cầu Cần Thơ. Cậu ta than thở “Ui, phê quá! Mình đậu đây tranh thủ ngủ vài phút nhé anh!” Nói rồi Du ngả ghế thiếp đi một cách nhanh chóng.

Thật vậy! Dòng người chen chúc như nêm. Xe và người gập gềnh xuôi về Phương Nam. Nhìn họ thật can trường, tất cả hối hả cho một cái Tết xum vầy. Du cũng vậy, cũng đầy lo lắng cho xe hàng của mình. Về tới Cà Mau còn phải giao xuống các huyện Thới Bình, Đầm Dơi… cũng là để đáp ứng nhu cầu cho nhân dân đón Tết.

Trên đoạn dường chúng tôi đi, cảm giác như một cuộc diễu hành. Nhìn xuống đường không bao giờ thiếu xe máy, lúc nào cũng san sát nối đuôi. Càng gần về sáng, xe càng thưa dần, Du tăng tốc độ cho xe nhanh lên một tý. Có lẽ, những chiếc xe máy kia đã vào bến, chủ của nó cũng đang ấm áp trong vòng tay của gia đình người thân.

Hành trình kết thúc. Cha con tôi nhận ra một điều, là trong khó khăn còn nhiều cái may mắn và sung sướng ẩn chờ mình. Bởi xung quanh ta, người tốt bụng vẫn còn đây đó. Bất giác trong tôi, hàng loạt câu hỏi trắc ẩn thức dậy: Ngày mai, ngày mốt, thậm chí là mồng 1 Tết, có còn ai phải ra đứng giữa lòng đường ở một nơi xa lạ, đón xe như Bố con tôi không?! Có còn một tài xế Du tốt bụng chở cái Tết cho những người vãng lai nữa không? Xuyên qua bóng tối có còn những em bé với giấc ngủ thơ ngây trong vòng tay mệt nhoài của Mẹ nữa không?

Tôi nhận được một bài học sâu sắc quý giá từ Du, từ anh Thảo, Việt, An, Cảnh… những ‘’người thợ lái’’ như con vạc đêm. Họ rong ruổi với những cung đường, lòng tốt ở khắp mọi nơi, sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau mọi lúc. Nhưng mọi nơi và mọi lúc phải cần gặp nhau nhiều hơn. Để trong đời sống, ngoài xã hội lúc nào cũng sẽ là một thực thể văn minh. Cảm ơn Tết cổ truyền của dân tộc, đã đưa chúng ta đến với những câu chuyện cổ tích đời thường… Đó là những câu chuyện về nghề tài xế, đó là câu chuyện mà ở đó bức tranh về quê đón Tết bừng sáng hơn cả. Bừng sáng trong gian truân và bừng sáng cả trong sự đánh đổi… Tất bật quanh năm, tất cả cũng chỉ để dành cho chữ Tết mà thôi.

T.B