Tết nhà chị – Truyện ngắn Hồ Xuân Đà

910

Nhà văn Hồ Xuân Đà

Ngày ba mươi tết, chị phải có trách nhiệm giúp mẹ dọn mâm cỗ để rước ông bà, những cơn gió chuyển mùa cứ se se lạnh, cứ làm cho chị muốn ngủ vùi trong chăn ấm – không muốn thức dậy. Thời gian rộn rã của ngày giáp tết nhanh chóng trôi qua đi, cảm thấy nuối tiếc lắm. Chị Vân ước ao mình có thể bước ra đường, hoà vào dòng người đang tất bật mua sắm tết. Chị cũng khát khao được thưởng hoa như những nhà hàng xóm thuộc tầng lớp trung lưu, thượng lưu. Còn thành phần như chị giữa việc bỏ tiền ra để lựa chọn một vài chậu hoa đẹp để thưởng thức khi mùa xuân về thật là xa xỉ.

Dù cho có giả bộ quên đi rằng tết đã tới gần thì chị cũng không thể quên được. Vì chị có tới hai đứa con. Trẻ con thì phải cần có tết. Trẻ con rất thích tết. Trẻ con mơ tới ngày tết. Chị cố tình cho qua đi cái cảm giác chộn rộn như bao người, chị bước vào cửa hàng bách hóa, chọn cho các con vài lốc sữa, vài cái bánh cái kẹo, mua làm quà cho thằng con trai khuyến tật câm điếc kèm khuyến mãi di chứng thần kinh một mô hình đồ chơi siêu nhân. Bà chủ tạp hóa nói:
– Sao em chiều chuộng con đến vậy. Để tiền xài tết chứ mua món đồ chơi này đắt tiền lắm. Phí lắm em ạ. Con nhà có điều kiện họ còn không dám mua.
– Thằng bé nhà em tội nghiệp, mồ côi cha khi mới lọt lòng. Bố bị tai nạn giao thông mất sớm. Em thì trầm cảm một thời gian dài. Những năm tháng đầu đời với quá nhiều biến cố. Giờ em muốn tạo cho con chút niềm vui. Thằng bé rất thích siêu nhân. Vì cảm thấy mình được mạnh mẽ và mơ ước sức mạnh nào đó.
– Vậy thì chị giảm cho em 20% đó. Cả năm mua đồ của chị. Thấy hoàn cảnh của em, chị cũng đau lòng. Mà sao giờ tai nạn giao thông nghiêm trọng quá em à. Mới hôm qua ở xóm trong chợ, con bà Na bán quần áo đi liên hoan với bạn về bị xảy ra tai nạn. Tết này chắc gia đình bà Na phải ăn tết trong viện rồi.
– Em sợ lắm chị ơi. Cái cảnh chồng em máu me giữa đường lộ còn ám ảnh em. Một vài ly với bạn thôi mà để lại trên vai người ở lại nỗi đau không bao giờ nguôi ngoai.
Nước mắt như muốn chực chờ rơi xuống trên đôi gò má của một người đàn bà góa chồng từ năm ba mươi tuổi. Vẻ ngoài đen đúa, những sợi tóc cứ xơ lên không bao giờ vào nếp, bộ quần áo nhăn nhít những dấu chân dấu tay của thằng con trai luôn quấy phá mẹ. Đã mười tuổi rồi, mà thằng bé có giây phút nào rời mẹ nó đâu. Hết thuốc men, cơm áo, nước uống cho con rồi chạy thầy thuốc – kiếm tìm nơi cho con có thể hòa nhập cộng đồng. Làm một người mẹ – góa phụ nuôi con đã là cái khốn đốn của kiếp đàn bà. Còn với chị Vân làm mẹ của một đứa trẻ khuyết tật thì gọi là gì? Khốn cùng lắm không?… Chị Vân không cảm thấy như vậy. Bằng chứng là chị vẫn thấy lạc quan, mỗi mùa tết về chị cũng rộn ràng làm bánh, làm mứt, làm dưa- náo nức đi chợ dù trong túi tiền có nhiều vẫn không dám tiêu.

Có rất nhiều lần chị đứng bên những gian hàng hoa tươi, từng giậu cúc, cây hạnh, chậu vạn thọ khoe sắc tung tẩy dưới nắng vàng ấm áp. Chị không kiềm lòng được đến hỏi giá từng loại, và rồi chị bất giác nhẩm tính số tiền còn lại trong ví của mình, chị đành hẹn lại hương sắc mùa xuân năm sau.

Chị hy vọng năm sau chị sẽ bản lĩnh hơn, rộng rãi hơn để có thể được thưởng hoa. Có bao nhiêu tiền đâu mà chị không vượt qua được chính mình. Dù cho chị có nghe hàng trăm câu kêu gọi “Đừng đợi đến tối ba mươi tết mới mua hoa” thì chị vẫn vô cảm như không nghe không thấy. Một nồi thịt kho, vài cái bánh chưng, quần áo mới cho con ba ngày tết vẫn là sự lựa chọn đầu tiên của chị. Tiếng hét đầy bức rức của đứa con như ràng như buộc chị phải cầm lòng với tất cả. Chị vẫn không thể tự mang lại mùa xuân cho mình. Cái láng lẩy thơm tho của những người đàn bà du xuân như một điều xa lạ với chị. Nhận thức mình đang tự bạc đãi chính mình mà sao vẫn không thoát ra được. Đó chính là bi kịch của một đời người.

Ba mươi tết – chiều ba mươi tết chị mang theo vài món ăn: thịt kho trứng, canh khổ qua, và ít dưa hành củ kiệu, cùng đòn bánh tét. Chị không quên mang theo hai lon Heliken, chở theo hai thằng con trai đến viếng mộ chồng. Chị và các con thắp từng nén nhang lâm râm khấn vái sau đó rưới từng dòng men mùi lúa mạch lên mộ chồng, chị vừa nói vừa cười:
– Tết năm nào ông cũng bảo bia Heliken là ngon nhất. Uống không bao giờ say. Nhưng nhà mình nghèo nên ông chỉ uống toàn rượu gạo pha cồn. Giờ tui mua cho ông cả thùng Ken để ở nhà, tết này tui cúng cho ông tha hồ uống.
Thằng con trai lớn đã hơn mười hai tuổi, đang lui cui nhổ vài cây cỏ dại quanh mộ bố nó, nghe mẹ nói vậy liền trả lời:
– Con thật không hiểu người chết rồi có ăn được đâu. Mà mấy ngày này ai cũng dâng cúng ông bà “Mâm cao cỗ đầy”rồi khấn vái – con thấy mệt. “Sống không lo – chết làm văn tế ruồi”.
Chị không thể hiểu ra, thằng bé mới tí tuổi mà ăn nói như ông cụ non, mà công nhận nó nói trúng hết đó chứ, trẻ con bây giờ khôn thật, nói được những điều mà người lớn không thể nghĩ tới được.

Những ngôi mộ nghi ngút khói hương, hoa quả và thức ăn. Ngày tết là ngày sum họp, đầm ấm bên gia đình, quay về nguồn cuội. Dù có muôn vàn ý kiến, lý lẽ khác nhau thì mùa xuân vẫn đẹp. Ngày tết vẫn vui. Vì chỉ có dịp này con người ta mới để ý quan tâm nhau nhiều hơn, sống nhân văn, tâm linh hơn một chút. Mùa xuân dẫu chưa thật đủ đầy nhưng chị Vân vẫn cho các con mình biết chút về nguồn cội. Tối nay nhủ thầm trong bụng nếu hoa còn bán, người bán vẫn giữ nguyên giá ban đầu. thì chị cũng gắng, nhất quyết phải mua một cặp chậu hoa cúc đẹp nhất để thưởng trước hiên nhà.