Tết hồi xưa – Tuỳ bút của Trần Ngọc Hiếu

223

(Vanchuongphuongnam.vn) – Rộn ràng chăng tháng chạp bây giờ lại nhớ tháng chạp của ngày xưa?

Nói là hồi xưa nhưng thật ra thì có xa xôi gì lắm đâu, hồi đó tôi đã bắt đầu “Nhổ giò” theo cách nói dân gian: “Thằng nầy coi lớn đại bây!” Nghĩa là khoảng năm 1972-1973, bắt đầu qua khỏi hai mươi tháng Chạp là xóm tôi bắt đầu xôm tụ, bắt đầu lo dọn tết. Đầu tiên là quét vôi, hồi đó làm gì có sơn nước. Hễ tết đến là bắt đầu mua vôi cục hay còn gọi là vôi Càn Long về ngâm để quét, ông nội tui nói vôi bột không bằng. Nội tui nói tiếp: Quét vôi là để bảo quản tường nhà lâu hư mục, vừa làm đẹp vừa có tính sát trùng giảm bớt ruồi bu, muỗi bám. Hợp vệ sinh nhà cửa tốt cho sức khỏe con người. Tôi còn nhớ mãi một kỷ niệm để đời mà không bao giờ quên được, số là mấy năm trước nội tôi thường ngâm vôi rồi lọc vôi, pha màu sẵn tôi chỉ có nhiệm vụ quét và bắt lằn chỉ sát chân tường cho đẹp, vì nội nói trong nhà chỉ có tôi là khéo tay nhứt vì hai bàn tay nó có quá trời hoa tay ốc xoắn. Ấy vậy mà chủ quan không hỏi trước sau, mua 20kg vôi tôi mang bỏ hết vào lu với mấy miếng a dao xong rồi mới đổ nước vào. Nhìn vôi sôi sùng sục, bốc khói tỏa hơi nóng rồi nước khô dần, hễ nước sôi vừa hơi khô là tôi châm nước miết, một hồi vôi nở cứng ngắt, cái lu kêu cái rắc là xong, cái lu mái vú bể vỡ vụn ra gần cả chục miếng tiêu đời cái lu nước bằng sành. Tôi bị nội tôi chửi một chặp là “Đồ ngu”. Mà thiệt tình là ngu thật, may mà cái lu ngâm vôi để sát mé bờ sông kinh Rạch Ruột Ngựa, nên chỉ đi mượn cái vá lùa xuống mé sông là rảnh nợ. Quét vôi xong là bắt đầu mua sơn Bạch Tuyết màu dương nhạt về để sơn một bộ cửa cái và hai bộ cửa sổ. Nhà cất kiểu mặt dựng hồi xưa model là như vậy, người sang thì cửa gỗ thau lau làm kiểu bánh ú thì dễ sơn,  còn nhà tôi thì dùng kiểu lá sách. Nội tôi nói có khe hở để gió lùa vô cho mát, nên khó sơn thí mồ tổ, phải dùng cọ chọt vô khe lá sách cho đầy rồi mới pha sơn loãng vuốt lại cho bóng láng. Đặc quá thì nó đùn như pha bột bị ốc trâu. Nhờ nhà xài cửa lá sách, mà sau nầy tôi đi chơi khuya hoặc ham binh xập xám ở trụ sở NDTV về khuya khỏi cần kêu mở cửa. Vì kêu là lạng quạng ăn roi mây chớ hổng phải giỡn mặt nhà cầm quyền với ông tôi được. Cửa lá sách có hai chốt chịu trên dưới cửa đóng, chốt kéo vô cái bas sắt, chốt dưới thì gài vô cái lỗ của viên gạch bông. Còn khoá chính nằm ở giữa cài ngang bằng một cây sắt tròn 12 hoặc 14 ly. Nên khi muốn mở cửa dễ ẹt chỉ cần dùng sức kéo mạnh cửa ra ngoài, xong dùng hai ngón tay khều cây sắt chốt gài mấy cái là xong. Thời đó hiếm có trộm chớ bây giờ mà tôi mở vài ngày tụi nó để ý xong là nó dọn nhà sạch sẽ. Chắc tôi bị nội cạo đầu láng như dừa khô bằng búa. Sau khi quét dọn sơn sửa xong là đi Cholon mua bông giấy về để giăng treo trên nóc la phông nhà. Loại bông giấy làm bằng chất liệu giống như khăn giấy cuộn của hãng Mai Lan hồi xưa mỏng te như tờ giấy quyến. Chính giữa nhà cũng có treo một trái châu hình tròn màu ngũ sắc cũng bằng loại giấy nói trên. Chơi sang thì để luôn, sang năm thay cái mới còn nếu hà tiện thì qua ra giêng xếp lại cất vào tủ thờ chờ Tết sang năm mang ra treo tiếp. Có nhà thì mua treo lên vách bộ truyện tranh của họa sĩ Lê Minh, Lê Trí hay của ông họa sĩ nào đó lâu quá rồi cũng quên tuốt luốt, như Phạm Công Cúc Hoa, Nàng Út ống tre hay Lưu Bình Dương Lễ toàn là tranh truyện xưa tích cũ dạy con người biết Công Ngôn Dung Hạnh, Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín để sống ở đời. Tết hồi xưa chỉ cần có nồi hột vịt thịt kho tàu to chà bá lửa. Để ăn cho hết mùng vì hồi đó chợ nghỉ tết dài lắm, chắc hết hạ niêu mới nhóm chợ lại, chớ hông như bây giờ chợ bán hà rằm, quanh năm chỉ nghỉ có ngày mồng một tết. Còn buổi chiều 30 thì khoảng 2 giờ là đường phố vắng như chùa bà đanh, nhắm mắt cũng không đụng người. Rồi gà vịt thì dưới quê mang lên, chỉ mua hoa quả trái cây để cúng ông bà là xong. Hồi đó mâm ngũ quả thường có nãi chuối sau nầy người ta dị đoan nói chuối là chúi nhũi rồi bỏ dần, nên nó không còn nằm trên mâm ngũ quả cúng ông bà ngày tết của người dân Nam Kỳ lục tỉnh nữa, mà thay vào đó nào là bưởi, nho, bôm, lê chẳng hạn. Tết hồi xưa cúng trưa 30, khuya thì cúng đón giao thừa. Cúng xong nội tôi nằm im lắng nghe xem con vật nào cất tiếng đầu tiên thì gọi là chúa tể trong năm đó ra đời. Sài Gòn thì quanh quẩn chó, mèo, heo, gà, vịt hoạ hoằn lắm mới nghe chuột kêu chít chít. Chỉ có năm Mậu Thân 68 là đón chúa Xuân là những trái sáng hoả châu, tiếng đì đùng của bom rơi đạn nổ. Hồi nhỏ tôi rất khoái màn đốt pháo, đám tụi tôi canh me đến viên pháo gần cuối, nhiều khi chưa kịp nổ là nhào vô chụp đại. Có lúc bị pháo nổ trên tay đau rát thí mồ hên mà không gây thương tật, vì thời đó pháo phong nhồi bằng lưu huỳnh ít thuốc nên nó nổ tiếng hơi nhỏ và ấm chớ không như sau năm 75 pháo gì mà nổ to như súng đại liên, nên con nít nghịch pháo bị tét tay hoài. Xóm tôi hồi xưa là xóm nghèo của dân chạy giặc tản cư. Tay làm hàm nhai, làm ngày nào xào ngày nấy. Nhưng trong xóm thì Tài xỉu, bầu cua lắc ngày hai cử sáng chiều. Buổi sáng lắc gần chợ Ngã Ba, chiều thì dời xuống xóm bến đò Phú Định (nay là P10Q6). Đèn đuốc sáng trưng, người ta đi lại dập dìu, nếu có quay phim tư liệu chắc nước ngoài họ không thể nào tin được đó là một vùng cận ven đô, một khu nhà nghèo của một quê hương có chiến tranh, thuộc phạm vi Đô Thành Sài Gòn của những năm đầu thập niên 1970. Ông bà ngày xưa thường nói: Tháng giêng là tháng ăn chơi, có lẽ vì thế mà hầu như cả tháng giêng, người dân xóm tôi đích thực là chỉ lo mỗi cái việc ăn chơi, rượu chè, bài bạc  chớ hiếm khi nào nhắc hay nói đến việc làm giàu hay than nghèo, than khổ, còn tôi nói thật lòng thời đó tôi cũng đam mê bầu cua, tài xỉu với 13 lá dữ lắm, cũng hơi hư thôi, chớ may là chưa hỏng vẫn còn xài được. Nội tôi hồi xưa khó lắm, nhưng không phải chuyện gì cũng cấm đoán, vẫn cho anh em tôi chơi xả láng với câu phương châm: Chơi cho biết mùi đời, biết thói hư tật xấu, hơn, thiệt để sau nầy né tránh chớ hồi nhỏ không biết gì, sau nầy khôn lớn lao vô món nào mê luôn món đó là rục tùng, hết còn thuốc chữa. Hổng biết đó có phải là một nét đặc trưng về sắc dân Sài Gòn về những anh Hai lúa của cái xứ Nam Phần Lục Tỉnh hay không – Gợi một thời để nhớ…

T.N.H