(Vanchuongphuongnam.vn) – Lần thứ nhất khi máy bay nghiêng cánh chuẩn bị đáp xuống phi trường Thành Vinh cũng là lúc ông tôi hạ huyệt.
Ảnh minh họa
Lần thứ hai khi bà nội trâng trối chờ tôi gặp mặt lần cuối thì bánh tàu cũng đã chậm chân hơn khoảnh khắc bà lìa đời. Tôi sinh ra bất mãn với sự vô thường và có lẽ cũng như bao người phải xa quê khác, ga bay, đường ray, bến xe là nơi chứng kiến những đứt- lìa.
Tết với tôi và đại bộ phận những người xa quê chẳng phải nỗi vui mà là bận bịu ưu tư. Giữa cái thời kì thóc cao gạo kém để trở về tụ hội khó như một giấc mơ. Bởi thế, mắt tôi thường ngấn lệ, bởi vì tôi yêu biết mấy mảnh đất cha sinh mẹ đẻ đó. Mà đời người cứ dăm ba lần lỡ chuyến tàu về quê thì cũng hết đời, nhân duyên hạnh ngộ với những thân yêu trong cái bất định vô thường của vạn vật là mong manh.
Với tôi tết trong kí ức là khi bắt đầu nghe tiếng ba lục lọi chai lọ trong tủ bếp chuẩn bị cho mẹ muối quả. Với tôi tết là khi gió bấc rít, mưa phùn rơi và nồi cá kho của Nội quện trong mùi khói lam chiều. Với tôi tết cũng là ngày giỗ của Nội, người thương tôi nhất mà tôi chưa kịp về để ném một cục đất lên quan tài.
Với những ngày giáp tết vẫn là hình bóng bà tôi bị sương mù nuốt trọn khi gánh mớ cá ra chợ, bà đã theo mẹ của mình đi bán cá năm mười ba tuổi cho đến tận cuối đời. Tôi đã ra đi ngày bà ngã bệnh và trở về khi bà đã chết trên cái chạn đá cũ đó. Bà đã om những nồi sấu bùi cho tôi ăn, bà đã dạy tôi học, đã yêu tôi nhiều, bà khi nào cũng có quà mỗi buổi chợ về. Bà kể về quá khứ nuôi ba, nuôi các chú phải lăn lộn buôn bán và mò cua bạt tép, ấy thế mà con vẫn chết đói. Tôi về khi bà đã yên giấc ngàn thu, chiếc xe tang đã lăn cọc cạch trên đường làng. Tôi vẫn nhìn từ xa như bức tượng câm, dường như tôi đã câm cảm xúc từ lúc xa quê, kìm nén những tang tóc thời thế mà sống, tồn tại và khát vọng đẹp đẽ.
Tôi muốn ôm bà vào lòng mà khóc ròng tháng năm. Đêm đầu tiên tôi ngồi sướt mướt cạnh linh cửu bà rồi ngủ thiếp đi lúc nào chẳng hay. Tôi đã mơ thấy bà giữa cánh đồng mênh mông, rét mướt ôm bọc thân, gió bấc tru tréo như con vật bị giết thịt. Giật mình tôi khóc lạc tiếng gắt gao lên từng hồi thê thiết thiết.
Có những người mang tâm thức của gió, phải tha phương cầu thực, có kẻ là hạt, “lạc địa sinh căn” bám sâu vào đất và ở yên nơi chốn ấy. Tôi là gió tự do, tự đi, đến và tự nếm trải đau thương. Từ khi bà_ người thân đầu tiên của tôi mất đi tôi thấu hiểu sự chớp thoáng của sinh mệnh. Chính vì thế dù khốn khó tới đâu tôi cũng sẽ cố gắng trở về mỗi dịp hoa đào gặp gió xuân. Bởi vì, ba mẹ cũng đã qua bên kia con dốc của cuộc đời…
Q.T